II. KỸ NĂNG TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
1. TUYÊN TRUYỀN TRỰC TIẾP (TUYÊN TRUYỀN MIỆNG) Một số hình thức tuyên truyền trực tiếp
1.1.1. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn pháp luật khiếu nại, tố cáo
Hội nghị tuyên truyền, tập huấn về pháp luật khiếu nại, tố cáo thực chất là một lớp học pháp luật nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho các học viên. Hội nghị tuyên truyền, tập huấn không chỉ trang bị cho học viên những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói chung mà còn cả những kiến thức nghiệp vụ có tính chất chuyên môn sâu để học viên có thể vận dụng được trên thực tế. Chẳng hạn như: thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; quy trình giải quyết một vụ việc khiếu nại, tố cáo; xử lý tình huống khi nhiều người khiếu nại, tố cáo về một nội dung…
Để các hội nghị tuyên truyền, tập huấn đạt chất lượng cao, cần chuẩn bị chu đáo tài liệu cho học viên; giảng viên cần nghiên cứu kỹ đối tượng học viên, trên cơ sở đó xác định rõ những nội dung học viên cần truyền đạt, chuẩn bị các tư liệu, tình huống để sát với đối tượng học viên. Trong thời gian tuyên truyền, giảng viên cần dành thời gian để trao đổi, thảo luận với học viên, qua đó thấy được những ưu điểm, thuận lợi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật. Việc tổ chức lớp tập huấn cũng cần phải hết sức chú ý các vấn đề như: bố trí thời gian hợp lý để triệu tập đúng, đủ học viên; có quy chế để việc học tập được nghiêm túc, nơi mở hội nghị tuyên truyền, tập huấn nên có trang trí, có phần khai mạc, bế mạc để lớp học trang trọng và tăng tính hiệu quả.
Cuối buổi tập huấn hoặc cuối khoá, giảng viên nên tổ chức viết thu hoạch hoặc kiểm tra, trao đổi để nâng cao ý thức, tinh thần học tập của học viên.