II. Kĩ năng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường
1. Khái quát về kĩ năng phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về kỹ năng. Những định nghĩa này thường bắt nguồn từ góc nhìn chuyên môn và quan niệm cá nhân của người viết. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều thừa nhận rằng kỹ năng được hình thành khi chúng ta áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Kỹ năng học được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó, luôn có chủ đích và
định hướng rõ ràng. Hay nói cách khác, ở đây kĩ năng được hiểu là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi.Kĩ năng trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật nói chung chính là năng lực hay khả năng của chủ thể được hình thành thông qua việc thực hiện một cách thường xuyên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, và khả năng này đã đạt tới tiêu chí, mức độ thuần thục, nhuần nhuyễn.
Giữa kĩ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, hình thức là cách thức tổ chức một hoạt động cụ thể, thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể do chủ thể tiến hành, vì vậy, kĩ năng tồn tại với ý nghĩa như một tiêu chí cao nhất mà các hoạt động cụ thể cần đạt tới, nghĩa là sự thuần thục, nhuần nhuyễn và đạt được hiệu quả cao nhất. Theo Luật phổ biến giáo dục pháp luật 2012, giáo dục pháp luật trong nhà trường là hình thức của phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, vì vậy, ngoài những kĩ năng của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường cũng có những kĩ năng riêng biệt mang tính chất đặc thù. Trong bài viết này, người viết chủ yếu đề cập đến một số kĩ năng cần trong phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung nhưng đồng thời cũng cần trang bị, bồi dưỡng, phát triển trong phổ biến, giáo dục pháp luật nói riền.