Nghề và làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN DU LỊCH XÃ CHIỀNG CHÂUMAI CHÂU – HÒA BÌNH (Trang 44)

7. Bố cục của đề tài

2.2.3. Nghề và làng nghề truyền thống

Qua điều tra thực tế mẫu tại 2 bản Lác và Pom Cọong thuộc xã Chiềng Châu, chúng tôi nhận thấy hai bản đều có nghề thủ công truyền thống là nghề dệt và làm rượu.

Hai nghề này không chỉ là một đặc trưng văn hóa mang tính dân tộc của người Thái ở Chiềng Châu mà còn là những nghề tạo ra sản phẩm bổ trợ cho hoạt động kinh doanh du lịch tại bản. Đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng bền vững.

Khi khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại bản, họ không chỉ tìm đến các dịch vụ lưu trú, ăn uống mà còn nuốn được thỏa mãn nhu cầu mua sắm các sản phẩm đặc trưng văn hóa tại địa phương, các mặt hàng lưu niệm. Nghề dệt thổ cẩm đã đáp ứng được nhu cầu đó.

Nghề dệt và làm rượu được người dân phát triển gần như song song. Tuy nhiên, xét về sự đa dạng các sản phẩm thì rõ ràng dệt thổ cẩm nổi trội hơn rất nhiều. Các sản phẩm của nghề dệt chủ yếu là khăn quàng, chăn, vỏ gối, trang phục truyền thống, túi, ví,… với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Qua chia sẻ của người dân, chúng tôi được biết sơ qua về kĩ thuật nhuộm vải của bà con. Người ta sẽ vào rừng lấy lá cây về để nhuộm vải. Lá cây cỏ nghọt cho màu xanh nhạt, hoa hòe cho màu đỏ hoặc màu cánh kiến, hồng nhạt, lõi cây mít cho màu vàng, hoa hiên thành màu đỏ, cóong cằm cho ra màu tím,…

Người ta sẽ đun sôi nước lá cây rồi nhúng búi sợi vào ngâm trong thời gian nhất định để được màu đậm nhạt theo ý rồi vớt ra phơi khô. Lần đầu tiên thường không dược màu sắc như ý vì khi phơi màu sẽ bị nhạt. Ta lại phải nhuộm lại, phơi khô cho đến khi nào được màu ưng ý thì dừng lại. Màu được nhuộm bằng nguyên liệu thiên nhiên nhưng lại có ưu điểm bền màu không bị phai khi giặt. Hơn nữa màu sắc cũng rất tự nhiên. Đây chính là thế mạnh của thổ cẩm Chiềng Châu. Nhưng bên cạnh đó, có một số màu người dân không

không tự nhuộm được mà phải nhập sợi nhuộm sẵn từ dưới xuôi lên. Đây là một điểm đáng lưu tâm trong chiến lược phát triển nghề dệt trong tương lai.

Các sản phẩm dệt tại đây chủ yếu được dệt từ sợi bông( người dân bản tự trồng bông dệt vải). Tính ưu việt của sợi bông theo người dân là mùa hè thấm hút mồ hôi, mùa đông giữ nhiệt rất tốt. Với vải tơ tằm, người dân cũng trồng dâu, nuôi tằn tự cung cấp sợi dệt cho mình. Tuy nhiên số lượng mặt hàng này tại hai bản Lác và Pom Cọong không nhiều, rất khiêm tốn so với vải sợi bông. Nguyên nhân là nguồn sợi tơ phụ thuộc nhiều vào con tằm. Bên cạnh các yếu tố về giống, thời tiết, mùa vụ, thức ăn( lá dâu) thì cách chăm sóc cũng rất quan trọng. Bởi có chủ nhà cho biết, vì chiều du khách nước ngoài tò mò muốn xem con tằm nên đã cho xem tằm. Tằm là loài rất sạch sẽ, kị mùi lạ, trong đoàn khách lại có người hút thuốc nên lứa tằm này sau đó gần như chết sạch.

Sợi tơ tằm được sản xuất kì công, đặc tính mỏng nhẹ nhưng giữ nhiệt tốt, màu sắc óng ả bắt mắt nên được nhiều du khách ưa chuộng, nhất là người Nhật.

Họa tiết trang trí trên các sản phẩm thổ cẩm thường là họa tiết rồng cụt đuôi( có tích riêng), voi, chim, hoa, lá, ngôi sao,.. đôi khi lại là hình người cưỡi ngựa được cách điệu. Trên một sản phẩm thổ cẩm thường có nhiều màu sắc, có tấm được dệt từ 5 màu xanh lá, trắng, tím, vàng, đỏ là tấm đặc biệt, có khi tại một gia đình chúng tôi đếm đươc trên một tấn vải có tới 9 màu sắc: xanh lá, xanh dương, hồng, đỏ, cam, vàng đậm, vàng nhạt, trắng, đen. Đây chính là một sản phẩm cao cấp có giá trị tiền mặt khoảng năm trăm nghìn đồng. Sự đa dạng của màu sắc phụ thuộc nhiều vào số lượng và loại họa tiết trang trí.

Đối với những sản phẩm thủ công như khăn quàng cổ, chúng tôi được người dân cho biết một ngày chỉ dệt được một chiếc thôi (giá khoảng 60.000 đồng), có những loại khăn phải mất hai ngày mới dệt xong( giá khoảng 80.000

đồng). Đối với những sản phẩm cao cấp khác thì thời gian còn lâu hơn nhiều có khi là vài tháng.

Đến với những bản người Thái ở xã Chiềng Châu, nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng về mẫu mã, chủng loại được bày bán trên các lối đi, dưới chân cầu thang nhà sàn. Nhưng trên thực tế, hầu hết thổ cẩm được bày bán hiện nay tại các điểm du lịch nơi đây không còn giữ được bản chất thuần túy của nó. Có thể do dệt thủ công cho năng suất không cao, nên ta có thể dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của các mặt hàng khác có nguồn gốc phần nhiều là từ Trung Quốc được trưng bày khá nhiều trong các gian hàng thổ cẩm của người dân. Điều này đã làm loãng sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Theo người dân cho biết: “trước đây, để dệt một tấm thổ cẩm, người ta phải mất nhiều tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Do mất nhiều thời gian như vậy, nên hiện nay, mọi người hầu như không trồng bông, trồng dâu để dệt vải nữa. Những tấm vải thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Mai Châu đa phần được dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý mang từ dưới xuôi lên”. Đây chính là nguyên nhân làm cho dệt thổ cẩm ở Mai Châu trở nên mai một, không giữ được hồn cốt như vốn có.

Sản phẩm thổ cẩm của người dân hai bản Lác và Pom Cọong thường có đặc điểm là họa tiết được cách điệu khá giống với họa tiết hình học, màu sắc thường là các màu nguyên bản được phối với nhau rất sặc sỡ nhưng đôi khi cũng có các gam màu trầm nhã nhặn. Do dệt thủ công nên bề nặt hàng thổ cẩn thường không được trơn láng, đôi khi có sợi bông nổi cộm lên, khỏang cách giữa các sợi dệt thường thưa trông có vẻ được liên kết lỏng lẻo, dễ bị sô lệch. Đối với vải tơ tằm, sợi tơ được dệt rất thưa, nếu không cẩn thận rất dễ làm sô lệch các sợi dệt. Sản phẩm tơ tằm thường được nhuộm bằng một màu nguyên bản hoặc để mộc.

Các sản phẩm được nhập từ ngoài địa phương nói chung thường có màu sắc nhã nhặn, bề mặt láng mịn, gần như không có lỗi dệt do dệt bằng máy móc, họa tiết khác hẳn với họa tiết dân tộc, rất dễ nhận biết, giá cả tương tự các mặt hàng thổ cẩm hoặc thấp hơn. Và trong đó cũng có một số sản phẩm giả thổ cẩm khá tinh vi, có họa tiết gần giống với họa tiết dân tộc nhưng lại được làm từ chất liệu pha ni-lông được nhập từ dưới xuôi lên. với vải bông của người dân trồng, họa tiết thổ cẩm khá sơ sài.

Du khách muốn phân biệt các mặt hàng có trong gian hàng của bản Lác và Pom Cọong có thể hỏi trực tiếp người bán hoặc dựa vào kinh nghiệm bản thân. Khách nước ngoài là những người từ xa đến, họ quan tâm nhiều đến sự khác biệt văn hóa nên rất thích những sản phẩm dệt thủ công đậm màu sắc văn hóa bản địa. Nhưng người bản địa thì có vẻ không mặn mà lắm. Người miền xuôi thích những sản phẩm vừa làm đồ lưu niệm được nhưng cũng phải mang tính ứng dụng nữa. Thực tế tìm được sản phẩm như thế rất khó vì sự khác biệt về văn hóa thẩm mĩ.

Đây là bài toán khó đối với nghề dệt trong vai trò là một nghề cung cấp dịch vụ bổ trợ du lịch. Thêm nữa đó là ở huyện Mai Châu nói chung và xã Chiềng Châu nói riêng, nghề dệt mặc dù có từ lâu đời, song đến nay vẫn chưa được chính thức công nhận là làng nghề truyền thống. Thực tế, trên địa bàn cả tỉnh hiện vẫn chưa có địa phương nào được công nhận là nghề truyền thống, làng nghề hay làng nghề truyền thống. Điều này là một trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nhiều địa phương.

Hiện nay, nhờ có sự hình thành HTX được sự hỗ trợ không nhỏ của dự án Jica (Nhật Bản) từ khôi phục, đào tạo, nâng cao tay nghề đến tìm kiếm mối hàng hướng đi mới của Hợp tác xã thổ cẩm Chiềng Châu như phần nào tháo gỡ được khó khăn đó, đồng thời vấn đề việc làm cho người dân địa cũng được tháo gỡ. Tại bản Lác xã Chiềng Châu đã có gian hàng cung cấp các sản phẩm

của hợp tác xã chủ yếu phục vụ khách nội địa. Những mặt hàng thổ cẩm tại dây có mẫu mã đa dạng từ túi xách, mũ, ví, búp bê, bọc sổ,… màu sắc, kiểu dáng trang nhã phù hợp với thị hiếu du khách nhưng cũng khá “bản địa” bởi cách trang trí tương tự các mặt hàng thổ cẩm chính thống. Theo chị Vì Thị Oanh – Phó chủ nhiệm HTX: “với tay nghề ngày càng nâng cao, các chị em xã viên đã thuần thục ở từng công đoạn từ dệt, thêu đến may hàng. Đặc biệt, mọi người đều sáng tạo trong đa dạng sản phẩm như: giày, dép, túi treo, móc điện thoại… được khách ưa chuộng.”

2.2.4. Văn hóa nghệ thuật

Nổi bật nhất ở người Thái về nghệ thuật dân gian có lẽ phải kể đến múa. theo các nhà nghiên cứu múa thái chia ra làm 3 loại chính là múa mùn, múa loóng và múa xòe. Qua điều tra thực tế mẫu tại 2 bản Lác và Pom Coọng, chúng tôi nhận thấy loại múa chủ đạo tại đây là múa xòe Thái.

+ Múa Mùn: đó là múa trong những buổi cúng ma trước đây trong đó có múa kiếm, múa sai hạng ( múa khăn) múa kệp boóc (múa nhặt hoa)…Mối loại múa này trong Múa Mùn đều chứa đựng một sự phong phú, da dạng của múa Thái. Ví như múa kiếm vừa là một nghệ thuật lại vừa có tính chất võ thuật thể hiện rõ tài năng của người múa. Điệu múa này có kèm theo nhạc của một loại nhạc cụ gọi là tăng bu gồm những ống nứa dài dỗ đầu xuống một tấm ván dài phát ra một âm thanh đục và hai ống nứa gõ vào nhau tạo thành âm thanh “Sắc hơ”. Xưa kia người ta dùng điệu múa này để đuổi tà ma.

* Múa “Sai hạng” (múa khăn) cũng kèm theo nhạc tăng bu do một tập thể từ 8-12 người dùng khăn màu xanh, đỏ dài vắt qua hai vai, hai tay cầm hai đầu khăn, đầu khăn ấy có gắn nhiều ống nứa nhỏ để khi múa các ống nứa ấy tự gõ vào nhau tạo thành một âm thanh hòa trộn với với tăng bu rất sôi nổi. Các động tác của người múa hết sức khẩn trương theo đội hình vuông hoặc tròn làm cho cuộc múa luôn luôn sinh động.

*Múa Loóng: là diệu múa diễn ra xung quanh cái cối dã lúa, động tác múa là động tác giã gạo, đập chày, chuyển tay chày, gõ cối. Kèm theo những tiếng động vang ra từ điệu múa là tiếng trống, tiếng chiêng , mỗ và tiếng chày đập vào nhau, chày đập vào cối, đôi khi còn có tiếng hú reo của người múa. Đây là điệu múa thường diễn ra vào dịp mừng cơm mới, săn được thú rừng, vào những đêm nguyệt thực khi khắp nơi người ta gõ múa điệu múa này. Đôi khi múa cả ở đám ma và đám cưới nữa.

+ Múa Xòe: là loại hình múa rất nổi tiếng của người Thái Mai Châu. Múa xòe có từ bao giờ, không ai nhớ nổi, chỉ biết từ xa xưa, người Thái đã có câu hát: “Không xòe không vui - Không xòe cây ngô không ra bắp - Không xòe cây lúa không trổ bông - Không xòe trai gái không thành đôi”. Đó là một điệu múa đơn giản, nhẹ nhàng, thoải mái nổi tiếng ở tất cả các vùng người Thái. Xoè Thái đã đi vào văn học, thơ ca, nghệ thuật, là kỷ niệm, là niềm say mê ám ảnh của biết bao người. Người Thái Mai Châu Hòa Bình có hai điệu xòe chủ yếu là xòe khăn và xòe tay.

+ Xòe khăn có các động tác cơ bản là là tung khăn và vẫy khăn, dáng đi mềm mại, uyển chuyển. Đội hình lượn tròn, hàng ngang hình vuông và xòe bốn cánh. Đây là điệu múa của các cô gái xinh đẹp vào những dịp đón phìa tạo, quan khách.

+ Xòe tay thường được xòe vào các dịp lễ làng cho tất cả các thanh niên nam nữ. Đội hình là hàng ngang và lượn vòng tròn vui vẻ, phấn khời. Hai điệu múa xòe khăn và xòe tay đều dùng âm nhạc của trống và chiêng.

Múa xòe là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phát triển mạnh trong các lễ hội của người Thái. Ngoài những đặc điểm chung thì xòe của người Thái có những nét độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của những điệu xòe duyên dáng, chắc khỏe. Xòe có nhiều điệu: Xòe chá, xòe ồng bổng, xòe kiếm, xòe đánh máng… các điệu xòe đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất,

tập quán sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Ví như điệu xòe “ồng bổng” là hình thức múa cổ, động tác đơn giản, mọi người cầm tay nhau nhảy nhót xung quanh đống lửa theo nhịp “hò huậy, hò huây” mừng thắng lợi giòn giã sau một buổi đi săn hoặc xung quanh vò rượu cần trong lễ mừng nhà mới. Đặc điểm của điệu xòe này là trang phục bình thường chỉ có đàn ông xòe, “nhạc” đệm là miệng tự hô, có sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem, động tác đơn giản nhưng mạnh mẽ, vui nhộn, phóng khoáng. Còn điệu xòe “đánh máng” lại dành riêng cho nữ giới. Cứ 3 cặp một, mỗi cặp cầm hai chày gõ vào thành máng dùng để giã gạo, tạo ra những tiếng chày chắc giòn, nhịp điệu mỗi lúc một nhanh, mạnh. Bên cạnh đó còn có xòe đơn lẻ, vừa xòe vừa đánh trống đánh chiêng. Vừa xòe vừa đánh máng có 2 người tham dự, nam đánh trống, nữ đánh chiêng, cả hai vận lễ phục, đầu chít khăn, lưng thắt dải lụa màu, tay tung dùi trống lúc mềm mại, khi mạnh mẽ, chân nhún nhảy nhịp nhàng theo tiếng trống, chiêng.

Ngoài những điệu múa trên, người Thái Mai Châu còn hấp dẫn người xem bằng những điệu múa bát mừng ngày mùa, múa bông, múa quạt, múa mõ trên nương, múa trống chiêng, múa sạp…đầy sức cuốn hút, mê hoặc.

Nhạc cụ của người Thái có khèn bè, kèn, chiêng, cồng, trống, chập chóe. Hiện nay những điệu múa của người Thái Mai Châu đã được đem vào phục vụ mục đích du lịch. Đây là một hướng khai thác và bảo vệ đúng đắn của địa phương không những giúp đem lại thu nhập cho chính những người dân mà còn giúp nét truyền thống trong múa Thái được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong không gian “sống”. Tại xã Chiềng Châu hiện tại có 10 đội biểu diễn văn nghệ. Trong đó có 3 đội thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của du khách.

2.2.5. VĂN HÓA NHÀ SÀN

Nằm trên trục quốc lộ 6 nối liền thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc (thuận lợi về giao thông) vì vậy ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước khi người Pháp sang xâm lược nước ta họ đã biết đến Chiềng Châu (Mai Châu) và đến đây để nghỉ. Từ năm 1964 theo yêu cầu của Chính Phủ, bản Lác, xã Chiềng Châu có nhiệm vụ đón các đoàn khách nước ngoài đến tham quan tìm hiểu về văn hoá dân tộc. Và bắt đầu từ năm 1991 đến nay, dịch vụ du lịch văn hoá sinh thái được hình thành và phát triển. Hiện tại ở bản Lác có 114 hộ gia đình, trong đó có 36 hộ tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, chiếm 31,6%. Bản Lác đi vào kinh doanh hoạt động du lịch từ năm 1960, đến năm 1995 thì đi vào kinh doanh du lịch thương mại. Hiện nay bản Lác vẫn giữ được nhiều ngôi nhà sàn truyền thống với 105/114 (chiếm 92,1%) cột gỗ, sàn nhà bằng tre mai chẻ ghép

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN DU LỊCH XÃ CHIỀNG CHÂUMAI CHÂU – HÒA BÌNH (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w