8 Việt Vương Câu Tiễn: vua nước Việt (Trung Quốc) thời Xuân Thu chiến quốc, chịu nhục, “nếm mật nằm gai” bình được Ngô Phù Sai, lập nghiệp bá Nhưng về sau giết công thần Văn Chủng Phạm Lại bỏ đi chu du ngũ hồ
3.2. Trần Nguyên Hãn với chiến thắng Xương Giang.
3.2.1. Hoàn cảnh của trận đánh thành Xương Giang.
Cuối năm 1426, đại bộ phận nước ta đã được giải phóng, nghĩa quân Lam Sơn – dưới sự chỉ đạo của Lê Lợi – đã tổ chức và cai trị đất nước như một quốc gia. Nhưng cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn đang đứng trước tình hình mới với những cố gắng chiến tranh mới của quân Minh. Đầu năm 1427, triều đình nhà Minh quyết định huy động hơn 10 vạn quân sang cứu nguy cho Vương Thông đang nguy khốn tại Đông Quan. Khi nghe tin viện binh nhà Minh sắp sang, nhiều tướng yêu cầu Lê Lợi cho hạ gấp thành Đông Quan để trừ diệt hết nội ứng ở bên trong, rồi sau đó sẽ dốc toàn lực đánh viện binh. Vấn đề đặt ra là hạ thành trước hay diệt viện trước? Đó là vấn đề có tầm quan trọng đến sự chỉ đạo chiến lược và cục diện của cuộc chiến tranh.
Lê Lợi và bộ tham mưu đã phân tích và đánh giá tình hình một cách sáng suốt đề ra phương án chiến lược là không hạ thành mà tiếp tục vây hãm, đồng thời tập trung lực lượng tiêu diệt viện binh khi chúng mới kéo vào nước ta.
Để thực hiện kế hoạch diệt viện, ngoài việc tiếp tục vây hãm thành Đông Quan, Lê Lợi và bộ tham mứu đã xúc tiến một số công việc trong đó có nhiệm vụ hạ gấp thành Xương Giang, và sau khi chiếm được thì sẽ biến nó làm thành một căn cứ phòng ngự kiên cố của nghĩa quân trên con đường chặn viện binh của địch từ Pha Lũy đến Đông Quan.
Tuy nhiên vào giai đoạn đó, mặc dù đã trưởng thành mau chóng, nghĩa quân Lam Sơn căn bản vẫn chưa phải là một đội quân chính quy, và lại càng ít làm quen với chiến thuật công thành. Mặt khác, cũng phải thấy rằng công tâm (đánh vào lòng người) đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cả chiến lược lẫn chiến thuật từ buổi đầu khởi nghĩa nên ngay cả khi buộc phải công thành, nghĩa quân vẫn chủ trương vây hãm kết hợp với dụ hàng là chính. Một loạt các thành lũy địch: Nghê An, Diễn Châu, Diêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang bị hạ trong năm là nhờ ở phương pháp này. Nhưng đối với những thành lũy mà kẻ địch dựa vào sự kiên cố vững chắc của nó và có được sự đảm bảo hậu cần ngoan cố chống cự, thì nghĩa quân Lam Sơn cũng khó lòng công phá. Xương Giang nằm trong số những thành lũy đó.
3.2.2. Chiến thắng Xương Giang và vai trò của Trần Nguyên Hãn. Diễn biến của trận hạ thành Xương Giang.
Thành Xương Giang là một thành kiên cố nằm trên đường viện binh của địch tiến vào nước ta. Trong suốt 10 tháng trời, nhiều lớp tướng lĩnh, nhiều đợt nghĩa quân đã thay nhau công phá mà Xương Giang vẫn nằm trong tay giặc. Từ Đông Đô, Trần Nguyên Hãn đã được Lê Lợi điều về đây. Ngày 28-9-1427, dưới sự chỉ huy của ông, cuộc vây hãm mười tháng ròng dã biến thành một trận công phá bằng cường lực có sự tham gia của tất cả các lực lượng. Quân ta dùng
nhiều vũ khí cùng đánh một lúc, quân cận chiến ồ ạt đột nhập vào chiếm thành. Trận đánh diễn ra trong vòng 1 tiếng đồng hồ [9, 76] với thắng lợi tuyệt đối: thành bị hạ, bọn tướng địch là Lý Nhậm, Kim Dận, Cố Phúc, Phùng Trí, Lưu Thuận, Lưu Tử Phụ đều tự tử.
Vai trò của Trần Nguyên Hãn
Nếu chỉ xét đây là một thành lũy không lớn lắm với vài ngàn quân địch đồn chú thì chưa thấy hết ý nghĩa của thắng lợi này, và sau đó chưa thẩm định đúng công trạng của Trần Nguyên Hãn. Ý nghĩa của trận hạ thành Xương Giang với vai trò của Trần Nguyên Hãn phải được quan sát trên hai phương diện sau đây:
Thứ nhất, đó là giá trị của trận đánh đối vời toàn bộ cục diện chiến lược Việt – Minh cuối năm 1427. Từ đầu năm này, bộ chỉ huy nghĩa quân đã nắm được ý đồ của Vương Thông: cố thủ đợi viện binh, sau đó sẽ chuyển sang phản công. Khả năng kéo sang nước ta một đạo quân Minh lớn, bởi vậy, là điều chắc chắn. Trong tình huống đó, việc tiêu diệt các thành lũy giặc còn lại còn nhằm thêm mục đích loại trừ các điểm tựa, bàn đạp mà đạo viện binh địch chắc chắn sẽ dựa vào. Với nghĩa này, Xương Giang giữ một vai trò nổi bật, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Đó là thành lũy lớn nhất nằm trên trục tiến quân chủ yếu của địch từ hướng Quảng Tây, lại cách Thăng Long – nơi đồn chú lực lượng Vương Thông – chỉ vài chục dặm. Với bàn đạp Xương Giang, đạo quân mới của địch không chỉ tạo nên chỗ dựa tinh thần cho Vương Thông mà về thực chất sẽ tạo nên gọng kìm trong đánh ra, ngoài đánh vào, nhằm vào khối chủ lực chính của nghĩa quân do đích thân Lê Lợi nắm giữ đang áp sát Đông Quan từ bên kia sông Hồng. Trong trường hợp đó, thế cờ rất có thể đảo ngược, kẻ đi vây có thể trở thành kẻ bị hãm. Việc đến cuối năm 1427 hầu như chỉ còn lại Xương Giang nằm trong tay giặc trong khi đạo quân viện binh của chúng đang xuống biên giới nước ta khiến Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân thực sự sốt ruột. Các tướng lĩnh được cử đến đây đã ra sức thi thố khả năng của mình. Riêng tư mã Lê Sát
đã hai lần có mặt. Cuối cùng khi dường như mọi chiến thuật đã được sử dụng, mọi hy vọng đã bị tiêu tan thì, như ta đã biết, thành lũy vũng chắc này của địch đã bị hạ bởi Trần Nguyên Hãn mười ngày trước khi đạo quân Liễu Thăng xâm vào biên ải. Với chiến thắng này, chẳng những kế hoạch chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn đã không bị đảo lộn mà còn tạo được nguồn khích lệ to lớn cho quân ta suốt một dải đợi giặc từ Pha Lũy đến Đông Quan. Còn về phía địch thì sao? Do khả năng thông tin hết sức hạn chế thời đó, đạo quân viên của chúng không hay biết gì về việc thành Xương Giang đã thất thủ. Bị chặn đánh và bị tiêu diệt một phần quan trọng lực lượng ở dọc đường, chúng vẫn hy vọng tiến lên hội sự với thành Xương Giang theo kế hoạch dự kiến. Nhưng tới nơi thì: “Xương Giang đã mất, chúng hết cả hy vọng, lại càng kinh hoàng sợ hãi” [10, 347]. Bị động, chúng đành phải hạ quân ngay trên cánh đồng Xương Giang và rơi luôn vào trận đồ bày sẵn của quân ta. Với chiến công tiêu diệt và bắt sống hơn 8 vạn tên giặc, làm nên cuộc chung kết vang dội trong cuộc kháng chiến chống Minh, trận Xương Giang sau đã là hệ quả của trận Xương Giang trước, diễn ra trước đó chỉ hơn một tháng. Thử xem, nếu như không có trận hạ thành Xương Giang ấy? Chắc chắn thắng lợi cuối cùng đến với nghĩa quân Lam Sơn sẽ không phải dễ dàng!
Thứ hai, đó là giá trị của trận đánh trong sự phát triển của nghệ thuật quân sự. Ta biết rằng, các hoạt động quân sự của quân đội nước Việt qua các triều đại, do sự quy định khách quan của việc chống ngoại xâm và xuất phát từ tư tưởng chiến tranh nhân dân, đã luôn luôn lấy lối tác chiến đánh phục kích, bất ngờ làm chính. Và cũng do đó, tác chiến trận địa dưới các hình thức điển hình phòng thành và công thành thường ít xuất hiện. Như đã nêu trên, quân khởi nghĩa Lam Sơn cũng không có ngoại lệ. Ở đây ta gặp quan điểm của Lê Lợi coi “đánh thành là hạ sách” và chủ trương “ công tâm” của Nguyễn Trãi, lấy việc báo vây dụ hàng để hạ thành. “Bao vây dụ hàng”, một mặt là phương pháp công
thành độc đáo, tốn ít xương máu nhưng mặt khác nó cần thiết phải có thời gian (để chín muồi các điều kiện) vả lại cũng không phải là phương pháp thuần túy quân sự. Các thành Nghệ An, Diễn Châu, Thị Cầu, Tam Giang…chỉ quy hàng sau cả nửa năm trời vây hãm, địch vận. Chính vì thế khi yếu tố thời gian không còn, khi buộc phải tranh lấy thời gian thì phương pháp này đương nhiên mất hiệu lực. Các thủ lĩnh nghĩa quân cũng đã nhận ra điều đó nên càng về giai đoạn cuối càng tích cực sử dụng các biện pháp tiến công quân sự để hạ thành. Nhưng nghĩa quân chưa có được một chiến thuật công thành hữu hiệu, do đó cũng chưa đạt được bao nhiêu kết quả. Ngay cả khi có người dâng mưu kế và vũ khí đánh thành, Lê Lợi đã “lệnh cho các tướng làm theo” [10, 332] nhưng cũng không phát huy được tác dụng. Có lẽ trước hết đó vốn dĩ là vũ khí công thành của quân Minh, bậc thầy về chiến thuật nay. (Ở đây cần nhắc lại trận công thành Đa Bang của quân Minh năm 1406 và cần nhớ thêm rằng, trong thế kỉ XIII, chính quân Mông Cổ đã học được cách đánh thành tiên tiến của người Trung Quốc và nhờ đó, đã dễ dàng hơn nhiều trên bước đường chinh phục thế giới).
Việc phải kéo dài quá trình công hãm là điều có thể hiểu được. Vậy thì bằng cách nào mà cuối cùng Trần Nguyên Hãn đã thành công? Dù không có được sự tường thuật đầy đủ về diễn biến của trận đánh, ta vẫn có thể hình dung Trần Nguyên Hãn đã đi đến ngay một chiến thuật công thành hợp lí. Trong quá trình tham gia cuộc vây đánh Xương Giang vào giai đoạn cuối, ông đã nhận thấy trước sự kháng cự có tổ chức và quyết liệt của đối phương, việc sử dụng riêng rẽ các thành phần binh khí theo từng đợt tác chiến độc lập không thể co hiệu quả vì địch có điều kiện tập trung bẻ gãy “Dùng thang mây thì thôi hỏa tiễn, đã hỏa tiễn thì thôi đòa đường ngầm…” [19, 28]. Chỉ có kết hợp chúng lại trong một sự liên kết (hợp đồng) tác chiến có phương pháp giữa hỏa khí và bạch khí, tạo nên một sức hợp tổng hợp bất ngờ và đột biến mới có khả năng nhanh chóng giành thắng lợi quyết định. Cùng một lúc Trần Nguyên Hãn đã dùng thần
công, hỏa tiễn bắn vào trong thành và cho quân cung thủ dùng nỏ cứng áp đảo mặt thành trong khi các kiếm thủ theo đường hầm, ụ đất đắp sẵn ào lên cận chiến. Chẳng những thế cuộc tổng công kích cuối cùng đã diễn ra đồng thời trên cả bốn mặt khiến kẻ địch mất hoàn toàn khả năng đối phó. Kết quả của chiến thuật công thành mới đó như thế nào chúng ta đã rõ. Điều đáng nói là giá trị đứng lại với lịch sử của nó chính là ở chỗ đã xuất hiện lần đầu tiên một sự kết hợp giữa hỏa lực và xung lực, cở sở để tiến đến một sự liên kết hỗ trợ tác chiến giữa các thành phần binh khí mà ngày nay chúng ta gọi là hiệp đồng binh chủng.
Xem xét giá trị của trận công thành Xương Giang từ những bình diện trên, cũng chính là khẳng định công lao to lớn của Trần Nguyên Hãn, vị Thái úy đã trực tiếp chỉ huy trận đánh.
Thắng lợi của trận Tân Bình – Thuận Hóa và Xương Giang có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Thắng lợi của trận Tân Bình – Thuận Hóa đã mở ra một thời kì mới của cuộc khởi nghĩa, đó là phát triển từ thế giữ ghìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi của trận công thành Xương Giang đã giải quyết mối nguy của quân ta là địch trong đánh ra, ngoài đánh vào, giải quyết cứ điểm quan trọng trên đường hành quân của viện binh địch, khiến chúng mất chỗ dựa góp phần quan trọng vào chiến thắng quyết định kết thúc chiến tranh tại cánh đồng Xương Giang. Chiến thắng đó là của nhân dân, của toàn thể nghĩa quân Lam Sơn. Song thắng lợi đạt được đó, Trần Nguyên Hãn có công lao lớn về chiến thuật quân sự, mà ông vốn là người rất “ tinh ư binh pháp” [3, 319].