Trần Nguyên Hãn trong quyết định lui về ở ẩn tại Sơn Đông.

Một phần của tài liệu XÃ HỘI PHONG KIẾN ĐẠI VIỆT CUỐI THẾ KỈ XIV ĐẦU THẾ KỈ XV VÀ NHÂN VẬT TRẦN NGUYÊN HÃN (Trang 37 - 39)

7 Về điểm này có khác với truyền thuyết dân gian tại Sơn Đông (xem phần khái quát về Trần Nguyên Hãn nói trên)

2.4. Trần Nguyên Hãn trong quyết định lui về ở ẩn tại Sơn Đông.

Nói đến Trần Nguyên Hãn đến với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không thể không nói đến Trần Nguyên Hãn giã từ Lê Lợi ở Đông Đô vào năm 1428.

Sau khởi nghĩa chống giặc Minh thắng lợi hoàn toàn, trước thế sự đầy mâu thuẫn, Trần Nguyên Hãn đã quyết định lui về ở ẩn. Trong Lịch triều hiến chương loại chí có ghi “Thái Tổ bằng lòng cho ông về nhà, tuy nhiên mỗi năm bảo ông về kinh đô chầu vua hai lần” [3, 319].

Sau khi lĩnh ấn Tả tướng quốc, Trần Nguyên Hãn thực sự thấy mình đã có vị trí thật cao. Vị trí cao ấy trong tình thế chính trị triều đình nhà Lê ở buổi đầu thời hậu chiến khiến ông băn khoăn dè dặt. Và ông đã vận dụng cách xử sự với đời của người xưa: “Quân tử kiến cơ nhi tác, bất sĩ chung nhật” (Người quân tử

thấy thời thì đứng dậy, không đợi đến ngày cuối cùng) làm phương châm xử thế. Với cái tài “Hữu học thức” [3, 319], ông đã tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm cách giải quyết những mối mâu thuẫn: mâu thuẫn rất thời đại của giai đoạn 1428 – 1429.

Ông là người có công lao danh vọng, nhưng lại là con cháu họ Trần, lý lịch Trần tộc. Họ Trần đã mất, con bài Trần Cảo đã kết thúc, nhưng lòng dân thì vẫn nửa tin, nửa ngờ, vẫn còn có người “thương” Trần Cảo [10,364]. Cái khí thế Đông A dù không còn tồn tại nhưng nó vẫn chưa mất hết, vẫn con chút dư âm để lại trong lòng nhân dân.

Triều Lê mới thành lập, Lê Lợi là người trực tiếp đứng ra giải các vấn đề đầy phức tạp của đất nước. Đầu tiên là việc phong tước lộc, sắp xếp ngôi thứ các công thần, rồi là công việc và sắp xếp bộ máy cai trị hành chính, việc dự thảo và ban bố pháp luật, tổ chức quân đội, vấn đề ruộng đất và nông dân…nghĩa là, bản thân Lê Lợi phải ứng phó với mọi tình hình diễn biến trong nước phức tạp khi mới giành được hòa bình.

Khi đó vua thì tuổi già sức yếu, lại lắm bệnh tật. Con trai cả vua là Tư Tề thì điên cuồng bậy bạ, đã được phong tới quận Vương rồi cũng phải truất xuống làm thứ dân. Thái tử Nguyên Long (vua Nhân Tông sau này) thì đang trẻ thơ yếu đuối.

Trong khi đó, nhà Minh tuy đã bại trận trên chiến trường nhưng trong quan hệ ngoại giao truyền thống giữa hai quốc gia, lại tiếp tục gây khó dễ với nội dung tìm lập con cháu nhà Trần, cản trở con đường làm vua chính thống của Lê Lợi.

Trần Cảo đã bị giết. Còn Trần Nguyên Hãn dường như là dòng dõi chính thống cuối cùng của nhà Trần.

Nỗi lo lắng ấy của Lê Lợi về sự tồn vong của chính quyền nhà Lê chính là xuất phát điểm của sự hoài nghi về Trần Nguyên Hãn.

Trần Nguyên Hãn nên ở lại hay đi? Nếu ông ở lại, liệu có được sống yên ổn và giữ được chức quan cao “chót vót” trong sự nghi ngờ, ganh gét, coi ông như cái gai trong mắt của bọn nịnh thần cũng như Lê Lợi không? Hay để rồi phải chịu cảnh như Trần Cảo? Ông phải làm gì để vừa không mất mạng như Trần Cảo, vừa được sống yên ổn. Đó chỉ có thể là “đi”. Trần Nguyên Hãn đã quyết định lui về ở ẩn.

Câu nói của Trần Nguyên Hãn với người thân: “Đế Việt Vương chi tướng, bất khả đồng diệc lạc” [3, 319] (nhà vua có tướng như Việt Vương, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được)8 cũng là xuất phát từ thời cục ấy.

Quyết định lui về ở ẩn của ông cũng cho ta thấy ông là con người có suy nghĩ luôn vì nước vì dân. Từ hội thề Đông Quan cho đến khi Lê Lợi định công ban chức, Trần Nguyên Hãn có chức tước cao, có quyền lực lớn chỉ đứng sau vua. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh triều đình tranh giành quyền lực, Lê Lợi không còn tin tưởng ông, với cái tài và quyền lực trong tay lớn đó ông có thể chống lại triều đình. Nhưng không, ông đã không làm vậy. Ông không muốn một cuộc chiến tranh nữa tiếp tục nổ ra để nhân dân phải thêm lầm than khổ sở. Và cũng cho thấy ông không có tư tưởng làm “Vương”. Đó cũng là điều quyết định hành động của ông là lui về ở ẩn.

Tầm nhìn thời đại của Trần Nguyên Hãn cho chúng ta thấy cái tài ông làm nên khí chất anh hùng. Những quyết định của ông từ không tự mình dựng cờ khởi nghĩa, không tham gia khởi nghĩa của quý tộc Trần cho đến quyết định vào Lam Sơn và lui về ở ẩn đều thể hiện là một con người thức thời, sáng suốt, biết mình, biết người. Thời đại và lịch sử đã chứng minh cho những quyết định của ông. Ông không phải ngậm ngùi câu “quốc thù vị phục” như Đặng Dung; không phải ngậm hờn bỏ mình nơi đất địch như Trần Ngỗi (1410); hoặc phải gửi mình theo dòng nước đề giữ khí tiết của một người yêu nước khi bị sa vào tay giặc

Một phần của tài liệu XÃ HỘI PHONG KIẾN ĐẠI VIỆT CUỐI THẾ KỈ XIV ĐẦU THẾ KỈ XV VÀ NHÂN VẬT TRẦN NGUYÊN HÃN (Trang 37 - 39)