Trần Nguyên Hãn với chiến thắng Tân Bình – Thuận Hóa.

Một phần của tài liệu XÃ HỘI PHONG KIẾN ĐẠI VIỆT CUỐI THẾ KỈ XIV ĐẦU THẾ KỈ XV VÀ NHÂN VẬT TRẦN NGUYÊN HÃN (Trang 40 - 46)

8 Việt Vương Câu Tiễn: vua nước Việt (Trung Quốc) thời Xuân Thu chiến quốc, chịu nhục, “nếm mật nằm gai” bình được Ngô Phù Sai, lập nghiệp bá Nhưng về sau giết công thần Văn Chủng Phạm Lại bỏ đi chu du ngũ hồ

3.1. Trần Nguyên Hãn với chiến thắng Tân Bình – Thuận Hóa.

3.1.1. Hoàn cảnh của trận đánh Tân Bình – Thuận Hóa.

Sau cuộc kháng chiến của Trần Trùng Quang thất bại. Năm 1413 Trương Phụ đã chiếm được miền đất rộng lớn phía nam của nước Đại Việt, đó là hai xứ Tân bình và thuận hóa, bao gồm một dải đất đai suốt từ Bắc Quảng Bình đến đèo Hải Vân.

Cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn, đến năm 1425 đã tròn bảy năm. Tuy nhiên, suốt thời kì ấy vẫn là những hoạt động du kích xung quanh miền rừng núi Thanh Hóa.

Vì vậy để phát triển lực lượng và mở rộng địa bàn hoạt động, trong một cuộc họp bàn các tướng lĩnh năm Qúy Mão (1423) Lê Lợi đã phải thốt lên:

- Ta đi đâu làm nên việc nước? Nguyễn Chích thung dung đáp [4, 207]:

- Tôi thường giao thiệp Nghệ An, biết rõ chỗ hiểm, chỗ dễ, tôi thấy ta nên vào chiếm trại Cầm Bành châu Trà Lân (Nghệ An), nếu họ thuận theo thì vỗ về yên ủi, nếu trái mệnh lệnh thì đánh, thu lấy người ngựa, rồi sau sẽ tiến ra Đông Đô, việc lớn có thể thành công được.

Bình Định vương nghe theo lời bàn đó.

Câu nói ngắn gọn của Nguyễn Chích chứa đựng cả một kế hoạch chuyển hướng chiến lược quan trọng của cuộc khởi nghĩa. Ông muốn nghĩa quân tạm dời căn cứ chật hẹp của miền núi rừng Thanh Hóa để tiến vào chiếm lấy Nghệ An, xây dựng một căn cứ địa mới làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đánh đuổi giặc cứu nước. Kế hoạch sáng suốt của ông đã được Lê Lợi và bộ tham mưu chấp nhận như phương hướng chiến lược mới của cuộc khởi nghĩa.

Tháng 5 năm Ất Tỵ (1425) nghĩa quân tiến quân giải phóng Diễn Châu (Bắc Nghệ An) rồi thừa thắng tiến ra Thanh Hóa. Trong vòng một tháng quân Minh ở đó thất bại hoàn toàn, số quân còn lại phải lo vào thành Tây Đô cố thủ [10, 320].

Lực lượng nghĩa quân trưởng thành nhanh chóng, quân sĩ tăng từ chỗ: “Lúc Khôi Huyện quân không một đội” (Bình Ngô Đại Cáo) nay đã có số lượng lớn. Chỉ riêng ở Trà Lân, vua Lê đã tuyển lựa được hơn 5000 quân. Ngoài quân bộ còn có các binh chủng hợp thành: tượng binh, kị binh và thủy binh. Cảnh sống “

khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần” (Bình Ngô Đại Cáo) chấm dứt, cơ sở vũng chắc đưa cuộc khởi nghĩa tiến lên là ở đó.

Lê lợi và bộ chỉ huy đã thấy nhanh chóng nhận thấy ngay vấn đề này.

Việc giải phóng hai sứ Tân Bình và Thuận Hóa củng cố hậu phương miền trong, tập trung lực lượng tiến ra Bắc đã trở thành nhiệm vụ tất yếu chiến lược.

Lịch sử hai sứ Tân Bình và Thuận Hóa.

Sách Đại Việt sử kí toàn thư [9, 233] cho chúng ta biết: Kỉ Dậu năm Thần Vũ thứ nhất (1069), vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước đó là Chế Củ đem về nước, Chế Củ xin dâng đất ba châu Địa Lý, Mê Linh và Bố Chính để chuộc tội và về nước. Vua Lý ưng thuận.

Lần theo các sách địa lý cổ thì biết vùng đất Địa Lý xưa là đất Việt Thường, đời Hán thuộc quận Nhật Nam thuộc tổng châu địa lí thuộc Chiêm, đời Lý Nhân Tông năm Thái Ninh thứ 4 (1075) đổi tên là châu Lí Bình, đời Trần Duệ Tông năm Long Khánh thứ 3 (1375) đổi là Tân Bình, thời thuộc Minh giữ nguyên, thời Lê đổi là Tiên Bình (nay là đất huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình).

Cũng sách đã kể trên cho chúng ta biết thêm: Bính Ngọ năm thứ 4 (1306), tháng 6 mùa hạ nhà Trần gả công chúa Huyền Chân cho vua Chiêm thành là Chế Mân. Vua nước Chiêm xin dâng đất hai châu Ô và châu Lý làm lễ cưới. Từ đó, châu Ô và châu Lý thuộc vào bản đồ nước Đại Việt tức là miền đất nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vào đến đèo Hải Vân. Vào năm Đinh Mùi thứ 15 (1307) vua Trần Anh Tông đổi tên châu Ô và châu Lý làm Thuận Châu và Hóa Châu. Thời thuộc Minh chia đặt làm hai phủ Tân Bình và Thuận Hóa.

Cuối đời Trần, một dải đất từ Tân Bình trở vào Nam cùng với hai trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu đều xem là trọng trấn, các triều đại đều đóng trọng binh để khống chế Chiêm Thành. Thượng tướng Trần Quang Khải trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm 1285 cũng phải thừa nhận vị trí quan trọng của miền này.

Cối kê cựu sự tu ký.

Hoan Diện do tồn thập vạn binh. (Cối Kê sự cũ nên ghi nhớ

Hai châu Hoan, Diễn còn lại 10 vạn binh).

Đến thời Hồ Hán Thương, năm 1402 lại cho sửa đường xá từ thành nhà Hồ đến châu Hóa dọc đường đặt phố xá để truyền thư, gọi là “Đường thiên lí”. Khi Trương Phụ xâm lược được nước ta cũng đã nhận thấy vị trí quan trọng của Hóa Châu. Tháng 6 năm 1413, Trương Phụ và Mộc Thạnh từng mật đàm về Hóa Châu như sau [10, 293]:

- Mộc Thạnh nói: Hóa Châu núi cao biển rộng, chưa dễ mà lấy được đâu.

Trương Phụ quả quyết đáp:

- Tôi có sống được là ở Hóa Châu, tôi có chết cũng ở Hóa Châu, Hóa Châu mà chưa bình định xong thì tôi mặt mũi nào trông thấy chúa thượng.

Từ năm 1414 đến tháng 7 năm 1425 quân Minh có 12 năm củng cố và thống trị nhân dân ở đó.

3.1.2. Chiến thắng Tân Bình – Thuẫn Hóa và vai trò của Trần Nguyên Hãn.

Diễn biến chiến dịch giải phóng Tân Bình – Thuận Hóa.

Được Lệnh của Lê lợi, Trần Nguyên Hãn đã trình bày kế sách đánh giặc của mình, và từ tháng 7 (1425) tự mình dẫn 1000 quân cùng một voi chiến tiến ra vùng Tân Bình - Thuận Hóa. Trong đội ngũ tướng lĩnh tham chiến lần này có cả thượng tướng Lê Lỗ, chấp lệnh Lê Đa Bồ. Mặc dù với số quân ít, song Trần Nguyên Hãn đã chứng tỏ mình là một viên tướng có tài cầm quân, nhìn nhận được sự phát triển của trận đánh, bố trí quân đội tài tình để rồi cuối cùng thu được thắng lợi. Khi đem quân tới sông Bố Chính (Sông Gianh – Quảng Bình ngày nay) thì gặp ngay quân giặc do tướng Nhậm Năng chỉ huy. Trần Nguyên

Hãn liền đem quân mai phục vào nơi hiểm yếu vào đất Hà Khương. Tướng giặc hiếu chiến, ỷ thế đông quân, thúc đánh xông bừa. Theo kế của Trần Nguyên Hãn, quân ta giả vờ thua chạy. Quân giặc vội vàng đuổi theo, rơi vào bẫy của ta. Quân ta hai mặt giáp công. Quân Minh bị bại trận, kẻ bị giết, kẻ bị bắt sống rất nhiều.

Đồng thời với bộ binh, một lực lượng thủy quân với một đoàn gồm 70 chiến thuyền do tướng Lê Ngân chỉ huy từ Nghệ An vượt biển, hành trình theo dự tính của Nguyên Hãn, đã hợp nhất với quân bộ dưới sự thống suất của chủ tướng Trần Nguyên Hãn vây hãm hai thành Tân Bình - Thuận Hóa, buộc các tướng giặc phải thúc thủ, đóng cửa thành, chờ viện binh. Quân ta giải phóng hoàn toàn vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Vai trò của Trần Nguyên Hãn.

Chiến dịch giải phóng Tân Bình - Thuận Hóa đã thu được thắng lợi hoàn toàn. Sự thành công của chiến dịch không tách rời khỏi công lao của chủ tướng Trần Nguyên Hãn.

Trong trận đánh Hà Khương, Trần Nguyên Hãn thể hiện vai trò to lớn của mình trong chỉ đạo để giành thắng lợi mang tính chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Minh.

Khi gặp địch, phải đánh sao với lực lượng quân ta ít mà địch lại đông thì Trần Nguyên Hãn tất phải theo như binh pháp cổ truyền của dòng họ Đông A mà Trần Hưng Đạo tổng kết “Dĩ đoản binh, chế trường trận”, đó cũng là phương pháp mà nghĩa quân Lam Sơn lấy làm phương châm hành động:

“Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục. Lấy yếu chống mạnh hay đánh bất ngờ”. (Bình Ngô đại cáo)

Tuy phương pháp là vậy nhưng vận dụng nó trong từng trận đánh sao cho thành công không phải là dễ. Điều đó đòi hỏi người cầm quân phải có tài chỉ

đạo tài tình và sáng suốt. Trong trận đánh này, Trần Nguyên Hãn đã vận dụng phương pháp đó với lối đánh nhử địch, phục kích rất hiệu quả. Trước địch mạnh ta yếu, ông chia quân làm hai đạo, một đạo do tướng Lê Lỗ chỉ huy phục kích ở thế hiểm yếu chờ giặc đến, còn một đạo do chính tay ông chỉ huy ra đánh nhử địch vào ổ phục kích của ta. Quân của ông ra đánh giả vờ thua chạy, địch mạnh thấy thế khí hăng xông lên đuổi đánh, rồi bất ngờ rơi vào ổ phục kích của ta. Toàn bộ lực lượng của ta bộ binh, kị binh, tượng binh nhất tề xung phong vào đội hình giặc. Trần Nguyên Hãn cũng liền quay quân lại nhất tề hợp sức với Lê Lỗ tiêu diệt chúng. Đội hình giặc rối loạn, tan tác. Kết quả giặc tuy có đông hơn nhưng cũng bị thất bại. Thắng lợi của trận đánh này là nhờ Trần Nguyên Hãn đã vận dụng lối đánh “hư hư thực thực” khiến địch khó phán đoán được ý đồ của ta, chúng cứ liều mạng mà xông lên không hề hay biết gì; dùng chiến thuật địch tham lợi (thấy quân ta yếu) ta dùng lợi để nhử chúng (giả vờ thua) vào ổ phục kích. Kết quả là ta lái được địch theo kế hoạch của ta, chiếm lấy thế chủ động của trận đánh rồi cả chiến trường trong cả nước để giành thắng lợi.

Chiến thắng đó đối với cục diện của cuộc kháng chiến chống Minh rất có ý nghĩa. Chiến quả không dừng lại ở chỗ: giải phóng nhân dân hai vùng đất khởi ách kìm kẹo của kẻ thù, cô lập giặc vào hai đồn lẻ loi trơ trọi; mà hơn nữa đã góp phần đẩy nhanh vào việc thay đổi thế và lực giữa quân ta và giặc Minh. Giặc ngày càng rơi vào thế bị động, co cụm, cố thủ một số thành. Đây là một thay đổi cơ bản trên chiến trường có tính chất quyết định cho những trận chiến sau này như Đông Đô, Chi Lăng – Xương Giang. Cả một vùng giải phóng thông suốt từ Thanh Hóa tới Bình - Trị - Thiên đã là hậu phương vững chắc, trở thành bàn đạp để nghĩa quân tiến ra giải phóng phía bắc dễ dàng. Vùng đất Tân Bình, Thuận Hóa trước kia đã từng là nơi cung cấp nhân tài vật lực cho nhiều triều đại thì lúc này càng trở nên quan trọng chứng tỏ vai trò hậu cứ của mình. Sau chiến dịch Trần Nguyên Hãn đã hô hào động viên và tuyển chọn được hàng vạn trai

đinh bổ xung vào lực lượng quân đội. Quân ta đi đến đâu thì nhân dân nô nức chào đón, mang nhiều lương thực hậu cần tiếp tế cho nghĩa quân. Không chỉ vậy, Tân Bình – Thuận Hóa được giải phóng làm cho căn cứ của cuộc khởi nghĩa mở rộng vào đến Hải Vân và lực lượng nghĩa quân trưởng thành lên một bước mới. Chiến thắng này còn trừ khử hẳn mối uy hiếp của một phần quân địch ở mặt Nam để từ nay, nghĩa quân có một hậu phương lớn và vững chắc làm cơ sở cho cuộc tiến công ra mặt Bắc.

Nghe tin giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, Lê Lợi nói với chủ tướng: Tân Bình, Thuận Hóa đất tâm phúc của ta, nay đã chiếm được đất rồi thì không còn nỗi lo bên trong nữa.

Về ý nghĩa của trận thắng Tân Bình – Thuận Hóa, Giáo sư Phan Huy Lê nhận xét: “…đánh dấu bước nhảy vọt của nghĩa quân Lam Sơn, từ chống vây quét tiến lên những trận tiến công lớn: hạ thành, vây thành, tiêu diệt quân chủ lực, giải phóng vùng đất đai rộng lớn, giành được thế chủ động về chiến lược”.

Một phần của tài liệu XÃ HỘI PHONG KIẾN ĐẠI VIỆT CUỐI THẾ KỈ XIV ĐẦU THẾ KỈ XV VÀ NHÂN VẬT TRẦN NGUYÊN HÃN (Trang 40 - 46)