Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp cho sự phát triển của cây Điều. Nhờ vậy, ngành Điều Việt Nam dù rất non trẻ, nhưng sớm được thế giới biết đến về kim ngạch xuất khẩu Điều nhân cũng như năng suất, chất lượng và tiềm năng.
Sớm nhận thấy tiềm năng kinh tế của cây Điều, Đảng và Nhà nước ta ngay từ những năm 1980, đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt cho việc trồng đại trà cây Điều, hoạch định tổ chức chế biến và xuất khẩu Điều. Ngoài ý nghĩa phủ xanh đất trống đồi trọc cho những vùng đất hoang hóa, trơ trọi do chiến tranh tàn phá; trồng Điều còn mang ý nghĩa xoá đói giảm nghèo, đem lại nhiều lợi nhuận xuất khẩu cho quốc gia.
Bảng 2.8: Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điều tại Việt Nam (2007-2012).
ĐVT: tỷ USD
Năm 2007 2008 2009 2010 2011 2012
Kim ngạch xuất khẩu
0,651 0,920 0,847 1,123 1,35 1,45
(Nguồn: Tổng Cục Hải quan Việt Nam)
Từ năm 2007 đến nay, ngành Điều Việt Nam vượt qua Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu Điều nhân số 1 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu ngành Điều Việt Nam không ngừng tăng trưởng: năm 2007 đạt 651 triệu USD, năm 2008 đạt 920 triệu USD. Riêng năm 2009, là năm có nhiều khó khăn với ngành Điều Việt Nam. Tuy nhiên, với tổ chức sản xuất chế biến tốt, sản phẩm tiếp tục duy trì được chất lượng cao nên kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn duy trì ở 847 triệu USD, giảm 9% so với cùn kỳ năm 2008.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam -Vinacas cho biết, từ năm 2009 - 2012, toàn ngành điều xuất khẩu khoảng 750.000 tấn nhân điều các loại và 110.000 tấn dầu vỏ hạt điều.
Trong đó năm 2009 xuất khẩu khoảng 158.000 tấn, năm 2010 khoảng 200.000 tấn, năm 2011 khoảng 166.000 tấn và năm 2012 ước khoảng 220.000 tấn.
Kim ngạch xuất khẩu riêng sản phẩm nhân điều trong 4 năm qua 2009 -2012 liên tục lập kỷ lục: năm 2009 đạt 847 triệu USD, năm 2010 đạt 1,123 tỷ USD, năm 2011 đạt 1,35 tỷ USD và năm 2012 ước đạt 1,45 tỷ USD. Như vậy, trong vòng 5 năm liên tục, từ 2007 đến 2012, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, vượt cả Ấn Độ và Brazil.
Biểu đồ 2.8: Kim ngạch xuất khẩu điều (2007-2012).
Thị trường xuất khẩu điều.
- Hiện sản phẩm điều của Việt Nam có mặt trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu điều lớn nhất, chiếm khoảng 35% thị phần, tiếp đến là EU 20%, Trung quốc 20% và các thị trường còn lại chiếm 25%.
- Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư, sản xuất các sản phẩm điều có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tăng liên tục qua các năm như điều rang muối, điều chiên bơ, điều có gia vị, điều hốn hợp, bánh kẹo điều, bột điều…Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều lớn đều có hệ thống xử lý vỏ, ép dầu, đầu tư bồn chứa điều thô, hiện đã có hai doanh nghiệp đầu tư hệ thống tinh luyện Cardanol tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.
- Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam cả về số lượng lẫn giá trị. Cụ thể, trong tháng 8/2012, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 6,34 nghìn tấn với kim ngạch trên 42 triệu USD, tăng 28,26% về lượng và 20,88% về kim ngạch so với tháng trước; còn so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng nhẹ 0,89% về lượng nhưng giảm 28,73% về kim ngạch.
- Trong số 4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong tháng 8 thì chỉ có thị trường Hà Lan là suy giảm nhẹ, các thị trường còn lại đều có mức tăng trưởng trên 20%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang một số thị trường như: UAE, Pháp, Đài Loan, Hồng Kông… có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu sang UAE là có mức tăng trưởng mạnh nhất (tăng tới 700% về lượng và 760,72% về kim ngạch).
- Tính chung 8 tháng đầu năm nay, lượng điều xuất khẩu tới hầu hết các thị trường đều tăng khá mạnh. Trong đó, có 3 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD là thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan. Trong hơn 40 thị trường xuất khẩu hạt điều trong thời gian vừa qua thì có tới 35 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu dương so với cùng kỳ năm ngoái, riêng chỉ có 5 thị trường có lượng tiêu thụ giảm xuống (Hà Lan, Singapore, Malaixia, Hy Lạp và Pakistan).