chính trị trong tình hình mới
Là hạt nhân lãnh đạo chính trị cơ sở, các tổ chức đảng trong Đảng bộ phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đây là yêu cầu khách quan của cách mạng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến phong trào cách mạng
ở đơn vị chưa tạo được sự chuyển biến lớn là do đội ngũ cán bộ năng lực còn hạn chế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Khi đã có đường lối chính trị đúng đắn thì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, của đất nước của chế độ. Vì vậy, công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Ngày nay, nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiệm vụ chính trị mới rất nặng nề, khó khăn và phức tạp đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng một đội ngũ cán bộ gương mẫu, ngang tầm, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Mỗi giai đoạn cách mạng, phải có một đội ngũ cán bộ tương xứng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới. Bước sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước - cùng với thời cơ lớn là những thách thức lớn, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn, có ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu trong đạo đức và lối sống. Tóm lại là phải có đủ đức và tài, trong đó đức là gốc. Đảng phải chăm lo cán bộ cho cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ trong Bệnh viện ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ nặng nề những rất vẻ vang của ngành y tế, các cấp uỷ đảng cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số công việc cụ thể sau đây:
Một là, làm tốt công tác đánh giá cán bộ:
Khi đánh giá cán bộ, cấp uỷ và những người có trách nhiệm cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, cần chú trọng đến nhiệm vụ thực tế
của đơn vị, của từng cán bộ để đánh giá. Có quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, khoa học và công tâm, xử lý tốt mối quan hệ giữa đức và tài, quyền hạn và trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích, lợi ích riêng và lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc. Trong thực tế cần phải vận dụng một cách linh hoạt, phải căn cứ vào những việc làm cụ thể cả ưu thế và khuyết điểm, trong từng thời gian nhất định căn cứ vào những tiêu chuẩn cụ thể đối với từng loại cán bộ, từng công việc cụ thể của cán bộ để đánh giá.
Khi đánh giá cán bộ phải đặt cán bộ trong phạm vi công tác và môi trường hoạt động; phải kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá nhận xét định kỳ; phải căn cứ vào những luồng thông tin, trong đó phải dựa vào tín nhiệm của quần chúng, của nhân dân, của đơn vị đối với từng cán bộ, kể cả với gia đình. Đánh giá phải chú ý đến năng lực hoạt động thực tiễn, hiệu quả công tác, đặc điểm hoạt động của từng đơn vị.
Đánh giá cán bộ phải đánh giá từng cán bộ với năng lực, sở trường của cán bộ đối với công việc được phân công; đồng thời phải đánh giá cả đội ngũ cán bộ trên cả số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Trong thực tế có không ít cơ sở và một bộ phận cán bộ làm công tác này chưa nhận thức đầy đủ việc đánh giá cán bộ, không đảm bảo quy trình đánh giá cán bộ hoặc do tư tưởng cục bộ, kèn cựa, chưa thật công tâm, chưa hợp lý, thiếu dân chủ, hình thức, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, chưa coi trọng toàn diện cả đức lẫn tài.
Tóm lại, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định cả quy trình công tác cán bộ. Nếu đánh giá cán bộ đúng sẽ xây dựng được quy hoạch đúng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ đúng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của từng cán bộ và cả đội ngũ cán bộ.
Hai là, làm tốt công tác qui hoạch, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ:
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thức VIII đã khẳng định: “Toàn Đảng phải hết sức chăm lo xây dựng thật tốt đội ngũ cán bộ, chú trọng
đội ngũ cán bộ kế cận vững vàng, đủ bản lĩnh về các mặt sớm xây dựng chiến lược cán bộ của thời ký mới”
Nghị quyết hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) đã xây dựng chiến lược cán bộ cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trên cơ sở đó từng cấp, từng ngành cụ thể hoá và vận dụng cho phù hợp. Trong đó, việc quy hoạch đội ngũ cán bộ để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác cán bộ. Như vậy mới tạo ra được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bệnh viện Đông Anh, Hà Nội đã yêu cầu phải: tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng quy hoạch cán bộ, nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ và có chất lượng... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Y tế chính quy, tinh nhuệ. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đúng với từng đối tượng chức danh cụ thể, cử cán bộ tham gia các lớp dài hạn, ngắn hạn hoặc tại chức với phương châm: Đối với cán bộ tuổi đã nhiều thì đào tạo tại chức hoặc bồi dưỡng từng chuyên ngành, đối với cán bộ trẻ tuổi là nguồn kế cận thì cử đi học lớp chính quy dài hạn. Việc quy hoạch cán bộ phải phù hợp với cơ cấu, độ tuổi, giới tính. Cần chú ý đào tạo số cán bộ trẻ, đảng viên trẻ, là đoàn viên thanh niên. Việc quy hoạch cũng phải đồng bộ cả ở các đồng chí đang giữ cương vị chuyên môn đoàn thể. Có như vậy mới nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện.
Hiện nay, tình trạng một số cấp uỷ nhất là lãnh đạo chủ chốt chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cách đánh giá cán bộ lớp trẻ chưa khách quan, chưa sát đúng. Do đó, việc đặt ra phải đào tạo bồi dưỡng thông qua các loại hình đào tạo khác nhau là yêu cầu cấp bách và rất cần thiết.
Ba là, làm tốt công tác bố trí cán bộ:
Sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với công việc, bố trí đúng sở trường, năng lực thực sự, đúng người, đúng việc, các thành viên trong bộ máy phải tạo điều kiện bổ sung cho nhau, đoàn kết nhất trí cùng chung sức gánh vác công
việc, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác. Trong bộ máy các đồng chí lãnh đạo từ cấp trưởng, phó khoa, phòng trở lên phải là người có trình độ chuyên môn vững, có uy tín với cán bộ, đảng viên, là trung tâm đoàn kết, là những đầu mối trí tuệ. Họ phải là người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, họ còn có khả năng nắm bắt và xử lý thông tin nhanh, có hiệu quả.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ không hợp lý, thiếu khách quan, thiếu dân chủ là nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, giảm sút ý chí chiến đấu của Đảng bộ.
Kiên quyết đấu tranh loại trừ và không bố trí những người tham ô, tham nhũng, thoái hoá biến chất vào bộ máy Đảng, chính quyền. Những cán bộ yếu về năng lực, trình độ thì cần có kế hoạch bồi dưỡng hoặc sắp xếp công việc khác hoặc cho thôi việc.
Bốn là, thực hiện tốt chính sách cán bộ:
Giải quyết tốt chính sách cán bộ là yếu tố có ý nghĩa thúc đẩy tính tích cực trong công việc của cán bộ, tránh được sự thiếu công bằng trong chính sách. Vì vậy, Đảng uỷ cần quan tâm lãnh đạo và làm tốt chính sách cán bộ, phải cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách cán bộ, giải quyết đúng, kịp thời chế độ tiền lương, chế độ trách nhiệm, chế độ nâng lương, nâng bậc, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Cùng với việc giải quyết chính sách cán bộ, cấp uỷ, đơn vị cũng phải kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách, pháp luật, tham ô, nhũng nhiễu,...Biện pháp xử lý phải kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Đây là biện pháp có ý nghĩa quyết định đến sự công bằng trong chính sách cán bộ, trong đội ngũ ngành Y hiện nay.