Nghiên cứu cắt ngang đánh giá tỷ lệ hiện mắc của bệnh hay vấn đề (kết cục - outcomes) của bệnh trong một quần thể xác định, và mối liên hệ giữa các biến số và kết cục tại một thời điểm.
1) Biết được tỷ lệ hiện mắc của kết cục
Mục tiêu của một nghiên cứu cắt ngang là tính tỷ lệ hiện mắc của một kết cục trong một dân số xác định. Nghiên cứu bao gồm tỷ lệ tại một thời điểm và tỷ lệ trong một thời gian. Trong nghiên cứu cắt ngang, tỷ lệ hiện mắc của một kết cục được mô tả, và có thể được phân tầng sâu hơn theo nhiều yếu tố, như con người (giới, tuổi, công việc, lối sống, v.v.), vị trí địa lý (vùng miền, quốc gia, v.v.), thời gian (mùa, năm, v.v.). Khi biết được tỷ lệ hiện mắc, chúng ta có thể đánh giá được gánh nặng của một kết cục hay một bệnh và so sánh với nhóm dân số khác. Thông tin về tỷ lệ hiện mắc của một bệnh đặc biệt có ích cho một bệnh mạn tính với thời gian mắc bệnh kéo dài. Bằng cách đánh giá tỷ lệ hiện mắc trong năm với một loạt các nghiên cứu cắt ngang, chúng ta có thể
đánh giá xu hướng của một vấn đề sức khỏe. Đây chỉ là những thông tin rất đơn giản, nhưng lại là một bước đầu rất quan trọng trong việc phát triển một chiến lược bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
2) Hình thành một giả thuyết về kết cục và yếu tố tiếp xúc và đặt nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn
Một mục tiêu khác của nghiên cứu cắt ngang là xác định mối liên hệ giữa kết cục và yếu tố phơi nhiễm (yếu tố tiếp xúc) có thể gây ảnh hưởng đến kết cục. Theo truyền thống trước kia, mối liên hệ giữa kết cục và yếu tố tiếp xúc được đánh giá đơn giản; tuy nhiên ngày nay, mối liên hệ hữu ích trong việc hình thành các chính sách về sức khỏe sẽ được đánh giá. Ví dụ như:
Mối liên hệ giữa một kết cục và các yếu tố nguy cơ (ví dụ, trầm cảm sau sinh và các yếu tố liên quan đến thai kỳ)
Mối liên hệ giữa một vấn đề sức khỏe và sử dụng dịch vụ, và so sánh với quốc tế
Mối liên hệ giữa sử dụng dịch vụ và kiến thức, thái độ và niềm tin về các vấn đề sức khỏe