Chế độ pháp lý của công chức được quy định trong nhiêu loại văn bản pháp luật. Luật công vụ là một loại văn bản pháp luật có thể chứa đựng nhiều yếu tố mang tính tổng hợp của nhiều chế độ pháp lý đó.
Ở phần lớn các nước, Hiến pháp - quy phạm tối cao ấn định một số nguyên tắc cơ bản đối với công vụ và giao cho Quốc hội và Chính phủ xây dựng các quy tắc cụ thể hơn. Ví dụ:
- Bình đẳng trong cơ hội tìm việc làm của Nhà nước (điều 6 Tuyên ngôn nhân quyền Pháp năm 1897, nhắc lại trong Hiến pháp năm 1958)
- Nguyên tắc công trạng, được coi như là nguyên tắc tuyển dụng và đề bạt trong chức nghiệp và bổ nhiệm vào một công việc (Điều 33 Luật cơ bản Đức, điều 103.3 Hiến pháp Tây Ban Nha…)
Quyền của công chức cũng được quy định không giống nhau trong Hiến pháp. Ví dụ: quyền được đảm bảo công ăn việc làm (Hiến pháp Hy Lạp); Quyền đình công hay cấm đình công của người lao động, kể cả viên chức Nhà nước và chính quyền địa phương có thể được quy định trong hiến pháp (Hiến pháp Liên bang Đức, Pháp, Ý quy định cấm công chức đình công); quyền trung lập về chính trị (Hiến pháp Ý).
Rất nhiều nước, quy chế công chức đặc biệt đã được hệ thống lập pháp thông qua. Sự kết hợp nhiều quy định ở các đạo luật khác nhau để trở thành quy chế công chức được nhiều nước áp dụng.
Bên cạnh các đạo luật chung cho tất cả công vụ và công chức, có các Quy chế riêng cho từng loại công chức, ví dụ: thẩm phán, ngoại giao, giáo viên, cán bộ y tế, công chức địa phương hay lãnh thổ v.v. Tại Pháp, quy chế chung (luật 1983 và 1984) xác định các quy tắc áp dụng cho công chức Nhà nước, địa phương và bệnh viện nhưng mỗi ngạch công chức được nhóm thành chuyên ngành theo chuyên môn và trình độ nghề nghiệp (ví dụ, giáo viên cấp 1, giáo viên cấp 2, giáo viên trung học, phó giáo sư và giáo sư đại học,v.v) được điều chỉnh bởi “một quy chế riêng” ấn định các quy tắc riêng về tuyển dụng và đề bạt (có khoảng 900 ngạch). Công vụ Anh được điều chỉnh bởi một tập hợp phức tạp các văn bản lập quy do nhiều loại cơ quan khác nhau ban hành.