Hiện nay, tiêm phòng vắc-xin được coi là biện pháp chính nhằm khống chế đại dịch cúm gia cầm do virus A/H5N1 cũng như ngăn chặn virus này lây nhiễm trên người.
Vắc-xin truyền thống là dạng vắc-xin toàn phần chứa virus đã được bất hoạt hoặc bị nhược độc [2] [31].
Vắc-xin virus bất hoạt được phát triển đầu tiên là virus được nuôi cấy trong phôi trứng gà, sau đó tinh chế, cô đặc và cuối cùng được bất hoạt bằng formaldehyde hoặc β-propiolactone. Vắc-xin này an toàn và tạo đáp ứng miễn dịch bảo vệ tốt; tuy nhiên do virus cúm A/H5N1 có độc lực cao nên việc sản xuất vắc-xin dạng này gặp nhiều khó khăn trong việc trang thiết bị an toàn sinh học.
Vắc-xin nhược độc còn gọi là vắc-xin sống giảm độc lực, là dạng virus được làm yếu khi nuôi cấy trong điều kiện bất lợi. Vắc-xin này có thể sử dụng thông qua tuyến nhờn ở mũi. Bằng con đường này virus nhược độc kích thích miễn dịch trung hòa cục bộ, sau đó là gây đáp ứng miễn dịch trung gian tế bào và phản ứng chéo lâu dài. Tuy nhiên, vắc-xin này có nhược điểm là không an toàn khi sử dụng. Sự tái tổ hợp giữa các chủng virus hiện diện trong cơ thể có thể tạo ra một chủng virus thích nghi với nhiệt độ cơ thể và có độc lực [3] [50].
b. Vắc-xin thế hệ mới
Từ năm 1996, các chủng virus cường độc A/H5N1 qua thời gian tiến hóa, có xu hướng biến đổi nhằm tăng tính gây bệnh và làm mất tương quan miễn dịch giữa chúng và các vắc-xin đã được tạo ra.Hạn chế của các loại vắc-xin cúm hiện nay là tạo nhiều tác dụng phụ cho cơ thể, hiệu quả bảo vệ chỉ cho một chủng virus đang lưu hành cho nên vắc-xin loại này cần được thay thế, sản xuất hàng năm. Do đó, để tránh việc nghiên cứu thay đổi vắc-xin hàng năm, cần tạo ra vắc-xin có phổ kháng rộng, có khả năng chống lại tất cả thứ týp virus gây bệnh. Hiện nay, ngoài các vắc-xin truyền thống, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, phát triển các loại vắc-xin thế hệ mới với mục tiêu tạo ra một loại vắc-xin có phổ bảo vệ rộng và hiệu quả bảo vệ cao hơn, dài hơn. Các vắc-xin thế hệ mới đang được nghiên cứu phát triển hoặc ứng dụng hiện nay gồm vắc- xin DNA, vắc-xin virus tái tổ hợp và vắc-xin epitope tái tổ hợp [35].
- Vắc-xin DNA: được sản xuất dựa trên phương pháp di truyền ngược, sử dụng các plasmid mang gen kháng nguyên để đưa gen kháng nguyên vào trong cơ thể vật chủ. Hiệu quả bảo vệ của loại vắc-xin này là khá cao (70-80%) khi thử nghiệm trên mô hình động vật thí nghiệm [60] [86].
- Vắc-xin virus tái tổ hợp: sử dụng các vector là plasmid chứa gen của virus đã được biến đổi và vùng promoter của virus. Vector này được chuyển vào tế bào, tạo ra các sợi RNA bộ gen của virus, mã hóa protein và hình thành chủng virus tái tổ hợp được dùng làm vắc-xin phòng chống virus cúm A/H5N1. Phương pháp này tạo ra một virus mới không có độc lực để làm vắc-xin một cách nhanh chóng [36] [77].
- Vắc-xin epitope tái tổ hợp: hướng tiếp cận sử dụng các epitope bảo tồn ở các chủng virus thuộc các thứ týp khác nhau của virus cúm A để phát triển vắc-xin phòng virus cúm A/H5N1 là một trong các chiến lược được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu hiện nay. Vắc-xin dựa trên epitope có ưu điểm là khả năng gây đáp ứng miễn dịch với cấu trúc kháng nguyên tối thiểu, nên tránh được các ảnh hưởng không mong muốn. Tuy nhiên, vắc-xin epitope có khả năng gây đáp ứng kém hơn so với vắc- xin toàn phần. Để khắc phục nhược điểm này, khi phát triển vắc-xin cần sử dụng đồng thời các epitope tế bào B và epitope tế bào T. Hiện nay, hai epitope trên kháng nguyên bề mặt là HA và NA được tập trung nghiên cứu [33] [38] [46].