7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Tăng cường công tác chỉ đạo và định hướng thông tin báo chí
Thông tin khủng bố quốc tế cần phải đúng định hướng, phù hợp với đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu không đảm bảo được điều này, thông tin có thể gây hoang mang dư luận xã hội, tạo ra làn sóng tiêu cực trong xã hội. Hậu quả là thông tin đó có thể sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống lại Đảng và Nhà nước ta. Khi đưa tin về khủng bố quốc tế, nếu không tỉnh táo, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, sự hiểu biết sâu rộng, phóng viên – biên tập viên mảng quốc tế sẽ dễ bị sa đà, mắc “bẫy” vào vòng xoáy chính trị giữa các nước, các phe phái vì mục đích nào đó. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như mối quan hệ ngoại giao của nước ta đối với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trong điều kiện đất nước đang mở cửa, hội nhập toàn cầu và nhất là sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội, cánh cửa thông tin ngày càng mở rộng nhiều chiều, nhiều mặt của đời sống xã hội, báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng cần bắt kịp thông tin, xu thế để chuyển tải đến công chúng một cách nhanh chóng, đa dạng và khách quan nhất, song phải đảm bảo đúng chức năng của báo chí cách mạng. Thông tin thời sự quốc tế là cần thiết nhưng cần phải thực hiện đúng đường lối đối ngoại, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước, vì hòa bình độc lập dân tộc và phát triển. Trước tình hình mới với những diễn biến khó lường, công tác lãnh đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước cần có nhiều đổi mới cả về nội dung, phương châm lẫn phương thức thực hiện.
Nhìn từ tổng thể, báo điện tử đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt: tăng số lượng các tờ báo; tăng chất lượng nội dung, hình thức,
công nghệ truyền tải thông tin; tăng số lượng nhà báo, phóng viên và đội ngũ những người làm việc trong cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí nhất là ở nước ngoài; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và kỹ thuật…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì hoạt động của báo điện tử ở nước ta hiện nay vẫn bộc lộ không ít non kém, khuyết điểm. Hiện nay, một số tờ báo mạng thiếu nhạy bén về chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, định hướng, xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước; đưa tin thiếu chính xác, không trung thực, khách quan chạy đua thời gian, số lượng tin bài thay vì nâng cao chất lượng….
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí càng được đặt ra một cách cấp thiết. Bên cạnh đó, việc đề ra và ban hành các chính sách cụ thể liên quan đến báo chí nói chung và mảng quốc tế nói riêng là điều vô cùng cần thiết và quan trọng, cần được ưu tiên. Có chính sách, chế tài xử lý rõ ràng những phóng viên, nhà báo vi phạm sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân mình và là bài học cho những người làm báo khác.
Việc chỉ đạo và định hướng thông tin của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí cần phải được thực hiện thường xuyên, sát sao hơn. Tiếp đó, các ý kiến chỉ đạo cần phải được chuyển trực tiếp tới từng phóng viên, biên tập viên để họ nắm vững, tránh việc sai lệch định hướng và tránh đưa tin bài sai sót.