Sơ lược lịch sử phát triển của trường Cao đẳng nghề Lào Cai

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp mô phỏng trong dạy học mô đun điện tử công suất tại trường cao đẳng nghề lào cai (Trang 42 - 47)

Trung tâm dạy nghề và Giới thiệu việc làm được thành lập năm 1992, là trung tâm (thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội) với nhiệm vụ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động. Năm 2001 UBND tỉnh quyết định nâng cấp Trung tâm thành Trường công nhân kỹ thuật Lào Cai. Thời kỳ này nhà trường chủ yếu liên kết với các trường trung ương đào tạo một số nghề: Nông lâm nghiệp, Điện dân dụng, Tin học, Ngoại ngữ. Trụ sở làm việc tại đường Lê Ngọc Hân, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai. Cơ sở vật chất, phòng học, phòng làm việc là những căn nhà cấp 4 sơ sài, xưởng thực hành không có phải sử dụng sân trường làm “xưởng” cho học viên thực hành, đội ngũ giáo viên của nhà trường còn đang thiếu và non trẻ.

Tháng 6-2007, thực hiện Luật dạy nghề, Trường công nhân kỹ thuật Lào Cai đổi tên thành trường Trung cấp nghề Lào Cai (trực thuộc UBND tỉnh), có nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ trung cấp, sơ cấp, bồi dưỡng, đào tạo lại và nâng bậc thợ cho công nhân các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh.

Có thể khái quát sự phát triển của nhà trường theo các thời kỳ sau:

* Giai đoạn từ năm (1992- 2000): Đội ngũ cán bộ, giáo viên chỉ có 5 đến 10 người nhưng phải đảm đương khối lượng công việc lớn vừa củng cố bộ máy và cơ sở vật chất, vừa tổ chức các hoạt động đào tạo. Chương trình đào tạo, thiết bị, đồ dùng học cụ, tài liệu, giáo trình hầu như chưa có, nhà trường thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh rồi mời các trường trung ương liên kết đào tạo, vì vậy rất khó khăn trong tổ chức, quản lý đào tạo. Tuy khó khăn nhiều nhưng cán bộ, giáo viên trung tâm luôn khắc phục, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ 1994 đến 2000 trung tâm đã đào tạo 2.331 lượt công nhân, trong đó dài hạn 638 HSSV, ngắn hạn 1.693 học sinh, các học sinh ra trường đều tìm được việc làm có thu nhập ổn định.

* Giai đoạn từ năm (2001-2006): Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Ngay sau khi thành lập, trường đã thực hiện kế hoạch của tỉnh đào tạo 500 công nhân cho Mỏ đồng Sin Quyền các nghề: Khoan nổ, Tuyển khoáng, Lái máy xúc ủi…300 công nhân cho Tổng Công ty VINACONEX, các nghề: Xây dựng, Hàn…và hàng trăm công nhân cho các nhà máy giấy Lâm trường Bảo Yên, Văn Bàn, nông trường chè Phong Hải, Thanh Bình..., đào tạo ngắn hạn trên 3000 lao động nông thôn về kỹ thuật trồng lúa lai, ngô lai, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi cá, tôm, kỹ thuật trồng hoa hồng, rau sạch....Để bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống, nhà trường mở các lớp: Thêu dệt thổ cẩm, May công nghiệp, Gỗ mỹ nghệ, Tranh tre nghệ thuật...giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

Cùng với đào tạo, nhà trường chú trọng mua sắm trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Trong 5 năm, được tỉnh và Tổng cục dạy nghề đầu tư trên 3 tỷ đồng mua thiết bị cho xưởng thực hành nghề. Công tác phát triển đội ngũ giáo viên được chú trọng, từ 10 cán bộ, giáo viên vào năm 2001 đến năm 2006 đã có 50 cán bộ, giáo viên, các giáo viên thường xuyên được đi đào tạo nâng cao trình độ. Nhiều giáo viên có đề tài sáng kiến có giá trị sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ vậy, giai đoạn này nhà trường được cấp phép đào tạo 5 nghề: Công nghệ ô tô, Cơ điện nông thôn, Khuyến nông lâm, Điện công nghiệp và nghề Lắp ráp sửa chữa máy tính.

* Giai đoạn 2007 đến nay. Đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, nhà trường được đổi tên thành trường Trung cấp nghề Lào Cai. Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nhà trường. Giai đoạn này trường tiến hành hai nhiệm vụ song song đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất (di chuyển địa điểm xây mới ở khu đô thị mới). Đối với nhiệm vụ đào tạo, tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy, tích cực tuyển sinh, đào tạo theo chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao hàng năm. Mặc dù vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa đào tạo, cán bộ, giáo viên nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn, với tinh thần tự lực, tự cường,

đoàn kết, phấn đấu vươn lên, từng bước tự khẳng định thương hiệu. Để nâng cao chất lượng, trường đặc biệt chú trọng chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, hiện toàn trường có 77 cán bộ, giáo viên trong đó 63 giáo viên có trình độ Đại học đạt 100%, 22% đang học cao học, 4 giáo viên đã có bằng thạc sĩ. Trường thường xuyên đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại đồng bộ với các nghề được cấp phép đào tạo. Tính đến hết năm 2012 tổng giá trị thiết bị đã mua sắm gần 23 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến 2009 nhà trường đã đào tạo 28 lớp dài hạn được 964 học sinh, 12 lớp ngắn hạn cho lao động nông thôn được 536 học viên, xây dựng hoàn chỉnh 5 bộ chương trình trình độ trung cấp, 7 bộ chương trình trình độ sơ cấp nghề.

Về xây dựng cơ bản, tích cực triển khai các hạng mục công trình trên khu đất mới rộng gần 17,8 ha. Đến thời điểm này, đa số các công trình xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đã khắc phục căn bản khó khăn về cơ sở vật chất tạo thuận lợi để nhà trường mở rộng qui mô và các ngành nghề đào tạo.

Đến 2010 có tổng số 9 nghề được cấp phép đào tạo, đây là cơ hội giúp học sinh có thêm sự lựa chọn nghề nghiệp. Bên cạnh việc khai thác triệt để những lợi thế về cơ sở vật chất, nhà trường đã chủ động mở rộng liên kết với các trường trung ương, các tổ chức khoa học có chức năng đào tạo để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kinh nghiệm đào tạo ...nhờ biện pháp này, hàng ngàn học sinh của tỉnh đã được học những nghề nhà trường chưa đủ điều kiện đào tạo nhờ ngân sách của các đơn vị bạn, giúp giảm chi từ ngân sách tỉnh hàng tỷ đồng. Điển hình là mô hình hợp tác đào tạo giữa trường với Viện nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội (Speri) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Kiến thức các em học được là sự đan xen giữa chương trình do nhà nước qui định có bổ sung kiến thức bản địa một cách hợp lý, quá trình dạy học là sự đổi mới phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, lấy rèn luyện kỹ năng nghề là chủ yếu, học sinh tham gia các lớp này đều là con em các dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách Nhà nước qui định. Ra trường các em có tay nghề vững vàng có thể tham gia sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp, nông trường, có những em trở thành giáo viên, đặc biệt là khả năng vận dụng kiến thức để tự phát triển mô hình kinh tế hộ tại địa phương.

Từ 1995-2012, nhà trường đã đào tạo được 24.069 HSSV trong đó dài hạn là 17.716, ngắn hạn 6353 HSSV. Trong quá trình đào tạo nhà trường luôn bám sát các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, năm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để tư vấn cho học sinh lựa chọn nghề học nhờ vậy khi tốt nghiệp các em đều tìm được việc làm ổn định. Chỉ tính từ năm 2002 đến 2012 nhà trường đã đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp là 3.067người, trong đó hệ đại học, cao đẳng là 741 em, trung cấp 988 em, công nhân kỹ thuật 869 em, sơ cấp nghề 220 em, dạy nghề thường xuyên và nâng bậc thợ 249 học viên…

Để xây dựng nhà trường thực sự là nơi đào tạo nghề có uy tín, đáp ứng nhu cầu của xã hội, Cấp uỷ, Ban giám hiệu đã chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển Trường đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 chiến lược đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số: 1120/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2011. Trên cơ sở đó nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm. Kế hoạch năm 2012 nâng cấp trường lên Cao đẳng vào cuối năm. Từ năm 2013-2016 trường sẽ mở thêm một số nghề trình độ cao đẳng và trung cấp nghề, đầu tư đào tạo 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia.

Để đánh giá chất lượng đào tạo một cách tổng thể, đồng bộ và có cơ sở khoa học, đồng thời làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, giáo viên về nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2011, trường đã đăng ký kiểm định chất lượng dạy nghề và được Hội đồng kiểm định của TCDN, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công nhận đạt tiêu chuẩn dạy nghề cấp độ 3 (cấp độ cao nhất hiện nay). Đây là dấu ấn quan trọng để nhà trường tiếp tục phát huy nội lự.

Chặng đường xây dựng và phát triển 20 năm qua, bằng sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, trường Cao đẳng nghề Lào Cai đã có những bước trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ một trung tâm nhỏ của ngày mới thành lập, đến nay trường đã có cơ sở khang trang, sạch đẹp. Từ chỗ chỉ thực hiện nhiệm vụ giới thiệu việc làm và liên kết đào tạo, đến nay nhà trường đã được cấp phép đào tạo nhiều nghề và đa dạng hoá các loại hình liên kết đào tạo từ hệ đại học, cao đẳng, trung

cấp với gần 20 trường đại học, cao đẳng trong khu vực phía Bắc; 100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn quốc gia về đào tạo nghề. Ghi nhận kết quả đạt được, năm học 2012 nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Chi bộ nhà trường được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liên tục. Nhiều cá nhân và đơn vị phòng, khoa được tặng bằng khen, huân chương lao động của các bộ, ngành, của tỉnh và của chủ tịch nước, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia…

Phát huy kết quả đã đạt được, xây dựng nhà trường lớn mạnh đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới, phấn đấu từ năm 2015 trở đi lưu lượng học sinh hàng năm của nhà trường là 3000 đến 4000 HSSV. Trong thời gian tới nhà trường đề ra các biện pháp quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo như sau:

- Một là: Đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho CBGV về chất lượng đào tạo, trách nhiệm của mỗi CBGV về nâng cao chất lượng đào tạo

- Hai là: tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý đi học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học

- Ba là: xây dựng và phát triển chương trình đào tạo phù hợp mục tiêu đào tạo. - Bốn là:Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy đủ về số lượng, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đào tạo trong giai đoạn mới.

- Năm là: đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo nhằm giúp cho giáo viên và người quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học đồng thời tích cực tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng đào tạo của nhà trường.

- Sáu là: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp tốt giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có cái nhìn đúng về đào tạo nghề cho thế hệ trẻ; tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp - nhà trường và xã hội, trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo cho học sinh, sinh viên; phát huy sức mạnh tổng hợp huy động các lực lượng xã hội tích cực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nói chung, công tác đào tạo của nhà trường nói riêng.

Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, trong thời gian tới cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên

Trường CĐN Lào Cai sẽ tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp mô phỏng trong dạy học mô đun điện tử công suất tại trường cao đẳng nghề lào cai (Trang 42 - 47)