3.2.1. Phương án “Học ít biế t nhiều”
Trước hết, có lẽ nên nói đến phương án tiế t kiệm thời gian công sức”, “ học ít biết nhiều” chủ trương tập trung nhận thức một lượng nhất định yếu tố Hán Việt chủ yếu, từ đó dùng phương pháp lắp ghép để suy ra nghĩa của một số lượng từ Hán Việt lớn hơn rất nhiều. Có hai cách ghép cơ bản: ghép yếu tố Hán Việt và ghép yếu tố thuần Việt. Các từ ghép này truyền đạt một nội dung ngữ nghĩa nhất định mà trong đại đa số các trường hợp ta có thể suy ra được nếu:
Thứ nhất: Biết nghĩa của các yếu tố thành phần Thứ hai: Biết quan hệ ngữ nghĩa giữa các yếu tố
Đối với các đơn vị ghép thuần Việt thì học sinh người Việt do đã rất quen thuộc với yếu tố thành phần cho nên, để hiểu từ một cách sâu sắc, chỉ cần yêu cầu nắm và vận dụng công thức cấu tạo ngữ nghĩa. Nhưng với từ Hán Việt thì cần phải thêm một yêu cầu là các em phải hiểu được các yếu tố thành phần, tức là các từ tố Hán Việt.
Nếu nắm từ tố sẽ suy ra được nghĩa của từ ghép thì việc học từ tố tiết kiệm hơn nhiều so với học từ ghép cụ thể. Một con tính nho nhỏ sau đây cũng cho ta hình dung được khả năng tiết kiệm sẽ lớn dường nào. Giả sử có 5 từ tố A, B, C, D, E làm gốc để lắp ráp từng cặp thành những từ ghép nhất định kiểu AB, BC, CD, DE...Khả năng này giúp ta có thể có một lượng từ Hán Việt nhờ quá trình lắp ghép giữa các từ tố với nhau. Chẳng hạn, học 100 từ tố Hán Việt, ta có thể hiểu được 100 x 99 : 2 = 4950 từ ghép. Tất nhiên những con số này là tính theo khả năng tối đa trên lí thuyết, còn trong thực tế thì cũng có nhiều cách ghép cụ thể ngôn ngữ không dùng.
Nhưng học từ tố Hán Việt chưa đủ mà còn phải nắm được công thức cấu tạo nghĩa của từ ghép Hán Việt nữa. Nếu cho A, B là những từ tố Hán Việt; a, b, là nghĩa của từng từ tố tương ứng; x là những nét nghĩa không tìm thấy trong A, B nhưng có thể suy ra từ ngữ cảnh thì có thể sơ bộ nêu mấy công thức sau đây:
- AB = ab (giang sơn = sông núi) - AB = ba (viễn vọng = nhìn xa)
- AB = a(x)b (tranh thủ = giành mà nắm lấy)
- AB = b(x)a (quốc lộ = đường do nhà nước quản lí)
Những điều trên hết sức hợp lí, có sức thuyết phục mạnh mẽ: hiểu nghĩa từ tố, nắm được công thức kết cấu ngữ nghĩa, đó là cơ sở vững chắc để tiến tới hiểu nghĩa từ ghép Hán Việt. Tuy nhiên vấn đề phức tạp ở chổ là từ tố Hán Việt thường có nhiều nghĩa, mang nhiều sắc độ khác nhau; những từ tố này phiên chuyển từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ đã mất khả năng chỉ báo khu biệt ý nghĩa, vì vậy “yêu cầu hiểu nghĩa từ tố” sẽ trở nên rất phức tạp khó khăn chứ không đơn giản chút nào. Thí dụ, với một chữ quốc ngữ
PHỦ, ít nhất có 7 yếu tố Hán Việt có nghĩa khác nhau được ghi lại: phủ = cúi xuống, thí
dụ phủ nhục; phủ = bộ phận của cơ thể nằm trong bụng, ngực, thí dụ lục phủ ngũ tạng (dạ dày, mật, tam tiêu, bàng quang, ruột già, ruột non, tim, gan, tì, phế, thận); phủ = đơn vị hành chính; chức quan; dinh thự, cơ quan chính quyền đầu não, thí dụ phủ Quốc Oai, quan phủ quan huyện, phủ đệ của Tuy Lí Vương, chính phủ...; phủ = vỗ về, thí dụ phủ dụ; phủ = vũ khí, có lưỡi sắc bén, dùng để chém chặt, ta thường dịch là búa, thí dụ đao phủ; phủ = người già, ông già, thí dụ ngư phủ. Ngoài ra, PHỦ cũng được dùng để ghi một từ Việt, thí dụ che phủ, phủ kín. Việc học tắt từ tiếng Hán Việt để tiết kiệm công sức và thời gian không phải là một điều kiện hoàn toàn không tưởng, nhưng có lẽ nó chỉ thích hợp với những người thông minh, có trình độ học vấn cao, đã có kĩ năng nhất định trong lĩnh vực sử dụng tiếng Việt để nghiên cứu, giao tiếp diễn đạt. Còn với những người bình thường khác, đặc biệt là đối với các học sinh Phổ thông và sinh viên Đại học, có lẽ cần phải có cái nhìn toàn diện hơn để tìm ra một phương án, cách thức hữu hiện nhằm đưa Hán Việt vào vốn từ tích cực của họ.
Có phần khác với phương án học tắt nhằm “ tiết kiệm thời gian, công sức” , “học ít hiểu kĩ, có nhà nghiên cứu lại chủ trương “học ít hiểu kĩ”. Trong bài Dạy và học từ Hán Việt ở trường phổ thông, GS Trương Chính viết:
“Đối với học sinh phổ thông cũng như đối với người sử dụng ngôn ngữ thì điều quan trọng không phải là có số từ nhiều hay ít, mà là nắm ý nghĩa từng từ và biết sử dụng cho chính xác, nghĩa là đúng chữ, đúng nghĩa, đúng chỗ, đúng lúc, đúng màu sắc tu từ, đúng thể loại. Tất nhiên, biết nhiều từ càng hay, nhưng biết hời hợt, biết phiến diện thì chỉ gây rối mà thôi. Yêu cầu nói đó là đối với tất cả các loại từ, thuần Việt cũng như chữ Hán Việt. Nhưng từ chữ Hán Việt, như chúng ta thấy, phức tạp hơn, học sinh không thể tiếp nhận một cách tự nhiên, không thể dựa vào ngữ cảnh mà đoán được ý nghĩa, như đối với đa số từ thuần Việt, cho nên cần phải dạy và học kĩ mới tránh khỏi nhầm lẫn.
Nguyên tắc này là dạy ít, bày cho các em phương pháp tìm hiểu chắc chắn, so sánh với những từ đồng âm, gần đồng âm, đồng nghĩa, gần đồng nghĩa và đưa ra cách sử dụng thích hợp.
Ở trường phổ thông, trí óc các em lớp dưới chưa phát triển, khi dạy từ Hán Việt thì nên đặt từ vào văn cảnh cụ thể giúp các em tiếp nhận ý nghĩa một cách chính xác. Không nên dạy tách rời văn cảnh để tạo cho các em thói quen dùng từ chính xác. Tất nhiên, cách tiếp nhận này không chặt chẽ, thường bị thu hẹp trong những văn cảnh cụ thể, đổi văn cảnh, học sinh có thể hiểu sai, dùng sai. Tiến lên một bước, dạy cho các em hiểu rộng hơn bằng cách phân tích các yếu tố thành phần, hiểu nghĩa từng yếu tố, rồi suy ra nghĩa của từ, nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng, nghĩa rộng và nghĩa hẹp”.
Dạy và học từ Hán Việt theo phương án như trên là hợp tình hợp lí, hứa hẹn đem lại nhiều thành quả tốt đẹp. Tất nhiên, để có thể dạy được như thế, trình độ hiểu biết của người dạy, nói riêng trong lĩnh vực từ Hán Việt, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngôn ngữ học mà còn phải mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến “ hiện tượng từ Hán Việt” (như Hán ngữ học, Văn học, Lịch sử học, Triết Học phương Đông cổ đại v.v...Đó chính là cái nền cơ bản tạo nên “ trạng thái song ngữ cân bằng Việt – Hán”. Thực ra chúng tôi không hề có ý nghĩa muốn mọi người Việt hiện nay
đều thông thạo viết chữ Hán, biết làm thơ Đường luật, phú cận thể bằng chữ Hán v.v...(nhất là đối với các em học sinh phổ thông thì yêu cầu trên lại càng là “huyền hoặc”, “ảo tưởng” ) Nhưng những vấn đề khó khăn nan giải xung quanh từ Hán Việt trong nhà trường hiện nay đang đặt ra cho cả hai phía: người dạy và người học. Nói về người dạy, chúng tôi nghĩ rằng, dạy từ Hán Việt (nói rổng ra là dạy văn chương Hán Việt như thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh; Thơ Nôm, truyện Nôm...) mà lại không có một cái vốn tối thiểu từng tạo cơ sở cho sự hình thành trạng thái song ngữ văn hóa Việt – Hán trong quá khứ lịch sử như đã nói ở trên thì làm sao có thể dạy cho đúng, cho có kết quả, cho hay được. Đó chính là mục đích chủ yếu chỉ để là dạy từ Hán Việt một cách có hiệu quả hơn và giúp người học có thể nắm vững từ Hán Việt một cách tốt hơn, thuận lợi hơn.