Đánh giá chu trình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng và đánh giá chu trình luân chuyển vật chất của chì tại việt nam (Trang 50 - 53)

Chu trình luân chuyển vật chất chì trong quá trình tái chế ắc quy chì như đã được trình bày ở trên cho thấy quá trình tồn tại của chì từ lúc sản xuất đến lúc thu hồi.

Kết quả đánh giá chu trình luân chuyển vật chất chì:

- Trong quá trình làm giàu quặng: Lượng chì được làm giàu từ quặng chì kẽm hiện nay trong nước đã được thu hồi khá triệt để thu lấy tinh quặng chì 52% Pb sản xuất chì thô 96% Pb, hàng năm thu hồi được hàng chục nghìn tấn chì mỗi năm.

- Lượng chì xuất khẩu: Hoạt động xuất khẩu chì ở Việt Nam chủ yếu theo 3 dạng: xuất khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh (ắc quy); xuất khẩu chì đã sơ tuyển và xuất chì thô sai khi tái chế.

Các nhà sản xuất ắc quy Việt Nam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, số lượng xuất khẩu rất nhỏ chủ yếu tập chung vào 2 đơn vị chính là Công ty cổ phần Pin- Ắc quy chì miền Nam và Công ty CP ắc quy Tia Sáng. Dung lượng bình quân xuất khẩu của cả 2 công ty đạt khoảng 300,000 kwh mỗi năm, nếu quy đổi theo khối lượng thì khối lượng chì ước tính là khoảng 3800 tấn chì.

- Lượng chì nhập khẩu: Về cơ bản chì được nhập nhẩu làm nguyên liệu cho sản xuất chủ yếu gồm 2 loại là chì nguyên chất (>99,97%) và hợp kim chì. Hiện nay gần 100% lượng chì dùng cho sản xuất trong nước là chì nhập khẩu do nhu cầu chì trong các ngành khác rất nhỏ, hầu như không đáng kể.

- Trong quá trình sản xuất ắc quy chì: Chì nguyên chất (99,98% Pb) được nghiền thành bột trong hệ thống máy nghiền bột chì. Bột chì tạo ra được phối trộn với dung dịch axít H2SO4, phụ gia và nước cất thành cao chì trong máy trộn cao. Cao chì đạt độ dẻo cần thiết được trát bằng máy trát cao lên sườn cực đúc từ hợp kim (Pb-Sb) hoặc (Pb- Ca) bằng máy đúc sườn cực. Lá cực sau trát cao được ủ, sấy trong máy sấy và lắp ráp trong thùng chứa dung dịch axít H2SO4 loãng để hoá thành thành điện cực âm và điện cực dương phân biệt bằng dòng điện một chiều. Lá cực sau hoá thành được rửa sạch bằng axit và sấy khô trong máy sấy khí trơ và đem gia công (cắt mài). Lá cực gia công đạt yêu cầu kỹ thuật được đem lắp ráp để tạo thành bình ắc quy thành phẩm.

- Hoạt động thu gom ắc quy chì: hoàn toàn do các doanh nghiệp tái chế thực hiện, hiệu quả thu gom rất cao tại tất cả các khâu trong vòng đời của sản phẩm này.

Chứng tỏ mô hình thu gom này rất hiệu quả và lãi suất từ hoạt động này khá cao. Có thể thấy rằng cơ chế thị trường phát huy vai trò quan trọng trong hoạt động thu gom và tái chế ắc quy chì ở Việt Nam. Với các ưu đãi của nhà nước trong thời gian gần đây trong lĩnh vực tái chế, các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư công nghệ tiên tiến với quy mô công nghiệp. Sắp tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp nữa được thành lập tham gia vào hoạt động tái chế này. Điều này cho thấy hoàn toàn có thể áp dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy hoạt động tái chê ở Việt Nam

- Trong quá trình tái chế ắc quy chì axit thải:

Chì được thu hồi từ các bản cực ắc quy, các tâm sườn cực với tỷ lệ khoảng 70% chì và 0,7% bụi chì. Nhựa được thu hồi từ vỏ bình ắc quy và các tấm lá cách.

Các chất thải thứ cấp sinh ra trong quá trình tháo dỡ ắc quy, tinh chế chì và xay nhựa.

Nguồn phát sinh: Nước thải được tạo ra từ quá trình súc rửa bình ắc quy, từ hệ thống tái chế nhựa, từ hệ thống xử lý khí thải và nước thải sinh hoạt của công nhân. Đặc trưng của nước thải thường chứa một lượng lớn axit (từ bình ắc quy) và chứa nhiều chất rắn lơ lửng.

Chất thải rắn: Nguồn chủ yếu từ quá trình tháo dỡ bình ắc quy, xay nhựa và bảo dưỡng máy móc. Ngoài ra, còn có chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn được thu gom, tập kết tại kho chất thải nguy hại trước khi được chuyển đến các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý. Nền kho được đổ bê tông, nền và tường quét sơn chịu axit.

Khí thải, bụi: Nguồn: Khí thải và bụi phát sinh chủ yếu từ quá trình nấu luyện chì. Đặc trưng của khí thải có chứa nhiều khí axit như SO2; CO2 và bụi chì (~0,7%).

Theo điều tra khảo sát tại một số doanh nghiệp nhập khẩu Pin- Ắc quy thì họ hầu như không quan tâm đến việc thu gom rác thải pin-ắc quy hỏng, hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ.

Mức độ phù hợp:

Chu trình luân chuyển vật chất chì phù hợp đối với các giai đoạn tồn tại của chì từ lúc làm giàu quặng, sản xuất cho các ngành và tái chế.

Phù hợp đối với chì có trong ắc quy chì axit thải - một loại chất thải nguy hại, các công đoạn tái chế được làm thủ công. Tuy nhiên, với mục đích của quá trình tái chế là thu hồi chì thì lượng chì có thể đánh giá tương đối chính xác lượng chì trong hoạt động sản xuất và tái chế ắc quy chì.

Phù hợp với thực tế quá trình sống của vật chất chì trong các hoạt động sản xuất và phát triển.

Đánh giá quá trình luân chuyển vật chất chì về mặt môi trường

Về mặt môi trường các quá trình làm giàu quặng, sản xuất ắc quy chì và tái chế ắc quy chì hiện nay ở Việt Nam đang gây ra ô nhiễm không hề nhẹ cho môi trường. Đặc biệt là vấn đề tái chế ắc quy chì tại các làng nghề thủ công như làng nghề tái chế chì Đông Mai ở Hưng Yên là một ví dụ điển hình. Do không có biện pháp quản lý, thiết bị xử lý ô nhiễm chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường nên đất, nước và không khí của làng nghề này bị ô nhiễm bởi khói bụi chì, nước thải a- xít trầm trọng dẫn đến mức độ nhiễm chì của trẻ em trong làng đã ở mức báo động. Hơn nữa, việc thu gom, tái chế ắc quy hiện nay chủ yếu vẫn là hoạt động tự phát của người dân với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân.

Tuy nhiên tái chế ắc quy chì cũng đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và môi trường nếu có biện pháp tiên tiến về công nghệ và quản lý.

Tận dụng chất thải: Ắc quy chì axit thải là một chất thải nguy hại nhưng khi tái chế thì vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu là ắc quy thải, vừa thu hồi được các sản phẩm như: chì, nhựa... Qua đó làm giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, kéo dài tuổi thọ của các mỏ chì.

Giảm ô nhiễm môi trường: Hầu hết, các bộ phận trong ắc quy đều được thu hồi, lượng vật chất phát tán ra môi trường xung quanh là khá nhỏ (khoảng 10%). Hệ thống xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động tái chế phải đáp ứng được yêu cầu của loại chất thải cần xử lý, hiệu quả xử lý cao. Nước thải sau xử lý được quay vòng sử dụng lại; bụi chì trong dòng khí thải cũng được thu hồi, do vậy, giảm thiểu đáng kể lượng chất ô nhiễm phát tán vào môi trường.

Sử dụng các hóa chất thân thiện với môi trường: Hóa chất sử dụng CaO là hóa chất phổ biến, giá thành thấp, ít gây ảnh hưởng tới môi trường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng và đánh giá chu trình luân chuyển vật chất của chì tại việt nam (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)