Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) diễn ra trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta đã trải qua 20 năm. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, cũng là 5 năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Trong 5 năm ấy, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đại hội Đảng lần thứ X đã đánh giá khách quan những thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới; từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2006 - 2010).
Đối với giáo dục – đào tạo, Đại hội đánh giá: “Giáo dục và đào tạo có bước phát triển khá”. Trong đó, thành tựu đạt được của giáo dục phổ thông là:
“Cùng với củng cố kết quả xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã được triển khai tích cực, đến hết năm 2005 có 31 tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ở bậc tiểu học đạt 97,5%. Quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng và trình độ dân trí đã được nâng lên rõ rệt. Đổi mới giáo dục đang được triển khai… ” [20, tr. 153-154].
Bên cạnh đó, những hạn chế, yếu kém trong giáo dục và đào tạo trong 5 năm (2001 - 2006) là: “Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp, nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục”. Đối với giáo dục phổ thông: “Chất lượng giáo dục còn nhiều yếu kém; khả năng chủ động, sáng tạo của học sinh ít được bổi dưỡng, năng lực thực hành của học sinh còn yếu. Chương trình, phương pháp dạy học còn lạc hậu, nặng nề, chưa thật phù hợp. Việc xã hội
hóa giáo dục được thực hiện chậm, thiếu đồng bộ. Công tác giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, chất lượng thấp; chưa quan tâm đúng mức phát triển giáo dục và đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long, để giáo dục và đào tạo của vùng này tụt hậu kéo dài so với các vùng khác. Công tác quản lý giáo dục, đào tạo chậm đổi mới và còn nhiều bất cập…”
[20, tr. 170-171].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Về giáo dục và đào tạo: “Tạo được bước chuyển biến cơ bản về phát triển giáo dục và đào tạo” [20, tr. 206 ]: Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới; khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ. Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân và vì dân, đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày 14/6/2005, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Giáo dục (Sửa đổi) gồm 9 chương, 120 điều. Trong đó quy định, giáo dục phổ thông gồm hai bậc học, là giáo dục tiểu học và giáo dục trung học, ở bậc trung học có hai cấp, là trung học cơ sở và trung học phổ thông. “Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến lớp 5. Tuổi học của các học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi. Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm, từ lớp 6 đến lớp 9. Học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học, có tuổi là 11 tuổi. Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến lớp 12. Học sinh vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, có tuổi là 15 tuổi” [44, tr.19].
Luật Giáo dục cũng quy định mục tiêu giáo dục của từng bậc học phổ thông là:
“Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.
Giáo dục trung học cơ sở nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kỹ năng của giáo dục tiểu học, có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Giáo dục trung học phổ thông nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động” [44, tr.20-21] .
Mục tiêu chung của toàn bậc học giáo dục phổ thông là: “giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [44, tr.20].
Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010 xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2006 – 2010 là: “Trọng tâm của giai đoạn này là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục để đạt được các mục tiêu chiến lược và các chỉ tiêu cụ thể; hoàn thành các chương trình dài hạn 10 năm về phổ cập trung học, cao đẳng, chương trình dạy nghề, chương trình đào tạo nhân lực, chương trình bồi dưỡng nhân tài; thực hiện phát triển nền giáo dục dân tộc, hiện đại và đại chúng; bước đầu xây dựng một xã hội học tập; đưa nền
giáo dục nước ta sớm tiến kịp các nước phát triển trong khu vực. Nâng tỷ lệ
chi cho giáo dục trong ngân sách Nhà nước lên ít nhất là 20% vào năm 2010” [16].
Các mục tiêu chiến lược và các chỉ tiêu cụ thể Chiến lược đề ra đối với phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2006 – 2010 là:
Tiểu học: Phát triển những đặc tính tự nhiên tốt đẹp của trẻ em, hình thành ở học sinh lòng ham hiểu biết và những đức tính, kỹ năng cơ bản đầu tiên để tạo hứng thú học tập và học tập tốt. Củng cố và nâng cao thành quả phổ cập giáo dục tiểu học trong cả nước. Tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường từ 95% năm 2000 lên 97% năm 2005 và 99% năm 2010.
Trung học cơ sở: Cung cấp cho học sinh sinh vốn phổ thông cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở, tạo điều kiện để học sinh tiếp tục học tập hoặc đi vào cuộc sống lao động. Đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010. Tăng tỷ lệ học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi từ 74% năm 2000 lên 80% vào năm 2005 và 90% vào năm 2010.
Trung học phổ thông: Thực hiện chương trình phân ban hợp lý nhằm đảm bảo cho học sinh có học vấn phổ thông, cơ bản theo một chuẩn thống nhất, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát huy năng lực của mỗi học sinh, giúp học sinh có những hiểu biết về kỹ thuật, chú trọng hướng nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân luồng sau trung học phổ thông, để học sinh vào đời hoặc chọn ngành nghề học tiếp sau khi tốt nghiệp. Tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào trung học phổ thông từ 38% năm 2000 lên 45% vào năm 2005 và 50% vào năm 2010.
Năm 2006, Chính phủ đã có quyết định xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội phía Nam đồng bằng sông Hồng. Đây là thời cơ mới đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ X của Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục 10 năm 2001 – 2010, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVII đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm (2006 - 2010). Một trong những nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu tổng quát “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển” là “nâng cao chất lượng giáo dục dục – đào tạo và nguồn nhân lực”. “Thực hiện Luật Giáo dục (sửa đổi), ổn định quy mô trường lớp, tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp một, 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 bằng các loại hình đào tạo. Năm 2010 có 80% trường tiểu học, 60% trường trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục – đào tạo, xây dựng xã hội học tập” [72, tr. 20].
Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định đã cụ thể hóa đường lối chỉ đạo của Đảng, đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển giáo dục phổ thông của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010 là:
- Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; trên cơ sở giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật;
- Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục;
- Tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa, đồng bộ hóa;
- Xây dựng hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá quá trình dạy và học theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng giáo dục và góp phần thực hiện các mục tiêu đào tạo;
- Đẩy mạng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục;
- Giữ vững nền nếp, kỷ cương; đổi mới cơ bản công tác thi đua – khen thưởng; thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh [58, tr. 11-15].
Giai đoạn 2006 – 2010, toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định thực hiện ba cuộc vận động lớn: cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục), cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị), cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, nhiệm vụ giai đoạn hai của lộ trình Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo 2001 - 2010, Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XVII, phát huy truyền thống vẻ vang, toàn ngành giáo dục của tỉnh nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng chung sức chung lòng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của giai đoạn 2006 - 2010 và vươn lên mạnh mẽ ở những giai đoạn tiếp theo.
2.2.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện
2.2.2.1. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học
Giáo dục tiểu học:
Quán triệt sâu sắc tinh thần cuộc vận động “Hai không”, Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo nâng cao kỷ cương, nền nếp ở các trường học. Giáo dục thái độ, hành vi, nhân cách cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh tự tin trong rèn luyện và học tập. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa lớp 5, củng cố và nâng cao chất lượng thay sách các lớp 1, 2, 3, 4.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các Phòng thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp dạy - học, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm dạy học cho các nhà trường, đưa môn tự chọn (ngoại ngữ và tin học) vào giảng dạy ở các trường tiểu học. Đến năm học 2009 – 2010, môn tiếng Anh được giảng dạy ở 288 trường/299 trường (đạt 99,31%), môn Tin học được giảng dạy ở 173 trường/290 trường (đạt 59,65%) [65, tr. 6]. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt phong trào “Rèn chữ, giữ vở” và “Luyện viết chữ đúng và đẹp”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thi “Viết chữ Đúng và Đẹp” dành cho học sinh tiểu học cấp tỉnh.
Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố đã chỉ đạo các trường học đánh giá giáo viên theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Nhìn chung, giáo viên ở các trường tiểu học đã nắm chắc được nội dung, chương trình sách giáo khoa mới. Giáo viên đã tích cực sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy - học và khá linh hoạt trong việc tổ chức hoạt động cho học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục Tiểu học của tỉnh vững chắc và ổn định.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ và của Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng, các nhà trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, với mục tiêu tất cả các học
sinh đều được học 9 – 10 buổi/ tuần. Kết quả học tập của học sinh học 2 buổi/ngày cao hơn hẳn so với học sinh chỉ học 1 buổi/ngày. Đến năm học 2009 – 2010, toàn tỉnh có 99,54% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày [65, tr. 6]. Các trường nghiêm túc thực hiện các quy định chuyên môn, dạy đủ số môn học theo chuẩn chương trình. Tích hợp giáo dục Đạo đức, Tiếng Việt vào các môn học và hoạt động giáo dục. Môn học Thủ công và Kĩ thuật được điều chỉnh nội dung, kế hoạch phù hợp với đối tượng học sinh.
Việc đổi mới phương pháp dạy và học, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục Tiểu học của tỉnh vững chắc và ổn định.
Giáo dục trung học:
Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng, các trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường sử dụng thiết bị, ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh. Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. Năm học 2009 – 2010, Sở đã ban hành Tiêu chí đánh giá bài giảng điện tử, giúp cho giáo viên có định hướng về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nhìn chung, giáo viên trong tỉnh đã sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học. Chất lượng giáo dục trung học phổ thông