Dựa trên kết quả nghiên cứu được, để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường ở các quốc gia đang phát triển, các nhà hoạch định chính sách ở những quốc gia đang phát triển nên có các chính sách để tăng lượng vốn FDI chảy vào quốc gia mình, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và tăng thu nhập bình quân.
Các quốc gia đang phát triển có thể thường xuyên tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư từ nước ngoài, tăng cường công tác vận động thu hút FDI, hoàn thiện và ban bố rộng rãi quy hoạch tổng thể về đầu tư nước ngoài để các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin của các quốc gia mà họ dự định đầu tư. Bên cạnh đó, để thu hút vốn FDI, các quốc gia đang phát triển nên chú trọng đầu tư và hoàn chỉnh sơ sở hạ tầng, có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, các quốc gia muốn tăng cường thu hút FDI cũng nên đặc biệt quan tâm xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để các công ty đa quốc gia dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa nhà cung cấp cũng như đối tác phân phối sản phẩm của mình.
Mặc dù kết quả nghiên cứu cho thấy FDI làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng trong quá trình thu hút đầu tư, các quốc gia đang phát triển cũng nên sàng lọc để loại bỏ các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Cần ưu tiên thu hút đầu tư cho danh mục các ngành nghề thân thiện với môi trường, có công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy mức tiêu thụ năng lượng bình quân sẽ làm tăng lượng phát thải ô nhiễm do đó các quốc gia đang phát triển nên có chiến lược chuyển
đổi phương thức sử dụng năng lượng sang hướng hiệu quả hơn. Ưu tiên phát triển những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ mới, vừa để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tuy kết quả hồi quy cho thấy thu nhập bình quân trên người có tương quan với phát thải ô nhiễm theo dạng chữ U ngược nhưng đa phần các quốc gia đang phát triển đều chưa đạt được đến mức thu nhập bình quân ngưỡng. Đối với Việt Nam nói riêng, thu nhập bình quân hiện nay hơn chỉ hơn 2000 USD/ người, vẫn còn thấp hơn ngưỡng 4.147 USD/ người trong đường cong EKC, do đó, bên cạnh với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để thu nhập bình quân có thể vượt qua ngưỡng thì các nhà hoạch định chính sách vẫn nên áp dụng các loại thuế môi trường, giấy phép phát thải để hạn chế bớt việc các doanh nghiệp xả thải ô nhiễm ra môi trường. Nên ưu tiên phát triển các ngành nghề thân thiện với môi trường để kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách có thể xây dựng cơ chế về ưu đãi thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp có công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Biểu dương, công bố rộng rãi đến người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường trên các phương tiện truyền thông đại chúng.