Dựa trên cơ sở lý thuyết và kết quả lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm có liên quan, luận văn vận dụng mô hình nghiên cứu của Tang và Tan (2015) để nghiên cứu về tác động của dòng vốn FDI đến phát thải ô nhiễm ở các quốc gia đang phát triển. Mô hình nghiên cứu cụ thể như sau:
lnCO2 it = β0 + β1lnGDPit + β2lnGDP2it + β3lnECit + β3lnFDIit + u it Trong đó:
lnCO2 là biến phụ thuộc, phản ánh lượng phát thải CO2 bình quân đầu người ở quốc gia i vào năm t tương ứng (được lấy logarit). CO2 được sử dụng để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường bởi đây là loại khí thải phát sinh trong hầu hết quá trình sản xuất và CO2 đóng vai trò quan trọng vào quá trình biến đổi khí hậu của trái đất (hiệu ứng nhà kính). Ngoài ra, kết quả lược khảo nghiên cứu thực nghiệm có liên quan cho thấy các tác giả cũng thường sử dụng chỉ tiêu này để phản ánh cho tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở các quốc gia (Lee, 2013; Blanco và cộng sự, 2013; Linh và Lin, 2014; Omri và cộng sự, 2014; Tang và Tan, 2015; Chang và Huang, 2015).
Các biến giải thích trong mô hình bao gồm:
lnGDP là thu nhập bình quân đầu người ở quốc gia i vào năm t tương ứng (được lấy logarit) và lnGDP2 là bình phương của biến lnGDP. Do giả thuyết đường
cong EKC (Kuznet, 1955) cho rằng giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng, phát thải ô nhiễm trong các nền kinh tế sẽ tăng dần tuy nhiên khi đạt đến một ngưỡng nào đó thì lượng phát thải ô nhiễm bắt đầu giảm xuống do sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng như những tiêu chuẩn ngày càng cao về môi trường sống của con người. Bên cạnh đó, khá nhiều kết quả nghiên cứu thực nghiệm cũng đã ủng hộ cho giả thuyết nàylà mối quan hệ giữa GDP và lượng phát thải CO2 theo đường cong parabol (Ang, 2007; Jalil và Mahmud, 2009; Aslanidis và Iranzo, 2009; Iwata và cộng sự, 2010) nên luận văn sử dụng hai biến lnGDP và lnGDP2 để giải thích cho lượng phát thải ô nhiễm ở các quốc gia.
lnEC là nhu cầu sử dụng năng lượng bình quân ở quốc gia i vào năm t tương ứng (được lấy logarit) và chỉ tiêu này được đo lường bằng lượng nhiên liệu sơ cấp (trước khi được chuyển đổi thành các dạng năng lượng khác) được sản xuất và nhập khẩu bởi một quốc gia trừ đi lượng nhiên liệu xuất khẩu và cung cấp cho máy bay, tàu thủy vận chuyển quốc tế. Theo Al-mulali và Tang (2013), bên cạnh thu nhập thì nhu cầu sử dụng năng lượng là một biến giải thích tốt cho lượng phát thải ô nhiễm, nhận định này được đưa ra thông qua việc lược khảo kết quả nghiên cứu của các tác giả như Ang (2007), Pao và Tsai (2010, 2011), Wang và cộng sự (2013), Lotfalipour và cộng sự (2010), Menyah và Rufael (2010), Marrero (2010), Arouri và Youssef (2012), Hossain (2011), Al-mulali (2012), Al-mulali và Che Sab (2012a, 2012b).
lnFDI là tỷ lệ dòng vốn FDI/GDP ở quốc gia i vào năm t tương ứng (được lấy logarit). Dựa theo giả thuyết nơi trú ẩn ô nhiễm và vành ô nhiễm có thể thấy FDI sẽ tác động đến quốc gia tiếp nhận đầu tư thông qua nhiều kênh khác nhau do đó mà FDI có thể sẽ tác động tích cực lẫn tiêu cực lên phát thải ô nhiễm ở các quốc gia tiếp nhận đầu tư (Hoffmann và cộng sự ,2005; Merican và cộng sự, 2007; Lee, 2009; Blanco và cộng sự, 2013; Chang và Huang, 2015; Tang và Tan, 2015).