THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến ô nhiễm môi trường ở các cấp quốc gia đang phát triển (Trang 66 - 71)

Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập bình quân tác động đến lượng phát thải CO2 bình quân theo dạng chữ U ngược (parabol lồi) đã củng cố thêm cho giả thuyết đường cong EKC (Kuznet, 1955). Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành bởi Ang (2007), Jalil và Mahmud (2009),

Aslanidis và Iranzo (2009), Iwata và cộng sự (2010), Tang và Tan (2015). Đối với trường hợp của các quốc gia đang phát triển trong mẫu nghiên cứu, luận văn xác định được ngưỡng trong đường cong thu nhập và lượng phát thải CO2 là 4.147 USD/ người. Mặc dù kết quả hồi quy cho thấy có xuất hiện ngưỡng trong đường cong thu nhập nhưng kết quả thống kê cho thấy chỉ có một số ít quốc gia trong mẫu nghiên cứu có mức thu nhập bình quân cao hơn 4.147 USD/người chứng tỏ hầu hết các quốc gia đang phát triển vẫn đang chịu tác động tiêu cực về môi trường do những hậu quả của tăng trưởng kinh tế mang lại. Thực tế cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ đi kèm với sự gia tăng dân số, tăng nhu cầu lương thực, tăng hoạt động sản xuất công nghiệp, sử dụng nhiều tài nguyên làm tăng lượng phát thải và suy thoái môi trường. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ cố gắng tối thiểu hóa chi phí sản xuất nên cách rẻ tiền nhất để xử lý các sản phẩm phụ không mong muốn là thải ra môi trường mà chưa qua xử lý. Với quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển thì quy mô, số lượng của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp đang tăng nhanh đã khiến cho lượng phát thải ô nhiễm càng nhiều hơn. Tuy nhiên việc xuất hiện ngưỡng trong tác động của thu nhập đã cho thấy khi thu nhập tăng cao sẽ đi kèm với những tiến bộ trong công nghệ sản xuất, thay đổi cơ cấu của các ngành sản xuất theo hướng tích cực, bền vững nên đã có tác động tích cực đến môi trường. Bên cạnh việc giảm thiểu các ngành nghề gây ô nhiễm, giảm việc thâm dụng tài nguyên, dân cư ở các quốc gia có mức thu nhập cao bắt đầu đòi hỏi điều kiện sống tốt hơn, có nhiều hành động cải tạo và khôi phục các mảng xanh và đòi hỏi các nhà làm chính sách siết chặt hơn các chế tài xử lý những cá nhân hoặc tập thể có những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Chính những hành động trên đã khiến thu nhập chuyển hướng từ tác động tiêu cực sang tác động tích cực đến môi trường.

Kết quả hồi quy cho thấy tiêu thụ năng lượng làm tăng lượng phát thải ô nhiễm ở các quốc gia đang phát triển đã phản ánh đúng hiện trạng thực tế. Việc gia tăng mức độ sử dụng năng lượng luôn kèm theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, làm suy giảm sự trong lành của môi trường toàn cầu và gia tăng biến đổi khí hậu. Phần lớn nguồn năng lượng sử dụng ở các quốc gia đang phát triển là nhiên liệu hóa

thạch, nhiên liệu có nguồn gốc hữu cơ nên quá trình đốt cháy một lượng lớn nhiên liệu sẽ phát thải ra các khí gây ô nhiễm môi trường và khí nhà kính. Nghiên cứu của Olivier và cộng sự (2014) cho rằng lượng khí thải CO2 và các khí nhà kính khác đã tăng nhanh gấp hai lần trong thập niên đầu của thế kỷ 21 và nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng này là đến từ việc đốt các nguồn nguyên liệu hóa thạch (chủ yếu là than đá). Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khác trên thế giới như Ang (2007), Pao và Tsai (2010, 2011), Wang và cộng sự (2012), Lotfalipour và cộng sự (20100, Menyah và Rufael (2010), Marrero (2010), Arouri và Youssef (2012), Hossain (2011), Al-mulali (2012), Al-mulali và Che Sab (2012a, 2012b), Al- mulali và Tang (2013), Lee (2013), Linh và Lin (2014), Tang và Tan (2015).

Việc kết quả hồi quy cho thấy FDI làm giảm lượng phát thải CO2 ở các quốc gia đang phát triển đã củng cố thêm cho giả thuyết vành ô nhiễm. Các doanh nghiệp FDI đã mang theo các công nghệ sản xuất mới đến những quốc gia tiếp nhận đầu tư giúp cho việc sản xuất hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất được các doanh nghiệp FDI sử dụng thường được nhập khẩu bởi công ty mẹ từ các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển nên đã hạn chế bớt vấn đề phát thải ô nhiễm do các quốc gia thường có yêu cầu rất cao trong việc sản xuất máy móc thiết bị, phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắc khe của họ. Bên cạnh tác động trực tiếp từ các doanh nghiệp FDI thì sự hiện diện của những doanh nghiệp này đã lan tỏa công nghệ sang các doanh nghiệp chủ nhà, làm tăng môi trường cạnh tranh trong kinh doanh khiến các doanh nghiệp sở tại phải đầu tư đổi mới công nghệ để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Với việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến của các doanh nghiệp nước chủ nhà, bên cạnh việc cải thiện hiệu quả sản xuất nó còn mang đến các hiệu quả tích cực cho môi trường, giúp giảm thiểu được lượng phát thải ô nhiễm của các doanh nghiệp nước chủ nhà. Ngoài ra, có thể nhận thấy các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các quốc gia đang phát triển chủ yếu là các công ty đa quốc gia, sản phẩm làm ra của họ sẽ được tiêu thụ trên toàn thế giới kể các các thị trường khó tính. Do đó, mặc dù sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng sản phẩm làm ra phải đồng bộ và đáp ứng được các tiêu

chuẩn chung của công ty mẹ nên công nghệ sản xuất, nguồn gốc sản phẩm cũng khá đồng nhất. Chính những yếu tố kể trên đã khiến cho các doanh nghiệp FDI mặc dù đặt nhà máy ở các quốc gia đang phát triển nhưng công nghệ họ sử dụng trong sản xuất cũng phải khá tương đồng với các nhà máy được đặt ở những quốc gia phát triển, nơi mà vấn đề môi trường được kiểm soát khá nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao đặc biệt là ở các quốc gia phát triển nên ngày càng nhiều sản phẩm làm ra phải đảm bảo được các tiêu chí thân thiện với môi trường, có nhãn sinh thái… Để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng cũng đã quan tâm hơn đến vấn đề môi trường khi sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn cho vấn đề xử lý chất thải, triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường tự nhiên. Cuối cùng là do chính sách ưu tiên thu hút các ngành sản xuất công nghệ cao, thân thiện với môi trường và siết chặt quản lý đối với những vấn đề môi trường của các quốc gia tiếp nhận đầu tư đã giảm thiểu bớt việc các doanh nghiệp FDI tận dụng những hạn chế trong những quy định về môi trường ở những quốc gia đang phát triển để giảm thiểu chi phí trong việc xử lý chất thải. Việc FDI góp phần làm giảm lượng phát thải ô nhiễm trong nghiên cứu này cũng phù hợp với các nghiên cứu của Merican và cộng sự (2007), Al-mulali và Tang (2013), Tang và Tan (2015), Chang và Huang (2015).

TÓM TẮT CHƯƠNG 4

Kết quả nghiên cứu dựa trên ước lượng mô hình bằng phương pháp FGLS cho thấy thu nhập bình quân trên người tác động đến lượng phát thải CO2 theo dạng chữ U ngược, tức là thời kỳ đầu thu nhập bình quân sẽ làm tăng lượng phát thải CO2

nhưng khi thu nhập bình quân vượt qua ngưỡng 4.147 USD/ người thì thu nhập bình quân sẽ tác động âm đến lượng phát thải CO2. Kết quả hồi quy cũng cho thấy việc tăng tiêu thụ năng lượng sẽ làm tăng lượng phát thải CO2 trong khi FDI vào các quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ làm giảm lượng phát thải CO2 ở các quốc gia này.

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Nội dung chương 5 sẽ trình bày kết luận về vấn đề nghiên cứu, hàm ý chính sách căn cứ vào kết quả nghiên cứu, hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo.

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến ô nhiễm môi trường ở các cấp quốc gia đang phát triển (Trang 66 - 71)