Sau năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và nhiều nơi ở tỉnh Thanh Hóa, đó là hậu quả của những trận lụt lội, hạn hán, mất mùa và một phần là do sự bóc lột của đế quốc thực dân, phong kiến. Trước tình cảnh khó khăn chồng chất, với hơn 2 triệu người chết trong nạn đói, Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch hồ Chí Minh đã ký hàng loạt các sắc lệnh nhằm khuyến khích sản xuất, tăng gia.
Quán triệt những chủ trương, biện pháp và các chính sách của Đảng và Chính phủ, Đảng bộ và chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa đã phát động các tổ chức và các hội quần chúng, kêu gọi sự đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua cảnh đói kém. Một số phong trào đã giành được nhiều kết quả tốt đẹp như: “Nhà giàu cho vay lúa”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… Đến cuối năm 1945, toàn tỉnh đã quyên góp được 1.076 tấn gạo để cứu đói [86, Tr.192]. Hàng trăm tấn gạo được chuyển đến các tỉnh bạn như: Bắc Ninh, Hưng Yên để cứu đói. Năm 1946, toàn tỉnh được mùa, giặc đói đã bị đẩy lùi, đời sống nhân dân dần ổn định.
Để khắc phục nạn đói, Đảng bộ và Chính quyền cách mạng lâm thời đã phát động toàn dân trong tỉnh tiến hành khai hoang phục hóa, trồng các loại rau, màu ngắn ngày. Để khuyến khích phong trào khai hoang, Thanh Hóa đã quyết định miễn thuế cho những diện tích mới khai hoang từ 3 đến 5 năm. Những đất bãi, đồi núi, đất hoang hóa được khai hoang, vỡ hoang để trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày, các loại rau. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Thanh Hóa đã khắc phục cơ bản được nạn đói.
23
Về vấn đề thực hiện chính sách ruộng đất của tỉnh sau cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ và chính quyền Thanh Hóa đã tập trung vào việc tịch thu ruộng đất của bọn Việt Gian, phản động và những phần tử bất mãn bỏ trốn, và những ruộng đất vắng chủ, lấy những ruộng đất đó tạm chia cho dân nghèo. Các tổ đổi công đầu tiên cũng bắt đầu được thành lập dưới nhiều hình thức nhằm giúp nhau tăng gia sản xuất. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, hầu hết các huyện đã tiến hành vận động, tuyên truyền chính sách giảm tô 25%, bãi bỏ thuế thân, xóa bỏ chế độ công điền, công thổ và tiến hành giao đất cho nông dân sản xuất.
Tháng 12 năm 1946, do sự phản bội của thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã bùng nổ. Để dồn sức cho cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng đã chỉ rõ: cuộc kháng chiến chỉ hoàn thành khi tiến hành trên tất cả các mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa và thắng lợi của cuộc kháng chiến mang tính toàn diện.
Để đẩy mạnh kinh tế của ta, làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng và Chính phủ ra nhiều chính sách phát triển kinh tế - tài chính. Ở Thanh Hóa, bên cạnh việc tiếp thu phát động phong trào khai hoang phục hóa để giải quyết vấn đề: bồi dưỡng sức dân, tạo điều kiện cho họ đóng góp cho kháng chiến thắng lợi, Tháng 4/1949, Thanh Hóa tổ chức Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa (lần thứ II). Đại hội đã tổng kết việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp trong năm 1948, nhất là phong trào tăng gia sản xuất.
Sau Đại hội II cả Đảng bộ tỉnh, các mặt công tác kháng chiến, xây dựng hậu phương được đẩy mạnh thêm một bước. Nhân dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xây dựng các tổ đổi công, HTX nông nghiệp, thực hiện giảm tô 25%, đẩy mạnh phong trào thi đua toàn dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Đảng bộ và chính quyền tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, phát động phong trào hiến điền, kêu gọi những gia đình có ruộng đất nhiều hiến đất cho nông dân có đất cày cấy. Để đảm bảo cho người nông dân nào cũng có ruộng đất cày cấy, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo việc chia lại công điền, công thổ và ruộng đất của bọn Việt gian, phản động cho nhân dân. Trong giảm tô, nhiều nơi ở Thanh Hóa đã tiến hành vận động, tuyên truyền, sử dụng cả những biện pháp
24
mềm mỏng, thuyết phục lẫn những biện pháp kiên quyết để tầng lớp địa chủ, phú nông giảm tô cho nông dân.
Đến năm 1947, trên 400 hộ nông dân đã được chia ruộng. Năm 1948, có thêm 4.66 điền chủ nhận giảm địa tô từ 10 đến 25% trên diện tích 15.894 mẫu Trung bộ chia cho 11.997 nông dân. Đến năm 1950, hầu hết các địa chủ đề đã thực hiện giảm tô 25% [85, tr.803].
Hai là, đặc biệt chú ý tới vấn đề phát triển sản xuất, tự túc tự cấp, phát triển kinh tế tại chỗ. Vừa giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, vừa động viên kịp thời sự đóng góp cho tiền tuyến của hậu phương kháng chiến.
Ngày 20/2/1947, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh. Tại buổi nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Người đã giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng Thanh Hóa thành “Một tỉnh mô phạm” [56, tr.59], hậu phương của cuộc kháng chiến “phải làm sao cho mỗi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu [56, Tr. 62-63].
Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu với mục đích: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước [56, Tr.65].
Ba là, xây dựng hàng loạt các tổ chức quần chúng như: Hội nông dân cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Hội thanh niên cứu quốc, Hội thiếu nhi cứu quốc, Hội phụ lão cứu quốc… Mục đích của việc thành lập các đoàn thể này là để tham gia vào các phong trào sản xuất, tăng gia phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp.
Bốn là, giải quyết quan hệ sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiều nơi ở Thanh Hóa đã tổ chức các tổ đổi công, vần công dưới dạng “sơ khai”. Tổ chức thành từng nhóm, có nhóm khoảng chục người, có nhóm vài chục người, để giúp đỡ nhau trong sản xuất như việc cày cấy, đào mương, khơi ngòi, đắp đập… đảm bảo tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng. Chính quyền cũng tạo điều kiện cho người lao động có vốn, giống, sức kéo để bảo đảm trồng cấy kịp thời vụ.
25
Các hình thức sản xuất tập thể trong nông nghiệp như tổ đổi công, vần công, HTX nông nghiệp ngày càng phát triển. Năm 1948 mới có 277 tổ đổ công, vần công, hợp công thì đến tháng 5/1949 đã có 4077 tổ. Từ tổ đổi công nhanh chóng trở thành các HTX bậc thấp. Năm 1950, Thanh Hóa đã xây dựng được 504 HTX. Năm 1951, số tổ đổi công đã có lên đến 9.500 tổ và 1.575 tập đoàn sản xuất với các điển hình quản lí, tổ chức sản xuất giỏi như ở Lai Xá (Quảng Xương), Mậu Thôn (Triệu Sơn), Yên Phụ (Yên Định), Trình Thôn (Hoằng Hóa) [85, Tr.803].
Ngoài ra, Đảng bộ và chính quyền Thanh Hóa đã tổ chức các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm được phát động rộng khắp các vùng miền, từ miền ngược đến miền xuôi. Có thể nói, nhân dân Thanh Hóa đã hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Chỉ thị toàn dân kháng chiến, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trực tiếp, lâu dài và cũng đã giành được nhiều thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta.
Từ ngày 20/6 đến 5/7/1950, Đại hội Đại biểu Đảng Bộ tỉnh Thanh Hóa lần III đã họp và đề ra nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn mới: tăng cường sức mạnh của chế độ dân chủ nhân dân, khuyến khích mọi lực lượng tham gia xây dựng bảo vệ hậu phương củng cố chính quyền, mặt trận; đẩy mạnh sản xuất, bồi dưỡng sức dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Về nông nghiệp, Đại hội đề ra một số nhiệm vụ:
1.Để tận dụng được khả năng cho ruộng đất, điều cần thiết là phải tận dụng hết nhân công cho nông nghiệp, thực hiện khẩu hiệu “tất cả cho tăng gia” và hướng theo bốn yếu tố chính của việc tăng gia là: phân, cần, giống, nước.
2.Cải tiến kỹ thuật canh tác bằng cách sáng chế dụng cụ làm ăn cho tiện lợi và nhanh chóng, thay đổi hoa màu, dùng xe đạp nước v.v…
3.Khuyến khích việc chăn nuôi gia súc, tăng gia tại chỗ để phòng bệnh dịch trâu bò, hạn chế sát sinh bừa bãi” [41, Tr.221]
Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, Thanh Hóa cần phải:
1.Việc động viên phổ biến phải được sâu rộng, kịp thời, gây thành một phong trào nhân dân sôi nổi, lấy “vụ mười tổng phản công” làm đà thúc đẩy chung.
26
Sự hướng dẫn thực hiện phải chu đáo hơn, có kế hoạch, chương trình, thống kê, theo dõi, tổng kết từng thời gian của phong trào.
2.Tích cực vận động các phú nông, địa chủ ngoài và trong các tập đoàn sản xuất bỏ vật lực, tài lực cho vay mượn, giúp đỡ anh em dân nghèo” [41, Tr.221].
Tháng 2/1951, Đại hội Đại biều toàn quốc lần thứ II của Đảng đã phân tích tình hình và đối tượng của cách mạng Việt Nam, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ của cách mạng giai đoạn này là: “Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho CNXH.
Ba nhiệm vụ đó khăng khít với nhau, song nhiệm vụ chính trước mặt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cho đến lúc này phải tập trung lực lượng vào việc kháng chiến để chiến thắng quân xâm lược” [43, Tr. 433-434].
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã đánh dấu một bước trưởng thành lớn trong tư duy lý luận của Đảng về cách mạng, chiến tranh cách mạng, thổi vào cuộc kháng chiến một nguồn sinh lực mới. Trên cơ sở Đại hội II và thực tiễn cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng và nhà nước đã đề ra một số chính sách lớn về kinh tế nông nghiệp. Ngày 1/5/1951, Chính phủ ban hành một loại thuế mới là “thuế nông nghiệp”, nhằm cải cách chế độ đảm phụ, bãi bỏ các khoản thuế cũ như: thuế điền thổ, thuế công lương; bãi bỏ việc mua thóc theo định giá và đặt ra thuế nông nghiệp thu bằng thóc, thống nhất và đơn giản chế độ đảm phu cho nông dân, thực hiện đóng góp công bằng
Để thực hiện chính sách thuế nông nghiệp mới, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tập trung huy động toàn lực chỉ đạo các khối chính quyền, đoàn thể, tất cả cùng vào cuộc để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện chính sách này. Kết quả là phần lớn nhân dân trong tỉnh đã chấp hành tốt chính sách thuế nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp tầng lớp địa chủ, phú nông sở hữu nhiều ruộng đất đã có những biểu hiện tiêu cực, giấu diện tích, giấu sản lượng, khai man. Khi phát hiện vấn đề này, các cấp đảng bộ và chính quyền đã đến giải thích, tuyên truyền, nếu không được thì phải sử dụng những biện pháp cứng rắn buộc các đối tượng đó thực hiện chính sách thuế nông nghiệp nghiêm chỉnh.
27
Trong vụ thuế nông nghiệp năm 1951, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu được hàng vạn tấn lương thực, thuế nông nghiệp của tỉnh đạt 47% kế hoạch. Riêng huyện Nga Sơn, năm 1951 đóng thuế nông nghiệp 1.504.289kg thóc và 191.370 đồng, thôn Chính Đại (huyện Nga Sơn) đóng thuế 100% trong năm 1951; năm 1952, toàn huyện đóng 1.722.272kg thóc và 799.135 đồng, năm 1953 đóng 1.736.742kg thóc và 916.345 đồng, năm 1954 đóng 1.798.526kg thóc và 280.821 đồng [22,tr.114].
Có thể nói, đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời để giải quyết nhiều vấn đề của cuộc kháng chiếng chống Pháp, trong đó có vấn đề đảm bảo lương thực cho bộ đội và tạo sự công bằng trong đóng góp của nông dân, khuyến khích nông dân làm ra nhiều của cải vật chất để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Biện pháp thu thuế nông nghiệp lúc này là: công bằng, hợp lý, dân chủ; đảng viên gương mẫu, cán bộ thu thuế phải phối hợp với nhân dân để phân khoảnh, định dạng, định sản lượng, trên cơ sở đó điều chỉnh định mức đóng góp của nông dân.
Giai đoạn 1950-1952, thực dân Pháp tăng cường các cuộc càn quét lấn chiếm, vừa ra sức phá hoại nên kinh tế kháng chiến của ta. Pháp ném bom đập Bái thượng, làm hư hỏng hệ thống thủy nông sông Chu và nhiều đoạn đê xung yếu ở Thọ Xuân, Hoàng Hóa… làm cho gần 5 vạn mẫu ruộng thiếu nước cày cấy. Hàng ngàn trâu bò bị giết hại, Pháp lại càng bao vây chặt nền kinh tế, đưa hàng hóa vào làm rối loại thị trường.
Trước tình hình cuộc kháng chiến phải đối diện với vô vàn khó khăn, Tháng 5/1952 Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã họp Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV. Trong Đại hội lần này, nội dung chính sách ruộng đất đặc biệt được quan tâm. Đại hội đề ra nhiệm vụ: “Phải làm cho quần chúng nông dân tự giác tham gia vào thực hiện, đồng thời đảm bảo được đoàn kết nông thôn, phát triển sản xuất. Sửa chữa việc quân cấp công điều thổ, việc hiến điền, thực hiện việc giảm tô đúng đắn và thành nề nếp thường xuyên. Phải kết hợp thực hiện xây dựng nông hội trong việc thi hành chính sách ruộng đất” [41, Tr.325].
Từ ngày 25 đến ngày 30/1/1953, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ IV kiểm điểm việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng trong những năm kháng chiến, nhằm chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Hội nghị quyết định:
28
tiêu diệt sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và bọn xâm lược khác ở miền Nam; xóa bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của bọn địa chủ Việt Nam và ngoại kiều; thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân
Ngày 12/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 140/SL quy định chính sách ruộng đất và sắc lệnh số 151/SL về việc trừng trị địa chủ chống Pháp ở những nơi phát động quần chúng.
Tháng 11/1953, Hội nghị Trung ương 5 khóa II quyết định tiến hành phát động quần chúng cải cách ruộng đất. Từ ngày 1 đến ngày 4/12/1953, Quốc hội đã nhất trí thông qua “Luật cải cách ruộng đất”, bao gồm 5 chương và 38 điều.
Để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, Thanh Hóa đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất triệt để, giảm tô, giảm tức, thực hiện chính sách thuế nông nghiệp và bước đầu thực hiện cải cách ruộng đất.
Thứ nhất, để thực hiện khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Đảng bộ và chính quyền đã kêu gọi quần chúng nhân dân: nhà nào có tiền, có của là hiến cho kháng chiến, ủng hộ cho kháng chiến với tất cả nhiệt tình cách mạng. Trong không khí đó, nhiều gia đình tự nguyện ủng hộ cả đàn trâu, bò, ủng hộ ruộng đất, tiền bạc, lúa gạo…
Thứ hai, thực hiện chính sách “trưng thu, trưng mua” lương thực - thực phẩm, lúa gạo, thuốc men, quần áo… của những gia đình có điều kiện, bằng cả những biện pháp mềm dẻo, lẫn biện pháp cứng rắn.
Thứ ba, thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức một cách triệt để. Năm 1953, chính sách giảm tô mới có hiệu lực thực sự. Triệt để giảm tô là giải quyết quyền lợi ngay trước mắt của đại đa số nông dân nghèo: cố nông, bần nông, cụ thể là đánh