Thông qua hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở Thị xã Sơn Tây cho thấy vai trò và những thành tựu to lớn của nó đối với sự phát triển ổn định và bền vững của thị xã, trong đó phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế -
xã hội từ đô thị đến nông thôn; mở rộng và phát huy làm chủ của nhân dân; củng cố niềm tin của của quần chúng đối với các cấp chính quyền… Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu to lớn đó, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Thị xã Sơn Tây vẫn còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phất triển chung của thị xã.
- Thứ nhất, trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế lại có sự không đồng đều giữa các phường và xã:
Về số lượng và trình độ độ ngũ cán bộ công chức, phường Xuân Khanh có 18/28 cán bộ được đào tạo (có 2 sơ cấp - 10 trung cấp - 6 đại học, cao đẳng), phường Lê Lợi có 21/29 cán bộ đã qua đào tạo (3 sơ cấp - 8 trung cấp - 10 đại học, cao đẳng), tỷ lệ này ở xã Cổ Đông là 17/26 (3 sơ cấp - 9 trung cấp - 5 đại học, cao đẳng), xã Thanh Mỹ là 18/27, xã Xuân Sơn là 16/25… sở dĩ có điều này một phần do yếu tố địa lý - xã hội mang lại. Đánh giá chung cho thấy, việc quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở chưa theo kịp và chưa đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá cũng như đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Việc điều hành của Uỷ ban nhân dân còn có những biểu hiện lúng túng, chưa phát huy hết các nhân tố tích cực, hạn chế các nhân tố tiêu cực; quản lý đất đai, tài sản nhà nước chưa chặt chẽ, còn để lãng phí, thất thoát, vi phạm. Trong quản lý đất đai có nhiều vi phạm, tại xã Cổ Đông từ năm 2001 đến nay có tới 1.399 vụ vi phạm với tổng diện tích lên tới 1.552.087m2
, trong đó, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép 669 vụ, với diện tích 719.276m2; chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép 366 vụ với diện tích 360.014m2; 285 vụ vi phạm về giao đất, cho thuê đất, đấu thầu quyền sử dụng đất không đúng thẩm quyền, trái luật, với diện tích 431.23m2, tại phường Xuân Khanh những sai phạm tại dự án hồ Xuân Khanh, trong quản lý đất thổ cư, đất canh tác dẫn đến khiếu kiện của nhân dân, sử lý tranh chấp đất ở tại phường Quang Trung không triệt để dẫn tới khiếu kiện kéo dài từ 2003 đến 2010 vẫn chưa xong…
- Thứ hai, vẫn tồn tại những biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; còn nặng về dân chủ hình thức, chưa chú trọng đến việc tạo cơ chế, điều kiện để nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình.
Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự đô thị, an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân chưa đạt được yêu cầu đề ra; tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông chưa được khắc phục triệt để, tai nạn giao thông hàng năm vẫn còn xảy ra ở mức độ cao. Công tác cải cách hành chính tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song còn những quy trình thủ tục phức tạp, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời. Việc thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" ở thị xã và xã, phường đạt hiệu quả chưa cao.
- Thứ ba, một số nơi cả ở khối phường cũng như các xã tình hình trật tự xã hội có những diễn biến phức tạp, vẫn tồn tại những vấn đề gây bức xúc trong dân cư, những tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và những truyền thống vốn có trong cộng đồng.
Cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng tuy mạnh mẽ nhưng hiệu quả còn thấp, vẫn còn biểu hiện hách dịch, cửa quyền; năng lực, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong những vụ việc khó khăn, nổi cộm, bức xúc. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của dân ở một số nơi chưa kịp thời, chưa triệt để do đó tiềm ẩn những khả năng vượt cấp và kéo dài; những tiêu cực về y tế ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Môi trường ngày càng xấu, ô nhiễm ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân. Về môi trường, bãi rác thải thuộc xã Xuân Sơn, bệnh viện khu vực Sơn Tây với nguồn rác thải y tế, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp sung quanh khu vực Thành cổ Sơn Tây… đã trở thành nguy cơ gieo rắc bệnh dịch, ô nhiễm không
khí, nguồn nước. Tính trên toàn thị xã, mỗi ngày có khoảng 80 tấn rác thải sinh hoạt chưa tính đến rác thải công nghiệp, rác thải y tế được thu gom. Điều này đòi hỏi phải có hình thức xử lý triệt để đảm bảo cho sức khỏe, ổn định tư tưởng nhân dân và duy trì trật tự tại địa phương.
- Thứ tư, một số cấp ủy chưa phát huy vai trò lãnh đạo, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Tổ chức cơ sở đảng ở một số nơi chưa được chỉnh đốn, buông lỏng chế độ sinh hoạt, kỷ luật kỷ cương không nghiêm, vai trò hạt nhân lãnh đạo của một số cấp uỷ còn mờ nhạt. Tính trên toàn thị xã, từ 2006 đến 2009 vẫn còn 06 tổ chức đảng và 101 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, có 01 tổ chức đảng và 130 đảng viên bị kỷ luật. Công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế. Nguyên nhân của thực tế nêu trên là do số cấp ủy thực hiện chưa tốt quy chế làm việc, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa nghiêm, mang nặng tính hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ chưa được duy trì thường xuyên. Số cuộc kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, giám sát chuyên đề còn ít. Việc xử lý sai phạm còn chưa triệt để.
- Thứ năm, đối với Hội đồng nhân dân, việc lựa chọn đại biểu còn nặng về cơ cấu, tiêu chuẩn đại diện cho các tầng lớp xã hội, do đó trình độ chuyên môn của đại biểu chưa đồng đều, nhiều đại biểu chưa nắm chắc đường lối, chính sách, pháp luật; kỹ năng hoạt động của đại biểu, khả năng giao tiếp, ứng xử, xử lý các tình huống chưa cao.
Do những hạn chế về năng lực hoạt động của đại biểu nên kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã thông thường chỉ diễn ra trong khoảng thời gian một buổi làm việc, chỉ có một số ít kỳ họp được tổ chức trong một ngày, kỳ họp còn nặng về hình thức; đại biểu thường ít bàn luận, phản biện đề nghị giải trình, làm rõ; chất lượng, hiệu quả kỳ họp không cao. Thường trực Hội đồng nhân dân chỉ có 2 người, trong đó chỉ có một người chuyên trách thường là
phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân còn Chủ tịch Hội đồng nhân dân thường là Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm, không có Ban chuyên môn, không có chuyên viên giúp việc do đó hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân phụ thuộc phần lớn vào tinh thần trách nhiệm, năng lực hoạt động của đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách.
Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc vừa thiếu lại lạc hậu là những khó khăn, thách thức lớn phải vượt qua để đảm bảo quyền lực nhà nước ở địa phương. Đối với hoạt động giám sát, nhiều đại biểu thiếu kỹ năng, phương pháp giám sát; không có điều kiện tiếp cận thông tin; không thường xuyên tham gia hoạt động đoàn giám sát nên không quan tâm đến giám sát; không nắm và hiểu hết các chính sách, pháp luật nhất là những quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực thu chi ngân sách nhà nước, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu; nhiều đại biểu còn lúng túng không biết các vấn đề đã giám sát đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, phải kiến nghị gì, kiến nghị như thế nào để đơn vị được giám sát điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Các ý kiến mang tính chủ quan của cá nhân là chính, chưa mang tính tập thể và tính thuyết phục cao.
- Thứ sáu, hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cơ sở còn thụ động chưa phát huy được tinh thần tích cực, chủ động của các đoàn viên, hội viên.
Công tác tuyên tuyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, tham gia trong các phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có lúc, có việc hiệu quả chưa cao.
Trên đây là một số những hạn chế và yếu kém cơ bản trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở thị xã Sơn Tây nói riêng cũng như cũng như hệ thống chính trị cơ sở cả nước nói chung. Chính từ những hạn chế, khuyết điểm đó đặt ra yêu câu phải có những giải pháp thực sự khoa học và hiệu quả để vừa phát huy được những thành tựu, vừa khắc phục được
những hạn chế, khuyết điểm, chỉ có như vậy thì hệ thống chính trị cơ sở mới khẳng định được vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển đất nước trước hết là trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước hiên nay.