dừng lại ở việc liệt kê các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh chứ chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cho từng căn cứ riêng. Với tính chất phức tạp của hoạt động bảo lãnh ngân hàng thì điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các bên trong việc xác định bảo lãnh chấm dứt và đặc biệt là giải quyết hậu quả pháp lý đối với các bên liên quan.
Từ một số khía cạnh pháp lý của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng Việt Nam hiện nay, ta thấy luật đã phần nào điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xoay quanh quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng và mang lại một số kết quả nhất định. Với mức tăng trưởng trung bình 20 %/ năm, tổng dư nợ nghiệp vụ bảo lãnh của 10 ngân hàng thương mại lớn vào khoảng 43 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt là việc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) ký hợp đồng bảo lãnh trọn gói cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho 2 tổng công ty lớn nhất là Vinashin với hạn mức tín dụng lến tới 1200 tỷ đồng và làm đầu mối cho các dự án đồng tài trợ là 2000 tỷ đồng, và Vinamotor hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng và hạn mức bảo lãnh 200 tỷ đồng đã khiến cho môi trường cạnh tranh trong cuộc đua giành chiếm thị phần bảo lãnh giữa các tổ chức tín dụng ngày càng trở nên sôi động. Vì vậy để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động bảo lãnh phát triển đáp ứng đòi hỏi thực tiễn pháp luật cần từng bước bổ sung thay đổi sao cho phù hợp - điều này đang là một trong những vấn đề thu hút được quan tâm của tất cả các chủ thể liên quan đặc biệt là các nhà làm luật ở Việt Nam hiện nay..
2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh ngân hàng ởViệt Nam Việt Nam
Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể về mọi mặt. Việc gia nhập các tổ chức khu vực (như ASEAN,
APEC...), đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế, diễn đàn hợp tác kinh tế (như ASEM, APEC...) đặc biệt là việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới cuối năm 2006 đã mang lại cho đất nước ta nhiều cơ hội và thách thức mới. Trong thương mại quốc tế hiện nay, rủi ro là điều khó tránh khỏi và luôn xuất hiện trong các thương vụ lớn, vì vậy bảo lãnh ngân hàng luôn là sự lựa chọn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thời gian qua, khung pháp lý cho nghiệp vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đang dần hoàn thiện. Trong hai Pháp lệnh ngân hàng ban hành năm 1990 hoạt động bảo lãnh chưa được đề cập đến như là một nghiệp vụ kinh doanh hay dịch vụ ngân hàng thì tới Luật ngân hàng và Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 đã khẳng định bảo lãnh là một nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu của các tổ chức tín dụng và đã được luật hoá trong các văn bản cao nhất của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nghiệp vụ bảo lãnh ở Việt Nam mới đạt trình độ phát triển sơ khai, nên hệ thống văn bản pháp luật và chính sách của Nhà nước chưa thực sự điều chỉnh hết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động này. Một điều khá rõ là hiện nay ở Việt Nam chưa có một bộ luật riêng cho bảo lãnh mà vẫn còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các văn bản dưới luật. Các văn bản này lại không đồng bộ, thiếu sự thống nhất và thường xuyên thay đổi nên gây ra rất nhiều khó khăn, bất cập.
Quy chế bảo lãnh ngân hàng sau nhiều lần được thay đổi và điều chỉnh đã đat được bước tiến đáng kế trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh. Song bên cạnh đó, quy chế hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc cần được sửa đổi bổ sung ở một số khía cạnh pháp lý, theo một số hướng sau:
Thứ nhất: Bổ sung quy định về mức bảo lãnh đối với khách hàng, mức phí bảo lãnh căn cứ vào mực độ rủi ro của từng loại bảo lãnh.
Mức độ rủi ro của nghiệp vụ bảo lãnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên cùng với một khách hàng, mỗi loại bảo lãnh lại được đánh giá có mức độ rủi ro khác nhau. Thực tế cho thấy một số loại bảo lãnh như: bảo lãnh vay vốn,
bảo lãnh thanh toán, mở L/C nhập hàng trả chậm là những loại bảo lãnh có mức độ rủi ro cao hơn các loại bảo lãnh khác như bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo lãnh dự thầu. Do vậy, trong trường hợp khách hàng có nhu cầu thực hiện nhiều loại bảo lãnh tại một tổ chức tín dụng việc xác định khả năng rủi ro cho từng loại bảo lãnh để làm căn cứ xác định mức bảo lãnh, mức phí bảo lãnh phù hợp cho từng loại bảo lãnh là rất cần thiết nhưng hiện nay Quy chế bảo lãnh ngân hàng tại Việt Nam mới chưa quy định cụ thể vấn đề này.
Việc bổ sung quy định trên vào Quy chế bảo lãnh ngân hàng nên dừng lại ở khung pháp lý chung. Việc quy định cụ thể cần giao quyền cho các tổ chức tín dụng để tạo quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc kinh doanh của mình.
Thứ hai:Bổ sung trường hợp tổng mức đề nghị bảo lãnh của khách hàng vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của tổ chức tín dụng do luật định nhưng khách hàng có biện pháp xử lý phần vượt quá phù hợp với quy định của pháp luật.
Khi đứng ra bảo lãnh, với uy tín và khả năng tài chính vốn có các tổ chức tín dụng đã tạo ra sự tin tưởng, hiệu quả đảm bảo cao cho quyền lợi của các bên đặc biệt là đối với bên nhận bảo lãnh. Trên thực tế cho thấy có nhiều khách hàng có nhu cầu bảo lãnh vượt quá 15% được phép của tổ chức tín dụng, đồng thời khách hàng đưa ra đề nghị bổ sung bằng nguồn vốn tự có hoặc đưa ra các biện pháp bảo đảm bằng tài sản đối với phần vượt đó. Đứng trước yêu cầu này, tổ chức tín dụng tuy rất muốn chấp thuận bảo lãnh nhưng còn e dè, ngần ngại và không thể tiến hành vì quy chế bảo lãnh ngân hàng chưa quy định nên không được phép thực hiện. Để tránh khả năng mất đi khách hàng lớn cũng như khoản phí thu được từ các đối tượng này thì việc bổ sung quy định trên là rất cần thiết.
Thứ ba: Bổ sung và quy định rõ ràng quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong từng hợp đồng cụ thể.
Như đã phân tích ở trên, hiện nay Quy chế bảo lãnh ngân hàng cũng như Luật các tổ chức tín dụng chưa quy định rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh đặc biệt là chưa có điều
luật nào quy định trực tiếp địa vị pháp lý của tổ chức tín dụng trong mối quan hệ với bên nhận bảo lãnh. Vì vậy, khi thực hiện các bên dễ gặp phải những khó khăn vướng mắc, dẫn đến khả năng xảy ra tranh chấp là rất lớn. Để tránh gây bất lợi cho tất cả các bên tham gia, luật cần quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bên bảo lãnh sao cho phù hợp với luật quốc gia cũng như các thông lệ và tập quán quốc tế như: quy định trách nhiệm kiểm tra chứng do người thụ hưởng xất trình phù hợp với những điều khoản và điều kiện của cam kết bảo lãnh: trách nhiệm thanh toán khi các chứng từ đó là phù hợp hoặc quyền từ chối thanh toán nếu phát hiện ra hành vi gian dối do sự lừa đảo về chứng từ của bên bảo lãnh.
Thứ tư:Bổ sung và quy định chi tiết đối với trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh.
Như đã biết, đồng bảo lãnh là một trong những hình thức bảo lãnh khá phức tạp vì liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau. Tuy nhiên do đòi hỏi của thực tiễn, nhất là đối với các hợp đồng giá trị lớn đòi hỏi phạm vi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh lớn (đặc biệt là hiện nay giới hạn bảo lãnh mà các tổ chức tín dụng được phép thực hiện còn đang ở mức khá thấp là 15%) nên đồng bảo lãnh là một lựa chọn được khách hàng ưa chuộng. Nhưng trên thực tế các văn bản của Ngân hàng Nhà nước lại chỉ đề cập chung chung đối với vấn đề này, chưa có sự phân định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của từng tổ chức tín dụng thành viên tham gia đồng bảo lãnh. Vì thế dù khoản thu từ hợp đồng bảo lãnh loại này là khá lớn nhưng các tổ chức tín dụng vẫn chưa thực sự hào hứng. Điều này đặt ra cho pháp luật cần nhanh chóng hoàn thiện quy định điều chỉnh cho phù hợp và triệt để.
Chẳng hạn như quy định về các nội dung chủ yếu của hợp đồng đồng bảo lãnh phải bao gồm một số điều khoản sau: các thành viên tham gia đồng bảo lãnh; tổ chức tín dụng đầu mối thực hiện đồng bảo lãnh; loại bảo lãnh; giá trị nghĩa vụ bảo lãnh; thời gian bảo lãnh; xử lý rủi ro và tranh chấp giữa các thành viên...
Hoặc quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên tham gia đồng bảo lãnh, trong việc kiểm tra, xử lý rủi ro tranh chấp trong quá trình thực hiên đồng bảo
lãnh: các bên tham gia đồng bảo lãnh phải thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện đồng bảo lãnh heo hợp đồng đã kí kết giữa các bên; trường hợp phát sinh rủi ro trong quá trình đồng bảo lãnh các bên tham gia đồng bảo lãnh cùng thoả thuận với bên nhận bảo lãnh để xử lý theo hợp đồng đồng bảo lãnh và các quy định của pháp luật hiện hành; phương thức giải quyết tranh chấp...
Thứ năm: Quy định về vấn đề xác định thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cấp bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh ngân hàng.
Đây là hai hợp đồng mang tính phái sinh trên cơ sở hợp đồng chính đã được kí kết trước đó giữa bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh nhưng do tính độc lập về chủ thể cũng như độc lập về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nên trong trường hợp phát sinh tranh chấp cần phải xác định tư cách tham gia tố tụng cho từng loại chủ thể. Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về xác định thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh ngân hàng trong mối quan hệ độc lập với hợp đồng chính.
Chẳng hạn, nếu xem tranh chấp xảy ra giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh trong hợp đồng bảo lãnh là tranh chấp phái sinh thì các bên sẽ không thể thực hiện được quyền khởi kiện một cách độc lập. Nếu coi họ là đồng nguyên đơn hoặc đồng bị đơn hoặc là người có quyền nghĩa vụ liên quan thì họ sẽ không có quyền chủ động thực hiện các hành vi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết, dẫn đến tranh chấp kéo dài gây ra tổn thất lớn cho các bên tham gia bảo lãnh ngân hàng. Do đó trong thời gian tới để đảm bảo rõ ràng quyền lợi của các bên tham gia pháp luật cần có quy định cụ thể theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết hai hợp đồng này độc lập với nhau nếu các quyền và nghĩa vụ bị tranh chấp không phụ thuộc vào hợp đồng chính.
Thứ sáu: Hoàn thiện các văn bản pháp lý có liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng.
Điều chỉnh Quyết định 48/1999/QĐ - NHNN5 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Vì theo quyết định này, các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro sau khi đã tận thu mọi khoản thu, yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, phát mại tài sản cầm cố, thế chấp nếu có và các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ. Trong khi đó trên thực tế có rất nhiều trường hợp là sau khi tận thu, các tổ chức tín dụng không thể phát mại tài sản đành phải treo nợ tồn đọng nhiều năm. Những khoản nợ này nên được xử lý bằng dự phòng rủi ro và phần tài sản thế chấp của khách hàng sẽ được theo dõi và xử lý khi có điều kiện. Mặt khác từ Quy chế bảo lãnh ngân hàng tại Quyết định số 283/2000/QĐ - NHNN14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định về trích lập quỹ bảo lãnh vì đã có quy định phân loại tài sản có, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên việc trích lập quỹ này cần có tỷ lệ phù hợp để không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, pháp luật cần hoàn thiện các văn bản pháp quy hướng dẫn việc cầm cố, thế chấp tài sản, nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các giao dịch bảo đảm giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh diễn ra thuận lợi.
Lịch sử ra đời và phát triển của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng tại Việt Nam tuy chưa được lâu nhưng đã góp phần khẳng định vị trí và vai trò tích cực của nó trong việc điều chỉnh hoạt động này. Do nghiệp vụ bảo lãnh vẫn có mới mẻ đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam nên thực tế cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà luật chưa dự liệu hết các trường hợp xảy ra. Qua việc tìm hiểu, phân tích và đánh giá trên cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật, luận văn với đề tài “Pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng ở Việt Nam” đã:
Trình bày khái quát những vấn đề lý luận cơ bản về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng ở Việt Nam.
Qua phân tích thực tiễn áp dụng pháp luật, đánh giá những điểm phù hợp cũng như những hạn chế của pháp luật đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh ngân hàng ở Việt Nam.
Với thời gian không dài và vốn kiến thức ít ỏi cũng như khả năng phân tích đánh giá còn hạn chế, luận văn này chắc chắn chưa thể bao quát hết pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Hơn nữa đây cũng là đề tài khá mới mẻ, tài liệu thực tế là ít phổ biến nên luận văn cũng khó tránh khỏi thiếu sót, hạn chế. Vì vậy em mong có sự góp ý và đánh giá của các thầy cố giáo để luận văn này được hoàn thiện hơn.
1. Bộ luật dân sự năm 1995, 2005.
2. Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997( sửa đổi, bổ sung năm 2003). 3. Luật ngân hàng nhà nước 2010 (hiệu lực thực thi từ ngày 01/01/2011). 4. Luật các tổ chức Tín dụng 2010.
5. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 về giao dịch bảo đảm.
6. Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 283/2000/QĐ- NHNN14 ngày 25 tháng 08 năm 2000 về việc ban hành Quy chế bảo lãnh ngân hàng.
7. Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26 tháng 06 năm 2006 về việc ban hành Quy chế bảo lãnh ngân hàng.
8. Giáo trình Luật ngân hàng - Đại học Luật Hà Nội.