1. Thực trạng pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng ở Việt Nam
1.3. Quy định về phạm vi và giới hạn bảo lãnh
So với các hoạt động kinh doanh khác, bảo lãnh ngân hàng thường kéo dài dẫn đến khả năng khả năng xảy ra rủi ro cao, tác động xấu tới hoạt động bình thường của các lĩnh vực khác và nền kinh tế. Do đó, pháp luật đã có những quy định khá chặt chẽ về phạm vi và giới hạn bảo lãnh.
Trong quy chế cũ, đề cập tới vấn đề này pháp luật chỉ quy định chung trong một điều luật tại Điều 7 với tên gọi là phạm vi bảo lãnh. Theo Quy chế mới vừa được ban hành, các nhà làm luật đã tách thành hai điều luật riêng biệt:
1.3.1. Về phạm vi bảo lãnh
Trước hết, phạm vi bảo lãnh được hiểu là giới hạn của nghĩa vụ tài sản mà bên bảo lãnh cam kết sẽ thực hiện thay cho khách hàng đối với bên có quyền. Về nguyên tắc, phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh không thể rộng hơn phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh theo đó bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của khách hàng đối với người thụ hưởng. Tại điều 6, Quy chế bảo lãnh ngân hàng, các nghĩa vụ dó có thể là:
1. Nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay và các chi phí khác có liên quan đến khoản vay;
2. Nghĩa vụ thanh toán tiền mua vật tư, hàng hoá, máy móc, thiết bị và các khoản chi phí để khách hàng thực hiện các dự án hoặc phương án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ đời sống;
3. Nghĩa vụ thanh toán các khoản thuế, các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước;
4. Nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia dự thầu;
5. Nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia quan hệ hợp đồng với bên nhận bảo lãnh, như thực hiện hợp đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhận và hoàn trả tiền ứng trước;
6. Các nghĩa vụ hợp pháp khác do các bên thoả thuận.
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh là rất đa dạng, tuỳ vào từng loại hình bảo lãnh mà các bên có thể thoả thuận hợp lý, song phải luôn tuân
thủ nguyên tắc bất di bất dịch là trong mọi trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh không nặng nề hơn nghĩa vụ được bảo lãnh.
1.3.2. Về giới hạn bảo lãnh
Pháp luật cho phép tổ chức tín dụng có quyền chủ động trong việc quyết định phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh nhưng nhằm đảm bảo an toàn, pháp luật cũng quy định giới hạn bảo lãnh mà tổ chức tín dụng được phép thực hiện với mỗi khách hàng. Tại Điều 7, Quy chế bảo lãnh ngân hàng quy định rẩt rõ. Theo đó, tổng số dư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, mức này cũng được áp dụng trong trường hợp bên bảo lãnh là chi nhánh ngân hàng nước ngoài. So với quy định cũ, điều luật này đã không dự liệu trường hợp tổ chức tín dụng phải trả thay cho một khách hàng dẫn đến tổng dư nợ cho vay và dư nợ do trả thay vượt quá mức này thì sẽ xử lý theo hướng nào? Trong khi đó trên thực tế hoạt động thì khả năng xảy ra là khó có thể tránh khỏi. Đây có thể coi là sư cắt bỏ bất hợp lý và không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, 15% cũng là hạn mức không thay đổi so với quy chế cũ cũng là một trong những quy định nhận được nhiều ý kiến, đánh giá khác nhau. Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức bảo lãnh và hạn mức tín dụng cho một khách hàng lên tối đa từ 25-30% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Vì vậy quy định này là trái với mong đợi của các tổ chức tín dụng.
Đồng thời quy chế mới bổ sung thêm trường hợp mở thư tín dụng được khách hàng kí quỹ đủ hoặc được cho vay 100% giá trị thanh toán. Quy định này chắc chắn chấm dựt sự băn khoăn có phải là lách luật hay không của các tổ chức tín dụng trước mỗi quyết định phát hành thư tín dụng L/C vì thực tế đây là loại hình bảo lãnh khá phổ biến nhưng lại không từng được nhắc tới trong các quy định trước đây.
Tuy nhiên để tạo điều kiện cho khách hàng trong trường hợp số dư bảo lãnh lớn vượt hạn mức trên, các tổ chức tín dụng có thể thực hiện đồng bảo lãnh thông qua một tổ chức tín dụng làm đầu mối.