Tổ chức và hoạt động Chợ công nghệ đã thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Biện pháp liên kết hoạt động của các chợ công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại khu vực phía Nam (Trang 57 - 62)

2. Thực trạng tổ chức và hoạt động Chợ công nghệ tại các tỉnh, thành phía Nam

2.13. Tổ chức và hoạt động Chợ công nghệ đã thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là địa phương khởi xướng Chợ công nghệ, trong thời gian đầu việc tổ chức thực hiện còn mới nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng mô hình chợ công nghệ được hình thành và tổ chức trên cơ sở bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ đáp ứng doanh nghiệp một cách thiết thực. Đồng thời, cũng xác định rõ sản phẩm tham gia chào bán là một loại hàng hóa đặc biệt, có hàm lượng chất xám cao; việc tổ chức chợ công nghệ khác cơ bản với tổ chức hội chợ thông thường về sản phẩm hàng tiêu dùng. Đó là phải tổ chức tốt khâu thông tin về CN&TB chào bán và thông tin về nhu cầu của các đối tượng khách hàng làm căn cứ để thực hiện vai trò hỗ trợ kết nối giao dịch giữa hai bên chào bán và tìm mua.

Cho đến nay đã hình thành cơ bản quy trình tổ chức khá chuyên nghiệp. Quy trình này đã được nhân rộng cho nhiều địa phương và cả ở cấp quốc gia. Đến tháng 7/2007 có Quy chế tổ chức chợ công nghệ, ban hành theo Quyết định số 15/2007/QĐ- BKHCN ngày 25/7/2007 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

2.13.1 Cơ quan chỉ đạo:

Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh là cơ quan khởi xướng đầu tiên của cả nước về thực hiện mô hình Chợ KH&CN, từ kỳ chợ thứ nhất vào tháng 12/1999. Tiếp theo, từ năm 2000 đến nay đã trở thành một hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình 04 có sự chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh. Sau khi triển khai tại các tỉnh, có sự phối hợp với các Sở KH&CN địa phương và được sự ủng hộ và chỉ đạo của UBND các tỉnh. Đến năm 2003, Chợ CN&TB đã nâng lên tầm quốc gia, có sự chỉ đạo của Bộ KH&CN cùng phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Hà Nội là hai thành phố giữ vị trí trung tâm của cả nước. Đặc biệt Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động này, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 214/2005/QĐ-TTg ngày 30/8/2005 phê duyệt Đề án phát triển thị trường công nghệ giai đoạn 2006 - 2010.

2.13.2 Đơn vị thực hiện:

Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh giao cho Trung tâm Thông tin KH&CN đảm nhiệm vai trò đầu mối triển khai và phối hợp thực hiện. Trong thời gian đầu, với hoàn cảnh “Chợ” là một mô hình mới chưa có tiền lệ, hoạt động mang tính sự nghiệp, với mục đích hỗ trợ thúc đẩy thị trường, Trung tâm Thông tin KH&CN vừa phải làm tốt chức năng tham mưu, từ tên Chợ đến nội dung tác nghiệp như thế nào cho thích hợp với từng thời kỳ, vừa phải xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai thực hiện, nhân sự không có tăng thêm, chỉ mang tính kiêm nhiệm, những lúc cao điểm phải huy động hầu hết CBNV Trung tâm tham gia. Về sau, các mô hình Chợ đã được định hình, quy trình tổ chức đã đi vào nề nếp, việc triển khai đã được chuyên nghiệp hóa và giao về cho các phòng chức năng thực hiện.

Tại các kỳ Chợ quy mô khu vực và quy mô quốc gia việc triển khai hầu như phải huy động cả lực lượng cán bộ của Sở KH&CN tham gia.

2.13.3 Cơ sở hạ tầng - kỹ thuật:

Từ khi triển khai thực hiện Chợ CN&TB cho đến nay, có thể nói các đơn vị tổ chức thực hiện chưa được đầu tư gì về cơ sở hạ tầng - kỹ thuật: mặt bằng tổ chức, gian hàng, phương tiện trang trí… là các hạng mục bắt buộc không thể thiếu để tổ chức một kỳ Chợ, tất cả đều phải thuê mướn với giá khá cao. Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả.

2.13.4 Tổ chức vận động các đơn vị tham gia chào bán CN&TB (phía cung):

Công tác này phải được thực hiện tốt các việc sau:

– Xác lập phạm vi đối tượng tham gia. Đối tượng tham gia chào bán CN&TB tại Techmart thường bao gồm:

Các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; Các tổ chức tư vấn và dịch vụ KH&CN; Các đơn vị nghiên cứu thiết kế chế tạo;

Các tổ chức, tập thể và cá nhân có CN&TB chào bán. – Xác lập các tiêu chí về CN&TB giới thiệu chào bán.

Tùy theo tình hình thực tế trong từng giai đoạn và tính chất yêu cầu để xác định các tiêu chí cần thiết cho việc lựa chọn nguồn CN&TB chào bán. Yêu cầu chung hiện nay là các CN&TB được giới thiệu chào bán cần phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Đã được kiểm nghiệm, ứng dụng thành công; Đã hoàn thiện và sẵn sàng chuyển giao;

Đảm bảo chất lượng và giá rẻ hơn so với thiết bị và công nghệ ngoại nhập; Đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

– Công nghệ và thiết bị của nước ngoài phải có chất lượng cao, giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu công nghệ trong nước.

– Thông tin mô tả về CN&TB chào bán: Tất cả các CN&TB chào bán đều được mô tả chi tiết thông tin cơ bản theo mẫu chuẩn chung phù hợp với thông lệ chung của thế giới. Đồng thời thông tin về năng lực KH&CN của từng đơn vị chào bán. Các đơn vị khi tham gia chào bán đều phải có đầy đủ thông tin theo hướng dẫn của Trung tâm Thông tin KH&CN và chịu trách nhiệm về các thông tin đó khi tham gia. Đây là khâu thiết yếu trong tổ chức thực hiện tất cả các mô hình chợ.

2.13.5 Khách hàng (phía cầu):

Xác lập phạm vi đối tượng khách hàng cần phục vụ: Đối tượng khách hàng được quan tâm phục vụ sẽ được xác định tuỳ theo yêu cầu của mỗi kỳ chợ. Khách hàng

chính chủ yếu là doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các tỉnh lân cận có nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Thu thập thông tin về nhu cầu CN&TB của khách hàng: Các đơn vị tổ chức sẽ chủ động tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ và thìết bị của doanh nghiệp ở địa bàn tổ chức chợ công nghệ và các tỉnh lân cận trong thời gian trước khi Techmart diễn ra. Trên cơ sở kết quả tổng hợp về nhu cầu, sẽ xác định cụ thể hơn các lĩnh vực CN&TB quan tâm để vận động phía cung cho phù hợp. Đồng thời tổ chức các chuyến khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp chính, đại diện cho các lĩnh vực, đại diện cho các thành phần kinh tế để xác định cụ thể hơn nhu cầu.

Mời khách hàng tham dự chợ, kết nối gặp gỡ tiếp xúc giao dịch với các đơn vị phía cung: Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức nhiều biện pháp cần thiết để thu hút được các đối tượng khách hàng tiềm năng đến tham quan tìm hiểu trực tiếp trong các ngày diễn ra chợ công nghệ; đảm bảo cho các bên trao đổi thương thảo, thoả thuận trực tiếp về mua bán, chuyển giao thiết bị, công nghệ.

2.13.6 Tổ chức tuyên truyền quảng bá:

Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trước, trong và sau thời gian diễn ra nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội.

Các hình thức tuyên truyền phổ biến bao gồm:

Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo trung ương và địa phương, Sở Văn hóa - Thông tin, một số Website trong khu vực;

Thông báo, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, các tỉnh thành phối hợp tổ chức và vùng lân cận.

2.13.7 Tổ chức kết nối cung - cầu:

Xác định đây là nhiệm vụ chính yếu nhất trong hoạt động của các mô hình Chợ. Để chuẩn bị cho hoạt động kết nối cung - cầu, trước khi chợ công nghệ diễn ra, Ban Tổ chức sẽ thực hiện thu thập thông tin chào bán, gửi đến các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tìm mua công nghệ và thiết bị. Sau khi tổng hợp các nhu cầu từ doanh nghiệp, Ban tổ chức sẽ ráp nối thông tin cung - cầu để hai bên có điều kiện tiếp xúc, trao đổi, tiến tới ký kết ghi nhớ, hợp đồng.

Trong thời gian chợ công nghệ diễn ra, hoạt động trưng bày, giới thiệu các CN&TB tại các gian hàng sẽ tạo điều kiện cho hai bên cung - cầu tìm hiểu, giao dịch. Các đơn vị, cá nhân được chọn tham gia giới thiệu, chào bán công nghệ và thiết bị (phía cung) được bố trí từ 1-2 gian hàng 9m² để trưng bày giới thiệu sản phẩm của mình; bố trí cán bộ để tiếp xúc, giao dịch và tiếp nhận yêu cầu của khách hàng về công nghệ và thiết bị có thể cung cấp, chuyển giao. Các khách hàng (phía cầu) được chỉ dẫn, cung cấp thông tin và tạo mọi điều kiện để tiếp xúc với các đơn vị phía cung để trao đổi, tìm hiểu hoặc thỏa thuận, đàm phán mua - bán, cung cấp, chuyển giao các loại CN&TB có quan tâm.

Ban tổ chức giữ vai trò thường trực phục vụ hỗ trợ, tư vấn cho cả hai bên cung và cầu trong quá trình tiếp xúc tìm hiểu, giao dịch, thương thảo, đặt hàng, ký kết ghi nhớ, hợp đồng mua - bán, chuyển giao công nghệ, thiết bị.

2.13.8 Tổ chức các hoạt động hỗ trợ khác:

Để gia tăng hỗ trợ kết nối cung - cầu, một số hoạt động hỗ trợ khác cũng được tổ chức thực hiện:

Cung cấp cho khách hàng đến chợ tài liệu chỉ dẫn chợ công nghệ, giới thiệu đầy đủ năng lực của các đơn vị chào bán, giới thiệu chi tiết các CN&TB, sản phẩm chào bán để khách hàng có thể tra cứu ngay tại chợ và có thể đến tìm hiểu, giao dịch về các

CN&TB quan tâm trực tiếp với các đơn vị chào bán.

Tổ chức các buổi báo cáo, giới thiệu sâu các CN&TB điển hình. Một số CN&TB tiêu biểu của các đơn vị chào bán sẽ được chọn lọc, tổ chức khu vực để giới thiệu. Tại đây, hai bên cung - cầu sẽ trao đổi, sâu hơn từng CN&TB quan tâm.

Tổ chức khu vực tư vấn về khoa học, công nghệ và quản lý. Các lĩnh vực tương đối phổ biến như đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin KH&CN, xử lý môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn - chất lượng,… sẽ được các chuyên gia giải đáp, tư vấn miễn phí.

Khu vực chợ công nghệ ảo (chợ CN&TB trên mạng) cũng được bố trí 20 - 40 máy có nối mạng để khách hàng có thể tra cứu tìm các CN&TB quan tâm từ các website: www.techmart.com.vn, www.cesti.gov.vn, www.chotuvan.com.vn

Một số hội thảo KH&CN cũng được tổ chức nhằm hỗ trợ giải quyết các vần đề KH&CN của địa phương. Các buổi thuyết trình giới thiệu công nghệ tiêu biểu giúp các đơn vị, cá nhân có quan tâm hiểu rõ hơn về công nghệ và thiết bị mình tìm hiểu. Buổi giao lưu giữa các nhà khoa học với thanh niên, học sinh – sinh viên cũng đem lại nhiều bổ ích cho các cấp quản lý, các nhà khoa học và cung cấp thêm thông tin cho lực lượng KH&CN tương lai.

Ngoài ra, một số kỳ Softmart cũng đã tổ chức các hoạt động như: ngày hội việc làm, sàn giao dịch ý tưởng sáng tạo,… cũng được đông đảo khách hàng quan tâm.

Một phần của tài liệu Biện pháp liên kết hoạt động của các chợ công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại khu vực phía Nam (Trang 57 - 62)