6) Kết cấu bài:
2.1.1. Thỏa thuận góp vốn
Thỏa thuận góp vốn là một trong những bước cơ bản để tiến hành hoạt động góp vốn trong doanh nghiệp. Thông thường các bên thỏa thuận các điều khoản và được ghi trong hợp đồng góp vốn của các nhà đầu tư, trên cơ sở các thỏa thuận này các nhà đầu tư sẽ xây dựng hồ sơ pháp lý trong việc góp vốn và tiến hàng đăng ký góp vốn cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hợp đồng góp vốn là cơ sở chứa đựng các thỏa thuận góp vốn giữa các nhà đầu tư trong doanh nghiệp. Hơp đồng góp vốn trong doanh nghiệp không được quy định trong luật doanh nghiệp, đây là hướng mở cho sự tự do thỏa thuận giữa các nhà đầu tư. Về bản chất hợp đồng góp vốn là cơ sở xác lập các thỏa thuận góp vốn trong công ty. Vì pháp luật không có quy định cụ thể về hình thức hợp động góp vốn, theo Điều 401 Bộ Luật Dân sự 2005 Hợp đồng góp vốn có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản. Hợp đồng góp vốn là cơ sở để các nhà đầu tư soạn thảo, ký kết Điều lệ công ty, biên bản hội đồng thành viên, hội đồng cổ đông…
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A; Bà Trần Thị B và Ông Nguyễn Công C là thành viên công ty TNHH ABC. Tại phiên họp ngày 30/02/2016 các các nhân trên đã họp và thống nhất tỉ lệ góp vốn như sau: Ông A góp 2 tỷ VNĐ, Bà B góp 3 tỷ VNĐ, Ông C góp 1,5 tỷ VNĐ; thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày lập Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, biên bản được đọc và ký bởi các thành viên, không ai có ý kiến khác.
Ví dụ 2: Ông A nhà đầu tư nước ngoài đến tư Australia ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH Trường An thành lập công ty TNHH Thương mại dịch vụ B. Theo như hợp đồng Ông A góp 200.000USD bằng tiền mặt, công ty TNHH Trường An góp 50.000 USD bằng tiền mặt; thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Như vậy, ta có thể thấy cả hai ví dụ trên các biên bản làm việc giữa A, B, C và hợp đồng liên doanh trên đều là hợp đồng góp vốn của công ty, được thể hiện dưới hình thức văn bản.
2.1.2. Thành lập dự án
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục thành lập dự án ở Việt Nam, điều này quy định cụ thể ở Điều 22 Luật đầu tư 2014 “Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của
pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định”.
Khi thực hiện thủ tục đầu tư nhà đầu tư cần xem xét hai vấn đề cơ bản một là dự án đầu tư thuộc cơ quan nào cấp để thực hiện thủ tục đầu tư tại nơi đó, thứ hai là dự án đầu tư có thuộc dạng phải xin chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay không. Các trường hợp phải xin chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư 2014; đối với những trường hợp này cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận văn bản quyết định chủ trương.
Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư như sau:
1. Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
2. Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
3. Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm,
thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án;
4. Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
5. Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
6. Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
7. Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
2.1.3. Thành lập tổ chức kinh tế (thành lập doanh nghiệp)
Sau khi thực hiện thủ tục thành lập dự án, nhà đầu tư tiến hành xây dựng hồ sơ góp vốn thành lập tổ chức kinh tế. Hoạt động góp vốn doanh nghiệp biểu hiện cụ thể nhất tại giai đoạn ngày. Trên cơ sở thỏa thuận góp vốn (hợp đồng vốn) như đã nêu ở phần trên. Các bên tiến hành xây dựng hồ sơ pháp lý về việc góp vốn theo quy định pháp luật hiện hành. Hồ sơ pháp lý về việc góp vốn thành lập công ty gồm:
- Danh sách thành viên công ty, danh sách thành viên công ty được xây dựng dựa trên cơ sở của hợp đồng góp vốn công ty (thỏa thuận góp vốn), danh sách thành viên công ty là cơ sở để xác định tư cách thành viên của công ty (đối với công ty cổ phần là danh sách cổ đông), các thành viên trong danh sách thành viên sau này còn gọi là thành viên sáng lập công ty.
- Điều lệ công ty, trong nội dung điều lệ công ty sẽ thể hiện rõ vốn điều lệ của các nhà đầu tư, chủ thể góp vốn, tỉ lệ góp vốn, cam kết góp vốn, loại tài sản góp vốn quyền và nghĩa vụ của các thành viên… Nội dung điều lệ công ty được quy định rõ tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014.
Ngoài các văn bản trên hồ sơ pháp lý về việc góp vốn còn các có các chứng từ góp vốn, biên bản họp hội đồng thành viên, quyết định hội đồng thành viên, các chứng từ khác liên quan đến tài sản góp vốn. Theo như phạm vi của luận văn thì tài sản góp vốn là ngoại tệ vì vậy chứng từ góp vốn bắt buộc phải có là chứng từ ngân hàng, phiếu thu, bảng sao kê tài khoản.
Sau khi nhà đầu tư xây dựng xong hồ sơ pháp lý, giai đoạn tiếp theo để thực hiện hoạt động góp vốn là thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty không khác gì hồ sơ pháp lý của hoạt động góp vốn doanh nghiệp là mấy. Hồ sơ đăng ký kinh doanh được quy định từ Điều 21 đến Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014. Sau khi nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong vòng 3 ngày làm việc cụ thể Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2014 “Cơ quan đăng ký
kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ”.
Tóm lại, đối với hoạt động góp vốn bằng ngoại tệ là thủ tục liên quan trực tiếp giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vốn nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước và giữa các nhà đầu tư với nhau. Kết quả của hoạt động góp vốn bằng ngoại tệ sẽ sinh ra một công ty có vốn nước ngoài được thành lập dựa trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trước đây là giấy chứng nhận đầu tư). Hoạt động góp vốn của công ty diễn ra theo bước tiếp theo sau khi được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp đó chính là bước thực hiện góp vốn theo như cam kết.
2.1.4. Mở tài khoản vốn
2.1.4.1. Thực hiện cam kết góp vốn
Cam kết góp vốn là một hành vi đặc trưng trong hoạt động thành lập doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 tại Điều 48, 74 chủ sở hữu và các thành viên trong công ty TNHH phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều 112 đối với công ty cổ phần, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Như vậy, ta nhận thấy để thỏa cam kết góp vốn các thành viên, chủ sở hữu công ty, cổ đông (nhà đầu tư) phải góp đủ, đúng tài sản, đúng thời hạn cam kết.
Thứ nhất, về góp đủ số vốn “Nhà đầu tư góp vốn đầy đủ”. Khác với Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về việc thực hiện đúng cam kết tiến độ góp vốn đối với công ty theo khoản 1 Điều 39 thì nghĩa vụ thông báo kết quả tiến độ góp vốn do người đại diện pháp luật của công ty thực hiện trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày cam kết góp vốn. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bỏ đi quy định này. Nguyên nhân là do thời hạn góp vốn tối đa trong Luật doanh nghiệp 2014 là 90
ngày trong khi Luật Doanh nghiệp 2005 là 36 tháng vì vậy việc quy định về thông báo kết quả tiến độ góp vốn theo từng giai đoạn là không cần thiết.
Thứ hai, góp đúng tài sản. Về nguyên tắc thì các thành viên công ty phải góp đúng loại tài sản như đã cam kết. Đối với bài luận văn này thì đối tượng nhắm đến là ngoại tệ vì vậy các nhà đầu tư phải góp bằng đúng loại ngoại tệ đã cam kết. Tuy nhiên, nguyên tắc này không có tính chất tuyệt đối việc vì luật cho phép các nhà đầu tư thay đổi tài sản góp vốn nhưng phải thỏa được sự nhất trí của các thành viên khác, sự thống nhất tất cả các thành viên còn lại đồng ý cho thay đổi thì khi đó thành viên góp vốn mới được thay đổi tài sản góp vốn.
Thứ ba, thời hạn góp vốn trong doanh nghiệp. Theo quy định thì các nhà đầu tư phải hoàn tất góp vốn đúng hạn như đã cam kết. Theo quy định các nhà đầu tư phải góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không có hạn chế thời gian tối thiểu vì vậy nhà đầu tư có thể góp vốn trước 90 hoặc ngay tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hết 90 ngày mà nhà đầu tư không hoàn tất việc góp vốn thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, 30 ngày đối với công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần.