7. Bố cục luận văn
2.1.1. Khái niệm, vai trò của nhân vật
Nhân vật là khái niệm không chỉ được dùng trong văn chương mà còn được dùng trong nhiều lĩnh vực khác. Trong lý luận và nghiên cứu văn học thì nhân vật là một khái niệm rất quan trọng:“Nhân vật là yếu tố căn bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề, tư tưởng và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc hoạ. Nhân vật do đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng - nghệ thuật của
tác phẩm văn học[10; 86] . Qua cách hiểu đó, ta thấy được những nội hàm
không thể thiếu của khái niệm này: Thứ nhất, đó là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng những phương tiện văn học khác nhau. Thứ 2, đó là con người hoặc con vật, đồ vật, sự vật hiện tượng mang linh hồn, đặc điểm của con người, là hình ảnh ẩn dụ của con người. Thứ 3, đó là đối tượng mang tính ước lệ và có cách điệu so với đời sống hiện thực, bởi nó đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Nhân vật văn học chính là đối tượng được miêu tả đến mức có sức sống riêng nào đó bên trong tùy thuộc vào nhiệm vụ nghệ thuật mà tác giả trao cho nó.
Đối với mỗi nhân vật thì tính cách được coi là đặc điểm quan trọng nhất, là nội dung của mọi nhân vật văn học. Vì vậy trước kia một số giáo trình gọi nhân vật là tính cách. Ở đây cần hiểu tính cách là những phẩm chất xã hội lịch sử của con người thể hiện qua một vài đặc điểm cá nhân, gắn với phẩm chất, tâm – sinh lý của họ: tính cách cũng là nhân vật nhưng là nhân vật thể hiện với một chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cao hơn tuy chưa đạt đến mức
riêng biệt độc đáo mang tính cá nhân nhưng lại mang những nét chung tiêu biểu cho nhiều người trong một phạm vi nhất định. Đồng thời tính cách có một quá trình phát triển phù hợp với logic khách quan của đời sống.
Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, có những dấu hiệu chỉ để ta nhận ra. Thông thường đó là một cái tên như Trương Chi, Chí Phèo, Chị Sứ, Hai Mẫn. Thứ đến là các dấu hiệu tiểu sử, nghề nghiệp, sâu hơn là các đặc điểm tính cách. Nhân vật văn học khác với nhân vật trong hội hoạ, điêu khắc, bộc lộ trong hành động (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các ngôn ngữ) và quá trình. Nó luôn hứa hẹn những điều sẽ xảy ra, những điều chưa biết trong quá trình giao tiếp. Đồng thời nhân vật văn học mang tính chất hồi cố, bởi mỗi bước phát triển đều làm nhớ lại công thức nhận biết ban đầu, đều làm cho nó sâu thêm hoặc điều chỉnh cho nó xác đáng, nhưng không bao giờ bỏ quên hay xa rời cái chuẩn ban đầu.
Nhân vật là yếu tố vừa thuộc về nội dung, vừa là yếu tố thuộc về hình thức, bởi vậy nó có vai trò vô cùng quan trọng đối với tác phẩm văn học và đối với bản thân văn học. Chức năng của văn học là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó.
Nhân vật là phương tiện để khái quát hiện thực. Nó là công cụ để nhà văn tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời là chìa khoá để khám phá, mở rộng đề tài theo sự phát triển số phận nhân vật. Nhân vật là công cụ tái hiện con người với số phận và tính cách. Ở mỗi thời đại, do yêu cầu của lịch sử con người lại xuất hiện với những tính cách tiêu biểu, điển hình khác nhau.
Tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật vì thế lao động sáng tạo của nhà văn cũng là quá trình sáng tạo các nhân vật để “khái quát hiện thực
một cách hình tượng”. Nhân vật phải là đứa con tinh thần do nhà văn sáng tạo ra, là kết quả của quá trình thai nghén mang nặng đẻ đau của người nghệ sĩ. “Nhà văn phải tưởng tượng, hình dung ra cuộc đời nhân vật, tìm hiểu quá khứ, hiện tại, tiên đoán những bước phát triển trong tương lai, tìm hiểu lại những kỉ niệm, những quan hệ xã hội của các nhân vật. Và có như vậy mới tạo cho nhân vật một bề dày, một sức sống riêng biệt” [10]. Nhân vật cũng quyết định phần lớn cốt truyện, việc lựa chọn chi tiết, ngôn ngữ, kết cấu, các biện pháp thể hiện nghệ thuật.
Tập hợp của các cá thể nhân vật sẽ tạo nên một thế giới nhân vật, ở đó truyền tải ý đồ nghệ thuật của người cầm bút với những quan niệm nghệ thuật, cách nhìn nhận và thể hiện con người… Trong thế giới nhân vật, từ con người cá thể với những đặc điểm về tính cách, cuộc đời, số phận cho phép ta hình dung nên bức tranh tổng thể về đời sống. Thế giới nhân vật chính là phần tất yếu trong thế giới nghệ thuật của người cầm bút.