Tầm quan trọng của chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý chi trả dịch vụ môi trường rừng tại quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh nghệ an (Trang 31 - 38)

7. Kết cấu luận văn

1.3. Tầm quan trọng của chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam

Thứ nhất, tác động quản lý chi trả DVMTR đối với người sử dụng DVMTR

Chi trả DVMTR đem lại lợi ích cho người chi trả DVMTR (người sử dụng DVMTR). Việc phải trả tiền khi sử dụng các DVMTR tác động tới sự tính toán của người sử dụng dịch vụ trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên từ rừng sao cho tiết kiệm và có hiệu quả nhất, từ đó không những sẽ giảm các thiệt hại về doanh thu và tăng lợi nhuận của người sử dụng mà còn góp phần tăng cường công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

Thứ hai, tác động quản lý chi trả DVMTR đối với người cung ứng dịch vụ môi trường rừng

Tại Việt Nam trước đây, khi chưa thực hiện Chính sách Chi trả DVMTR, đối với những người chủ rừng hay người dân sinh sống trong khu vực, những giá trị họ nhận được từ rừng chủ yếu là giá trị trực tiếp. Những giá trị này bao gồm giá trị về gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị dịch vụ du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng… và thực tế thì những giá trị này là rất thấp. Thu nhập trực tiếp của người dân từ rừng phòng hộ chủ yếu là tiền khoán bảo vệ rừng của Nhà nước, trước đây là 50.000 đồng/ha/năm và nay là 100.000đ/ha/năm.

Thu nhập từ rừng sản xuất là rừng tự nhiên mức thu nhập dao động từ 60.000 đồng đến 1.950.00 đồng/ha/năm. Sở dĩ có sự chênh lệch lớn như vậy vì ở vùng sâu, vùng xa không có sự thuận lợi về giao thông thì thu nhập từ rừng tre nứa và rừng phục hồi khoảng 60.000 đồng/ha/năm; rừng nghèo là 250.000 đồng/ha/năm còn đối với những vùng có sự thuận lợi về giao thông thì mức thu nhập này cao hơn: rừng tre nứa đem lại mức thu nhập 200.000 đồng/ha/năm, rừng phục hồi là 360.000 đồng/ha/năm, rừng nghèo là 600.000 đồng/ha/năm, rừng trồng là 1.500.000 đồng/ha/năm và cuối cùng cao nhất là rừng trung bình cho mức thu nhập là 1.950.000 đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, các trạng thái rừng nghèo và rừng trung bình được trồng ở những nơi có giao thông thuận lợi chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, ít hơn 10%. Do vậy, nhìn chung thu nhập của người dân dao động ở mức từ 100.000 đồng đến 360.000 đồng/ha/năm, thu nhập trung bình của họ từ nghề rừng khoảng 230.000 đồng/ha/năm. Nếu tính thêm rằng, họ vừa nhận được tiền trực tiếp từ rừng sản xuất vừa nhận được tiền cho việc bảo vệ rừng phòng hộ thì mức thu nhập là 330.000 đồng/ha/năm. Con số này cho thấy người làm nghề rừng có mức thu nhập thấp. Thậm chí với các chính sách hiện nay của Nhà nước, yêu cầu người dân giữ rừng, kinh doanh rừng bằng Pháp luật thì các mâu thuẫn về lợi ích càng nảy sinh rõ hơn. Ở những nơi nào còn nhiều rừng, có tác dụng phòng hộ lớn, có tính đa dạng sinh học cao thì ở đó những người làm rừng lại nghèo nhất, đời sống khó khăn, ngày càng tách biệt so với các vùng kinh tế khác gây nên sự tiềm ẩn bất ổn về xã hội. Chính vì thế những người trực tiếp làm nghề rừng không muốn gắn với sản xuất lâm nghiệp mà tìm kiếm các công việc khác như phá rừng làm nương rẫy hoặc khai thác và buôn bán gỗ, động thực vật hoang dã trái phép.

Khi người làm rừng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, cụ thể ở đây là phòng hộ đầu nguồn, thay vì phá rừng họ sẽ giữ rừng và

nhận được tiền cho việc cung cấp của mình. Đồng thời, Nhà nước vẫn giao việc quản lý rừng phòng hộ cho người làm rừng, do vậy họ vẫn nhận được khoản tiền khoán cho việc bảo vệ rừng. Như vậy, mức thu nhập của người dân làm nghề rừng sẽ được tăng thêm.

Hiện nay, theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, mức thu nhập bình quân hàng năm trong cả nước của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từ chi trả DVMTR khoảng 1,8 triệu đồng/hộ/năm. Tại một số nơi, đơn giá chi trả bình quân cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho bảo vệ rừng (200.000đ/ha/năm); cơ nơi đạt từ 300.000 - 450.000 đ/ha/năm. Các tỉnh có mức thu nhập bình quân của hộ gia đình cao như: Lâm Đồng (trên 8 triệu đồng/hộ/năm), Bình Phước (7,2 triệu đồng/hộ/năm), Kon Tum (trên 5,7 triệu đồng/hộ/năm), Lai Châu (2,4 triệu đồng/hộ/năm)… Nhờ Chính sách chi trả DVMTR mà thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng đã có những bước cải thiện rõ rệt.

Như vậy, Chính sách chi trả DVMTR góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng, các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ rừng.

Thứ ba, tác động quản lý chi trả DVMTR đối với xã hội.

Chi trả DVMTR đem lại lợi ích cho người nghèo, cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội, nâng cao hiệu quả của công tác BV&PTR, góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng; đồng thời nó tạo ra nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách.

i) Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đa số những người cung cấp các dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam nói chung đều là người nghèo. Là một quốc gia đang phát triển, đề cao công

tác xoá đói giảm nghèo, do đó việc chi trả DVMTR vừa gắn với người nghèo, vừa bảo vệ môi trường rất được Chính phủ khuyến khích. Việc chi trả DVMTR có thể đem đến lợi ích cho người nghèo dưới hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Các lợi ích trực tiếp bao gồm những chi trả bằng tiền để giúp người cung cấp DVMTR cải thiện thu nhập và đời sống của họ. Mức thu nhập của người làm rừng là rất thấp, vì vậy họ không có cơ hội tiếp cận với đời sống văn minh, bị hạn chế trong quan hệ cộng đồng với các khu vực khác và sẵn sàng tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp để có thêm thu nhập. Tác động tích cực của Chi trả DVMTR đến thu nhập mang đến cho người làm rừng cơ hội nâng cao đời sống vật chất, tiếp cận với nhiều điều mới mẻ hơn. Các lợi ích gián tiếp có thể kể đến là việc hỗ trợ người nghèo có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong tiến trình đàm phán hợp đồng, giảm các mâu thuẫn xã hội hay học hỏi được những kỹ năng tiên tiến.

Ngoài ra, ở những khu vực vùng sâu vùng xa, Chi trả DVMTR sẽ trở thành một công cụ hữu ích ổn định dân số và định hướng phân bổ nguồn vốn đều các vùng. Kết hợp được các nguồn vốn an sinh xã hội và bảo vệ môi trường có thể nâng cao mức chi trả nhằm tăng hiệu quả của xoá đói giảm nghèo. Như vậy, Chi trả DVMTR là một cơ chế được thiết kế không chỉ nhằm mục đích bảo vệ môi trường rừng mà còn hướng tới những người nghèo, mang lại cho họ cơ hội tham gia vào những hoạt động môi trường mà trước đây vì không có năng lực tài chính nên họ không thể tham gia.

Một lợi ích tiềm năng có thể đưa đến từ Chi trả DVMTR là việc giảm tỷ lệ thất nghiệp cho địa phương tham gia dự án. Nhìn thấy lợi ích từ Chi trả DVMTR, sẽ có nhiều người tham gia cung cấp DVMTR và giảm tỷ lệ người không có việc làm tại địa phương. Thêm nữa, các hoạt động cũng cần có người giám sát và quản lý, đây có thể là cơ hội phát triển cho nguồn lao động có trình độ tại nơi thực hiện dự án. Việc này sẽ góp phần ổn định tình hình xã hội, giảm nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội…

ii) Chi trả DVMTR đối với doanh nghiệp:

Hiện nay, Chi trả DVMTR là một chính sách đầy mới mẻ với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam, nên nhận thức về lợi ích của Chính sách Chi trả DVMTR với bản thân các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp cũng là một thành phần của xã hội, do vậy lợi ích doanh nghiệp có được cũng trở thành một phần lợi ích của toàn xã hội. Dựa trên kinh nghiệm của các nước đã thực hiện Chi trả dịch vụ môi trường trên thế giới và tiềm năng mở cửa của Việt Nam, doanh nghiệp có thể nâng cao hình ảnh của mình đối với khách hàng khi tham gia vào Chi trả DVMTR. Việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp gắn liền với môi trường đang trở thành một xu hướng của thời đại và các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, để kịp thời tiếp thu và áp dụng trong điều kiện của mình. Tham gia Chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại hình ảnh thân thiện với môi trường cho doanh nghiệp, từ đó xuất hiện nhiều cơ hội kinh doanh hơn, đặc biệt là với các đối tác nước ngoài. Mặt khác, bằng việc chi trả một khoản tiền để duy trì và bảo tồn rừng, doanh nghiệp đã đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường cùng toàn xã hội, đem lại lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp và những người khác.

iii) Chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với toàn xã hội

Chi trả DVMTR không chỉ đem lại lợi ích cho người nghèo và doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội. Không thể phủ nhận rằng, việc nhận biết lợi ích của một dự án chi trả dịch vụ môi trường là khá khó khăn, nhất là đối với những người không nằm trong khu vực dự án hay thậm chí cách xa vùng dự án. Nhưng một lợi ích có thể nhận thấy được đó là, rừng được bảo vệ và duy trì sẽ hạn chế các thiên tai có thể xảy ra. Với chức năng giữ nước, giữ đất, rừng cung cấp nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho vùng hạ lưu, hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, từ đó giảm bớt các thiệt hại đối với con người. Có thể lấy

một ví dụ cụ thể, Chi trả DVMTR góp phần làm tăng diện tích rừng nên có thể hạn chế việc nước lũ tràn về từ đầu nguồn gây ngập úng cho khu vực hạ lưu. Nhờ thế, con người tránh được các thiệt hại do giảm năng suất cây trồng, khắc phục thiệt hại sau mưa lũ…

Thêm nữa, rừng còn là lá phổi xanh cho đời sống của con người, điều hoà khí hậu, hấp thu cacbon đem lại cho con người môi trường sống trong lành hơn. Tác dụng điều hoà khí hậu không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương và các vùng lân cận mà còn ảnh hưởng chung trên phạm vi vùng, cải thiện môi trường sống và đem lại lợi ích môi trường cho toàn xã hội.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu toàn cầu đang là vấn đề của toàn thế giới, Chi trả DVMTR đóng góp vào việc tăng diện tích rừng cũng là cùng thế giới ngăn chặn hiện tượng ấm dần lên của Trái đất. Như vậy, tầm quan trọng từ Chi trả DVMTR không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn cho toàn thế giới trong việc chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh những hiệu quả cho xã hội nêu trên, như đã phân tích, Chi trả DVMTR là một cơ chế hướng đến người nghèo, vì người nghèo. Chi trả DVMTR mang đến việc làm, cơ hội nâng cao năng lực tài chính cho những người làm rừng, góp phần giải quyết các vấn đề đói nghèo, ổn định xã hội. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, khoảng cách giữa thu nhập ở vùng sâu vùng xa và thu nhập ở đô thị ngày càng gia tăng thì đây cũng là biện pháp phân bổ lại thu nhập. Số tiền người dân ở đô thị chi trả cho các dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn thu nhập cho người dân ở vùng rừng núi, tăng thêm nguồn thu cho họ. Tuy số tiền họ được trực tiếp chi trả chưa lớn, chưa thể khẳng định họ có thể làm giàu từ rừng nhưng cũng cải thiện một phần cuộc sống. Từ những thay đổi từ đời sống vật chất sẽ dẫn đến các thay đổi tích cực trong đời sống tinh thần. Họ có cơ hội tiếp cận với nhiều phương tiện giải trí hơn, làm phong phú thêm cho cuộc sống của mình.

Tóm lại, sự có mặt của Chi trả DVMTR sẽ đóng góp một phần ý nghĩa cho các vấn đề đang tồn tại trong xã hội. Chính vì thế, cần thiết thực hiện và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của cơ chế Chi trả DVMTR.

iv) Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác BV&PTR.

Thực tế cho thấy, cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Chi trả DVMTR đã phát huy tác dụng, có tác động tới công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của Pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy giảm dần qua các năm. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Tổng diện tích rừng trong các lưu vực có cung ứng DVMTR toàn quốc khoảng 4,1 triệu ha, hàng năm nguồn tiền DVMTR đã giải ngân, chi trả cho các chủ rừng nhận giao, khoán bảo vệ rừng từ 2,8 đến 3,37 triệu ha rừng/13,8 triệu ha rừng của cả nước (chiếm tỷ lệ 20-27%) góp phần nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2013 so với năm 2010 của toàn quốc giảm 19,42%; tổng diện tích bị phá năm 2013 so với năm 2010 của toàn quốc giảm 59,55%; tổng diện tích bị cháy năm 2013 so với năm 2010 của toàn quốc giảm 82,89%. Do có thu nhập từ Chính sách chi trả DVMTR, nên đã khuyến khích chủ rừng, người dân tham gia công tác phát triển rừng. (Xem phụ lục 3 và Phụ lục 4)

v) Chi trả DVMTR giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng; tạo ra nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách.

Từ năm 2013, Chính phủ có chủ trương tạm dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên, một số chủ rừng, công ty lâm nghiệp không còn nguồn thu từ

khai thác rừng tự nhiên, thì nguồn tiền DVMTR giúp cho các công ty này đứng vững, khôi phục sản xuất, có kinh phí hoạt động và hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng.

Riêng khu vực Tây Nguyên có 55 công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp, đã có 43 công ty nhận được tiền DVMTR. Từ năm 2011 đến hết tháng 8/2014, tiền DVMTR đã chi trả cho 43 công ty với tổng số tiền là 195,5 tỷ đồng. Trong đó, Lâm Đồng giải ngân 96,1 tỷ đồng cho 8 công ty; Gia Lai giải ngân 13,2 tỷ đồng cho 11 công ty; Kon Tum giải ngân tiền DVMTR 11,074 tỷ đồng cho 5 công ty, Đắc Nông giải ngân 46,9 tỷ đồng cho 11 công ty; Đắc Lắc giải ngân 9,67 tỷ đồng cho 8 công ty.

Chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, ổn định, bền vững, đóng góp nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nếu như nguồn ngân sách Nhà nước đáp ứng khoảng 29% tổng mức đầu tư cho ngành Lâm nghiệp, thì trong 2 năm gần đây nguồn tiền DVMTR đạt bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 22,3% nguồn kinh phí đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp. Tổng hợp thu tiền dịch vụ môi trường rừng của cả nước xem phụ lục 5 và phụ lục 6.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý chi trả dịch vụ môi trường rừng tại quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh nghệ an (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w