Tiện nghi là một khái niệm phức tạp, không rõ ràng và rất khó định nghĩa, sự tiện nghi bao gồm các thành phần nhiệt và không nhiệt, trong đó thành phần nhiệt là một yếu tố đo được dễ dàng: Trở nhiệt và trở ẩm của quần áo điều kiện và môi trường, mức độ hoạt động vật lý. Đó là những vấn đề nghiên cứu truyền thống khi nghiên cứu tính tiện nghi của quần áo. Đã có rất nhiều công trình được công bố và được áp dụng trong thực tế như sử dụng giá trị nhiệt trở cho việc thiết kế và phân loại quân phục, tính toán các thông số tiện nghi về nhiệt cho việc điều tiết không khí trong phòng.
Khi con người mặc quần áo thì quần áo tiếp xúc với cơ thể người, nó tương tác liên tục và động trong khi mặc, nó tạo ra những cảm nhận, cảm giác bằng các giác quan.
Thị giác cho cảm nhận về màu sắc, ánh sáng, kết cấu và kiểu dáng của quần áo.
Xúc giác cho cảm nhận của bề mặt da trên cơ thể người về nhiệt, ẩm. Áp lực bị nén, bề mặt vải trơn nhẵn hay thô ráp và kết cấu bên trong của quần áo.
Khứu giác cho cảm nhận được mùi của quần áo thơm hay có mùi khó chịu của nấm mốc, vi khuẩn.
Thính giác cảm nhận được âm thanh của vải, tiếng quần áo cọ sát khi chuyển động ...
Vì thế các giác quan có tác động nhất định tới cảm nhận chung của con người về quần áo. Các cảm nhận đó thể hiện trạng thái “Tiện nghi” của người mặc. Điều này được gọi là sự tiện nghi cảm giác, đó là lĩnh vực tương đối mới
trong việc nghiên cứu sự tiện nghi của quần áo.
Trên thế giới có nhiều nghiên cứu về sự tiện nghi và đưa ra định nghĩa về sự tiện nghi. Một trong những định nghĩa đó là tiện nghi như là: “một trạng thái thoải mái dễ chịu của sự hài hòa về sinh lý, tâm lý và vật lý giữa con người và môi trường”[6]. Tính tiện nghi được xác định trong 1 khoảng thời gian và thời gian không tiện nghi càng ngắn càng tốt.
Slater đã xác định mức độ quan trọng của môi trường đối với sự tiện nghi và đã đưa ra 3 yếu tố của sự tiện nghi, đó là:
Sự tiện nghi sinh lý: Liên quan đến khả năng của cơ thể con người để duy trì sự sống (sự cân bằng nhiệt) của cơ thể con người, đó là mối quan hệ phù hợp giữa sự sinh nhiệt và mất nhiệt của cơ thể người, các nhân tố có liên quan đó là: hệ tim mạch, hệ xương và các cơ, hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa. Cơ chế điều chỉnh nhiệt có liên quan đến 5 hệ thống trên. Cơ chế này tạo cho cơ thể có khả năng chống nóng như thoát mồ hôi, giãn mạch máu...
Sự tiện nghi về tâm lý: Liên quan đến khả năng của tinh thần để giữ cho các chức năng của con người thỏa mãn với các hỗ trợ từ bên ngoài, các cảm nhận của con người đều thông qua các giác quan, và nó liên quan trực tiếp đến tâm lý. Mỗi người sẽ có nhu cầu khác nhau về trang phục với loại vải, màu sắc và đặc trưng thiết kế kiểu dáng sản phẩm nhất định để giúp họ cảm thấy tự tin và thoải mái trong điều kiện, tình huống mà họ đảm đương với một vai trò nhất định. Nhận biết chủ quan chính là quá trình tâm lý.
Sự tiện nghi về vật lý: Liên quan đến những cảm nhận và cảm giác khác nhau của cơ thể người do tác động của quần áo khi mặc như: Lực tác động cơ học lên đầu lông trên bề mặt da, có sự bức xạ xảy ra khi dòng nhiệt di chuyển từ nơi có nhiệt độ cao đến nơi có nhiệt độ thấp.
môi trường khác nhau và ngưỡng cảm nhận về nhiệt độ, độ ẩm, tiếp xúc cũng khác nhau.
Sự cảm nhận khi thay đổi nhiệt độ và độ ẩm do dòng nhiệt và dòng ẩm đi tới hay đi ra từ bề mặt của da của cơ thể người, từ quần áo đi vào cơ thể người và từ quần áo ra môi trường. Dòng nhiệt và dòng ẩm thay đổi theo nhiệt độ và thời gian và có độ lớn khác nhau.
Sự cảm nhận tiếp xúc cơ học của cơ thể người với các đối tượng bên ngoài cơ thể người như: khi con người nằm, ngồi, đi... quần áo có sự tiếp xúc lên cơ thể người tại các vị trí khác nhau.
Tất cả 3 yếu tố của sự tiện nghi đều có mức độ quan trọng như nhau và quá trình diễn ra hoàn toàn độc lập với nhau nhưng con người sẽ cảm thấy không tiện nghi nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố đó.
Ngoài ra một điều được ghi nhận từ rất lâu là rất khó để mô tả sự tiện nghi nhưng sự không tiện nghi lại có thể được mô tả với các cụm từ: Ngứa ngáy, kim châm, nóng và lạnh ...Do đó, một định nghĩa đến nay được chấp nhận rộng rãi là: “ Sự tiện nghi là một trạng thái trung gian của con người mà hoàn toàn không cảm thấy đau đớn và không có sự khó chịu”[6]
Như vậy, sự tiện nghi là một vấn đề phức tạp và đa chiều. Các nghiên cứu về các cơ chế của các quá trình này là những nghiên cứu cơ bản để dự báo tính tiện nghi của quần áo khi mặc. Việc nghiên cứu về tính tiện nghi của quần áo sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.