Tình hình chính trị xã hội

Một phần của tài liệu Trường thi hương gia định từ năm 1813 đến năm 1858 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 43)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Tình hình chính trị xã hội

Là người từng trải trên khắp mọi chiến trường, nhiều phen nếm mùi thất bại cay đắng, khi ngồi trên ngai vàng Gia Long hiểu hơn ai hết những thách thức đang đặt ra đối với việc duy trì nền thống trị của dòng họ Nguyễn trên phạm vi toàn bộ vương quốc. Từ vùng đất Nam Trung bộ trở ra Bắc, những người trung thành với Tây Sơn mà Gia Long gọi là: “dư đảng Tây Sơn” vẫn còn đó; tuy bề ngoài họ không dám ngang nhiên chống đối nhưng bên trong chưa thể nói là họ thuận theo nhà Nguyễn. Cả một vùng Bắc Hà rộng lớn, lắm hiền tài vốn là đất cũ của vua Lê, nhiều dòng họ đời đời ăn bổng lộc của nhà Lê, chưa dễ gì đã chấp nhận ngai vị của Gia Long. Đó là chưa kể đến tầng lớp Nho sĩ Bắc Hà đông đảo, vốn bị ràng buộc bởi tư tưởng Nho giáo, ngay cả Quang Trung cũng phải tìm mọi cách mới có thể thu phục được họ, không dễ gì đem tài năng ra giúp Gia Long để xây dựng đất nước.

Sau hàng thế kỷ nội chiến, chia cắt, chống ngoại xâm,…đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội. Nạn chiếm hữu đất đai của địa chủ, quan lại diễn ra khắp nơi, đẩy nông dân làng xã vào tình trạng nguy khốn. Vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều năm liền mất mùa đói kém,

lũ lụt làm vỡ đê sông Hồng,v.v… đẩy hàng trăm làng mạc vào tình trạng xơ xác, điêu đứng. Nông dân làng xã ở Thanh Hóa, đất “ Quý hương” của dòng họ Nguyễn hay nông dân Nghệ An, đất tổ của Tây Sơn cũng nằm trong tình trạng tương tự. Chuyến Bắc tuần lần thứ nhất ra Bắc Hà để thăm quê cha đất tổ và nhận sắc phong của nhà Thanh tại kinh thành Thăng Long (1803) đã giúp Gia Long nhận rõ hơn những đòi hỏi cấp thiết đang đặt ra với đại bộ phận dân chúng từ Phú Xuân trở ra Bắc.

Đó là chưa kể đến những vùng đất mà nhà Nguyễn gọi là các “châu phủ ki mi”, chiếm một phần diện tích lớn của vương quốc, đường xá đi lại khó khăn cách trở, phong tục, tập quán, lối sống có nhiều điều khác biệt và ảnh hưởng của các dòng họ có thế lực ở đây với dân chúng lại rất lớn, không dễ gì quy thuận triều đình và thực thi những gì mà Gia Long đưa ra. Vấn đề tài chính tiền tệ cũng đặt ra không ít khó khăn: dân chúng ở Bắc Hà vừa dùng tiền từ thời Nhà Lê vừa dùng tiền thời Tây Sơn trong hoạt động buôn bán trao đổi. Cần phải thống nhất các đơn vị đo lường, đồng tiền, cách tính thuế ruộng đất, cùng nhiều khoản thu, chi khác để duy trì hoạt động của cả một bộ máy đông đảo quan lại từ Hà Tiên đến tận Móng Cái, Quảng Ninh và duy trì cả một lực lượng quân đội đông tới hàng chục vạn người đồn trú khắp trên toàn bộ lãnh thổ của đất nước,… Vấn đề bang giao với nhà Thanh đã được xác định ngay từ đầu, nhưng với các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhất là với nước Pháp và các nước khác ở phương Tây đang đặt ra cho Gia Long nhiều vấn đề cần được giải quyết sớm,v.v…

Trước tình hình đó, được sự giúp sức của những bề tôi trung thành, Gia Long đã sớm ổn định bộ máy quan lại từ trung ương đến tận các trấn, phủ, huyện, châu, …trên phạm vi cả nước. Gia Long nhiều lần xuống chiếu phủ dụ dân chúng phiêu tán trở về quê cũ làm ăn, khuyến khích họ khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích. Khi mất mùa đói kém, mở kho lương phát chẩn cho dân chúng. Do chưa thể tổ chức ngay việc thi cử để tuyển chọn hiền tài giúp nước, nên những năm đầu ở ngôi, quan lại thường giúp nhà vua tiến cử những người tài năng để bổ sung vào bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, trước yêu

cầu cấp thiết của công cuộc chấn hưng đất nước, Gia Long đã đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị cho sự phát triển của nền Nho học truyền thống và tổ chức thi tuyển bao gồm cả ngạch văn và ngạch võ để tuyển chọn hiền tài ra giúp nước. Việc Gia Long cho chuyển dời trường Thi hương Nghệ An, trường Thi hương Thanh Hóa, xây dựng nhà Văn thánh cùng với việc chuyển dời hai trấn sở này về vùng đất mới trong hai năm 1803 -1804 đã góp phần chứng tỏ điều đó. [26, 31].

Năm 1807, Gia Long xuống chiếu cho sĩ tử trong cả nước tham dự kỳ thi hương ngạch văn đầu tiên được tổ chức tại 5 trường thi Hương trên phạm vi cả nước. Sự kiện này đã chính thức mở đường cho việc các vị vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Duy Tân, Khải Định ,…lấy giáo dục khoa cử Hán học làm con đường tuyển chọn hiền tài bổ sung vào bộ máy quan lại của nhà Nguyễn suốt từ năm 1807 đến năm 1919.

Cùng với việc tổ chức lại bộ máy quan lại, Gia Long đã trả thù những người ủng hộ Tây Sơn một cách rất tàn bạo: Việc quật mộ Quang Trung, hành hình đối với gia đình dũng tướng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, giết hàng loạt con cháu họ Hồ ở Hưng Nguyên,v.v… đã khẳng định điều đó. Gia Long, đưa tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành (Thiềng) về Phú Xuân, rồi giao cho trọng trách cùng với một số đại thần khác trong triều bắt tay soạn thảo bộ luật mới để phục vụ cho mục đích trị nước lâu dài. Bộ luật Gia Long được ban hành và đưa vào sử dụng trên phạm vi cả nước, nhưng ngay sau đó, Nguyễn Văn Thành và toàn bộ gia quyến bị xử chém vì bị chính Gia Long khép vào tội mưu phản đã cho thấy sự phức tạp trong việc xây dựng và củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền, ngay từ đầu thế kỷ XIX. Đối với các cuộc nổi dậy của dân chúng, Gia Long huy động tướng lĩnh, quân đội thẳng tay đàn áp.

Gia Long muốn xây dựng và duy trì một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền như các dòng họ khác đã thực thi cách đó nhiều thế kỷ, bất chấp những đổi thay của thế giới bên ngoài. Điều này được khẳng định khi

Gia Long thực hiện chính sách trọng nông, phục hồi kinh tế tiểu nông truyền thống và không mặn mà với những đề nghị mở rộng buôn bán trao đổi mà không ít thương nhân phương Tây đề nghị trong suốt thời gian ông ở ngôi. Ông vua đầu triều Nguyễn, lo lắng Thiên chúa giáo sẽ phát triển rộng khắp trên cả vương quốc, do đó, ngay từ đầu ông đã thực hiện một số biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nguy cơ đó. Ông vua này muốn Phật giáo và Nho giáo phục hưng trở lại để giúp ông và những người tiếp nối ngai vị duy trì lâu dài quyền thống trị của dòng họ Nguyễn. Việc Gia Long sử dụng một số quan lại của nhà Lê, hay tầng lớp Nho sĩ do quan lại dưới quyền tiến cử và tổ chức thi tuyển trên phạm vi cả nước trong các năm: 1807, 1813, 1819,… đã chứng tỏ điều đó.

Cùng với thời gian, các trường thi hương Gia Định, Thừa Thiên, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định,v.v… được Gia Long, Minh Mạng lựa chọn để mở mang và phục hưng trở lại nền giáo dục Hán học truyền thống của dân tộc, cũng như giúp nhà Nguyễn tuyển chọn được nhân tài để sử dụng. Trường thi hương Gia Định ra đời trong bối cảnh chung đó và đã góp phần không nhỏ vào việc mở mang sự học ở vùng đất Gia Định cũng như đào tạo cho nhà Nguyễn nhiều nhân tài, cho dù so với một số trường thi hương khác ở vương quốc Đại Nam, lịch sử hình thành và phát triển rồi kết thúc của trường thi này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy nửa thế kỷ (1813 -1858).

2.1.3. Vài nét về tình hình giáo dục ở vùng đất Gia Định trước năm 1813

Theo: “Lịch sử giáo dục Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh 1698 - 1998”, thời kỳ sơ khai của Nho học ở Gia Định (1698 -1788), các lớp học ban đầu phần lớn do các thầy là các ông đồ nho học, phần lớn là những người không may về đường cử nghiệp, một ít là những vị khoa mục hoặc những ẩn sĩ có học vấn cao. Trong các lớp học này , học trò có nhiều trình độ, có nhiều thế hệ học trò nhưng chỉ có một thầy. Nhìn chung lúc này tại Gia định chưa sản sinh được một đội ngũ trí thức nho học tại chỗ, nhưng có một số ẩn sĩ là

người Gia Định đã mở trường tư dạy học và đào tạo được nhiều nhân tài, đó là Võ Trường Toản và Đặng Đức Thuật. Thầy Võ Trường Toản đã đào tạo nhiều học trò giỏi như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân (Nhơn) Tịnh, Ngô Tùng Châu,…Thầy Toản có ảnh hưởng khá lớn đối với nhân dân trong vùng Gia Định.

Khi Nguyễn Ánh loại bỏ Đông Định Vương Nguyễn Lữ, trở lại Gia Định (1789 - 1801), ông bắt đầu đặt nền móng cho sự phát triển của giáo dục Nho học tại Gia Định. Ông đặt chức Đốc học và mở khoa thi (chưa rõ hình thức thi tuyển như thế nào), học trò được miễn binh dịch và lao dịch để học tập. Từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) Gia Định có điều kiện ổn định để phát triển Nho học. Từ năm 1803, Gia Long đã định lại học quy cho trấn Gia Định nói riêng và cả nước nói chung. Mặc dầu rất cố gắng, song dưới thời Gia Long và ngay cả thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức trường công ở các trấn thành, tỉnh thành chỉ giải quyết được một phần của việc học. Các vị vua nhà Nguyễn đã có nhiều biện pháp để làng xã, dòng họ và những gia đình có thế lực mở trường tư. Nhà Nguyễn đảm bảo học trò học trường công hay trường tư đều có quyền lợi như nhau khi tham gia dự thi. Không ít thầy đồ từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, vượt Đèo Ngang vào vùng đất Nam Trung bộ và cả vùng đất Gia Định để dạy chữ. Những người dạy học ở trường công được nhà nước đảm bảo cuộc sống vật chất cũng như tinh thần, còn các thầy đồ dạy ở trường tư do làng xã, các dòng họ và gia đình học sinh chăm lo. Trường học thường được dựng bằng tranh tre nứa lá, lớp học có nhiều thế hệ học trò: có người học để đi thi, có người bắt đầu tập những nét chữ đầu tiên,v.v… Số học trò đông hay ít một phần là tùy thuộc vào uy tín và năng lực của thầy dạy. Mặc dầu làng xã và các dòng họ, gia đình học sinh đã có nhiều cố gắng để đảm bảo quyền lợi vật chất và tinh thần cho các thầy dạy ở trường tư, song nhìn chung các thầy dạy học ở vùng đất Gia Định nói riêng và các trấn thành khác nói chung vẫn gặp không ít khó khăn. Để giải quyết một phần khó khăn đó, năm 1843, vua Thiệu Trị cho phép các địa phương trích ruộng công hoặc ruộng tư đặt làm ruộng hương học để nuôi thầy dạy con em trong

làng. Thầy dạy ở các tổng, xã, thôn phải có những tiêu chuẩn sau : “Người nào có văn học uẩn súc đáng làm gương mẫu cho học trò, tuổi từ 50 trở lên thì mỗi tổng hai hoặc ba người, trong tổng làm đơn trình viên Tri phủ, tri huyện và trấn xét kỹ, cấp văn bằng để tiện huấn luyện bậc sơ học[62, Tr. 320]. Thầy dạy học ở các phủ, huyện phải đạt các tiêu chuẩn sau “ là Hương Cống, Sinh Đồ thì hạn tuổi từ 40 trở lên; là sĩ ẩn dật thì hạn tuổi từ 50, như người nào được sung tuyển thì Bộ Lễ hội đồng với Quốc Tử Giám hạch kỹ càng, quả có hạch thì chờ chỉ xin biên thẻ phân đi các nơi, người nào không đủ 40 tuổi nhưng là Hương, Cống, Sinh, Đồ, tên người ấy chép ở bản tiến, thì Bộ Lễ hội đồng với Quốc Tử Giám sát hạch lại, như tình Nguyện vào giám đọc sách hoặc làm hành tẩu ở 6 bộ về quê học tập cũng được, còn như sĩ nhân ẩn dật, không đủ 50 tuổi, tên người ấy dù chép bản tiến cũng đều phải về quê”. [62]

Trước khi trường thi Hương Gia Định được thành lập ở Gia Định và cả nước. Từ năm 1803, tại Gia Định mỗi xã lựa chọn cử ra một người biết chữ, cho miễn lao dịch để dạy học, trẻ em từ 8 tuổi trở lên thì vào tiểu học, rồi học tới Hiếu Kinh, Trung Kinh, 12 tuổi trở lên học Tứ thư, 15 tuổi trở lên học Ngũ kinh, Chu Tử và Bắc sử. Dưới thời vua Gia Long, khoa thi Hương thứ nhất là khoa Đinh Mão, nhằm năm Gia Long thứ sáu (1807), cả nước có 6 trường thi: Nghệ An (hợp thi cả Hà Tĩnh),Thanh Hoa (cả Ninh Bình), Kinh Bắc (hợp cả Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao bằng), Hải Dương (hợp cả Quảng Yên), Sơn Tây (hợp cả Hoài Đức, Tuyên Quang, Hưng Hóa), Sơn Nam (hợp cả Sơn Nam thượng và hạ). Từ năm 1805, tại Gia Định đã xây dựng học đường “ năm Gia Long thứ 4 (1805) đặt chính đốc học ( Giáp và Ất). Khi đầu dựng học đường ở phía hữu ngoài lũy đất, năm thứ 12 (1813) đổi chỗ làm lại trên nền đất cũ đồn Dinh tại chợ Điều Khiển” [18, tập 3, tr.78 ], năm Minh Mạng thứ 5 (1824), trường lại dời về thôn Phú Mỹ phía Đông tỉnh Thành. Từ đó về sau, từ Bắc chí Nam thỉnh thoảng lại đặt thêm trường thi, hoặc đổi tên trường, hoặc hợp tỉnh này với tỉnh kia. Tất cả là do cách phân phối trường thi cho phù hợp với nhu cầu sĩ tử dự thi mà thôi.

Thường là ở tỉnh lớn có một trường thi, nhiều tỉnh nhỏ hợp lại có một trường thi. Khoa thi hương tuy mở cùng một năm, nhưng lại không cùng một ngày tháng nhất định vì không đủ số quan trường chuyên trách việc khảo thí, chỉ khi có kỳ thi thì mới được bổ nhiệm trong thời gian khoảng một đến hai tháng. Năm 1822, vua Minh Mạng cho đặt chức Giáo thụ tại mỗi phủ, Huấn đạo ở mỗi huyện. Các phủ, huyện có xây trường học. Dưới triều vua Tự Đức ở Việt nam có 31 tỉnh và đạo, chia làm 321 phủ và huyện, tổng số trường học ở các tỉnh, phủ, huyện trên cả nước là 158 trường, theo thống kê của Quốc sử quán triều Nguyễn thì Gia Định lúc này gồm 11 phủ huyện và có 5 trường học. Tính trung bình trên toàn quốc cứ 2 huyện có một trường học quốc lập (trường trung tâm và đại tập). Trường học từ cấp tỉnh, phủ, huyện từ thời Minh Mạng đã có quy định về quy cách xây dựng các trường. Theo đó, các trường học tỉnh thường gồm 1 giảng dường 3 gian 2 chái và 1 nhà vuông 1 gian 2 chái, các trường học phủ gồm 3 gian, 2 chái. Trường học huyện được xây dựng như trường học phủ, nhưng quy mô và kích thước nhỏ hơn. Trong lịch sử giáo dục thời phong kiến, các trường học cấp cơ sở thường hoàn toàn do nhân dân tự lo liệu.

2.2. Trường thi Hương Gia Định

2.2.1. Hoàn cảnh lịch sử và ra đời của trường thi Hương Gia Định

Đến thế kỷ XIX, khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế, trong cả nước đã có một số trường thi như Nghệ An, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam,v.v… góp phần không nhỏ trong việc phát triển nền giáo dục Nho học ở quốc gia Đại Việt trong suốt nhiều thế kỷ. Riêng ở vùng đất Gia Định và cả vùng đất ở phía Nam thì hoàn toàn chưa có một trường thi nào cả. Những năm đầu của Gia Long, do tình hình chưa ổn định nên các địa phương đã tiến cử những người có học để triều đình bổ nhiệm. Mãi đến năm 1807, vua Gia Long ban chiếu dụ cho phép mở trường thi hương trong cả nước, nhà nước định lệ cứ 6 năm tổ chức kỳ thi hương một lần mà cũng chỉ mở được 6 trường thi cho phía Bắc, tính từ Nghệ An trở ra. Như vậy, Gia Long chỉ có thể tuyển dụng

nhân tài chủ yếu ở phía Bắc thông qua con đường khoa cử để bổ sung vào bộ máy nhà nước. Không thể duy trì thực trạng học và thi như cũ trên vùng đất ở quanh kinh thành Phú Xuân và cả dãi đất Nam Trung bộ lẫn Nam Bộ rộng

Một phần của tài liệu Trường thi hương gia định từ năm 1813 đến năm 1858 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 43)