Ngay từ đầu Đảng và nhà nước đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu cho sự phát triển xã hội. Trong thời gian qua nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến tích cực như:
Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn với các cấp, bậc học, trình độ đào tạo, các loại hình và phương thức giáo dục. Quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề.
Công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện, đặc biệt là tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đối với trẻ em gái, người dân tộc thiểu số và con em các gia đình nghèo, các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội; giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục phát triển.
Các loại hình nhà trường ngày càng đa dạng hóa, thu hút được nhiều người học. Các trường công lập đã giữ được vai trò nòng cốt trong phổ cập giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, quy mô giáo dục ngoài công lập phát triển.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh. Việc huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục thông qua chủ trương xã hội hoá đạt hiệu quả khá. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục ngày càng được kiểm soát và tăng dần hiệu quả sử dụng.
Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, chương trình và giáo trình ở dạy nghề và đại học đang được tích cực thực hiện, phương pháp dạy học dần từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục. Có được những kết quả trên trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn là do sự nỗ lực không ngừng của toàn Ðảng, toàn dân ta, sự đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Những thành tựu nói trên đã khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã
hội, giữ vững an ninh chính trị của đất nước trong hơn 20 năm đổi mới, tạo điều kiện cho đất nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Giáo dục và đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Mặc dù được tăng đầu tư cho tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới. Chất lượng giáo dục còn thấp so với nhu cầu phát triển đất nước trong thời kì hội nhập, không đồng đều giữa các vùng, miền; quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng. Việc thẩm định cho phép thành lập các trường cao đẳng, đại học chưa thật chặt chẽ, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là ở các trường ngoài công lập và các trường của địa phương. Hệ thống giáo dục thiếu đồng bộ, chưa liên thông giữa các cấp học, ngành học và trình độ đào tạo; mất cân đối về mặt cơ cấu đào tạo theo vùng, miền, cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo. Việc giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống cho hoc sinh, sinh viên chưa đáp ứng được mong muốn của các gia đình và đòi hỏi của sự phát triển đất nước.
Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chưa trú trọng phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên, áp lực thi cử còn nặng.
Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém, cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới của đất nước. Hệ thống pháp luật và các chính sách về giáo dục chưa hoàn chỉnh. Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ Giáo duc và Đào tạo với các bộ ngành khác đã làm cho công tác quản lý đối với hệ thống giáo dục còn chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất.
Những hạn chế nêu trên là do thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp quản lý, chậm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành cơ chế, chính sách của nhà nước; thiếu những quyết sách đồng bộ, hợp lý ở tầm vĩ mô. Tư duy giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, trong bối cảnh quốc tế hội nhập. Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những khó khăn của đất nước đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Tâm lý khoa cử. bằng cấp vẫn
chi phối nặng nề việc học và thi cử. Chậm đổi mới cơ chế, chính sách tài chính giáo dục để động viên hợp lý các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục và sử dụng các nguồn lực cho giáo dục đạt hiệu quả cao.
Hiện nay tình trạng yếu kém của giáo viên về mặt phương pháp đang là vấn đề đáng được quan tâm. Giáo viên chưa vận dụng tốt và linh hoạt các phương pháp cũng như những kĩ năng sư phạm vào việc giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy giáo viên chưa đưa ra những câu hỏi để phát huy tính năng động cũng như là khơi dạy niềm ham học cho học sinh. Việc đưa ra nhưng buổi thảo luận nhóm cũng như những câu hỏi thảo luận hầu như chưa nhiều và chưa phát huy được hiệu quả. Tình trạng học sinh bị rỗng kiến thức và không nắm chắc kiến thức do việc không hiểu được vấn đề thầy cô giáo trình bày cũng một phần là do thầy cô chưa có một phương pháp đúng đắn và khoa học. Quá trình truyền tải kiến thức trong giờ học người giáo viên vẫn giữ vai trò chủ đạo mà chưa phát huy được năng lực của học sinh. Bởi vậy mà việc có được phương pháp tốt và vận dụng phương pháp đó vào quá trình dạy và học có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó quyết định chất lượng cũng như hiệu quả của quá trình dạy học.