Thanh niên huyện Cao Lãnh hiện nay (từ 16 – 35 tuổi) chiếm 26% dân số; chiếm 40% lực lượng lao động xã hội, là một lực lượng xã hội to lớn. Trong tổng số thanh niên, nữ thanh niên chiếm 49,3%, thanh niên tôn giáo chiếm 15,7%. Tỷ lệ thanh niên được tập hợp vào tổ chức Đoàn – Hội chiếm 33,4 %; Hiện nay trên toàn huyện có 47 tổ chức cở sở Đoàn và Chi đoàn trực thuộc huyện, có 198 chi đoàn trực thuộc Đoàn cơ sở. Ban Thường vụ Đoàn cở sở có 79 đồng chí, trong đó nữ chiếm 46%; 57% có trình độ từ trung cấp chuyên môn trở lên; 48% có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đại bộ phận thanh niên huyện Cao Lãnh có bước trưởng thành nhanh chóng, phát huy truyền thống cách mạng quê hương anh hùng, đa số có ý thức chính trị đúng đắn, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khoa học – công nghệ ngày càng cao, có sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, môi trường sống lành mạnh. Tính tích cực xã hội, tinh thần tình nguyện, ý thức trách nhiệm cộng đồng của thanh niên được nâng cao, đang hình thành một lớp thanh niên tiên tiến, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo, làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia đóng góp xuất sắc các nhiệm vụ chính trị địa phương. Nét nổi bật của thanh niên huyện Cao Lãnh hiện nay là có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lối sống lành mạnh, đại đa số thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành và luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào do Đoàn, Hội khởi xướng.
Trong những năm qua, các cấp uỷ đảng và chính quyền nhận thức đúng và đầy đủ hơn về vai trò thanh niên, tăng cường lãnh đạo công tác thanh niên, tạo điều kiện và cơ hội để thanh niên được phát triển.
Công tác Đoàn và phong trào thanh niên tiếp tục phát triển, mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên được mở rộng, các phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng thu hút thanh niên tham gia, số thanh niên phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng tăng lên hàng năm ( Trong 5 năm qua Đảng viên phát triển từ Đoàn Thanh niên chiếm 60%).
Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cấp, các ngành, gia đình và xã hội trong công tác thanh niên ngày càng đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát triển tích cực.
Tuy nhiên, bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, thanh niên huyện Cao Lãnh còn những mặt hạn chế như: Số đông thanh niên nông thôn trình độ học vấn thấp (thanh niên nông thôn trong độ tuổi có trình độ học vấn cấp I chiếm 18%; cấp II chiếm 40,5% ); tỷ lệ thất nghiệp, thời gian lao động nông nhàn chiếm tỷ lệ cao; Lao động trẻ được đào tạo nghề còn rất thấp (30%); thể lực thanh niên Cao Lãnh còn nhiều hạn chế, điều kiện vui chơi, giải trí để phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần còn nhiều khó khăn, thiếu thốn (hơn 70% xã, thị trấn trong huyện chưa có khu văn hóa thể thao); Tỷ lệ người mắc các tệ nạn xã hội là thanh niên chiếm khá cao trên 60%/Tổng số các vụ việc. Bên cạnh đó, một bộ phận sống thiếu lý tưởng, nhận thức chính trị kém, đua đòi lối sống thực dụng, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Quá trình thích nghi với tác phong lao động công nghiệp và nếp sống đô thị còn chậm. Một bộ phận thanh niên chay lười lao động, sống thiếu lý tưởng, phần lớn là lao động chưa qua đào tạo, thiếu vốn và đất sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên được đào tạo cơ bản, có năng lực nhưng chưa được sử dụng hợp lý, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp nhằm động viên, thu hút nhân tài về địa phương. Một số thanh niên vùng sâu ít có
điều kiện tiếp cận các loại hình sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao. Nên chất lượng nguồn nhân lực trẻ còn hạn chế chưa đáp ứng với yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn huyện nhà.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng đối với công tác thanh niên có nơi còn bất cập, chậm đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo. Công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng và luân chuyển đội ngũ cán bộ trẻ còn nhiều hạn chế. Chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên vẫn còn hạn chế. Công tác phối hợp chưa chặt chẽ, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp của các ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội trong công tác thanh niên.
Phương thức và nội dung công tác thanh niên nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng thanh niên, nhất là trong khu vực nông thôn, doanh nghiệp, thanh niên là người có đạo. Tỷ lệ và chất lượng thanh niên được tập hợp chưa đạt yêu cầu.
Mặt khác, việc thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình phát triển kinh tế xã hội chưa quan tâm đến đặc điểm của thanh niên, thiếu phương pháp tiếp cận phù hợp đối tượng thanh niên, nên ảnh hưởng đến công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng XHCN cho thanh niên và chưa phát huy hết vai trò xung kích của thanh niên.
Từ khi Nghị quyết 25-NQ/TW, Luật thanh niên, các Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Trung ương và các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác thanh niên đi vào cuộc sống, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, đã phát huy tính tích cực, góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng cho công tác thanh niên nói chung và công tác giáo dục lý tưởng XHCN cho thanh niên Cao Lãnh nói riêng. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển, quá trình hội nhập, nền kinh tế tri thức, quy mô và chất lượng giáo dục ngày
càng phát triển là điều kiện cho thanh niên được nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, tiếp cận và nắm vững khoa học, công nghệ tiên tiến.
Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN; sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ là thời cơ, là môi trường để thanh niên học tập và rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, phát triển trí tuệ, tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích, tinh thần xung phong cống hiến cho sự phát triển của huyện nhà, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và BVTQ.
Song, nguy cơ tụt hậu về tri thức, nghề nghiệp của thanh niên ở nông thôn, nhất là vùng sâu ngày càng cao. Sự kích động, lôi kéo thanh niên của các thế lực thù địch trong “Diễn biến hòa bình”; mặt trái của kinh tế thị trường; một số biểu hiện tiêu cực trong xã hội và trong hệ thống chính trị đã tác động xấu đến quá trình rèn luyện lý tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên. Một bộ phận cán bộ làm công tác thanh niên chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục, vận động tập hợp thanh niên trong tình hình mới,… là những yếu tố tác động bất lợi đến tâm tư tình cảm, ý chí nguyện vọng, ước mơ hoài bảo, lý tưởng của thanh niên, cũng như tác động đến những hạn chế khó tránh khỏi trong quá trình hoạt động của các cấp bộ Đoàn trong công tác thanh niên nói chung và công tác giáo dục lý tưởng XHCN cho thanh niên nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức đúng và đầy đủ về thanh niên và công tác thanh niên, cũng như công tác xây dựng tổ chức Đoàn; việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên còn nhiều điểm chưa hợp lý. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế về năng lực, trình độ, tính tiêu biểu thấp làm ảnh hưởng đến niềm tin và sự phấn đấu của thanh niên.
Vai trò quản lý Nhà nước đối với thanh niên và công tác thanh niên còn nhiều bất cập, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thiết chế văn hoá, chính sách xã hội, nhất là chính sách đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm thực hiện mang lại hiệu quả chưa cao.
Nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội có đổi mới, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các đối tượng thanh niên và sự biến đổi nhanh về cơ cấu thanh niên. Điều kiện, phương tiện phục vụ cho hoạt động Đoàn, chính sách cán bộ Đoàn, nhất là cán bộ Đoàn cơ sở còn nhiều bất cập. Năng lực, trình độ cán bộ Đoàn chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng tập hợp, tổ chức phong trào thanh niên, năng lực tham mưu cho Đảng, chính quyền, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong công tác thanh niên còn hạn chế.
Một bộ phận thanh niên chưa nhận thức được vị trí quan trọng của mình đối với gia đình và xã hội dẫn đến mơ hồ, phai nhạt lý tưởng, giảm sút tinh thần phấn đấu và trách nhiệm công dân, thiếu ý chí học tập, rèn luyện; các thế lực thù địch thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình lôi kéo và tha hóa thanh niên.