Thực trạng Văn hóa doanh nghiệp việt nam

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm thu hút nhân tài tại việt nam (Trang 46 - 52)

3. Thực trạng vận dụng văn hóa doanh nghiệp để thu hút nhân tài ở việt nam

3.1.Thực trạng Văn hóa doanh nghiệp việt nam

Thực trạng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Trong xu thế phát triển và hội nhập như hiện nay, các doanh nghiệp ra đời ngày càng nhiều, kéo theo đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cho mình một hướng đi đúng nhưng đồng thời phải thể hiện được bản sắc cùng nét văn hoá riêng của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình và vô giá của mỗi doanh nghiệp. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết, nhưng cũng không ít khó khăn.

Văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi loại hình doanh nghiệp. Do đó, nếu thiếu yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại được trên thị trường ở bất kỳ thời điểm, hay hình thái kinh tế xã hội nào. Ngày nay ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, nguồn nhân lực của doanh nghiệp là con người mà văn hóa doanh nghiệp là sự liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn nhân lực riêng lẻ tổng hợp lại. Không những thế, văn hóa doanh nghiệp còn được thể hiện qua phong cách của người lãnh đạo đứng đầu các vị trí của doanh nghiệp và tác phong làm việc của mọi nhân viên. Bởi vậy, đối tác khi quan hệ thì ngoài việc quan tâm

tới lợi nhuận của công ty họ còn đánh giá doanh nghiệp qua văn hóa của doanh nghiệp đó.

Nhìn chung, văn hóa công sở và văn hoá doanh nghiệp của nước ta còn có những mặt hạn chế nhất định. Đó là một nền văn hóa được xây dựng trên nền tảng dân trí thấp, môi trường làm việc có nhiều bất cập, dẫn đến có những cái nhìn ngắn hạn, chưa có quan niệm đúng đắn về cạnh tranh và hợp tác, chưa có tính chuyên nghiệp, còn bị ảnh hưởng bởi các tàn dư của nền kinh tế bao cấp, chưa có cơ chế dùng người thỏa đáng vời từng vị trí làm việc, có sự bất cập trong giáo dục và đào tạo. Mặt khác, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam còn có các yếu tố khác chi phối.

Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam có thể khái quát như sau:

Thời phong kiến, đế quốc, lịch sử đã ghi lại tên tuổi của những doanh nhân như Bạch Thái Bưởi được coi là ―vua vận tải đầu thế kỷ XX‖, Nguyễn Sơn Hà chủ hãng sơn Resistanco đã dùng thương hiệu của mình đánh bại nhiều hãng sơn đương thời. Trần Chánh Chiếu đã chủ trì nhiều cơ sở kinh doanh, Trương Văn Bền với nhãn hiệu xà phòng Cô Ba nổi tiếng. Thời đó, với phong trào canh tân đất nước đã kích thích nhiều người Việt lập ra những hãng buôn lớn, đề cao tinh thần dân tộc trong kinh doanh. Qua đó có thể khẳng định, trên khắp đất nước ta trong những năm bị đế quốc thống trị, đã có nhiều doanh nhân thấu hiểu được nỗi đau mất nước, thân phận nô lệ, nên quyết tâm đề cao tinh thần dân tộc trong kinh doanh - đó là một nội dung cơ bản của văn hóa doanh nghiệp thời đó.

Thời kỳ thực hiện thể chế kế hoạch hóa tập chung, văn hóa trong các doanh nghiệp không thể hiện rõ nhưng trong thời kỳ này cũng xuất hiện một số mô hình kinh doanh có hiệu quả, đã nêu lên một số nét đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp thời kỳ đó, tinh thần dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo vươn lên khắc phục khó khăn, thiếu thốn và là tiền đề văn hóa doanh nghiệp cho thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay kế thừa và phát triển.

Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12 – 1986) và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chấp nhận mở ra cho các doanh nghiệp, doanh nhân nước ta những điều kiện mới có ý nghĩa quyết định để từng bước hình thành văn hóa doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội ở nước ta, đó là văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và là động lực để phát huy sức mạnh dân tộc cho công cuộc chấn hưng đất nước. Mọi người được tự do phát huy tài năng, trí tuệ trong kinh doanh, làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước. Công cuộc đổi mới đã tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển dân doanh, đội ngũ doanh nhân mới, hình thành và phát triển văn hóa doanh nhân mới, mở đường cho sự hình thành và phát triển của văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn chung văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam có thể khái quát như sau: 1. Môi trường vĩ mô_sự quản lý của nhà nước

Vấn đề đầu tiên cần đề cập trong văn hoá kinh doanh là bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hiện nay vẫn còn một số quy định, tập quán, rào cản làm cho sân chơi bằng phẳng hơn với quốc doanh, lồi lõm hơn với tư nhân.

Khi bước vào cơ chế thị trường, hoạt động kinh doanh được Nhà nước khuyến khích, một số thương nhân giàu lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi thành công trên thương trường. Thực tế này đã làm đảo lộn những quan niệm truyền thống, tôn ti, trật tự cũng không còn được coi trọng như trước vì kinh nghiệm của lớp người đi trước bị cho là không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Sự khủng hoảng này là tất yếu khi chúng ta từ mô hình kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi những giá trị tinh thần cũ bị chê bỏ, thì chưa có những giá trị tinh thần mới để lấp vào chỗ trống đó. Vì thế, trong xã hội, điều tốt và điều xấu nhiều khi lẫn lộn, con người Việt Nam bị chao đảo, thiếu chuẩn mực để hướng tới. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến văn hoá kinh doanh Việt Nam. Xuất phát từ thực tế là nhiều doanh nghiệp thành công không phải bằng con đường làm ăn chân chính, đã làm một số doanh nhân mất lòng tin, mặt khác, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa ổn định, chưa ủng hộ những doanh nhân làm ăn nghiêm chỉnh. Điều này nảy sinh tư tưởng làm ăn gian dối, đánh quả, chụp giật... trong các doanh nhân, thậm chí

còn có quan niệm rằng, ở Việt Nam chỉ có làm ăn lắt léo mới có thể trụ được trên thương trường. Cách nghĩ như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến nền tảng đạo đức xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp ở Việt Nam thường không coi trọng chữ tín trong làm ăn, cạnh tranh không lành mạnh với đối thủ, kinh doanh bất chấp tác động có hại tới môi trường xã hội, vì mục tiêu lợi nhuận mà có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng cho thị trường người tiêu dùng hàng nhái, hàng kém chất lượng

Các nhà kinh doanh thường mang nặng tư tưởng cầu toàn, ngại va chạm, Nhưng lại muốn giải quyết vấn đề nhanh nên nảy sinh nhiều tiêu cực, như: hối lộ cho cấp trên, cho các cơ quan nhà nước,…

Tư tưởng thiển cận, chỉ biết cái lợi trước mắt mà không biết lấy ngắn nuôi dài. Không nhìn thấy được tác dụng lâu dài của văn hóa doanh nghiệp, nên không chú trọng tới việc xây dựng nó. Thường các nhà kinh doanh chỉ nêu ra các khẩu hiệu thể hiện ý muốn phát triển văn hóa của mình chứ không đề ra các phương pháp, các chuẩn mực buộc nhân viên phải làm theo. Điều này khiến cho nền văn hóa của doanh nghiệp trở nên tự phát, hỗn độn, manh mún

Bên cạnh đó cũng có những thay đổi tích cực

Trình độ chung của doanh nhân cũng được cải thiện đáng kể. Theo kết quả điều tra của đề tài KX.07.14 thì số giám đốc có trình độ đại học chiếm 77%. Không chỉ những người có học hành mới bắt tay vào kinh doanh, mà ngay cả những người đang là doanh nhân cũng mong muốn được học hỏi, nâng cao trình độ của mình. Điều này chứng tỏ doanh nhân hiện nay đã ý thức được tầm quan trọng của kiến thức khi tiến hành kinh doanh, nhất là trong thời buổi mở cửa và hội nhập.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được trẻ hoá, phần lớn đang ở độ tuổi sung sức. Theo kết quả điều tra của nhóm tác giả Trường Đại học Ngoại thương tiến hành trong hai năm 1999 và 2000, số người tiến hành đàm phán (bao gồm các giám đốc và

trưởng phòng kinh doanh) ở độ tuổi 40-50 chiếm tới 63,06%; dưới 40 tuổi là 25,23% và chỉ có 11,71% ở độ tuổi trên 50.

Động cơ kinh doanh và nhận thức của doanh nhân đã được cải thiện đáng kể. Kết quả nghiên cứu về tinh thần kinh doanh do Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành trong khuôn khổ dự án Ishikawa năm 2000 đã thể hiện rõ điều này. Khi được hỏi về động cơ kinh doanh, 41,4% số doanh nhân trả lời là "muốn làm gì có ích cho xã hội"; 27,3% trả lời là do "muốn tự quyết định công việc của mình"; 13,5% là do "muốn phát huy tối đa khả năng của mình"; 16,4% do "muốn tiếp tục công việc của gia đình hiện nay"; 9,7% do "muốn kiếm nhiều tiền hơn"; 5,1% do "công việc trước đây không thích hợp" và 1,3% do "không có việc làm". Những con số này cho thấy doanh nhân Việt Nam có trách nhiệm và ý thức xã hội khá cao. Điều này khẳng định rằng, doanh nghiệp kinh doanh không chỉ vì mục đích cá nhân, mặc dù động cơ này hoàn toàn là chính đáng.

3. Người lao động:

Tính tự chủ của người lao động ở Việt Nam rất cao, nhưng sự liên kết lại rất kém. Hai người nước ngoài kết hợp thì phạm vi kinh doanh lớn hơn một người làm. Ba người nước ngoài kết hợp thì càng lớn hơn. Nhưng hai người Việt Nam kết hợp thì kết quả giảm phân nửa, ba người kết hợp thì phá sản. Điều này phản ánh việc người lao động ở Việt Nam chưa quen hợp tác, làm ăn với nhau, chỉ quen nghĩ hạ đối thủ để vượt lên. Đó là thói quen làm ăn tiểu thương.

Tác động tiêu cực lớn nhất của cơ chế thị trường đến văn hoá kinh doanh Việt Nam chính là sự chao đảo về các hệ thống giá trị trong mỗi con người Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Việt Nam vốn là một nước có nền văn hoá nông nghiệp, trọng tĩnh, với hệ thống các giá trị thiên về tinh thần hơn là vật chất, như thích hoà hiếu, trọng tình, ham danh hơn ham lợi, trọng thể diện… Những yếu tố này, một mặt cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước, mặt khác lại giúp cho tôn ti, trật tự trong xã hội được bảo đảm, các giá trị đạo đức ít bị xáo trộn.

Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng, văn hoá Việt Nam khá ôn hoà. Chúng ta không quá khắt khe về tôn giáo như người Trung Đông, không có kỷ luật để khép mình vào tập thể như người Nhật Bản, không quá lệ thuộc vào gia đình, dòng họ như người Italia, không tự hào về chủng tộc như người Hoa… Tính chất này giúp con người Việt Nam có tính khoan dung, mềm dẻo, dễ hoà đồng, nhưng cũng làm chúng ta dễ chao đảo, không có điểm tựa vững chắc về tinh thần. Số liệu điều tra cho thấy, phần lớn doanh nhân Việt Nam kinh doanh không bắt nguồn từ truyền thống gia đình, lại xuất thân từ những gia đình nghèo, không được đào tạo cơ bản, nên có nhiều hạn chế về kiến thức và trình độ. Thực tế này cộng với nền tảng tinh thần không ổn định đã làm nhiều doanh nhân có tham vọng không giới hạn trong việc làm giàu và tích luỹ tư bản. Những vụ án kinh tế gần đây như Lã Thị Kim Oanh, vụ công ty Đông Nam Associates…, đã cho thấy khi quyền lực, cơ hội được đặt vào tay những con người hạn chế về trình độ và tư cách đạo đức, thì có thể làm nảy sinh những tham vọng tội lỗi vô hạn đến như thế nào. Đành rằng, trong kinh doanh, lợi nhuận là mục đích chính, nhưng việc mưu cầu lợi nhuận đến mức bất chấp đạo lý, luật pháp, quá táo tợn như vậy quả là một tiếng chuông cảnh báo về tình trạng văn hoá kinh doanh của Việt Nam.

Xuất thân từ nền kinh tế tiểu nông, con người Việt Nam thường có tầm nhìn thấp, ngắn hạn, hay thay đổi và muốn đi đường tắt, thay vì kiên nhẫn chờ đợi kết quả lâu dài. Người lao động ở Việt Nam còn mang nặng tư tưởng ỷ lại, chỉ muốn làm những việc được giao một cách nhanh nhất, có lợi cho bản thân nhất, ít quan tâm tới mục tiêu chung của toàn doanh nghiệp

Một số người Việt Nam không có bản lĩnh "văn hoá" vững vàng, sa vào trạng thái choáng ngợp trước những thành tựu kinh tế của phương Tây, trở nên sùng ngoại, phủ nhận tất cả những giá trị cổ truyền của dân tộc. Những người này phần đông là giới thanh niên làm việc cho các công ty nước ngoài và những người kinh doanh bằng viện trợ của thân nhân từ nước ngoài gửi về. Việc đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc mình đã làm họ rập theo khuôn mẫu phương Tây trong mọi hành vi. Thật ra, văn hoá không phải là "đồ ăn nhanh", để có thể học theo trong một sớm một chiều, mà cần trải qua nhiều thế hệ.

Văn hoá cũng giống như tảng băng trôi, mà một người từ nền văn hoá khác chỉ có thể nhận biết được phần nổi (phần nhỏ nhất), chứ chưa thể ý thức được phần chìm dưới nước (phần quyết định), được tích tụ qua nhiều thế hệ và đã ăn sâu vào ý thức hệ của mỗi thành viên trong nền văn hoá đó. Chính vì vậy, việc bắt chước thiếu chọn lọc của một nhóm doanh nhân Việt Nam chỉ làm nghèo đi đời sống tinh thần của họ và làm yếu đi bản sắc dân tộc trong văn hoá kinh doanh Việt Nam.

Một số khác, trong đó có cả các nhà quản lý, vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, hoặc vì không có điều kiện, hay vì không muốn thay đổi, nên đã trở thành lạc hậu với bên ngoài. Thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời kỳ đổi mới, họ dễ bị thua lỗ, bộc lộ nhiều sai sót trong kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Những người này, đã góp phần làm văn hoá kinh doanh Việt Nam kém năng động, chậm hoà đồng trong tiến trình hội nhập, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thương trường quốc tế. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, văn hoá kinh doanh Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi cũng như thử thách to lớn trên bước đường phát triển sắp tới. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ những mặt mạnh và yếu trong văn hoá kinh doanh Việt Nam, từ đó phát huy những mặt tích cực và hạn chế những yếu tố tiêu cực do tác động của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế với văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá kinh doanh nói riêng để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, đảm bảo xây dựng một nền văn hoá kinh doanh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XXI

Trên đây vừa là thực trạng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam, Vừa là những hạn chế rất lớn, là rào cản ngăn Việt Nam hòa nhập với nền kinh tế thế giới

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm thu hút nhân tài tại việt nam (Trang 46 - 52)