Tín dụng là hoạt động sinh lời lớn nhất song rủi ro cao nhất cho NHTM. Rủi ro này có rất nhiều nguyên nhân, đều có thể gây tổn thất, làm giảm thu nhập của ngân hàng. Các ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng, ước lượng khả năng rủi ro và sinh lời khi quyết định tài trợ. Do đó, quá trình phân tích tín dụng XNK cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong cả 3 quá trình thẩm tra trước, trong và sau khi cho vay, chiết khấu và bảo lãnh đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
- Giai đoạn thẩm định trước khi cấp tín dụng
Đây là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của phân tích tín dụng, khả năng chấp nhận cấp tín dụng cho khách hàng.
Cán bộ tín dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc của Eximbank, phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ trực tiếp cho vay, cán bô phụ trách bộ phận cho vay và cán bộ quyết định cho vay. Tùy tính chất từng khoản vay, đối tượng cho vay và loại hình vay vốn việc thẩm định có thể lựa chọn toàn bộ hoặc một trong 3 phương pháp: thẩm định hồ sơ tài liệu do khách hàng cung cấp, thẩm định cho vay thông qua khảo sát thực tế và thẩm định cho vay thông qua nguồn tin khác để có được đầy đủ thông tin về tình hình tài chính của khách hàng, tính khả thi của phương án vay vốn và khả năng quản lý của chủ doanh nghiệp. Đối với những khách hàng truyền thống, có uy tín chi nhánh chỉ cần tập trung thẩm định phương án kinh doanh như thị trường tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, giá cả của lô hàng xuất nhập khẩu, thẩm định lại các dữ liệu của dự án kinh doanh theo phương pháp của ngân hàng.
Đặc biệt với hoạt động bảo lãnh, công tác thẩm định cần được thực hiện hết sức chặt chẽ trong quyết định bảo lãnh cho doanh nghiệp mở L/C.
- Giai đoạn phê duyệt và giải ngân
Cần phải thận trọng hơn nữa, nhất là trong việc kiểm tra và lưu trữ tài sản thể chấp, cầm cố, hợp đồng tín dụng và khế ước vay tiền.
- Giai đoạn kiểm tra sử dụng vốn vay và thu hồi nợ
Đây là giai đoạn kiểm nghiệm tính chính xác, khách quan của phương án kinh doanh của doanh nghiệp đã được ngân hàng thẩm định.
Để theo dõi việc sử dụng vốn vay cũng như đảm bảo chắc quản lý nguồn thu, chi nhánh nên yêu cầu khách hàng thực hiện giải ngân và thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Với doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn để mua hàng xuất khẩu, cần yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình bộ hồ sơ thanh toán tại ngân hàng. Khi có tiền về thì chi nhánh tiến hành thu nợ ngay. Nếu khách hàng xin ứng trước thư tín dụng thanh toán thì bộ chứng từ phải chính xác và đã được xác nhận bởi một ngân hàng có uy tín. Đối với doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn nhằm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ thì phải tiến hành theo dõi, thu hồi nợ ngay khi đưa vảo hoạt động.
Trong giai đoạn này, cần kiểm tra và đánh giá định kỳ về số lượng và chất lượng đối với tài sản đảm đảo. Cán bộ tín dụng thưc hiện lập các báo cáo định kỳ về tài sản đảm bảo tại chi nhánh để trình cán bộ phụ trách bộ phận cho vay kịp thời. Trên cơ sở những thống kê chính xác, cán bộ cấp trên sẽ ra các quyết định xử lý kịp thời và thích hợp trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng.