Tháng 8/1945, chiến tranh thế giới thứ hai đã đi đến hồi kết thúc. ở
châu Âu, phát xít Đức đã đầu hàng không điều kiện trước sức tấn công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô ngay tại sào huyệt của chúng. ở châu á, ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại hơn một triệu quân Quan Đông của Nhật, buộc Nhật phải đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng Minh vô điều kiện. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Kẻ thù của dân tộc Việt Nam gục ngã.
ở trong nước, phong trào kháng Nhật cứu nước đang trên đỉnh cao và thu được nhiều thắng lợi to lớn.
Thời cơ ngàn năm có một đã đến. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định: Phát động toàn dân vùng dậy Tổng khởi nghĩa, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa, ra bản quân lệnh số 1.
Ngày 16 - 17/8/1945, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), đại hội hoàn toàn tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam.
Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã nhanh chóng họp ở Vạn Phúc (Hà Đông) để gấp rút phát động khởi nghĩa trong toàn xứ. Ngày 15/8/1945, Kỳ bộ Việt Minh ra thông báo khẩn cấp cho các địa phương kịp thời nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17/8/1945, lệnh khởi nghĩa về tới chiến khu Quang Trung. Từ trung tâm chiến khu, lệnh khởi nghĩa nhanh chóng được truyền tới các khu căn cứ ở Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá.
Ngày 18/8/1945, lệnh khởi nghĩa truyền tới Hoà Bình, ngay lập tức Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh kịp thời phát lệnh khởi nghĩa đến các khu căn cứ, chi bộ thị xã và các cơ sở cách mạng trong tỉnh.
Ngày 20/8/1945, cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổi dậy từ Vụ Bản (Lạc Sơn). Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh Trung đội tự vệ chiến đấu và lực lượng tự vệ từ khu căn cứ Mường Khói cùng quần chúng ở thị trấn Vụ Bản rầm rộ biểu tình vũ trang đánh chiếm châu Lạc Sơn. Tri châu Quách Hàm do có quan hệ với cách mạng từ trước, đã mang sổ sách, ấn tín giao nộp cho cách mạng cùng 50 súng trường, 2 súng trung liên và nhiều đạn dược. Sau khi giành chính quyền châu Lạc Sơn, Ban chỉ huy khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít tinh ngay tại sân châu đường tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính
quyền cách mạng, hô hào nhân dân đoàn kết ủng hộ mặt trậnViệt Minh, tiến lên giành chính quyền ở tỉnh lỵ.
Thắng lợi ở châu Lạc Sơn, nơi phất cờ khởi nghĩa đầu tiên ở Hoà Bình có sức cổ vũ mạnh mẽ cán bộ và quần chúng tiếp tục tiến lên giành thắng lợi lớn hơn, quyết định hơn: giành chính quyền tỉnh.
Sáng 21/2/1945, đoàn quân khởi nghĩa theo đường 12A hướng về thị xã. Đến Mãn Đức, đoàn dừng lại đóng quân. Tại đây lực lượng khởi nghĩa đã bắt giữ hai xe của Nhật, phá kho thóc của lang cun Đồ Gàn. "Lang cun Quách Điêu cùng hàng trăm quần chúng đã ra hai bên đường chào đón đoàn quân cách mạng" [5, tr.69].
Ngày 22/8/1945, quân khởi nghĩa tiếp tục hành quân, đến Phố Bằng, xã Cao Phong thì gặp cánh quân do đồng chí Vũ Thơ chỉ huy từ Cao Phong tiến ra, hai cánh quân hợp lại thành một lực lượng hùng hậu. Trên đường tiến quân, nghĩa quân đã thu hút hàng nghìn người ở các làng bản dọc đường 12 vũ trang gia nhập. Đến dốc Cun, có một đơn vị lính Nhật chiếm giữ do tên quan ba chỉ huy gây cản trở. Để tránh hao tổn xương máu, đồng chí Vũ Thơ quyết định cho quân tạm thời vào đóng trong đồn điền Đờ ra pa ở gần đó và cử đồng chí Trương Đình Dần đi thuyết phục, đồng thời cũng bố trí sẵn lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Trước áp lực của cách mạng, tên sĩ quan buộc phải chấp nhận, đoàn quân khởi nghĩa tiếp tục lên đường vượt qua dốc Cun, tiến xuống thị xã.
Sáng 22/8/1945, Ban chỉ huy cách mạng thị xã chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc cùng đông đảo quần chúng các xã xung quanh, nai nịt gọn gàng, vũ khí trong tay rầm rộ kéo về chiếm châu lỵ Kỳ Sơn. Tri châu, nha lại, binh lính run sợ đầu hàng, giao nộp ấn tín, sổ sách và 30 súng trường...
Chiều 22/8/1945, gần 1000 quần chúng cách mạng do lực lượng tự vệ làm nòng cốt chuẩn bị hàng chục thuyền chở quân vượt sông Đà, với tư thế sẵn sàng phối hợp với lực lượng vũ trang của các khu căn cứ kéo về giành
chính quyền tỉnh. ở bên bờ trái sông Đà, nhân dân cũng đưa nhiều thuyền nan chở lực lượng chiến đấu của khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương, vượt cánh Đồng Khoang đầy nước vào mai phục ở đồi Ba Vành, phía tây dinh tỉnh trưởng.
Sáng 23/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa từ dốc Cun tiến thẳng xuống thị xã trong niềm phấn khởi đón chào của nhân dân thị xã. Trong giờ phút hấp hối của chính quyền bù nhìn, tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Trường lo sợ vội mời đại diện Việt Minh đến thương thuyết. Đồng chí Vũ Thơ đã viết "Mệnh lệnh thư" yêu cầu chúng phải đầu hàng không điều kiện, đồng thời, cử một đại diện trực tiếp đến gặp tên quan năm Nhật, yêu cầu chúng không được can thiệp vào công cuộc giành chính quyền của nhân dân. Tên chỉ huy Nhật chấp nhận.
Hai giờ chiều ngày 23/8/1945, hàng trăm tự vệ chiến đấu và tự vệ cứu quốc được nhân dân ủng hộ, dùng thuyền vượt sông Đà cùng với lực lượng tự vệ chiến đấu của các khu căn cứ ào ạt tiến công tỉnh lỵ. Tên tỉnh trưởng bù nhìn Nguyễn Quốc Trường hoảng sợ ra tận bờ sông xin hàng. Lực lượng cách mạng chiếm tất cả các công sở... Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh diễn ra nhanh gọn, thắng lợi hoàn toàn.
Ngay chiều 23/8/1945, Ban chỉ huy khởi nghĩa đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Phương Lâm, thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do Đinh Công Phủ làm chủ tịch, đồng chí Trương Đình Dần làm phó chủ tịch.
Khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi giải quyết tiếp những châu còn lại.
Tại khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương (Mai Đà), ngay sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Bình Huấn đã trực tiếp chỉ huy một đơn vị tự vệ chiến đấu hành quân về phối hợp giành chính quyền tỉnh. Đồng thời, đồng chí Hoàng Ba chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu còn lại kết hợp với lực lượng tự vệ chiến đấu của khu căn cứ Diềm, cùng quần chúng giành chính quyền ở châu lỵ và các nơi khác như Suối Rút, Phố Vãng.
Ngày 25/8/1945, lực lượng chiến đấu tiến công vào thị trấn Chợ Bờ, châu lỵ của Mai Đà, bọn Nhật ở đây không dám chống cự, tri châu đầu hàng, nộp sổ sách, ấn tín và 20 khẩu súng. Uỷ ban nhân dân cách mạng được thành lập. Lúc này Trung đội tự vệ chiến đấu từ khu căn cứ Diềm hành quân tới, kết hợp cùng với lực lượng vũ trang khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương tiến lên giành chính quyền ở thị trấn Suối Rút (26/8/1945). Ngày hôm sau theo đường 15 lên Phố Vãng. Tại đây, tổ Việt Minh Phố Vãng đã vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ ngày hôm trước.
Sau khi giành chính quyền ở Chợ Bờ, Suối Rút, Phố Vãng, lực lượng khởi nghĩa ở Mai Đà do đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ huy, "theo lệnh của Xứ uỷ đã tiến lên Sơn La cùng với nhân dân địa phương giành chính quyền ở Mộc Châu" [10, tr.375].
Để hoàn thành công việc giành chính quyền trong toàn tỉnh, Ban cán sự Đảng đã trực tiếp đem một tiểu đội cứu quốc quân xuống giành chính quyền châu Lương Sơn. ở đây, do ảnh hưởng thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây dội vào, viên tri châu Lương Sơn đã bỏ công đường chạy trốn từ mấy hôm trước. Khi đơn vị cứu quốc quân của ta đến Lương Sơn vào chiếm châu, một nhân viên hành chính và số lính lệ còn lại xin đầu hàng và giao cơ quan cho chính quyền cách mạng.
Như vậy, cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám ở Hoà Bình đã kết thúc thắng lợi sau bảy ngày đêm chiến đấu liên tục từ ngày 20/8/1945 đến 26/8/1945, với lực lượng chiến đấu từ các khu căn cứ kết hợp với lực lượng nhân dân vũ trang nổi dậy, nhân dân các dân tộc Hoà Bình đã hoàn thành thắng lợi việc giành chính quyền ở châu, tỉnh, thị trấn. Một số xã đã có cơ sở cách mạng ở khu vực xung quanh thị xã, thị trấn cũng đã khởi nghĩa.
Tiểu kết chương 2:
Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ và sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Ban cán sự Đảng tỉnh và quần chúng nhân dân tỉnh Hoà Bình đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, phát huy truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân, xây dựng thành công bốn khu căn cứ vũ trang ở các vùng: Tu Lý - Hiền Lương (Mai Đà), Diềm (Mai Đà), Cao Phong - Thạch Yên (Kỳ Sơn), Mường Khói (Lạc Sơn).
Thực hiện chủ trương cách mạng của Đảng, mặt trận Việt Minh, đặc biệt là nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Đảng bộ Hoà Bình đã phân công cán bộ tiến hành giác ngộ, tập hợp được lực lượng, xây dựng được cơ sở ngay trong các cơ quan công sở, lực lượng vũ trang của kẻ thù ở địa bàn trọng yếu. Và quan trọng hơn là đã tranh thủ nắm được hàng ngũ lang đạo đứng vào mặt trận cứu nước, tạo điều kiện thuận lợi để đi vào xây dựng cơ sở trong nhân dân lao động các dân tộc ở địa bàn nông thôn.
Trước yêu cầu khẩn trương chuẩn bị lực lượng đón thời cơ, đến tháng 8/1945, Đảng bộ đã tập trung xây dựng được các khu căn cứ và lực lượng vũ trang tập trung, xây dựng được lực lượng chính trị vững mạnh và lực lượng bán vũ trang ở những địa bàn quan trọng, tạo được thế đứng vững chắc để tiến công vào những điểm trọng yếu của kẻ thù. Đảng bộ đã chỉ đạo tập trung, kiên quyết chớp thời cơ, vận dụng hình thái, hình thức đấu tranh phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang, bán vũ trang với lực lượng chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng của các khu căn cứ với lực lượng ở các thị trấn, thị xã, từ các khu căn cứ tiến lên khởi nghĩa ở những địa bàn có ý nghĩa quyết định.
Các khu căn cứ ở Hoà Bình đã có vai trò to lớn đối với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 trong cả nước.
Chương 3
Đặc điểm và vai trò của các khu căn cứ vũ trang ở tỉnh hoà bình trong cao trào kháng nhật cứu
nước và Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945
3.1. Đặc điểm của các khu căn cứ vũ trang ở tỉnh Hoà Bình
3.1.1. Các khu căn cứ vũ trang đều là các địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng quan trọng
Hoà Bình là một tỉnh miền núi, nằm ở vị trí rất quan trọng, là bản lề giữa đồng bằng Bắc Bộ, khu Bốn cũ với Tây Bắc, Việt Bắc, cửa ngõ thông sang Thượng Lào. Phía đông và nam lại tiếp liền với các tỉnh đồng bằng như Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá. Điểm cách Hà Nội gần nhất chỉ khoảng 30 km. Đường số 6 qua Hoà Bình là con đường duy nhất nối Hà Nội với Tây Bắc và Thượng Lào. Các đường 15, 12 từ Hoà Bình vào Ninh Bình, Thanh Hoá cũng là những tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Bắc với miền Trung. Sông Đà từ phía tây bắc qua Hoà Bình nối với sông Hồng ở Việt Trì. Những con đường thuỷ, bộ nói trên trở thành những mạch máu giao thông quan trọng đối với nội tỉnh cũng như với các tỉnh xung quanh.
Nằm trên địa bàn có tính cơ động như vậy lại có địa hình rất hiểm trở, có lợi thế trong việc xây dựng căn cứ, tiến có thể đánh, lui có thể giữ, Hoà Bình có vị trí chiến lược rất trọng yếu về quân sự. Trong lịch sử, núi rừng Hoà Bình đã từng là căn cứ dấy binh, địa bàn hoạt động chống xâm lăng, chống triều đình phong kiến bạo tàn.
Khi mới xâm chiếm nước ta, đế quốc Pháp đã phải đặt Hoà Bình dưới quyền kiểm soát của một đạo quân quan binh để đảm bảo an toàn cho quân lính của chúng ở vùng rừng núi.
Trong thực tế lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở nước ta đã chứng minh rằng: Các thế lực ngoại xâm rất quan tâm tới địa bàn Hoà Bình. Các triều đại phong kiến Việt Nam và các thủ lĩnh nghĩa quân cũng tìm mọi cách để kiểm soát, khống chế hay nắm giữ địa bàn này, đảm bảo thông thương Bắc Nam hoặc xây dựng căn cứ, lập phòng tuyến đánh giặc, làm bàn đạp quân sự...
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đảng ta đã sớm chú ý đến địa bàn của Hoà Bình và chủ trương xây dựng Hoà Bình thành căn cứ quân sự để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau sự kiện ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, vào đầu tháng 4/1945, tại Cao Phong (Kỳ Sơn), Ban cán sự đã họp Hội nghị đề ra kế hoạch phát triển phong trào cách mạng địa phương. Ban cán sự đã xác định: phong trào cách mạng phải gấp rút đi vào nông thôn, phát triển cơ sở trong đồng bào các dân tộc, khẩn trương xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, bán vũ trang, xây dựng các căn cứ địa... Ban cán sự đã phân công các cán bộ đi sâu vào vùng trọng điểm thuộc các châu Mai Đà, Kỳ Sơn, Lạc Sơn để xây dựng các khu căn cứ vũ trang, chuẩn bị về mặt quân sự cho khởi nghĩa giành chính quyền.
Ban cán sự Đảng đã quyết định xây dựng bốn khu căn cứ vũ trang ở các vùng: Tu Lý - Hiền Lương (Mai Đà), Diềm (Mai Đà), Cao Phong - Thạch Yên (Kỳ Sơn), Mường Khói (Lạc Sơn). Các khu căn cứ vũ trang ở Hoà Bình đều là các địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, đảm bảo được các yếu tố địa hình, địa thế, dân cư, kinh tế thuận lợi để xây dựng, phát triển lực luợng vũ trang, trở thành bàn đạp cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ đến.
Trong thực tế, các khu căn cứ này được xây dựng ở các vùng rừng núi hiểm trở của ba châu Mai Đà, Kỳ Sơn, Lạc Sơn. Đây là những vùng có địa hình địa thế hiểm yếu, cơ động, có thể nương quân, che dấu lực lượng, luyện tập quân sự, là nơi "tiến có thể đánh, lui có thể giữ". Đồng thời đây đều là
những nơi có dân cư tập trung khá đông, không những có nguồn kinh tế tự cung tự cấp của nhân dân tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang tập trung ra đời và phát triển, mà còn tạo ra bức "phên dậu" che chở, bảo vệ cho lực lượng cách mạng.
Mặt khác, các khu căn cứ vũ trang tuy được xây dựng ở những vùng khác nhau trong tỉnh, nhưng đã tạo ra con đường để cho đội Việt Nam giải phóng quân thực hiện Nam tiến, đi qua địa bàn các khu căn cứ, vào các tỉnh Trung và Nam Kỳ.
Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên (Kỳ Sơn), Kỳ Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía đông bắc của tỉnh Hoà Bình và bao quanh gần như ba phía thị xã tỉnh lỵ. Với núi non trùng điệp hiểm trở có những đầu mối giao