Thực hiện chủ trương của Ban cán sự Đảng tỉnh, các tổ chức cứu quốc ở các vùng đã vận động, lôi kéo tầng lớp lang đạo, kêu gọi họ ủng hộ Việt Minh, để từ đó đi sâu vận động quần chúng tham gia và ủng hộ cách mạng.
Riêng ở Mai Đà, việc thành lập khu căn cứ Diềm phụ thuộc rất nhiều vào tầng lớp lang cun, đặc biệt là lang cun Đinh Công Phủ. Nếu cách mạng nắm được Đinh Công Phủ thì thì vùng này sẽ về tay cách mạng. Đồng chí Phan Lang được phân công phụ trách xây dựng khu căn cứ Diềm, bởi đây là địa bàn đồng chí Phan Lang đã từng công tác từ trước, quen biết nhiều và có quan hệ khá tốt với Đinh Công Phủ, một nhà lang có uy thế nhất ở vùng Đà Bắc. Tuy vậy, đồng chí Phan Lang vẫn phải tìm hiểu rất kỹ về Phủ, để chuẩn bị cho việc thuyết phục Phủ ngả theo cách mạng.
Đinh Công Phủ là một lang cun rất mưu mô, xảo quyệt, có thế lực lớn, cai quản cả vùng Diềm. Tất cả các lang đạo, chức sắc và dân chúng trong vùng đều sợ, không dám làm điều gì trái ý hắn, ngay cả tri châu Đinh Công Quyền cũng phải né tránh. Đinh Công Phủ có rất nhiều nhà, nhiều vợ, nhiều con, trong số các con của Phủ thì Đinh Công Đốc là một thanh niên có tư tưởng tiến bộ.
Đinh Công Phủ là một nhà lang khá khôn ngoan, trong dịp Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), bọn lính khố đỏ của Pháp ở đồn Vàng (Phú Thọ), sợ Nhật lên tấn công, bỏ đồn chạy lên Sơn La. Khi qua vùng Diềm, Đinh Công Phủ đã sai người làm cơm rượu cho chúng ăn no say, rồi cho tay chân giả vờ vào báo có Nhật lên. Bọn lính sợ quá bỏ súng chạy thoát thân. Phủ lấy được
hai khẩu súng trung liên và 70 súng mút cơ tông. Với số vũ khí này, Phủ có thể tổ chức một lực lượng vũ trang mạnh, nếu hắn có ý chống lại cách mạng thì sẽ gây cho ta rất nhiều khó khăn. Chính vì vây, việc thuyết phục Đinh Công Phủ ngả theo cách mạng có ý nghĩa quyết định trong việc thành lập khu căn cứ ở vùng Diềm. Không những tạo điều kiện thuận lợi để đi vào các bản làng vận động quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, mà còn có thể sử dụng được kho vũ khí của Phủ một cách hiệu quả.
Phủ có một nhà ở cạnh bờ sông Đà, nên thường giao du với các lái buôn đi thuyền bè qua lại Mường Diềm, do đó cũng nắm được tin tức về hoạt động của Việt Minh ở khu giải phóng Việt Bắc và có ý ủng hộ cách mạng.
Đồng chí Phan Lang đã quyết định lên Đà Bắc để thuyết phục Đinh Công Phủ tham gia mặt trận Việt Minh và lập đội du kích. Lúc đó, ở xã Tu Lý, nơi có phong trào Việt Minh từ trước ngày 9/3/1945, có Đinh Công Sắc là cháu của Đinh Công Phủ, sớm được giác ngộ cách mạng, đang hoạt động ở địa phương. Đồng chí Phan Lang đã quyết định lên Tu Lý (Mai Đà) nhờ Đinh Công Sắc dẫn đường đến Mường Diềm thuyết phục Đinh Công Phủ. Sau khi gặp gỡ, trao đổi tình hình, giới thiệu chương trình của mặt trận Việt Minh và mời Phủ tham gia, Phủ đã tán thành. Đồng chí Phan Lang đề nghị Phủ tổ chức một cuộc họp toàn thể giới lang đạo dưới quyền cùng với các lý dịch, chức sắc trong xã để bàn việc với hợp tác với mặt trận Việt Minh đánh Nhật. Phủ đồng ý và triệu tập ngay cuộc họp này tại nhà viên lý trưởng ở ven sông Đà, tuyên bố từ nay tất cả phải theo Việt Minh. Đồng chí Phan Lang đưa ra chủ trương thành lập một đội du kích, Phủ cũng đồng ý, nhưng đề nghị để con trai của mình là Đinh Công Đốc chỉ huy.
Mặc dù đã ngả theo cách mạng, nhưng Đinh Công Phủ vẫn chưa thật sự tin tưởng vào Việt Minh. Phủ là một lang cun rất bạo ngược và xảo quyệt, làm cho hắn kính nể không phải là việc dễ dàng. Nhiều lần Phủ tìm cách thử thách cán bộ của ta, đặc biệt là đối với đồng chí Phan Lang, Bí thư Ban cán sự Đảng
tỉnh như: yêu cầu đồng chí Phan Lang cưỡi ngựa, dẫn đồng chí Phan Lang đi cả ngày trong rừng, sai người câm điếc dẫn cán bộ vào rừng sâu rồi bỏ trốn, đốt diêm châm ngòi mìn ở giữa nhà trước mặt cán bộ để thử thách lòng can đảm....
Sau những lần tiếp xúc và thử thách cán bộ của ta, Phủ đã có phần kính nể, từ đó Phủ mới thực sự đồng ý cùng ta xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập khu căn cứ ở vùng Diềm. Phủ sai người nhà đóng ngựa đưa anh em cán bộ đi vào xóm Trang cách đó không xa. Tại đây, con trai của Phủ là Đinh Công Đốc đã chuẩn bị đầy đủ nhà cửa, lương thực, vũ khí cho đội du kích. Khi các lang đạo, chức sắc theo Phủ ủng hộ Việt Minh đã tạo điều kiện cho cán bộ của ta đi vào các bản Mường vận động quần chúng nhân dân tham gia các tổ chức cứu quốc, xây dựng lực lượng vũ trang và khu căn cứ.