Theo quan niệm xưa, trong cuộc sống xã hội của người Mường "đất có lang, làng có đạo". Do vậy, hầu như làng xóm nào trong tỉnh cũng có nhà lang. Chế độ nhà lang ở Hoà Bình thực chất đã có sự sắp xếp ngôi thứ trong câu tổng kết của nhân dân "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động". Bốn vùng này không những trù phú về kinh tế, dân cư đông đúc, mà cũng là bốn vùng có chế độ nhà lang nổi tiếng tàn ác và giàu có. Trong đó, hai vùng Bi, Vang nhất nhì đều thuộc về châu Lạc Sơn [5, tr.15].
Lạc Sơn là địa bàn miền núi sâu, chế độ lang đạo lại vào loại nhất nhì trong tỉnh nên được thực dân Pháp rất chú trọng xây dựng bộ máy cai trị.
Sau Hội nghị Ban cán sự Đảng tỉnh họp tại Cao Phong (Kỳ Sơn) vào tháng 4/1945, Ban cán sự đã phân công hai đồng chí Trương Đình Dần và Vũ Đình Bản phụ trách phong trào ở châu Lạc Sơn và xây dựng chiến khu Mường Khói.
Việc xây dựng khu căn cứ Mường Khói cũng đặt ra yêu cầu là làm sao phải thuyết phục, lôi kéo được lang cun Quách Hàm, là tri châu Lạc Sơn lúc bấy giờ, thì mới đi vào vùng nông thôn để gây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Trương Đình Dần đã trực tiếp gặp gỡ, thuyết phục Quách Hàm. Bước đầu tiếp xúc với Quách Hàm gặp nhiều khó khăn bởi Quách Hàm là một lang cun ở Mường Vang có thế lực lớn về kinh tế, chính trị, bản thân lại được thực dân Pháp bợ đỡ trọng dụng trong việc thực hiện chính sách chia để trị đồng bào Mường. Qua nhiều lần tiếp xúc, đồng chí Trương Đình Dần nhận thấy Quách Hàm có tư tưởng do dự, lừng chừng, vừa sợ Nhật, vừa khuất phục trước uy thế của cách mạng. Nhưng với sự kiên trì thuyết phục và nhiều lý lẽ sắc bén khẳng định sự thất bại tất yếu của giặc Nhật và sự phát triển của Việt Minh, cuối cùng lang cun Quách Hàm mới tỏ thái độ ủng hộ và hứa sẽ ủng hộ cách mạng.
Sau khi nắm được lang cun Quách Hàm, đồng chí Trương Đình Dần tiếp tục gặp gỡ thuyết phục được các lang cun khác như: Quách Điêu ở Mãn Đức, Đinh Thế Chinh ở Thạch Bi, Đinh Thế Đỉnh ở Quy Mỹ. "Việc tuyên truyền thuyết phục và nắm được một số lang cun ở Lạc Sơn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ đã tạo điều kiện cho cán bộ bắt rễ vào nông dân, mở rộng cơ sở, phát triển tổ chức quần chúng cách mạng [5, tr.49].
ở Mường Khói, đồng chí Vũ Đình Bản và đồng chí Quách Rưỡng đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ tầng lớp thanh niên trong
vùng tham gia lực lượng vũ trang. Sau một thời gian ngắn, tổ tự vệ cứu quốc xã Hoài Ân được thành lập gồm 17 đội viên. Nhiều thanh niên Mường ở Mường Khụ, Bình Hẻm, Mường Khạ, Đồi Thung, Mường Cỏ đã vượt núi rừng về Mường Khói xin gia nhập đội tự vệ cứu quốc xã Hoài Ân. Tuy đời sống nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn nhưng với nhiệt tình cách mạng đã tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm xây dựng lực lượng vũ trang. Khu căn cứ Mường Khói nhanh chóng được xây dựng và phát triển.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn được sự chỉ đạo tập trung, khẩn trương và bằng nhiều biện pháp phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng nơi, bốn khu căn cứ cách mạng của tỉnh đã được xây dựng ở vùng nông thôn các châu Mai Đà, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, tạo ra chỗ đứng chân cho lực lượng vũ trang ra đời và hoạt động.