6. Cấu trúc đề tài
3.3.2. Những giải pháp thực hiện
3.3.2.1. Xác định, thiết lập quy mô vùng nguyên liệu và hoàn chỉnh, xây dựng hệ thống cơ sở chế biến
- Xác định, thiết lập quy mô vùng nguyên liệu
Việc xác định và thiết lập quy mô vùng nguyên liệu có mức độ cần thiết và hiệu quả khác nhau đối với các loại nông sản khác nhau. Đối với cao su, sau khi lấy mủ nếu được chế biến nhanh sẽ có chất lượng tốt hơn so với việc dùng chất bảo quản để lưu trữ mủ cho tới khi được chế biến. Do vậy, vùng nguyên liệu càng tập trung thì vận chuyển và chế biến kịp
thời hơn, chất lượng tốt hơn, tương tự đối với các loại cây công nghiệp hằng năm khác như dứa, lạc,…. Tuy nhiên, đối với cà phê, tiêu và điều thì có thể phơi nông sản khô và trữ được để chờ bán cho các nhà máy, trong điều kiện kho chứa đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật về độ thoáng khí, do vậy việc thiết lập các vùng trồng lại có ý nghĩa chủ yếu trong việc giảm chi phí vận chuyển, giảm các khâu thu mua trung gian.
Như đã xác định trong phần định hướng quy hoạch các vùng trồng cây công nghiệp (trang 120), đây cũng chính là các vùng nguyên liệu quan trọng của toàn huyện. Theo đó, cả huyện sẽ có 2 vùng nguyên liệu cà phê, 2 vùng nguyên liệu mủ cao su và 1 vùng nguyên liệu hạt điều. Xét về quan hệ sở hữu trong mỗi vùng nguyên liệu thì có 2 loại như sau: Diện tích trồng của các công ty trách nhiệm hữu hạn, xây dựng phục vụ nhu cầu chế biến của chính các công ty (cà phê: Công ty TNHH Ia Grai 379 ha, công ty TNHH Ia Sao I, Ia Sao II 1.664,4 ha, công ty TNHH Ia Châm: 276,4 ha, công ty TNHH Ia Blan 368 ha, công ty 705 có 374 ha; cao su: Công ty TNHH Ia Sao I, Ia Sao II 126,8 ha; điều: Công ty TNHH Ia Blan 368 ha, công ty 705 có 60 ha. Và diện tích trồng cây công nghiệp của các hộ gia đình.
Để các vùng nguyên liệu của các công ty đi vào ổn định và công ty yên tâm đầu tư, chính quyền huyện cần nhanh chóng hoàn thành quá trình sắp xếp lại các nông trường, hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xác định rõ ràng ranh giới của các công ty. Còn đối với diện tích trồng của các hộ gia đình, để ổn định diện tích, chính quyền địa phương phải thường xuyên nắm bắt tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình và cá nhân trên hơn 50% diện tích trồng cây công nghiệp hiện có. Dân số tăng gây sức ép lớn lên vấn đề đất đai, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng làm giảm diện tích đất trồng các loại cây công nghiệp; thêm nữa, do thị trường giá cả nông sản thường xuyên biến động, nhiều hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát. Do vậy, để phát huy hiệu quả sử dụng đất trồng cây công nghiệp trong dân, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác định hướng cây trồng lâu dài cho người nông dân, phổ biến tới người dân các kế hoạch quy hoạch cụ thể để phát triển dài hạn nông nghiệp huyện. Địa phương cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ quá trình khai hoang đất canh tác từ việc phá bỏ rừng, chỉ cho phép khai phá trên các vùng rừng nghèo kiệt theo quy hoạch mở rộng của huyện, tuyệt đối không cho phép khai phá các vùng rừng giàu. Huyện cũng cần quán triệt không mở rộng diện tích về phía bắc vì điều kiện sinh thái của khu vực này không hoàn toàn phù hợp với cây công nghiệp, vốn đầu tư cao trong khi năng suất thu hoạch thấp; đây lại là khu vực có đất dốc nên rất cần có lớp phủ thực vật dày, nhiều tầng tán che chắn, nếu trồng cây công
nghiệp thay rừng ở khu vực này sẽ gây nguy hại cho các diện tích trồng cây công nghiệp ở các khu vực khác.
Bên cạnh việc xác định vị trí và quy mô các vùng nguyên liệu như trên, huyện Ia Grai cũng cần phải có các biện pháp để nâng cao hiệu quả của các vùng nguyên liệu hiện có. Do còn có nhiều diện tích đất trồng cây công nghiệp già cỗi cho năng suất rất thấp và nhiều diện tích trồng cây công nghiệp chưa phù hợp lắm với điều kiện thổ nhưỡng nên huyện cần chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng cho phù hợp hơn. Các xu hướng chuyển đổi đang diễn ra gồm có: Chuyển đổi 91 ha vườn cà phê già cỗi ở phía tây sang trồng điều, chuyển đổi 1.759 ha đất rừng nghèo sang trồng cao su, chuyển đổi diện tích các cây lâu năm khác sang trồng tiêu và bời lời, trên cơ sở đó xác định diện tích bời lời trồng mới sẽ là 4.530 ha.
- Hoàn chỉnh, xây dựng hệ thống cơ sở chế biến
Căn cứ vào tình hình hiện tại số lượng các nhà máy tương đối ít, phân bố chưa hợp lí và sự gia tăng nhanh các vùng trồng làm tăng khối lượng nông sản có nhu cầu chế biến lên cao. Đồng thời căn cứ vào quy hoạch phát triển của huyện và nâng lực hiện tại, cần thực hiện 3 biện pháp để hoàn chỉnh các cơ sở chế biến. Biện pháp thứ nhất là đầu tư mở rộng và nâng cao công suất đối với các nhà máy nhỏ đang nằm trong hoặc gần với các vùng nguyên liệu lớn; biện pháp thứ hai là không đầu tư mở rộng mà chú trọng đầu tư hiện đại hóa các nhà máy có quy mô đã phù hợp với vùng nguyên liệu hiện có; biện pháp thứ ba là xây dựng mới các nhà máy ở các vùng nguyên liệu lớn nhưng có quá ít các nhà máy (tên và vị trí xây dựng các nhà máy cụ thể: định hướng phát triển trang 120). Không chủ trương xây sựng các nhà máy quy mô lớn mà chú trọng các nhà máy có quy mô vừa và nhỏ, đầu tư hiện đại hóa.
Hiện nay, huyện đang tiến hành nâng cấp và xây dựng mới một số nhà máy chế biến và quy hoạch hoàn thiện 3 cụm công nghiệp, có thể thấy rõ quy hoạch mới đã khắc phục được 2 vấn đề hạn chế hiện nay là thiếu nhà máy chế và giải quyết được một phần sự phân bố thiếu hợp lí của các nhà máy, nay đã được chú trọng xây dựng thêm nhiều nhà máy ở các xã ít cơ sở chế biến như Ia Pếch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm trong thực hiện quy hoạch các nhà máy, các cụm công nghiệp chế biến cây công nghiệp cả về quy mô lẫn vị trí phân bố.
Một vấn đề cần phải quan tâm nữa là nhà nước cần chú trọng đến các nguồn vốn cho vay để các hộ gia đình có thể tự trang bị được các loại máy móc sơ chế cơ bản để giải quyết tốt hơn khối lượng nông sản có nhu cầu chế biến.
3.3.2.2.Các giải pháp khác
- Xây dựng hệ thống thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với vấn đề tổ chức lãnh thổ trồng và chế biến cây công nghiệp và vấn đề nguồn nước, nhất là vào mùa khô khi mực nước ngầm và cả nước trên sông suối hạ thấp.
Để phát triển tốt các vùng chuyên canh cây công nghiệp, huyện Ia Grai trước hết phải có biện pháp thủy lợi hợp lý để chủ động được nguồn nước tưới. Theo định hướng chung của huyện, cần phải xây dựng mới một số hồ chứa nước, đập dâng, duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp kiên cố hóa các công trình hiện có. Tuy nhiên, khả năng tưới nước của 7 công trình thủy lợi đang nâng cấp xây dựng và 29 công trình thủy lợi dự kiến xây dựng mới từ năm 2010 đến năm 2015 chỉ đáp đáp ứng thêm được 1.280 ha đất trồng cây công nghiệp. Như vậy, tính luôn các công trình đang và sẽ nâng cấp, xây dựng mới, đến năm 2015, tổng diện tích cây công nghiệp được đảm bảo tưới tiêu cũng mới chỉ là 5.295 ha. Nếu chỉ tính riêng diện tích trồng cây cà phê thì cũng chỉ mới đáp ứng được gần 30% so với tổng diện tích 18.091 ha, chưa kể diện tích trồng các loại cây công nghiệp khác. Do vậy, giải pháp được đề xuất thêm ở đây là phải tiếp tục chọn lọc để nâng cấp, mở rộng các hồ chứa và các đập dâng vừa và nhỏ hiện có, đồng thời tìm kiếm các vị trí thuận lợi để xây dựng thêm các công trình thủy lợi mới. Có như thế mới làm tăng năng lực tưới tiêu diện tích trồng cây công nghiệp. Một vấn đề cần phải quan tâm chú ý là vấn đề lãnh thổ phân bố của các công trình thủy lợi, vì đa số các công trình thủy lợi tập trung ở khu vực phía đông, phần phía tây và trung tâm có quá ít các công trình thủy lợi, không đảm bảo được vấn đề nước tưới trong mùa khô. Thực tế là trong tổng số 93 công trình thủy lợi đã và đang xây dựng thì các xã như Ia Sao (20 công trình), Ia Hrung(16 công trình), Ia O (12 công trình), Ia Pêch (9 công trình) đã chiếm tới 57 công trình; còn thị trấn Ia Kha và 8 xã còn lại có số công trình thủy lợi rất ít. Do vậy, cần chú trọng tìm kiếm vị trí, đầu tư xây mới các công tình thủy lợi cho thị trấn Ia Kha và 8 xã có ít công trình thủy điện này theo hướng xây dựng mở rộng về phía tây.
- Xây dựng các cơ sở nhân giống mới năng suất cao, phù hợp với địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới và khoa học kĩ thuật vào khâu cải tạo giống, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản
Hiện nay, toàn huyện mới chỉ có một cơ sở thực nghiệm và phân phối giống cây trồng có quy mô nhỏ ở thị trấn Ia Kha. Do quy mô nhỏ nên khả năng cung ứng các giống cây trồng rất hạn chế, đa số các giống cây trồng mới đều phải mua từ các nơi khác và vận chuyển đến các vườn trồng. Do vậy, giải pháp quan trọng hiện nay là mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở thực nghiệm hiện có, đầu tư xây mới một số cơ sở trong các vùng chuyên canh, khuyến khích tư nhân tham gia vào lĩnh vực này và các cơ quan nhà nước phải kiểm soát thường xuyên để đảm bảo cung cấp giống đúng giống thật và giống chất lượng tốt cho nông dân.
Vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới và khoa học kĩ thuật vào khâu cải tạo giống là vấn đề quan trọng hàng đầu trong xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp hiện nay của huyện bởi các lý do sau:
+ Diện tích đất có khả năng trồng cây công nghiệp đã khai thác đến giới hạn nên khả năng quảng canh giảm sút.
+ Các loại nông sản từ cây công nghiệp, nhất là cây công nghiệp lâu năm đã và đang trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của huyện, đóng góp rất lớn cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống của đại bộ phận dân cư, giá thành ngày càng cao…nên cần tăng lên về sản lượng.
+ Thêm nữa, nhiều diện tích trồng cây công nghiệp hiện nay như cà phê, cao su… đã già cỗi, cho năng suất thấp cần phải chặt bỏ và thay thế mới, giống các loại cây đã được lựa chọn trồng trước đây bộc lộ nhiều hạn chế và cho năng suất không cao.
+ Sự biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, dịch bệnh phát triển ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây cônng nghiệp.
Như vậy, với khả năng quảng canh dần bị hạn chế thì việc thâm canh tức ứng dụng công nghệ mới và khoa học kĩ thuật vào khâu cải tạo giống là một vấn đề cấp thiết, nghiên cứu đưa các giống cây trồng mới có đề kháng cao hơn với dịch bệnh, thích nghi với thay đổi của thời tiết, khí hậu và cho năng suất cao hơn, thời gian cho thu hoạch ngắn hơn nhằm giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm là việc làm cần thiết để đưa cây công nghiệp trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của huyện. Muốn vậy, cần phải coi trọng việc thử nghiệm,
phổ biến ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kĩ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu tập huấn, chuyển giao công nghệ thường xuyên cho nông dân về kiến thức tuyển chọn giống, phương pháp canh tác và tưới tiêu khoa học…. Sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ kĩ thuật hiện có, kết hợp với các chính sách thu hút lao động có trình độ về làm việc tại các địa phương, tăng cường mở rộng liên kết với các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh và từng bước hình thành các cơ sở sản xuất công nghệ cao về chế biến, sản xuất giống cây con.
Không chỉ dừng lại ở cấn đề cải tạo, đưa giống mới vào sản xuất, huyện cũng cần phải chú trọng đến ứng dụng khoa học kĩ thuật vào khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản để tăng cường năng lực và hiệu quả sơ chế và chế biến nông sản từ cây công nghiệp. Muốn làm tốt công tác này, huyện phải có chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút và xây dựng nhiều hơn nữa các điểm, cụm công nghiệp chế biến, có ưu đãi về vốn cho vay để các doanh nghiệp cải tạo hệ thống máy móc chế biến nông sản, phối hợp với các daonh nghiệp và tỉnh để tìm đầu ra ổn định cho nông sản cây công nghiệp để người dân an tâm đầu tư.
- Phát triển nhanh nguồn nhân lực và sử dụng lao động hợp lí
Dựa trên tình hình chất lượng lao động thực tế tại địa phương, xin đề xuất 3 nhiệm vụ song song cần phải thực hiện như sau:
• Nhiệm vụ thứ nhất là tiến hành đào tạo lại với lực lượng lao động hiện có. Đối tượng đào tạo lại sẽ là những người trong độ tuổi lao động và đang tham gia lao động trong ngành trồng và chế biến cây công nghiệp. Nội dung đào tạo chú trọng đào tạo về quy trình, kĩ thuật trồng các loại cây công nghiệp đối với người nông dân hay công nhân trong các xí nghiệp nông nghiệp, cách thức sử dụng, bảo quản máy móc thiết bị, quy trình sản xuất… đối với công nhân trong các cơ sở chế biến. Tăng cường tập huấn trước khi đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất. Do nội dung như vậy và đối tượng là người đang tham gia lao động nên hình thức đạo tạo có thể là tập trung ngắn hạn, hoặc vào ban đêm hoặc cử cán bộ chuyên trách về tận các đơn vị sản xuất để trực tiếp hướng dẫn bà con. Bên cạnh đó, các xí nghiệp nông, công nghiệp cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để lao động nâng cao trình độ văn hóa.
• Nhiệm vụ thứ hai là đào tạo mới lực lượng lao động có trình độ. Đây là nhiệm vụ dài hạn, do vậy cần phải có thời gian và quá trình đào tạo liên tục, có kế hoạch rõ ràng. Một
trong những cách thực hiện nhiệm vụ này được đề ra trong chiến lược phát triển nhân lực chung của huyện là:
-Tạo nguồn lao động đủ điều kiện văn hóa, sức khỏe để đào tạo có chất lượng bằng việc thường xuyên lựa chọn những học sinh khá giỏi từ các cấp học phổ thông.
-Tăng cường sức khỏe toàn dân, trước hết là lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và thanh niên có học vấn khá.
-Phát triển trung tâm dạy nghề của huyện hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo ngoài huyện tổ chức các lớp học để đào tạo nghề cho người lao động và bồi dưỡng nhân tài qua lựa chọn học sinh khá, giỏi ở các trường phổ thông đưa đi đào tạo tại các trường trong và ngoài nước.
-Khuyến khích và hỗ trợ người lao động có điều kiện học nghề, học ngoại ngữ, tin học,…
-Huyện cần tạo nguồn kinh phí để có thể gởi người đi đào tạo tại các trường trong và ngoài nước về những ngành nghề mà huyện có yêu cầu.