5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.3.2. Nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn lợi cá
a) Khai thác cá quá mức
Do dân số tăng, đời sống kinh tế khó khăn, nhu cầu về thực phẩm của con người ngày càng lớn. Vì cuộc sống, người dân tham gia đánh bắt với cường độ ngày càng cao là khó tránh khỏi. Ngoài những công cụ đánh bắt thông dụng như lưới, cào, đơm, lờ,… người dân còn lén lút sử dụng các hình thức đánh bắt bị nghiêm cấm như dùng kích điện với các cường độ khác nhau, lưới mắt nhỏ để vét hết cá con, thả thuốc để cá ngợp và ngoi lên để bắt, thuốc nổ,… Đây là những hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt cao, vì với cường độ đánh bắt cao cộng với ngư cụ tinh vi thì cá lớn, cá bé đều bị tận thu, cá nhỏ không thể sống, phát triển và sinh sản làm cho số lượng cá ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng.
Nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, được nhiều người dân ưa chuộng nên hoạt động đánh bắt chúng diễn ra hàng ngày.
b) Ô nhiễm môi trường nước
Ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh trưởng và phát triển của cá. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là chất thải từ các nhà máy ven sông như nhà máy Vedan, khu Công nghiệp Hiệp Phước,… chất thải từ sinh hoạt của khu dân cư đô thị TP.HCM và nhân dân địa phương, rác hữu cơ từ diện tích rừng ngập mặn rộng lớn. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác dầu mỏ ngoài khơi, một lượng xăng dầu thải bỏ của các tàu thuyền đặc biệt tại các cầu cảng gây ô nhiễm nguồn nước. Nhìn chung, thông qua các số liệu và báo cáo, nguồn nước Cần Giờ vẫn đảm bảo cho đời sống thủy sinh vật nhưng ô nhiễm vẫn gia tăng và là một mối lo ngại nếu không được quản lí chặt chẽ.
c) Hoạt động nuôi trồng thủy sản
Năm 2012, diện tích nuôi thả thủy sản ở Cần Giờ là 6.660 ha, sản lượng đạt 20.529 tấn, kế hoạch năm 2013 sẽ tăng lên 23.203 tấn. Trong đó, các đối tượng được nuôi gồm nhuyễn thể (nghêu, sò, hàu, ốc hương), tôm (tôm sú, tôm thẻ), cá (cá mú, cá chim trắng, cá dứa, cá bông lau) và một số loài khác như cua, ghẹ, cá sấu,… Mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng việc tập trung nuôi trồng theo mục đích, hệ thống thủy lợi thì chưa phát triển để đáp ứng nhu cầu, có thể gây giảm chất lượng nước, việc xử lí nước thải ao, bè nuôi thủy sản không triệt để để thải ra kênh rạch, cửa sông hàng tấn thức ăn công nghiệp, dư lượng thuốc kháng sinh độc hại và nguồn dịch bệnh.
Theo Báo cáo tình hình hoạt động năm 2012 của UBND huyện Cần Giờ, đến tháng 11 năm 2012, qua kiểm tra, Ban Quản lí Rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện và xử lí 70 vụ, tăng 2 vụ so với cùng kì, trong đó: 43 vụ phá rừng, khai thác rừng trái phép, 27 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, gây thiệt hại 29,127 ha cây rừng, 2,1 m3
gỗ, 2.240 m2 đất rừng và 2.072 kg địa sâm. Trong địa bàn rừng phòng hộ Cần Giờ (năm 2012) hiện có 324 đầm, bao chiếm diện tích mặt nước khoảng 3.083. Bờ bao đầm có khả năng ngăn cản trao đổi chất giữa trong và ngoài đầm [49], tu sửa đầm bằng phương tiện cơ giới trái phép có khả năng tàn phá rừng. Việc chặt phá rừng là nguyên nhân làm giảm lượng nước ở các sông suối, thu hẹp dòng chảy vào mùa khô, đồng thời tăng dòng chảy, độ đục vào mùa mưa đã làm đảo lộn vùng sinh thái cá, dẫn đến sự giảm sút của nhiều loài, đặc biệt là loài di cư vào rừng sinh sản.
e) Hoạt động nông nghiệp
Về trồng trọt, theo Báo cáo tình hình hoạt động năm 2012 của UBND huyện thì toàn huyện có 302 ha cây ăn trái chủ yếu là xoài, lúa mùa gieo trồng đạt 503,3 ha, trong đó có 101,6 ha lúa bị nhiễm các loại bệnh như rầy, vàng lùn - lùn xoắn lá, sâu đục thân, ốc bươu vàng,… Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là 3.612 con/173 hộ chăn nuôi, gồm: heo ta 2.961 con/114 hộ, heo rừng lai 501 con/33 hộ, bò 54 con/15 hộ, dê 96 con/11 hộ. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 187 nhà nuôi chim yến với 142 nhà đang gây nuôi và 45 nhà nuôi có thu hoạch. Lượng phân bón cho nông nghiệp, hàm lượng chất hữu cơ, thuốc bải vệ thực vật hàng năm còn tồn đọng trong đất bao sẽ bị cuốn ra thủy vực khi vùng đất bán ngập bị thu hẹp. Chất thải của gia súc, gia cầm cũng phải được xử lí trước khi xả ra môi trường để giảm ô nhiễm nguồn nước.
f) Công tác quản lí và ý thức của người dân
Nhận thức về tấm quan trọng của khu hệ cá của dân cư còn thấp, vẫn còn các hành vi vi phạm gây hại đến rừng - môi trường, nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, đời sống một bộ phận lớn người dân phụ thuộc nhiều vào nghề đánh bắt cá trên sông. Cần phải có những hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với những người cố tình vi phạm, triển khai các biện pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản của chính người dân.