Một số hạn chế, khiếm khuyết

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh hải dương lãnh đạo phát triển công tác thanh niên từ 2000 den nam 2010 (Trang 85 - 89)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.2.Một số hạn chế, khiếm khuyết

Nhìn một cách tổng quát, trong 10 năm qua, tuổi trẻ Hải Dương dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc về mọi mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thanh niên và công tác thanh niên của tỉnh còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, điều chỉnh.

3.1.2.1. Những hạn chế về công tác thanh niên

Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, hệ thống tổ chức đoàn thanh niên đã được củng cố và mở rộng, nhưng còn có một số khó khăn hạn chế; tỉ lệ tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội còn chưa cao, mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên chưa thực sự bền vững; việc tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thanh niên vùng sâu vùng xa, thanh niên tín đồ, tôn giáo, đoàn viên đi làm ăn xa… chưa được quan tâm đúng mức.

Việc tổ chức các hoạt động chính trị, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống, tinh thần tự lực tự cường cho đoàn viên thanh niên ở cơ sở còn hình thức, chỉ quan tâm đến số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng, thậm chí nhiều nơi mới chỉ thu hút được số thanh niên tiên tiến, chưa tập hợp được các đối tượng thanh niên đặc thù, chậm tiến. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên chưa hiệu quả.

Công tác Đoàn, tập hợp thanh niên và xây dựng cơ sở Đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, các điều kiện để tổ chức phong trào còn hạn chế, do đó nhiều nơi chưa triển khai được việc xây dựng được tổ chức cơ sở Đoàn.

Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội của Đoàn thanh niên tỉnh trong thời gian qua còn có một số hạn chế: phong trào hành động cách mạng ở một số huyện, thị chưa thực sự bền vững, thiếu chiều sâu; nhiều cán bộ Đoàn nhìn chung nặng về khai thác, phát huy thanh niên mà chưa quan tâm thỏa đáng đến bồi dưỡng, giải quyết những nhu cầu nguyện vọng chính đáng của thanh niên.

Phong trào “Năm xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Bốn đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp” ở một số cơ sở chưa thật sự bền vững, thiếu chiều sâu và tính sáng tạo, việc cụ thể hóa phong trào đến từng đối tượng thanh niên và lĩnh vực công tác còn yếu. Các hoạt động tình nguyện khá rõ nét song còn nặng về khai thác, phát huy thanh niên. Chưa thật sự quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, bảo vệ lợi ích hợp pháp, giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Việc định hướng, tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm, mở rộng các hình thức vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của thanh niên còn nhiều hạn chế.

Nhìn một cách tổng thể, việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác thanh niên thành chính sách, pháp luật còn chậm, chưa thấy rõ trách nhiệm của Nhà nước trong công tác thanh niên và quản lý thanh niên. Nhiều chính sách liên quan thiết thực đến việc bồi dưỡng và phát huy thanh niên như: chính sách tài năng trẻ, chính sách huy động trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, vùng sâu, vùng xa… chưa được xây dựng thành hệ thống. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bồi dưỡng, phát huy tiềm lực trí tuệ của thanh niên.

3.1.2.2. Những hạn chế về tình hình thanh niên

Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường dẫn đến các hiện tượng tiêu cực như quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ… trong một bộ phận cán bộ Đảng viên chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời đã tác động hàng ngày đến tư tưởng, tình cảm và lối sống của thanh niên. Trong lực lượng thanh niên tồn tại một bộ phận có lối sống ích kỷ, thực dụng, cá nhân, thiếu ý thức trách nhiệm công dân, trách nhiệm đối với cộng đồng.

Trên thực tế, còn tồn tại những hạn chế trong phát triển học vấn của thanh niên như: tri thức thu được còn nặng về lý thuyết, kém về thực hành, tính chủ động học tập, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu chưa cao. Chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động; các hiện tượng tiêu cực trong học tập như vi phạm quy chế thi cử, chạy điểm, chạy bằng còn khá phổ biến; sự phân bố lực lượng trí thức trong các thành phần kinh tế chưa hợp lý, việc đào tạo giữa các cấp học: đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề còn mất cân đối.

Bên cạnh trình độ văn hóa chung còn thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật của thanh niên cũng chưa tưng xứng với yêu cầu của thị trường lao động; năng lực vận dụng kiến thức của thanh niên vào giải quyét các vấn

đề đặt ra trong cuộc sống còn yếu. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm còn diễn ra nhất là trong thanh niên nông thôn. Quan niệm nhận thức việc làm ở một bộ phận thanh niên còn cứng nhắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay; một bộ phận thanh niên còn thụ động, ỷ lại (gia đình và xã hội) trong tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập. Thực tế cho thấy, mặc dù chất lượng nguồn lao động trẻ đã có những chuyển biến nhưng năng lực cạnh tranh của lao động trẻvẫn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tình hình tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong thanh niên diễn biến phức tạp. Trong những năm qua, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng tỉnh, số lượng người vi phạm pháp luật trong độ tuổi thanh niên chiếm tỉ lệ trung bình khoảng 70%. Đáng lo ngại là thanh niên có mặt ở hầu hết các tội danh và tệ nạn xã hội. Điều đó đặt ra sự cần thiết, cấp bách của công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh niên. Theo số liệu

điều tra của công an tỉnh Hải Dương thì từ năm 2000 đến 2010, Công an tỉnh đã tiến hành điều tra xử lý 1.325 vụ, 1.583 đối tượng vi phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Trong đó, đã xử lý 542 vụ, 574 bị can; phát hiện, xử lý 351 vụ, 372 đối tượng phạm tội xâm hại trẻ em.

Tệ nạn ma túy, mại dâm có xu hướng ngày càng tăng, không chỉ diễn ra ở đô thị, các thành phố lớn, các tụ điểm nóng mà còn diễn ra ở các vùng nông thôn, vùng xa với các hình thức rất tinh vi, trá hình. Thành phần người nghiện và phương thức lạm dụng ma túy ngày càng đa dạng và có tính nguy hại cao.

Nguyên nhân của những hạn chế, khiếm khuyết

Về mặt chủ quan

- Một số cấp ủy Đảng ở cơ sở chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ Đoàn, đôi khi còn chậm đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo công tác thanh niên.

- Một bộ phận cán bộ Đoàn, nhất là ở cơ sở còn bất cập về độ tuổi, năng lực, kỹ năng thực tế, trình độ chuyên môn, không đáp ứng yêu cầu của công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ còn gặp nhiều khó khăn. Vai trò tham mưu của nhiều tổ chức cơ sở Đoàn đối với cấp ủy Đảng còn thấp.

Về mặt khách quan

Tình hình chính trị trong khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Thông tin khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, làm thay đổi những quan niệm về giá trị cũng như nhu cầu được tiếp cận của thanh niên. Sự ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu dẫn đến khó khăn trong đời sống, việc làm của thanh niên.

Điều kiện, phương tiện hoạt động và nguồn lực của Đoàn còn khó khăn, bất cập giữa yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực hiện. Bên cạnh đó tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội gia tăng, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tư tưởng thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh hải dương lãnh đạo phát triển công tác thanh niên từ 2000 den nam 2010 (Trang 85 - 89)