1 Những điểm tích cực chung trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong cơ quan hành chính Quận 3 (Trang 26 - 28)

Hiện nay, việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã bắt đầu nhìn nhận thiên về hiệu quả, tiết kiệm. Điều đó được thể hiện trên một số phương diện như sau:

- Luật Quản lý, sử dụng TSNN lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 03/6/2008. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống định mức, tiêu chuẩn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, tiêu chuẩn mua sắm phương tiện đi lại và các trang thiết bị phục vụ cho các cán bộ, công chức, viên chức. Đây là các căn cứ quan trọng để xây dựng và bố trí dự toán ngân sách cho đầu tư, mua sắm và kiểm soát chi tiêu, đảm bảo công bằng, hiệu quả, công khai, minh bạch. Thực tế cho thấy, sau khi các tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng TSNN được ban hành thì việc mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức, việc sử dụng TSNN lãng phí đã giảm đáng kể, tình trạng lạm dụng TSNN vào việc riêng cũng đã dần được khắc phục.

- Về quản lý đất đai: Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai năm 1993 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998, 2001. Đến năm 2003, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai mới để thay thế cho Luật Đất đai năm 1993. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quy định cụ thể về thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… Vấn đề quan trọng hơn là cơ chế quản lý tài chính đối với đất đai mà nền tảng là chế độ thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê đất đã chuyển đổi cơ bản theo hướng thị trường. Theo đó việc xác định giá đất đã chuyển từ áp đặt theo bảng giá do Nhà nước quy định sang định giá bởi các tổ chức độc lập theo cơ chế thị trường. Chính sách thu tiền sử dụng đất và thu tiền cho thuê đất đã trở thành công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò chủ sở hữu của mình đối với đất đai, là công cụ đắc lực để huy động nguồn thu cho NSNN, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin – cho” bao cấp về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất. Tiền sử dụng đất và tiền cho thuê đất có xu hướng ngày càng tăng (năm 1999 là 2.092 tỷ đồng, đến năm 2008 là 19.120 tỷ đồng); chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu NSNN từ đất đai, bình quân mỗi năm (từ 1999 – 2008) là 8.646 tỷ đồng, chiếm trên 80% trong số thu NSNN từ đất đai và 5,7% trong tổng số thu NSNN.

- Nhà nước đã thực hiện kiểm kê nắm được tổng quan về số lượng, giá trị và cơ cấu phân bố sử dụng TSNN trong khu vực HCNN và TSNN trong các doanh nghiệp.

Các Bộ và địa phương đã bước đầu kiểm soát được việc sử dụng TSNN, hạn chế dần việc sử dụng tài sản không đúng mục đích, lãng phí, thất thoát.

- Cơ chế quản lý TSNN đang từng bước được hình thành theo tinh thần đổi mới, gắn với thị trường. Theo đó, các hoạt động mua, bán TSNN, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất dần theo sát giá thị trường, cơ chế này cho phép huy động được một bộ phận quan trọng nguồn lực tiềm năng cho đầu tư phát triển; đồng thời góp phần ngăn chặn tiêu cực, chống thất thoát lãng phí. Bên cạnh đó còn từng bước thực hiện công khai hoá việc sử dụng TSNN, tạo lập cơ sở, môi trường pháp lý căn bản cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản. Đây là những nội dung rất cơ bản để Nhà nước thực hiện quản lý đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, mua sắm, điều chuyển, thu hồi, bán, chuyển đổi hình thức sở hữu và thanh, xử lý TSNN.

- Xuất phát từ thực tế sử dụng TSNN trong những năm qua, đặc biệt là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều lãng phí, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại nhà, đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đúc rút kinh nghiệm để triển khai ra áp dụng trên phạm vi cả nước. Theo chính sách này, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc: Di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cơ quan, đơn vị được chủ động sắp xếp lại nhà, đất được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; số nhà, đất dôi dư được phép bán, chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng, từ đó đã tạo ra nguồn tài chính mới để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới, đầu tư chiều sâu, tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh; giành quỹ đất có lợi thế thương mại cho hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch; đồng thời giành quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện và các công trình phúc lợi quan trọng khác của địa phương… góp phần chỉnh trang quy hoạch lại đô thị theo hướng hiện đại. Kết quả ban đầu cho thấy chính sách này mang lại kết quả quan trọng cả về kinh tế và xã hội.

- Quản lý TSNN từ chỗ thụ động với công tác lập và chấp hành ngân sách nhà nước thì nay đã chủ động gắn với công tác lập và chấp hành ngân sách nhà nước, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước được căn cứ trên cơ sở nhu cầu đầu tư xây

dựng, mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, TSNN bước đầu đã gắn giá trị với hiện vật, đảm bảo phù hợp với quá trình đầu tư xây dựng mới, mua sắm và sử dụng tài sản.

- Thực hiện phân cấp rõ ràng nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với TSNN giữa Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp; giữa các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về tài sản và các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN; đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong quản lý, trách nhiệm của từng đơn vị trong sử dụng tài sản đảm bảo cho việc sử dụng TSNN đi dần vào nề nếp, kỷ cương và minh bạch.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong cơ quan hành chính Quận 3 (Trang 26 - 28)