Việt Nam là một trong những nền kinh tế bị dollar hóa không chính thức. Dollar hóa của Việt nam bao gồm: dollar hóa thay thế tài sản, dollar hóa phương tiện thanh toán, dollar hóa trong niêm yết giá hàng hóa dịch vụ. Tình trạng dollar hóa ở Việt Nam được đánh giá là khá trầm trọng.
Một trong những công cụ đo lường mức độ dollar hóa là tỷ lệ tiến gửi bằng ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán FCD/M2. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn chưa phản ánh được một cách chính xác nhất về tình trạng đôla hóa của Việt Nam do nó chỉ đo lường được lượng USD gửi trong các ngân hàng mà không thể thấy được khối lượng lớn USD dân chúng nắm giữ.
2. Biểu hiện dollar hóa trong nền kinh tế Việt Nam
Thứ nhất là đô la hóa trong quảng cáo, niêm yết, thông báo giá hàng hóa, dịch
vụ. Những nơi bị kiểm soát gắt gao, chủ hộ kinh doanh lách bằng cách không ghi giá song vẫn chấp nhận thanh toán bằng USD. Ở những nơi tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài tới thăm quan mua sắm, những người bán hàng dù không niêm yết giá bằng USD nhưng khi khách ngoại quốc hỏi họ vẫn phải nói giá bằng USD. Công ty kinh doanh máy tính và linh kiện máy tính cũng là một trong số những “đối tượng” vi phạm quy định niêm yết giá nhiều nhất.
Thứ hai là đôla hóa nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay trong các NHTM.
Mức độ đôla hóa này được đo lường bằng tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi và tỷ lệ tín dụng bằng ngoại tệ trên tổng tín dụng trong hệ thống NHTM. Từ năm 1988,
khi NHTM cho phép các ngân hàng thương mại được nhận tiền gửi bằng ngoại tệ, tỷ lệ tiền gửi USD trên tổng tiền gửi tăng dần, đến năm 1992 đạt mức 41,2%. Tuy nhiên sau đó, tỷ lệ này giảm xuống mức 20,3% năm 1996. Đầu năm 2000, đồng USD liên tục tăng giá so với VND, đồng thời lãi suất USD trên thị trường tiền tệ quốc tế tăng rất cao, giữa năm 2000 lên tới 6,5%/năm dẫn tới sự tăng lãi suất huy động USD của các NHTM trong nước, điều này thúc đẩy tâm lý muốn nắm giữ USD của người dân. Do đó tiền gửi bằng USD tăng lên đạt 31,7% năm 2001 trong khi các khoản cho vay bằng USD lại giảm gây nên hiện tượng dollar hóa nguồn vốn. Sau đó, tỷ lệ tiền gửi USD trên tổng tiền gửi giảm từ 31,7% năm 2001 xuống 22% năm 2005. Tỷ trọng tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng trong các NHTM tăng từ 20,7% năm 2000 lên 24,5% năm 2004 đạt gần 103 tỷ (theo báo cáo IMF năm 2006). Mặc dù tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi có giảm xuống song số tuyệt đối vẫn liên tục tăng từ 4,85 tỷ USD năm 2000 lên 8.85 tỷ USD năm 2005. Hiện nay, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ có xu hướng giảm và tỷ trọng tín dụng ngoại tệ lại có xu hướng tăng do nhu cầu găm dữ USD của người dân và nhu cầu vay ngoại tệ cho các hoạt động thanh toán của doanh nghiệp.
Thứ ba, hoạt động mua bán trao đổi ngoại tệ diễn ra một cách tự do và công
khai trên thị trường ngầm (thị trường phi chính thức, thị trường chợ đen).
Trong thông tư số 33/NH-TT ngày 15/03/1989 về hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối đã nêu rõ: “Việc lưu thông ngoại tệ trong nước chỉ được thực hiện thông qua ngân hàng và các tổ chức kinh doanh, dịch vụ được phép thu ngoại tệ. Nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi ngoại tệ trên thị trường ngầm”. Như vậy thị trường ngầm là thị trường diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán ngoại tệ không được pháp luật công nhận. Sở dĩ tồn tại của thị trường ngầm làm tăng tình trạng dollar hóa ở Việt Nam là do: NHNN luôn khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho NHTM đồng thời pháp luật Việt Nam có một số quy định hạn chế đối với đối tượng được mua ngoại tệ tại các NHTM nhằm hạn chế việc sử dụng rộng rãi ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do tỷ giá các NHTM luôn thấp hơn tỷ giá trên thị trường ngầm nên để có lợi người dân đem ngoại tệ bán trên thị trường ngầm, bên cạnh đó những đối tượng không đáp ứng được yêu cầu của các NHTM thì cũng thực hiện việc mua USD trên thị trường ngầm.
Ở Việt Nam, thị trường ngầm tồn tại dưới các hình thức sau: các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý đồng thời kinh doanh mua bán ngoại tệ tiền mặt; chuyển tiền kiều hối chuyển tiền qua biên giới không thông qua hệ thống ngân hàng dưới nhiều hình thức khác nhau; các sạp đổi tiền dọc biên giới nơi các hoạt động buôn lậu; các hoạt động mua bán khác trong dân cư. Phương thức giao dịch mua bán chủ yếu trên thị trường ngầm là phương thức trao tay. Đồng tiền giao dịch chủ yếu là USD, ngoài ra còn một số ngoại tệ khác nhưng khối lượng giao dịch rất nhỏ bé. Sự tồn tại của thị
trường ngầm ở các quốc gia là điều thường thấy vì trên thực tế không có sự ăn khớp hoàn toàn giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do, tuy nhiên ở Việt Nam thị trường ngầm không những tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ do sự chênh lệch đáng kể giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá chợ đen. Sở dĩ có sự chênh lệch này là do trong thời gian qua tỷ giá vẫn được xác định một cách chủ quan theo ý chí của NHNN, chưa phải là tỷ giá phản ánh cung cầu trên thị trường.
Hiện nay, các NHTM được phép xác định tỷ giá mua bán đối với USD không được vượt quá biên độ giao dịch cho phép so với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng của ngày giao dịch trước đó. Thời gian gần đây, do có nhiều biến động trên thị trường ngoại hối, NHNN đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh nhẹ biên độ giao dịch đồng dollar. Cụ thể, ngày 3/1/2007 biên độ là 0.5%, đến cuối năm 2007 là 0.75%. Ngày 10/3/2008, biên độ tăng thêm 0.25% lên mức 1%, ngày 27/6/2008 biên độ là 2%, tăng lên 3% vào ngày 7/11/2008. Ngày 24/3/2009, biên độ được NHNN quy định là 5%, sau đó giảm xuống 3% vào ngày 26/11/2009 và giảm xuống 1% vào ngày 21/2/2011. Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp cùng Bộ Công An trong việc đẩy mạnh tiến tới xóa bỏ giao dịch trên thị trường ngầm. Các đợt điều chỉnh và biện pháp cứng rắn này là cần thiết để tỷ giá trên thị trường chính thức gần với thị trường tự do hơn, đồng thời đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường ngoại hối. Tuy nhiên chừng nào các hoạt động kinh tế ngầm còn phát triển, thì chừng đó nhu cầu ngoại tệ và các giao dịch về ngoại tệ trên thị trường ngầm còn tồn tại và phát triển.