Quá trình phát triển

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH RỦI RO TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP BẰNG MÔ HÌNH HỒI QUY LOGISTIC NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN THƯƠNG TÍN.PDF (Trang 31 - 35)

Giai đoạn 1: Giai đoạn sáp nhập để cùng tồn tại (1991-1995)

Ở thời kỳ này do kinh nghiệm quản lý còn non yếu, kiến thức pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật cũng như quy chế của NHNN chưa được coi trọng, do nhận thức chưa đầy đủ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, do quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo trong nội bộ ngân hàng chưa thống nhất về ý chí và hoạt động nên đã để xảy ra những sai lệch, vi phạm quy định, nhất là những sai sót trong việc quản lý sử dụng vốn để xảy ra tình trạng nợ quá hạn lớn hoặc có trường hợp rủi ro bị tổn thất, vốn bị đọng không sinh lời, hạn chế hiệu quả kinh doanh, tồn tại kéo dài đến nhiều năm sau phải xử lý rất phức tạp và khó khăn, ảnh hửởng rất lớn đến nhịp độ phát triển.

Mặc dù vậy, Sacombank cũng đã có những thành công đáng kể trong việc tiếp cận với cơ chế thị trường, thích ứng với tình hình đổi mới. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngay một số hoạt động rất tích cực, mang tính tiên phong, đột phá để vượt qua khó khăn ban đầu. Vừa lo xử lý những tồn tại của các TCTD cũ để lại, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất thu hồi vốn bị đọng đưa vào hoạt động, vừa lo phát triển năng lực tài chính, trước hết là phát triển vốn điều lệ (từ 3 tỷ lên đến 23 tỷ đồng). Trên cơ sở này, Sacombank đã đa dạng hoá

các tình hình huy động vốn, trong đó đã thí điểm việc phát hành "kỳ phiếu có mục đích". Nhờ đó nguồn vốn hoạt động tăng lên rất nhanh để mở rộng hoạt động tín dụng và các hoạt động thanh toán, chuyển tiền nhanh và bước đầu làm dịch vụ thanh toán quốc tế. Mặt khác ngân hàng đã nhanh chóng chiếm lĩnh các địa bàn thuận lợi ở trung tâm thành phố tạo nên một nền tảng vững chắc để hoạt động và phát triển lâu dài.

Giai đoạn 2: Giai đoạn xác lập kỷ cương để phát triển(1996-1998)

Giai đoạn này là giai đoạn xây dựng nề nếp, kỷ cương, tôn trọng pháp luật, nâng cao chất lượng các mặt hoạt động tạo đà phát triển vững chắc.

Tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 23 lên đến 71 tỷ đồng(1997) theo đề án phát hành cổ phiếu đại chúng, Sacombank trở thành ngân hàng cổ phần duy nhất tại Việt Nam có cơ cấu cổ đông đại chúng. Điều này đã tạo cho Sacombank một vị thế vững chắc trong hoạt động cũng như uy tín trong nước và trên trường quốc tế. Sacombank đã tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa hoạt động ngân hàng bằng cách ứng dụng tin học để điều hành, kiểm soát hoạt động ngân hàng; đồng thời tăng cường đội ngũ cán bộ, nhân viên cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bên cạnh đó, ngân hàng đã cơ cấu lại nguồn vốn, nâng dần tỷ trọng nguồn vốn huy động lãi suất thấp, phát triển hoạt động dịch vụ đa dạng, tạo nguồn thu nhập dịch vụ ngày càng tăng, đặc biệt là hoạt động tín dụng thực hiện cho vay phân tán theo đề án, kết hợp cho vay tập trung có trọng điểm, hạn chế rủi ro và có hiệu quả, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và ngày càng phát huy tác dụng tích cực. Ngoài ra còn có sáng kiến lập tổ tín dụng cho vay ngoài địa bàn, thực chất là phát triển mạng lưới, chiếm lĩnh thị phần tín dụng ở nông thôn, đã phát huy hiệu quả tích cực và đảm bảo an toàn, tạo tiền đề phát triển rộng rãi sau này.

Bên cạnh những mặt tích cực trên, trong thời kỳ này hoạt động của Sacombank bộc lộ những mặt hạn chế và sai lệch, ảnh hưởng nhịp độ phát triển.

Đó là trong lãnh đạo, chỉ đạo thiếu sự thống nhất tổ chức thực hiện những định hướng, mục tiêu phát triển đã đề ra, chưa coi trọng nhiệm vụ củng cố, chấn chỉnh nên không tập trung giải quyết xử lý những sai sót, tồn tại cũ để lại. Tình trạng nợ quá hạn tồn đọng cũ vẫn dễ kéo dài, nợ quá hạn mới phát sinh thêm, chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng dư nợ, những vi phạm về sử dụng vốn tự có chưa có biện pháp khắc phục. Vốn bị đọng không sinh lời còn lớn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Tình hình tài chính còn tương đối yếu, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu không đạt mức theo quy định, rơi vào hoàn cảnh khó khăn mới, nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo dẫn đến tình trạng phân hóa nội bộ rất căng thẳng.

Giai đoạn 3: Giai đoạn củng cố để phát triển ổn định (1999-2001)

Từ tình hình diễn biến nêu trên và thực trạng hoạt động của Sacombank được Đại hội cổ đông thường niên năm 1998 phân tích, đánh giá làm rõ những nguyên nhân đúng sai của các sự việc, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, cùng những giải pháp thiết thực để thực hiện theo định hướng, mục tiêu là "củng cố ổn định để phát triển vững chắc". Chuyển sang thời kỳ điều chỉnh để thực thi quyết định của NHNN. Đó là một sự kiện đáng ghi nhớ, vì đã tạo nên một bước ngoặc, quyết định sự tồn tại và phát triển đi lên của Sacombank.

Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 1999, HĐQT đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về những chuyên đề quan trọng để tập hợp trí tuệ tập thể, tìm ra những giải pháp tối ưu để củng cố và phát triển; đồng thời quyết định thành lập các ban chuyên trách, gồm ban chấn chỉnh, ban phát triển và ban lập quy, chỉ đạo các mặt hoạt động đi vào nề nếp, chặt chẽ và hiệu quả.

Bên cạnh đó thì ngân hàng cũng đã đề ra kế hoạch cùng với những phương hướng cụ thể nhằm chấn chỉnh lại những vấn đề còn tồn tại theo Luật các TCTD; tập trung xử lý nợ quá hạn còn tồn đọng, ngăn chặn nợ quá hạn mới phát sinh, ngày càng giảm thấp tỷ lệ nợ quá hạn; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc trích lập các quỹ dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro; góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và từng bước góp phần ổn định đội ngũ cán bộ tín dụng, cũng

như chất lượng quản trị cũng được nâng lên; từng bước hoàn thiện quy chế quản lý, tạo cơ sở cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh ngày một tốt hơn. Song song với công tác chấn chỉnh, thì các mặt khác của ngân hàng đều phát triển mạnh, hình thành từ việc thi đua để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của ngân hàng đề ra. Điều này đã tạo một "bước phát triển vượt bậc", tạo tiền đề thuận lợi cho ngân hàng để tiếp tục phát triển.

Giai đoạn 4: Giai đoạn chuẩn bị cho quá trình hội nhập (2002-2005)

Trong giai đoạn này, Sacombank đã thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế và mục tiêu phát triển cho thời kỳ kế hoạch 05 năm. Đặc biệt với sự tham gia góp vốn của 03 cổ đông nước ngoài là các tổ chức tài chính ngân hàng mạnh trên thế giới và khu vực đã hỗ trợ Sacombank tiếp cận công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản trị điều hành hiện đại, chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giai đoạn 5: Giai đoạn phát triển và hội nhập (2006-2010)

Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với tổng số vốn niêm yết là 1900 tỷ đồng. Sự tham gia của cổ phiếu Sacombank (mã niêm yết STB) trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng cho triển vọng phát triển, sự tăng trưởng an toàn và bền vững của Sacombank. Tiếp đó, Sacombank khai trương hoạt động chi nhánh tại Lào, bước đầu chinh phục thị trường Đông Dương. Là ngân hàng đầu tiên mở chi nhánh tại Lào, góp phần vào việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt – Lào ngày một tốt đẹp hơn. Trên nền tảng thành công của chi nhánh Lào, ngày 23/6/2009, Sacombank tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động sang Campuchia, đánh dấu hoàn tất chiến lược tại thị trường Đông Dương. Song song đó, Sacombank đã hoàn tất nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi từ Smartbank lên T24, phiên bản R8 trên toàn hệ thống cùng với việc khánh thành và đưa Trung tâm Dữ liệu (Data

Center) hiện đại đạt chuẩn quốc tế đầu tiên trong hệ thống các NHTM cổ phần Việt Nam vào hoạt động từ năm 2008.

Kết thúc thắng lợi các mục tiêu phát triển, Sacombank đã thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc song song với việc xây dựng nền tảng vận hành vững chắc, chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 6: Giai đoạn ổn định, củng cố tạo nền tảng vững chắc (2011 -2012)

Giai đoạn này Sacombank chủ động điều chỉnh các kế hoạch mở rộng quy mô, tập trung duy trì mọi hoạt động ổn định và/ hoặc tăng trưởng đúng mức sao cho phù hợp với nhịp độ tăng trưởng của ngành cũng như hài hòa các giá trị lợi ích cho cổ đông. Sacombank thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Campuchia. Sự kiện trọng đại này đánh dấu bước chuyển tiếp giai đoạn mới của chiến lược phát triển và nâng cao năng lực hoạt động của Sacombank tại Campuchia nói riêng và tại khu vực Đông Dương nói chung. Qua đó, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giao thương tốt đẹp giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Campuchia. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng có sự chia sẻ quyền lợi của cổ đông và Ban giám đốc trong việc quản lý điều hành để đạt mục tiêu phát triển chung nên năm 2012, Sacombank đã thay đổi cơ cấu cổ đông và Hội đồng quản trị, chuyển qua một giai đoạn phát triển mới trên cơ sở kế thừa chiến lược phát triển trước đây và bổ sung các nhân tố mới phù hợp.

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH RỦI RO TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP BẰNG MÔ HÌNH HỒI QUY LOGISTIC NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN THƯƠNG TÍN.PDF (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)