Quá trình sạt lở có sự đan xen giữa hiện tượng dịch chuyển trượt và hiện tượng sụp đổ. Hiên tượng sạt lở thường được báo trước bằng các vết nứt ăn sâu vào đất liền và kéo dài theo dọc bờ sông. Diễn biến phá hoạt của sạt lở nhanh và đột ngột. Thường có xu hướng tái đi lại trong nhiều năm và có phạm vi ảnh hưởng rộng
Về cơ chế của quá trình sạt lở diễn ra như sau: lớp đất mềm yếu, lớp cát phía dưới do tác động của một số yếu tố khách quan như chế độ thủy văn, sóng, tác động dòng chảy, hoạt động giao thông thủy gây mất đất, cát tạo thành hàm ếch. Lượng đất sẽ bị lấy đi sẽ làm cho mái bờ sông dốc và bị sạt lở tạo cho mái bờ sông mới có tính ổn định tạm thời. Sau đó lớp đất phía dưới bị xói nhanh hơn lớp đất trên mặt làm cho mái bờ sông lại trở nên dốc và tiếp tục cho một đợt sạt lở mới; sạt lở bắt đầu từ hiện tượng xuất hiện các vết nứt trên mặt bờ sông với chiều dài từ 5 m có nơi đến 20 m, có khi sát mép nước có khi cách bờ từ 3 - 15 m. Tùy vào các yếu tố tác động vào mái bờ mà lượng đất bị sạt lở sẽ lớn hay nhỏ và diễn ra nhanh hay chậm.
Để thuận tiện cho việc nghiên cứu xác định nguyên nhân gây sạt lở đề tài chia ra 2 nhóm có địa hình tương đối giống nhau là xã An Mỹ và Nhơn Mỹ; xã Trinh Phú và Kế Thành.
Khu vực bị sạt lở ở xã An Mỹ và Nhơn Mỹ đều nằm ở gần cửa sông nơi có đoạn sông cong và rất sâu. Ngoài ra, do quy luật tự nhiên dòng chảy trên tuyến sông Hậu từ thượng nguồn đổ về có lưu tốc lớn chảy trực tiếp, biên độ triều lớn, nước lên và xuống nhanh, tính chất cơ lý đất yếu. Bên cạnh đó, còn do yếu tố từ sóng do các loại tàu thuyền hoạt động trên sông với mật độ lớn, quá trình khai thác các bãi bồi, khai thác cát trên sông, các công trình xây dựng dọc theo bờ sông làm tăng nhanh quá trình sạt lở bờ sông.
Kết cấu trầm tích của đất ven bờ sông Tiền, sông Hậu kém, chưa qua quá trình nén chặt tự nhiên nên đất bị bão hòa, độ gắn kết thấp. Mặt khác, yếu tố thủy văn của hệ thống sông Mekong phía thượng nguồn Việt Nam có sự thay đổi lớn giữa các mùa
trong năm. Vào mùa lũ, lưu lượng và tốc độ dòng chảy lớn, làm xói mòn đáy sông và ven bờ, sự chênh lệch khoảng cách giữa mực nước triều cường mùa lũ và mùa khô hơn 3 m. Mực nước chân triều cường thấp nhất sẽ làm giảm sức nâng của nước với bờ, dễ xảy ra hiện tượng trượt bờ.
Ngoài ra sóng cũng là một nguyên nhân chính gây nên sạt lở ở khu vực. Sóng tác động vào bờ gây ra áp lực làm kéo theo 1 phần đất, cát gây mất ổn định mái bờ là nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông. Tốc độ phá hủy của sóng phụ thuộc vào: cường độ của sóng, độ dốc của bờ và cấu tạo của đất đá ven bờ. Sóng có thể do gió hay do tàu thuyền đi lại trên sông gây ra. Sóng do gió gây ra thường không đáng kể. Sóng tác động chính ở đây là sóng do tàu thuyền đi lại trên sông gây ra. Sự gia tăng cả về số lượng lẫn tốc độ của các loại tàu thuyền đã tạo ra những đợt sóng mạnh vỗ vào bờ, khiến cho sạt lở xảy ra. Dưới tác động của sóng (áp lực sóng) mái bờ sông bị phá vỡ kết cấu, các hạt bùn cát thuộc bộ phận của lòng dẫn bị tách rời và vận chuyển đi nơi khác, nếu quá trình trên diễn ra lâu dài, liên tục chân mái bờ sẽ bị xói tạo thành hàm ếch dẫn đến khối đất bờ mất ổn định và sụp lở. Cả 2 địa điểm sạt lở đều nằm nay khu vực chợ nơi có lượng tàu bè qua lại tấp nập, vì vậy, chịu tác động lớn bởi sóng tàu ghe gây ra.
Bên cạnh đó, việc khai thác cát quá mức và không phép trên khu vực cũng gây ra những tác động đáng kể. Khi đó, đáy sông bị biến đổi hình thành những hố lớn do cát mất đi. Những hố này sẽ không chỉ lấn dần đất cát ven bờ mà chúng còn làm thay đổi dòng chảy của nước sông như nước xoáy, sóng cuộn...khiến nguy cơ đất ven bờ bị cuốn đi là rất lớn. Ngoài ra, việc khai thác cát trái phép không chỉ làm sạt lở đất ngay tại nơi đào, hút cát mà còn có thể làm thay đổi dòng chảy gây nên tình trạng sạt lở bất thường, ở ngay cả những nơi đã xây dựng kè bảo vệ.
Hình 4.6 Khai thác cát trên sông5
Nghiên cứu còn cho thấy rằng ngoài các nguyên nhân trên thì việc xây dựng các công trình dọc bờ sông đã làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu dẫn đến nguy cơ sạt lở. Những nơi nào có nhà cửa ở ven bờ sông nhiều và không được quy hoạch đúng cách thì xung quanh nơi đó, sạt lở diễn ra trầm trọng hơn.
Tại khu vực xã An Mỹ, việc thi công con đường từ trung tâm huyện về xã. Con đường này nằm cách bờ sông hơn 1m, còn nhà dân ở cạnh bờ sông, nằm trên mặt sông. Khi thi công, mặt đường cao hơn nền nhà của người dân từ 0,5 - 0,7 m. Phần khác, do mặt đường cao hơn nền nhà nên ra vào khó khăn, buộc bà con phải nâng nền nhà mình cho cao. Vì vậy, việc đổ cát nâng nền nhà cũng khiến cho trọng lượng nhà nặng hơn so với trước nên sụp lún là điều khó tránh khỏi. Nếu đường làm cách bờ sông từ 10m thì khó xảy ra sạt lở như thế này.
Còn tại khu vực xã Nhơn Mỹ, do việc tập kết vật tư quá nặng so với sức chịu của bờ kè; do bờ kè trong quá trình thi công chưa hoàn chỉnh nên sức chịu đựng yếu; thời điểm xảy ra sự cố trời mưa lớn nên làm tăng mức độ thẩm thấu nền hạ; khu vực xảy ra sụp lún bị xoáy lở nghiêm trọng.
Vậy trong tất cả các yếu tố trên thì việc xây dựng các công trình ven sông và dưới tác động của các loại sóng là 2 nguyên nhân chính gây ra sạt lở ở 2 khu vực này.
Còn về khu vực sạt lở ở xã Trinh Phú và xã Kế Thành, sạt lở xảy ra ở các đoạn bờ bao và đường đan ven sông, kênh rạch. Sạt lở ở các khu vực này thường xảy ra vào những tháng mưa nhiều, mực nước dâng cao, đất bị thấm nước trở nên nhão, kết cấu bị phá vỡ.
Bên cạnh đó, do nhiều năm qua đê bao được làm rất nhiều nhưng hầu hết trên nền đất yếu, lại không được gia cố thường xuyên; các công trình đê bao thường không
bảo đảm lưu không do vướng mặt bằng. Ngoài ra còn do các dòng chảy của kinh, rạch xoáy vào bờ; mật độ giao thông thủy trên các kinh, rạch cao.
Khi dòng chảy có vận tốc lớn sẽ gây ra xói lở lòng dẫn làm cho lòng dẫn bị đào xói, đất mái bờ bị suy giảm dần. Đến một giới hạn nhất định mái bờ sẽ bị mất ổn định và sạt lở xảy ra.
Dưới tác động của sóng do tàu ghe qua lại gây ra, đất mái bờ bị phá vỡ, bị xói mòn rồi lôi kéo đi nơi khác. Trong trường hợp các tác động này xảy ra trong thời gian mùa lũ, mực nước cao thì xói lở chủ yếu sẽ diễn ra trên bề mặt mái bờ sông rạch. Khối đất mỗi đợt sạt lở thường không lớn. Trường hợp các tác động của sóng thuyền bè xảy ra vào thời kỳ mùa kiệt, mực nước thấp thì xói lở mái bờ chủ yếu diễn ra trên mực nước thấp tạo thành hàm ếch, làm giảm dần ổn định mái bờ. Khi gặp mưa hay một tác nhân nào đó làm giảm tải trọng khối đất trên hàm ếch, khối đất sẽ hình thành nhiều vết nứt, trước khi sụt lở, tan rã rớt từng mảng nhỏ xuống lòng sông.