Sau N, P là nguyên tố rất cần thiết đối với cây trồng, có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng cũng như về mặt khắc phục một số yếu tố độc hại của đất. Theo Johnston (2000) lân là nguyên tố thiết yếu cho tất cả các sinh vật sống, tuy nhiên nguyên tố lân trong đất không hiện diện ở hình thức đơn như trong tự nhiên mà nó luôn luôn ở hình thức liên kết với các nguyên tố khác với hình thức phức tạp. Đối với cây trồng lân có vai trò quan trọng trong việc tao năng lượng biến dưỡng, hiện diện trong các men điều khiển các phản ứng hóa học trong việc kết hợp các nguyên tố khác để tạo nên cấu trúc thực vật. Trong đất lân tổng số chia làm hai dạng là hữu cơ và vô cơ (khoáng). Tỷ lệ này phụ thuộc vào sự hình thành và điều kiện đất, lân hữu cơ thường chiếm khoảng từ 20-80% lân tổng số.
Hàm lượng lân hữu dụng trong đất rất thấp, trên đất phèn lân bị cầm giữ do phản ứng với Fe, Al và các hydroxite của chúng tạo ra những chất kết tủa mà cây trồng không sử dụng được. Độ hữu dụng của lân phụ thuộc vào pH đất (tối hão từ 5,5-
7,0), đất ở điều kiện oxy hóa bị cố định nhiều hơn đất ở điều kiện khử (Nguyễn Xuân Cự, 1992; Đỗ Thị Thanh Ren, 1999).
Theo kết quả của Võ Thị Gương và ctv. (2010) thì do hàm lượng chất hữu cơ nghèo đất vườn lên liếp lâu năm, không có nguồn phù sa bồi đắp, đất có pH thấp dưới 4 lân hữu dụng trong đất thấp. Lân dễ tiêu trong đất là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá độ phì của đất. Nếu hàm lựợng lân dễ tiêu cao thì đất có khả năng cung cấp lân nhanh và việc hút thu chất lân của bộ rễ cây trồng được thuận lợi (Lê Văn Căn, 1985).
Hàm lượng lân trong đất thường thấp hơn đạm và kali. Nguyên tố P không ở dạng tự do trong đất, nó kết hợp tự phát với oxi để tạo ra P2O5, với nước để tạo ra các orthophosphoric (Đỗ Thị Thanh Ren, 2004).
Lân tổng số cho ta biết được tổng lượng lân trong đất mà không cho biết khả năng cung cấp lân cho cây trồng. Lân trong đất có thể không hữu dụng cho cây trồng khi nó tồn tại dưới dạng hợp chất khó tan như phosphate sắt, nhôm. Hàm lượng P tổng số biến thiên trung bình từ 0,02 – 0,15% P2O5. Đất vùng ĐBSCL nhìn chung nghèo P tổng số, hàm lượng P trung bình của các nhóm đất chính khoảng 0,06% P2O5. Trong hầu hết các loại đất, lượng lân hữu dụng cho cây trồng từ dung dịch đất rất thấp, theo Bùi Hữu Trí và Moormann (1959) hàm lượng lân hữu dụng chủ yếu khoảng 0,1 – 0,2% P2O5.
Lân dễ tiêu trong đất là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá độ phì của đất. Nếu hàm lượng lân dễ tiêu cao thì đất có khả năng cung cấp lân rất nhanh và việc hút thu lân của bộ rễ cây trồng được thuận lợi (Lê Văn Căn, 1985). Độ hữu dụng của lân trong đất đạt tối đa trong khoảng pH từ 5,5 – 7,0. Độ hữu dụng của lân giảm khi pH< 5,5 và pH > 7 (Đỗ Thị Thanh Ren, 2004). Đối với đất, lân là một chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất ‘‘Đất giàu lân mới có độ màu mỡ cao và ngược lại đất có độ màu mỡ cao điều giàu lân’’.