Tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích holocen (qh)

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG MÔ HÌNH MODFLOW MÔ PHỎNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT HẠ LƯU SÔNG CẢ (Trang 48 - 49)

i,j,k i,j,k-

3.1.2Tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích holocen (qh)

Tầng chứa nước lỗ hổng các trầm tích bở rời thống Holocen (qh) phân bố thành một dải ven biển kéo dài từ Quỳnh Lưu đến thành phố Vinh và dọc theo vùng hạ lưu Sông Cả, sông Hoàng Mai và các sông khác ở khu vực Nghệ An. Khu vực Hà Tĩnh chúng phân bố dọc theo bờ biển từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh và dọc theo các sông suối trong tỉnh như Sông Lam, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, Sông Nghèn, Sông Rác, Sông Kinh, Sông Quyền, các nhánh sông của chúng hoặc phân bố không liên tục mà tạo thành những khoảnh, những dải riêng biệt. Khu vực có chiều dày lớn là vùng Cửa Lò – Nghệ An và trung tâm đồng bằng Cẩm Xuyên, Thạch Hà – Hà Tĩnh. Tầng chứa nước này bao gồm toàn bộ hệ tầng Thái Bình từ nhiều nguồn gốc: sông biển, gió biển, hồ, đầm lầy, hỗn hợp và các trầm tích có nguồn gốc: sông biển, đầm lầy biển thuộc hệ tầng Thiệu Hoá. Diện lộ khoảng 2872,06km2.

Thành phần thạch học cũng rất đa dạng cát hạt mịn, trung, hạt thô lẫn ít bột sét; cát bột, cát, sạn, sỏi; sét bùn lẫn các di tích thực vật.

Chiều dày tầng chứa nước qua các kết quả nghiên cứu thay đổi từ 6,27m (LK 109) đến 15,19m (LK 86) trung bình 11,70m.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu trước đây xếp tầng chứa nước qh vào loại chứa nước trung bình.

Quan hệ của tầng với các tầng chứa nước khác cũng rất phức tạp. Tại vùng Cửa Lò, Cửa Hội nước trong tầng cát Holocen không có quan hệ trực tiếp với các tầng chứa nước khác nằm dưới nó do sự có mặt của tầng sét cách nước (Q13vp2). Tuy nhiên tại vùng Nam Đàn, do một số nguyên nhân nào đó, tầng sét cách nước này lại vắng mặt ở một số nơi, các bãi bồi này nằm trực tiếp trên tầng chứa nước cát, cuội, sỏi Q12 nên chúng có quan hệ thuỷ lực với nhau.

Nguồn cung cấp: đối với dải dọc bờ biển là nước mưa, tại đây diện phân bố bằng diện tích miền cung cấp. Vào mùa mưa, các dải cát ven biển bão hoà nước,

mực nước ngang mặt đất. Kết thúc mưa, nước thoát ra rất nhanh vào các sông, suối và ra biển. Ngoài ra còn thoát do phát tán, bốc hơi và có thể theo các khe nứt của các đới đá gốc nhô lên ở đồng bằng ven biển thấm xuống các tầng dưới sâu hơn.

Đây là nguồn cung cấp quan trọng cho dân vùng ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thành phố Vinh. Tuy nhiên là tầng chứa nước hở, do đó bên cạnh chế độ khai thác hợp lý cần có sự bảo vệ nghiêm ngặt.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG MÔ HÌNH MODFLOW MÔ PHỎNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT HẠ LƯU SÔNG CẢ (Trang 48 - 49)