5. Kết cấu đề tài
2.1 Giới thiệu về Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex
2.1.1Quá trình hình thành và phát triển
2.1.1.1 Quá trình hình thành
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập ngày 13/11/1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Đến nay, trải qua 20 năm hoạt động, PG Bank đã không ngừng lớn mạnh và từng bước tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng. Đặc biệt, cùng với sự tham gia của cổ đông chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PG Bank đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô và hiệu quả hoạt động. Sự kiện chuyển đổi sang mô hình ngân hàng TMCP đô thị và đổi tên thành PG Bank là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề giúp PG Bank bắt kịp tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, tiến từng bước vững chắc trên con đường trở thành một ngân hàng thương mại đa năng hàng đầu Việt Nam.
Thông tin Ngân hàng
Tên đầy đủ: Ngân hàng thương mại cổ phần xăng dầu Petrolimex Tên tiếng Anh: Petrolimex group commercial joint stock bank Tên viết tắt: PG Bank
Tên giao dich: Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex
Giấy phép thành lập: Số 0045/NH-GP của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp ngày 13/11/1993
Hội sở chính: Tầng 16, 23 và 24, Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Website: www.pgbank.com.vn Email: dvkh.pgbank@petrolimex.com.vn Điện thoại: (+84) 04 6281 1298 Fax: (+84) 04 6281 1299 Mã số thuế: 1400116233 Mã Swift: PGBLVNVX Sản phẩm và dịch vụ chính
PG Bank cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, bao gồm sản phẩm huy động vốn, tín dụng, thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, và sản phẩm thẻ (Flexicard). Hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách hàng, đội ngũ nhân viên PG Bank luôn nỗ lực không ngừng nhằm đem đến cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ tài chính mới, đa dạng, và hữu ích, tiêu biểu là dịch vụ tư vấn tài chính và phái sinh hàng hóa.
Nền tảng công nghệ thông tin
Dịch vụ ngân hàng trực tuyến của PG Bank đã được đẩy mạnh phát triển trong thời gian gần đây, cho phép các khách hàng dễ dàng thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng thông qua Internet với độ an toàn thông tin cao. Hiện tại, PG Bank đang sử dụng hệ thống ngân hàng lõi Corebanking do FlexCube cung cấp, trong khi hệ thống bảo mật thông tin hiện đại và đồng bộ được xây dựng bởi hãng Checkpoint.
Mạng lưới hoạt động
Tính đến nay, PG Bank có tổng số 81 chi nhánh và phòng giao dịch tại các tỉnh và thành phố lớn trên toàn quốc với gần 1.500 nhân viên. Hội sở chính của Ngân hàng đặt tại thủ đô Hà Nội.
Hệ thống các chi nhánh của PG bank trải dài cả nước. Hiện tại, PG Bank đã có mặt ở: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ.
Mạng lưới ngân hàng đại lý
Hiện tại PG Bank đã thiết lập mạng lưới ngân hàng đại lý với gần 400 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng trên toàn thế giới, trong đó PG Bank luôn đặt quan hệ đại lý với với các ngân hàng hàng đầu tại từng quốc gia và vùng lãnh thổ đó. Tại Việt Nam, PG Bank có quan hệ với tất cả các định chế tài chính trong nước bao gồm: Ngân hàng Thương mại Nhà Nước, Ngân hàng Thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Ngân hàng 100% vốn nước ngoài và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính và các định chế tài chính khác.
Thông tin tài chính
- Từ sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động năm 2007, PG Bank đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tổng tài sản của Ngân hàng tăng gấp 4,1 lần trong giai đoạn 2007 – 2012, đạt 19.251 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2012.
- Bên cạnh chú trọng mở rộng quy mô, nâng cao các chỉ tiêu về an toàn vốn, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống tài chính luôn được coi là trọng tâm trong các kế hoạch hoạt động của PG Bank. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) luôn đáp ứng quy định của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế, đạt 22,62% năm 2012.
Vốn điều lệ: cho đến năm 2012, PG Bank đã được Ngân hàng nhà nước cho phép nâng vốn điều lệ lên 3.000.000 tỷ đồng.
Cổ đông chiến lược:
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng (chiếm 40% vốn điều lệ). Petrolimex là doanh nghiệp đặc biệt, có nhiệm vụ kinh tế - chính trị được giao là bảo toàn và phát triển vốn nhà nước giao đồng thời giữ vai trò chủ lực, chủ đạo điều tiết, ổn định và phát triển thị trường xăng dầu, sản phẩm hóa dầu phục vụ đắc lực cho công cuộc Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước. Hiện tại, Tập đoàn cung cấp khoảng 54% - 55% thị phần xăng dầu nội địa, với quy mô hoạt động bao gồm 6.100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cửa hàng đại lý dưới thương hiệu Petrolimex trên toàn quốc. Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Petrolimex đầu tư kinh doanh vào nhiều ngành nghề khác như thiết kế, xây lắp cơ khí, bảo hiểm, ngân hàng.... và đạt được nhiều thành công lớn.
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI): Là cổ đông chiếm 9,98% vốn điều lệ của ngân hàng. Thành lập từ năm 2000, SSI được đánh giá là một trong những công ty chứng khoán uy tín nhất tại Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp và dịch vụ môi giới đầu tư cho các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước. SSI là công ty chứng khoán đầu tiên có sự góp vốn và tham gia điều hành của cổ đông nước ngoài là các tổ chức và cá nhân có nhiều kinh nghiệm, uy tín trên thị trường tài chính thế giới.
SSI hiện đang quản lý khoảng 68% tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị phần môi giới của SSI đạt trên 27% thị trường cổ phiếu niêm yết. Khối lượng cổ phiếu lưu ký tại SSI chiếm hơn 50% tổng số lượng lưu ký toàn thị trường, chiếm vị trí dẫn đầu thị trường môi giới Việt Nam. Trong lĩnh vực đầu tư tài chính doanh nghiệp, SSI đã tư vấn cho nhiều công ty niêm yết là những công ty hàng đầu, chiếm gần 65% thị phần cổ phiếu niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
2.1.1.2 Quá trình phát triển
- Ngày 13/11/1993: Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười chính thức hoạt động theo giấy phép số 0045/NH-GP.
- Tháng 7/2005: Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tham gia góp vốn vào Ngân hàng, trở thành hai cổ đông lớn với nhiều cam kết hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.
- Ngày 12/01/2007: Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười được NHNN Việt Nam chấp thuận cho chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP đô thị theo quyết định số 125/QĐ-NHNN.
- Ngày 08/02/2007: Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, gọi tắt là PG Bank, theo quyết định số 368/QĐ-NHNN của NHNN
- Ngày 26/06/2007: Khai trương chi nhánh Hà Nội, chi nhánh đầu tiên trên cả nước
- Ngày 10/10/2007: Tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng
- Ngày 12/12/2007: Khai trương chi nhánh Sài Gòn – Chi nhánh đầu tiên ở phía Nam.
- Ngày 17/12/2007: Khai trương chi nhánh Đà Nẵng – Chi nhánh đầu tiên ở miền Trung.
- Ngày 01/01/2008: Triển khai thành công phần mềm ngân hàng lõi i-Flex (FLEXCUBE) Core Banking
- Ngày 11/11/2008: Chính thức cung cấp các hoạt động Thanh toán quốc tế, thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại hối trên thị trường nước ngoài
- Ngày 06/10/2009: PG Bank được NHNN cấp phép thực hiện giao dịch phái sinh hàng hóa
- Ngày 19/12/2008: Tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng
- Ngày 13/10/2009: Chính thức phát hành Flexicard – Thẻ đa năng kết hợp đầy đủ hai tính năng ghi nợ và trả trước. Đây cũng là thẻ thanh toán xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam.
- Ngày 25/12/2009: Được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho chuyển Hội sở chính từ Đồng Tháp ra Hà Nội theo Quyết định số 3209/QĐ- NHNN.
- Ngày 22/03/2010: Phát hành thành công 1.000 tỷ trái phiếu chuyển đổi
- Ngày 31/12/2010: Tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng
- Tháng 12/2011: Khai trương trụ sở mới tại tòa nhà Mipec, 229 Tây Sơn (Hà Nội)
- Ngày 02/08/2012: Tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng
2.1.2 Chức năng và lĩnh vực hoạt động 2.1.2.1 Chức năng
2.1.2.1.1 Trung gian tín dụng
Đây chính là chức năng quan trọng nhất của ngân hàng TMCP, nó quyết định sự duy trì và phát triển của ngân hàng, đồng thời là cơ sở để thực hiện các chức năng khác.
Khi thực hiện chức năng trung gian tín dụng, NHTM đóng vai trò là cầu nối giữa người thừa vốn và người có nhu cầu về vốn. Với chức năng này, NHTM vừa đóng vai trò là người đi vay, vừa đóng vai trò là người cho vay và hưởng lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa lãi suất nhận gửi và lãi suất cho vay và góp phần tạo lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người gửi tiền và người đi vay. Với chức năng này, Ngân hàng đã biến vốn nhàn rỗi không hoạt động thành vốn hoạt động, kích thích quá trình luân chuyển vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.