1. 5 Nguyên tắc giáo dục đạo đứccho trẻ mầm non
2.5.2. Lao động và việc hình thành đạo đức
Học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin đánh giá rất cao vai trò của lao động. Các ông cho rằng lao động sản xuất là lao động của con người, lao động sản xuất đã sáng tạo ra xã hội loài người và góp
phần to lớn vào sự tồn tại, phát triển của xã hội loài người. Trẻ mầm non tuy chưa có khả năng lao động như người lớn nhưng ở trẻ cũng đã xuất hiện những mầm mống của hoạt động lao động. Lao động của trẻ mầm non được hiểu là những hình thức hoạt động đơn giản nhằm tự phục vụ bản thân mình, nhằm giữ gìn lớp học ngăn nắp, sân trường sạch sẽ và tạo ra những sản phẩm, đồ chơi đơn giản phục vụ cho mọi hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Như vậy mục đích lao động của trẻ mầm non không cao như của người lớn. Trẻ lao động là để tự phục vụ bản thân mình, là để thỏa mãn nhu cầu muốn làm người lớn. Chúng ta thường thấy trẻ tuổi mẫu giáo rất quan tâm đến lao động của người lớn, trong trò chơi, trong sinh hoạt trẻ muốn bắt chước người lớn và tự mình làm việc gì đó. Đến 6 tuổi trẻ dễ dàng nắm các kĩ năng lao động đơn giản trong việc tự phục vụ, giữ gìn sạch sẽ ngăn nắp trường lớp, nhà cửa và chăm sóc cây cỏ như: quét nhà, xếp gọn giường ngủ, kê bàn ăn, dọn góc thiên nhiên ...
Cũng giống như các hoạt động khác lao động ở tuổi mầm non có tác động sâu sắc đến thế hệ trẻ và đến việc hình thành đời sống cá nhân. Nhờ hoạt động lao động mà trẻ lĩnh hội được nhiều kiến thức khác nhau về lao động, về các vật liệu và dụng cụ, về tính chất của quá trình hoạt động cũng như vai trò của lao động trong đời sống con người từ đó trẻ hiểu những người cần cù chăm chỉ lao động sẽ được sống hạnh phúc còn những kẻ lười biếng trốn lao động sẽ sống rất khó khăn. Nói đến khía cạnh này A.X.Macarenco có viết: "Lao động không những có ý nghĩa sản xuất xã hội, mà còn có ý nghĩa to lớn trong đời sống cá nhân. Chúng ta điều biết rõ, những người biết làm nhiều việc, những người về mọi mặt điều làm rất kết quả và có thành tích, những người không chút lúng túng trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người biết quản lí các đồ vật và điều khiển các đồ vật có thể sống rất sung sướng và hạnh phúc. Ngược lại, những người luôn chịu bó tay trước mọi chuyện cỏn con, người không biết tự mình phục vụ cho mình, mà luôn luôn lúc thì cần cô bảo mẫu, lúc thì cần sự phục vụ của bạn bè, lúc thì cần giúp đỡ và nếu như không có ai giúp đỡ thì sẽ sống rất khó khăn, lúng túng, vụn về những người như thế thường làm cho chúng ta thương hại" (A.X.Mạcarenco. tuyển tập. Nhà xuất bản giáo dục 1946 trang 271). Rõ ràng A.X.Macarenco tuyệt đối đề cao vai trò của lao động không những đối với đời sống của cá nhân mà còn đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân. Nói đến phát tiến toàn diện là nói đến sự phát triển của 4 mặt "Trí, đức, thể, mĩ". Bất cứ một hoạt động nào ở tuổi mầm non cũng nhằm mục đích là phát triển 4 mặt trên. Hoạt động lao động cũng không nằm ngoài mục đích này. Trong khi lao động đứa trẻ sẽ được phát triển về "Trí, đức, thể, mĩ". Đây là tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra cho con người trong thế kỉ 21 nó cũng chính là mục tiêu mà ngành giáo dục mầm non hướng tới trong thế kỉ mới: thế kỉ của công nghệ thông tin và nhiều ngành khoa học tiên tiến. Quả thật chính nhờ có hoạt động lao động mà trẻ trở nên khỏe mạnh, cơ thể tăng trưởng tốt, có sức đề kháng cao để kháng lại mọi bệnh tật. Trong thời gian lao động, tất cả các quá trình như: hô hấp, tuần hoàn máu, quá trình trao đổi chất đều được tăng cường. Đồng thời hoạt động lao động thực hành làm giảm bớt sự mệt mỏi
của trẻ khi áp lực học tập ngày một tăng cao. Bên cạnh đó trong quá trình lao động, lúc trực tiếp sử dụng chế tạo các vật bằng các vật liệu khác nhau thông qua các phương pháp đơn giản nhất trẻ nắm được tính chất các vật liệu và nhiều tri thức mới. Việc vận dụng vào thực tế các kiến thức đã học giúp những kiến thức trở nên cụ thể, sống động, bền vững hơn về thế giới xung quanh. Điều này làm cho trí tuệ của trẻ được củng cố và phát triển cao hơn.
Hoạt động lao động của trẻ mầm non bao giờ cũng gắn liền với hoạt động tạo hình. Trong quá trình lao động trẻ tập sáng tạo ra cái đẹp, tập phân biệt cái thô kệch với cái xù xì. Điều này giúp trẻ nhận diện chính xác cái đẹp, gia tăng lòng yêu mến cái đẹp trong trẻ. Như vậy lao động không chỉ làm phát triển thể lực, trí tuệ cho trẻ mà nó còn góp phần quan trọng vào việc phát triển xúc cảm, tình cảm thẩm mĩ cho trẻ lứa tuổi mầm non. Trong khi lao động ngoài việc tạo ra cái đẹp còn đòi hỏi các động tác và từng vận động của trẻ phải có trật tự chính xác hợp lí, mà tính chính xác hợp lí lại là một trong những cơ sở của mĩ dục. Trẻ tham gia lao động sẽ được cô hình thành cho tính nhịp nhàng đều đặn và uyển chuyển của vận động nghĩa là hình thành vẻ đẹp của động tác lao động. Những yếu tố thẩm mĩ và sự đánh giá về phương diện thẩm mĩ tính chất và kết quả của lao động đẩy mạnh việc nâng cao văn hóa lao động.
Trong 4 mặt của quá trình phát triển toàn diện, có lẽ hoạt động lao động sẽ chi phối nhiều nhất đến việc hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức cho trẻ. Hay noi đúng hơn trong công tác giáo dục đạo đức cho trẻ lứa tuổi mầm non người ta sử dụng lao động như là một phương tiện giáo dục đạo đức quan trọng.
Quá trình lao động đảm bảo việc hình thành những phẩm chất đạo đức như: lòng yêu lao động, sẵn sàng lao động không chỉ cho mình, cho người thân, mà còn cho xã hội, cho tổ quốc. Trong quá trình lao động, dưới sự hướng dẫn của người lớn trẻ hình thành được tính mục đích, tính kiên trì, tính độc lập, năng lực cố gắng lao động, và óc sáng tạo. Hình thức lao động trong tự nhiên là một trong những hình thức lao động có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành các đặc tính trên cho trẻ. Lao động trong tự nhiên góp phần phát triển óc quan sát, tính ham học, giáo dục trẻ hứng thú lao động nông nghiệp, kính trọng người lao động và khơi gợi lòng yêu thiên nhiên ở trẻ. Khi lao động ở vườn trường hay ở góc thiên nhiên ngoài việc có được những kỉ xảo thực hành đơn giản nhất để sử dụng các nông cụ, nắm được cách thức chăm sóc cây trồng, hiểu biết nhiều về sự sinh trưởng và phát triển của cây trẻ còn cảm thấy hứng thú với lao động. Bởi không những trẻ được trực tiếp cầm cuốc, cầm xẻng(những dụng cụ này phải phù hợp với trẻ) để đào xới đất mà còn được tận mắt nhìn thấy thành quả lao động của mình. Cây cối ở góc thiên nhiên trở nên xanh tươi hơn hay lớp học có thêm một cây mới do chính trẻ trồng sẽ làm trẻ thích thú hơn, hãnh diện hơn vì chính việc làm trên đã góp phần làm cho thiên nhiên xung quanh trẻ phong phú đa dạng và tốt tươi. Như vậy có thể khẳng định hứng thú đối với lao động của trẻ sẽ được tăng lên rất nhiều nếu trẻ trực tiếp tham gia vào đó, dù là ít, trẻ vui
sướng vì được tham gia lao động, nhìn thấy kết quả lao động của mình, sau này trẻ sẽ lao động tự giác để thực hiện những nhiệm vụ nhỏ ở nhà và ở trường. Không phải chỉ có hình thức lao động trong thiên nhiên mới hình thành hứng thú lao động cho trẻ mà trong thực tế mọi hình thức lao động có thể có ở lứa tuổi mầm non đều thực hiện được vấn đề này. Tận mắt nhìn thấy những sản phẩm tạo hình, những đồ chơi đơn giản hay tận mắt nhìn thấy lớp học gọn gàng hơn sau khi tham cùng các bạn thu dọn cũng làm tre hãnh diện và cảm thấy thích thú với hoạt động lao động. Những thành quả của lao động trong thiên nhiên còn có tác dựng hình thành cho trẻ tính kiên trì, nhẫn nại, một đức tính không thể thiếu ở con người năng động sáng tạo của thế kỉ 21. Chúng ta biết rằng thành quả lao động trong thiên nhiên khác với thành quả của các dạng lao động khác ở chỗ những thành quả này không có ngay sau quá trình trẻ lao động mà phải trải qua một thời gian dài trẻ mới đạt được kết quả chẳng hạn khi tham gia tưới nước cho cây trẻ không thấy được vẻ tươi tốt của cây ngay mà qua một, hai tuần trẻ mới nhận thấy điều đó. Rõ ràng phải mất một thời gian dài trẻ mới đạt được mục đích, nhưng để đạt được mục đích này trẻ phải nỗ lực kiên trì làm việc tỉ mỉ hằng ngày. Đây là điều kiện tốt để giáo dục cho trẻ tính kiên trì nhẫn nại.
Cùng với hình thức lao động trong thiên nhiên, hình thức lao động thủ công làm đồ chơi và đồ dùng cũng là phương tiện giúp hình thành các phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho trẻ mầm non. Lao động làm vật dụng lúc đầu do giáo viên hướng dẫn sau đó trẻ tự làm có tác dụng rèn luyện phát triển khả năng đạt mục đích, kiên trì đạt mục đích, khắc phục khó khăn của trẻ. Trẻ tập vạch ra những biện pháp thực hiện mục đích đặt ra, suy nghĩ về trình tự công việc, cách xử lí và cách gắn các vật liệu.
Hoạt động lao động thường được tiến hành trong tập thể đó là điều kiện để hình thành những quan hệ tập thể cho trẻ như: tinh thần tương trợ, niềm vui vì thành công của tập thể, sự thông cảm đối với bạn bè khi họ thất bại, và tinh thần sẩn sàng giúp đỡ họ... Quan sát hoạt động cùng nhau nhặt lá bàng dưới sân trường của một nhóm trẻ lớp chồi ở trường mầm non bán công Tuổi Thơ 7 ta sẽ thấy rõ điều này.
Một buổi sáng cô giáo My dẫn trẻ ra sân và nói "Hôm nay chúng ta cùng nhau nhặt tất cả những lá bàng ở sân trường nhé". Rồi trẻ bắt đầu nhặt. Bé gái thì nhặt lá cho vào sọt còn bé trai thì mang những sọt đó đến khu đổ rác của trường. Chúng làm việc với nhau rất vui vẻ, có lúc sọt lá quá đầy hai trẻ không thể khiêng nổi, cô gợi ý cho vài trẻ đến giúp bạn. Những đứa trẻ được cô gợi ý tranh nhau chạy đến giúp bạn thế là tinh thần giúp đỡ mọi người được hình thành trong trẻ, không những thế quan hệ bạn bè của trẻ cũng được cũng cố. Hai đứa trẻ được giúp đỡ cảm thấy yêu các bạn hơn, còn những đứa trẻ kia cảm thấy tự hào về hành động của mình. Khi đã nhặt hết lá bàng trên sân trường chúng tự hào khoe với nhau "sân sạch đẹp là do con gái chúng tớ đã nhặt hết lá trên sân, còn bọn con trai chúng tớ đã mang chúng đến khu đổ rác của trường đó". Những lời nói trên cùng với vẻ mặt hớn hở của trẻ chứng tỏ chúng rất hãnh diện về thành quả lao động của mình đồng thời hiểu rõ hơn lợi ích mà lao
động mang đến cho xã hội loài người từ đó hình thành cho trẻ lòng kính trọng và yêu quí đối với những người lao động, căm ghét những kẻ cố tình trốn tránh lao động, tìm cách lợi dụng lao động của người khác phục vụ lợi ích riêng của mình.
Ở trường mầm non ngoài tham gia lao động với bạn trẻ còn có thể tham gia lao động cùng cô. Lao động cùng cô giúp làm sáng tỏ những khái niệm của trẻ, kích thích tính ham học, quan tâm đến hoạt động của người lớn rèn luyện thái độ lao động đúng, ý thức tôn trọng lao động. Điều gì đã thu hút trẻ tham gia vào công việc chung với người lớn, điều gì thúc đẩy trẻ bắt chước lao động của người lớn ? Người lớn làm việc khéo léo và nhanh nhẹn sẽ làm trẻ thích thú và khâm phục. Các cháu trầm trồ " các bác biết làm mọi thứ". Trước mắt trẻ là những thay đổi kì diệu : tấm kính dần dần sáng bóng, chiếc ghế, chiếc xe bị hỏng trong đôi tay khéo léo lại trở thành mới mẻ. (8) Người lớn làm ra những đồ chơi hấp dẫn còn trẻ mong muốn nắm được kĩ năng này. Lao động chung sẽ hiệu quả hơn vì tính vụng về của trẻ được đổi tay khéo léo của cô tạo ra các sản phẩm không kém phần đẹp mắt. Trẻ phấn khởi vì đạt kết quả tốt từ đó có thái độ lao động tốt và có nguyện vọng lao động. Lao động với người lớn giúp trẻ khắc phục khó khăn làm trẻ thêm tin tưởng vào sức mình. Rõ ràng lao động chung cùng người lớn ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành đạo đức cho trẻ. Do đó người lớn cần lao động có văn hóa trước mặt trẻ, chẳng hạn trong lúc tưới cây ở góc thiên nhiên đứa trẻ chỉ biết múc nước vào bình, rồi mang đến tưới vào các gốc cây, chúng không cần biết đối với những loại cây này phải tưới một lượng nước bao nhiêu là đủ, chúng cũng không hề để ý đến cách lấy nước vào bình như thế nào để khi di chuyển không bị đổ ra ngoài. Nhưng khi quan sát cô làm công việc đó trẻ thấy cô không múc nước đầy vào bình tưới như trẻ mà chỉ múc khoang 2/3 bình rồi mang đến tưới vào các cây ở góc thiên nhiên, thao tác tưới cây của cô cũng khác trẻ, cô tưới nhanh qua các ngọn cây một lần sau đó tưới vào từng gốc cây, những cây thân to cô tưới nước nhiều hơn những cây thân nhỏ và khi tưới xong cô mang bình cất vào chỗ cũ. Nhìn góc thiên nhiên khô ráo sạch sẽ và tất cả cây đều xanh tốt mượt mà hơn sau khi tưới, trẻ nhận thấy cách làm của cô so với chúng gọn gàng hơn, có trình tự và có hiệu quả hơn vậy là trẻ nhanh chóng tiếp thu cách làm có văn hóa của cô. Người lớn cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để lôi cuốn trẻ tham gia vào quá trình lao động bằng cách giao cho trẻ những nhiệm vụ vừa sức và bước đầu hợp tác với trẻ. Ví dụ cô có thể giao cho trẻ một số nhiệm vụ trong các hoạt động lao động sau : - Thu dọn phòng ngủ: cô thu dọn nệm và khăn trãi giường, trẻ mang gối đi cất và xếp giường lại (hai cháu mang một cái hoặc kéo lê trên sàn)
- Thu dọn sau bữa ăn trưa: cô cùng trẻ mang tất cả chén bát từ trên lớp xuống nhà bếp
- Chuẩn bị giờ tạo hình : cô pha màu, quấy hồ, gọt bút chì, trẻ cắt giấy đổ hồ và bột màu vào đĩa - Lao động trong sân trường: cô bắt sâu cho cây, trẻ nhặt lá vàng và tưới nước còn nhiều và nhiều hình thức lao động khác nữa. Khi chọn các hình thức lao động để phối hợp giữa người lớn và trẻ cần tuân thủ các nguyên tắc : lao động phải thật tự nhiên, cần thiết và có ý nghĩa đối với trẻ, nó
phải phù hợp về mặt giáo dục và vệ sinh, trong đó hoạt động chung với sự phân công chức năng
giữa -trẻ và người lớn phải được thực hiện một cách dễ dàng và tự nhiên.
Thông qua lao động trẻ còn được giáo dục về ý thức gọn gàng và ý thức tôn trọng kết quả lao động của con người. Việc giáo dục trẻ ý thức giữ gìn mọi vật: giữ gìn quần áo giày dép sạch sẽ, sửa chữa đồ chơi ...cùng với việc nhấn mạnh giữ gìn quần áo giày dép sạch sẽ là để tỏ lòng biết ơn cha mẹ