Khi sử dụng bài tập theo hướng này thì cần dựa vào trình độ học sinh, chuẩn bị kiến thức và kĩ năng của bài học để lựa chọn bài tập phù hợp, không quá khó và các kết luận rút ra phải phù hợp với tiến trình tiết học. Mặt khác để giải quyết nhiệm vụ mà loại bài tập này đặt ra thì học sinh cần có một thời gian suy nghĩ nhất định nên đi kèm với bài tập phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề giáo viên phải có các câu hỏi phụ dẫn đường khi cần.
2.3.1.1. Các bước dạy học sinh bằng cách sử dụng bài tập phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong các bài, nghiên cứu tài liệu mới
Bước 1: Học sinh nghiên cứu bài tập
Học sinh thông qua bài tập do giáo viên thiết kế, bằng kiến thức đã học liên hệ với nội dung bài tập để phát triển mâu thuẫn.
Bước 2: Giải bài tập
Giáo viên có thể chia nhóm cho học sinh nghiên cứu tìm lời giải của bài tập (đối với bài tập có nhiều nội dung cần nghiên cứu) hoặc cho học sinh làm việc cá nhân (đối với bài tập có ít nội dung cần nghiên cứu). Trong bước này giáo viên có thể hỗ trợ học sinh tìm kiếm lời giải với những học sinh còn lúng túng khi trao đổi.
Sau khi giành thời gian cho các nhóm làm việc, tiếp theo giáo viên cho từng nhóm học sinh lên trình bày lời giải của nhóm; nhóm tiếp theo chỉ bổ sung ý kiến, không nhắc lại ý kiến trùng với nhóm trước, cuối cùng giáo viên tổng hợp lại ý kiến có bổ sung thêm để có bài giải hoàn chỉnh.
Bước 3: Rút ra kết luận.
Giáo viên nêu ra những kiến thức được lĩnh hội, những kiến thức cần hệ thống lại và đặt biệt là những kiến thức cần được khắc sâu.
2.3.1.2. Các bước dạy học sinh bằng cách sử dụng bài tập phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong các bài luyện tập, ôn tập
Bước 1: Học sinh nghiên cứu bài tập
Trong bước này giáo viên thường sử dụng ngay những kiến thức, kỹ năng mà sách giáo khoa đề cập. Vì vậy, để có thể thực hiện tốt bước này giáo viên cần chuẩn bị những vấn đề có tính chất làm rõ hơn bản chất các nội dung đã có sẵn.
Học sinh tự thống kê lại các kiến thức đã học được, nghiên cứu bài tập và phát hiện ra điểm chưa hoàn thiện của kiến thức ở bản thân, có thể tìm kiếm thêm thông tin qua các tài liệu tham khảo hoặc qua internet hoặc tham khảo ý kiến bạn bè.
Bước 2: Giải bài tập
Nội dung các bài tập đưa ra nên tập trung vào kiến thức trọng tâm của chương (với tiết học ôn tập) hay của một phần nhỏ (với tiết học luyện tập). Trong quá trình giải bài tập giáo viên luôn theo dõi để xác định mức độ nhận thức của học sinh khi học xong những bài đã học trước đó. Giáo viên cũng chia nhóm và cho học sinh nghiên cứu tìm lời giải cho bài tập hoặc cho học sinh làm việc cá nhân (với những bài tập có nội dung mang tính chất kiểm tra thông tin đã biết). Sau khi giành thời gian cho các nhóm làm việc xong giáo viên cho đại diện các nhóm lên trình bày lời giải, nhóm tiếp theo bổ sung, cuối cùng giáo viên tổng hợp lại để được lời giải hoàn chỉnh.
Bước 3: Rút ra kết luận
Giáo viên nêu ra những kiến thức cần lĩnh hội, kiến thức cần hệ thống lại và đặc biệt là nhấn mạnh những kiến thức trọng tâm của một chương hay một phần đã học.