7. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Phong trào Duy Tân Mậu Tuất
Thất bại trong chiến tranh Giáp Ngọ bộc lộ càng sâu sắc thực lực vô cùng yếu kém của Trung Quốc. Sau chiến tranh, chính phủ Mãn Thanh phải chi tiền chiến phí và bồi thường chiến tranh nên đã vay nợ đế quốc rất nhiều. Nhân cơ hội này, các nước đế quốc ngày càng tăng cường xâu xé, Trung Quốc ngày càng rơi sâu xuống vũng bùn của chế độ nô dịch. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với bè lũ đế quốc ngày một sâu sắc. Tiến trình chuyển mình của văn hóa Trung Quốc một lần nữa lay động, chuyển từ ôn hòa sang kịch liệt.
Trước sự tăng cường xâu xé của các nước đế quốc, cộng thêm sự yếu hèn của tầng lớp thống trị, trong xã hội Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trào lưu
tư tưởng mới, đòi cải cách chế độ, canh tân để cho đất nước sớm thoát khỏi ách nô lệ.
Khởi đầu là cuộc vận động Tự cường (1862 - 1882) của một số người, trong đó có các đại thần triều Thanh là Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên, Phước Thành, Lê Thứ Xương, Tả Tôn Đường, Quế Lương,...Và họ đã làm được một số việc như: Tăng Quốc Phiên ở Thượng Hải, lập xưởng chế súng đạn, lập trường dạy tiếng nước ngoài, phái học sinh sang học ở Âu Mỹ. Tả Tông Đường ở Phúc Châu, lập xưởng đóng tàu và trường dạy hải quân. Lý Hồng Chương ở Thiên Tân, lập Thủy sư học đường để huấn luyện binh sĩ, đồng thời phái học sinh ra nước ngoài học về hải quân và lục quân...
Khi tin bại trận truyền đến Bắc Kinh, dân kinh thành phản đối rất mạnh mẽ, những người đại diện cho giai cấp tư sản mới như Khang Hữu Vi (1858- 1927) lúc đó đang tham gia hội thi đã cùng Lương Khải Siêu (1873 - 1929) liên hợp các cử nhân 18 tỉnh tại kinh thành đến tụ họp tại am Tùng Côn cùng thảo luận việc viết thư thỉnh nguyện lên triều đình. Khang Hữu Vi, nhân đến Bắc Kinh dự thi Hội, liền tranh thủ vận động được 1.300 sĩ tử cùng ký tên vào Vạn ngôn thư 万言书 nêu ra kiến nghị gồm: không chấp nhận hiệp ước Mã Quan với Nhật và cần làm gấp cuộc biến pháp Duy Tân (nói vắn là biến pháp). Thư này được các sĩ tử ký tên rồi dâng lên Viện đô sát. Trong khi đó, Lương Khải Siêu cũng đã thảo thư với nội dung tương tự, kèm theo chữ ký của 190 cử nhân tỉnh Quảng Đông. Sau đó, hai thầy trò cùng vào dâng thư, nhưng thư không đến được tay Hoàng đế, vì bị Viện đô sát từ chối. Tuy nhiên, việc làm này của hai ông đã gây chấn động lớn ở kinh thành. Bởi từ thế kỷ 7, đời Nam Tống đến bấy giờ (cuối thế kỷ 19), mới lại thấy một phong trào học sinh dâng thỉnh nguyện lên Hoàng đế.
Khang Hữu Vi - lãnh tụ phong trào Duy tân sinh ra ở Quảng Đông, vùng đất cửa cảng đầu tiên phương Tây xâm lược Trung Quốc, vì vậy ảnh
hưởng của văn hóa phương Tây đã tác động đến nơi đây khá mãnh liệt. Giai đoạn ông ra đời là giai đoạn cuộc đấu tranh với phương Tây bằng biện pháp gay gắt đã kết thúc mà chuyển sang bằng con đường phát triển kinh tế. Điều kiện không gian và thời gian đã định vị sự xuất thân của ông, điều kiện lịch sử Trung Quốc khi đó cũng cho ông cả một khoảng trời một tiến trình nhận thức về sự thua kém của Trung Quốc và con đường phải đổi mới. Là một nhà trí thức, thi đỗ và làm việc tại kinh đô Bắc Kinh đã cho ông được sống trong môi trường trí thức. Sự tiếp thu mạnh mẽ xu hướng tiến bộ của học sinh và tấm gương Nhật Bản, nước láng giềng nhỏ bé, luôn bị Trung Quốc coi khinh đã duy tân thành công khiến Khang Hữu Vi dễ dàng nhận thấy sự thua kém của văn hóa Trung Quốc, sự tiến bộ của văn hóa phương Tây. Ông chủ trương phải học tập phương Tây một cách toàn diện. Nhận thức lớn lao của ông xuất hiện trong Đại đồng thư 大同书, ông kết luận: xã hội phải phát triển, biến chuyển chứ không thể đứng yên tại chỗ. Xã hội tương lai sẽ là một xã hội không có đế vương, người người bình đẳng, thiên hạ là của chung. Ông đề ra tư tưởng xã hội Trung Quốc cần phải thay đổi bởi thay đổi luôn luôn là bản chất của xã hội. Tư tuởng này được thể hiện trong Khổng Tử cải chế khảo孔 子改制考. Trong cuốn sách này, Khang Hữu Vi cho rằng Khổng Tử là một nhà cải cách; những điều phương Tây đề ra thì Khổng Tử cùng đã nhận thức được từ rất lâu rồi. Do vậy, duy tân chính là trở về với dân tộc và dân chủ, là hợp với đạo của người Trung Quốc. Chủ nghĩa yêu nước và yêu cầu của thời đại đã đẩy ông cùng trí thức yêu nước hợp thành một đội ngũ Duy Tân.
Tháng 6 năm 1896, Khang Hữu Vi (lúc này đã đỗ Tiến sĩ, đang làm ở bộ Công) nên có cơ hội hoạt động cho chủ trương Duy Tân. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu lại dâng thư đề nghị biến pháp lần nữa. Lần này nhờ có thầy dạy Hoàng đế là Trạng nguyên Ông Đồng Hòa, giúp đỡ nên thư mới đến
tay Hoàng đế. Sau đó, hai thầy trò được mời vào cung gặp Hoàng đế để trình bày cặn kẽ chủ trương và cách thức tiến hành. Khi nghe hai ông trình bày chủ trương biến pháp xong, Hoàng đế Quang Tự tỏ ý rất đồng tình, nên từ đó, hoạt động Duy Tân càng có thể phát triển.
Để chuẩn bị lý luận, tư tưởng và tổ chức cho công cuộc biến pháp, tháng 7 - 1896, Khang Hữu Vi ra báo Trung ngoại kí văn 中外纪闻 tuyên truyền tư tưởng Duy tân. Tháng 8 - 1896, ông tổ chức Cường học hội giao cho Lương Khải Siêu làm chủ bút và làm lãnh đạo hội. Kể từ lúc ấy, Lương Khải Siêu viết báo, dịch sách ở Đại học đường, và cùng các thành viên trong hội đi diễn thuyết nhiều nơi, lập ra Cường học hội ở các tỉnh lớn như Thượng Hải, Nam Kinh, Hồ Nam, .v.v. Ngoài ra, Lương Khải Siêu còn cùng bạn bè là Đàm Tự Đồng, Hoàng Tuân Hiến, Đường Tài Thường, Uông Khang Niên ra tờ Thời vụ báo 时务报 ở Thượng Hải và tờ Tương học báo 将学报 tại Hồ Nam... Trên tờ Thời vụ báo, ông lần lượt cho đăng bài Luận báo quán hữu ích vu quốc sự 论报馆有益于国事 và Biến pháp thông nghĩa 变法通议, gây được tiếng vang trong và ngoài nước. Trong thời gian này, ông còn soạn bảng Tây học thư mục biểu 西学书目表, liệt kê ra 300 loại sách đã phiên dịch từ tiếng Âu Mỹ ra tiếng Trung Quốc trong hơn 20 năm, để mọi người biết mà tìm đọc.
Phái thủ cựu lo sợ trước ảnh hưởng của tư tưởng Duy Tân nên đã ra lệnh cấm các hội này. Tuy vậy, phái Duy Tân vẫn hoạt động mạnh mẽ. Các tổ chức Duy Tân được thành lập ở khắp nơi.
Ngày 11 tháng 6 năm 1898 (Mậu Tuất), công cuộc biến pháp bắt đầu bằng hàng loạt các sắc lệnh của Hoàng đế, như mở trường học, làm đường sắt, cải cách chế độ thi cử, giảm biên chế các tổ chức hành chính, luyện tập quân
được ban ra, làm cho cả trong triều lẫn ngoài tỉnh xôn xao. Đúng là toàn biến
và tốc biến như khẩu hiệu đã đề ra. Lúc này Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đều được Hoàng đế phong chức Kinh khanh để có điều kiện lo cho công việc. Cuộc biến pháp đang tiến hành, thì vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của phái thủ cựu (sử gọi là Hậu đảng), mà người đứng đầu là Thái hậu Từ Hi.
Đàm Tự Đồng, một thành viên của phái Duy Tân, thấy Thái hậu Từ Hi cản trở công cuộc đổi mới, bèn khuyên Hoàng đế Quang Tự đoạt lấy chính quyền. Hoàng đế nghe lời bèn triệu Viên Thế Khải lúc đó đang thống lĩnh 7.000 quân về Bắc Kinh bàn việc, có ý dùng quân của Viên để bao vây Di Hòa Viên. Chẳng may việc đó bị tiết lộ (chính Viên Thế Khải phản Hoàng đế Quang Tự, vì thấy Từ Hi và phe cánh của bà hãy còn mạnh). Thái hậu Từ Hi vội vàng trở về Bắc Kinh, họp Hoàng đế Quang Tự và các đại thần lại. Quát mắng tất cả một hồi, bà tuyên bố rằng Hoàng đế bệnh, bà phải thính chính trở lại, và sai quân đem giam Hoàng đế Quang Tự ở Doanh Đài, trong hồ Tây Uyển. Sau đó, bà ban lệnh cấm sĩ dân dâng thư, phế bỏ cục Quan báo, đình chỉ việc lập học hiệu, dùng lại lối văn tám vế để chọn kẻ sĩ, bỏ khoa thi đặc biệt về kinh tế, bỏ các tổng cục nông công thương, cấm hội họp, cấm báo quán và cho truy nã các chủ bút… Tóm lại là chỉ trong một hai tuần, bà đã làm cuộc toàn hủy và tốc hủy các cải cách của Hoàng đế Quang Tự, sử gọi là Chính biến Mậu Tuất (1898), là Bách nhật Duy Tân (Duy tân trăm ngày)
Phong trào Duy Tân chủ yếu hoạt động trong tầng lớp quan lại, sĩ phu có ý thức tiếp thu tư tưởng biến cách, tầng lớp địa chủ tiến bộ, phú thương và tư sản dân tộc mới lên, họ là những đại diện cho tư tưởng tư sản tự do, mong muốn biến đổi xã hội theo ước vọng hạn chế của mình. Có một điều phải khẳng định rằng, mặc dù còn nhiều hạn chế trong nhận thức song tham gia phong trào Duy tân là những trí thức yêu nước. Họ là những người muốn tuyên chiến với những quan niệm, tư tưởng xưa cũ Trung Quốc là duy nhất, Trời không đổi đạo cũng không đổi (thiên bất biến đạo diệc bất biến).