Trong chăn nuôi lợn, hội chứng tiêu chảy ở lợn con chiếm tỷ lệ cao gây thiệt hại cho người chăn nuôi, làm ảnh hưởng đến kinh tế.
Trang trại chăn nuôi Bình Minh cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Trong thời gian thực tập dựa vào tài liệu ghi chép của trại tôi đã thống kê tình hình mắc hội chứng tiêu chảy trên đàn lợn con và được trình bày tại bảng 2.1
Bảng 2.1: Tình hình hội chứng tiêu chảy ở lợn theo lứa tuổi Tuổi lợn (Tuần tuổi) Số lợn điều tra (con) Số lợn nhiễm (con) Tỷ lệ (%) 1 115 24 20,87 2 115 40 34,78 3 115 33 28,70 Tính chung 345 97 28,12
Qua bảng 2.1 cho thấy, đàn lợn con của trại chăn nuôi Bình Minh mắc HCTC qua các giai đoạn là khác nhau. Tỷ lệ lợn mắc HCTC thấp nhất là ở tuần đầu chiếm 20,87%, cao nhất là tuần thứ hai 34,78%, tiếp theo là tuần thứ ba chiếm 28,70%.
* Lứa tuổi từ 1 đến 7 ngày
Lợn con từ lúc sơ sinh đến 7 ngày tuổi, trong giai đoạn này lợn con sống hoàn toàn phụ thuộc vào sữa mẹ, sữa mẹ cũng đáp ứng đủ cho lợn con sinh trưởng và phát triển bình thường.
Mặt khác trong giai đoạn này, lợn con được hấp thu một lượng kháng thể có hàm lượng rất cao trong sữa đầu, do đó lợn con được miễn dịch thụ động, chống lại các tác nhân bất lợi từ môi trường. Hơn nữa, hàm lượng sắt tích luỹ trong cơ thể từ thời kỳ bào thai, hàm lượng sắt được cung cấp từ sữa
đầu và hàm lượng sắt được bổ sung từ ngoài vào sau 3 - 5 ngày tuổi, đảm bảo cho lợn con phát triển bình thường.
Trên thực tế tại trại, lợn sơ sinh luôn được chú trọng chăm sóc tốt. Thời gian sưởi ấm luôn được đảm bảo, khung chuồng được lau dọn sạch sẽ, khô ráo, vì thế mà giai đoạn này tỷ lệ lợn mắc hội chứng tiêu chảy thấp nhất (20,87%).
* Lứa tuổi từ 8 đến 14 ngày
Giai đoạn này tỷ lệ mắc hội chứng tiêu chảy ở lợn con là cao nhất, điều này đúng với Phạm Sỹ Lăng (2002) [10], bệnh phân trắng được theo dõi từ những năm 1959 tại cơ sở chăn nuôi tập trung. Điều tra tại nông trường Thanh Hóa cho thấy tỷ lệ lợn con sơ sinh mắc bệnh và chết trong khoảng đầu năm 1961 là 74%. Tại nông trường Xuân Mai - Hà Tây (1982) có 16 đàn lợn đang bú mắc bệnh, tỷ lệ chết 50%. Lợn con thường bị bệnh phân trắng vào giai đoạn 8 - 10 ngày tuổi, cá biệt những con trên 1 tháng tuổi mới mắc bệnh.
Theo em điều này là do một số nguyên nhân sau:
- Trong giai đoạn này, cùng với sự giảm chất dinh dưỡng trong sữa mẹ thì hàm lượng kháng thể cũng giảm đi rất nhiều so với tuần đầu. Do đó cơ thể của lợn con mất đi yếu tố miễn dịch tiếp thu thụ động do mẹ truyền cho qua sữa. Hơn nữa trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của lợn con lúc này vẫn chưa đủ khả năng sản sinh ra kháng thểđể chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài, làm cho sức đề kháng và khả năng chống chịu bệnh tật của cơ thể kém, làm lợn dễ mắc bệnh, đặc biệt là hội chứng tiêu chảy ở lợn con.
- Ngoài ra, trong giai đoạn này cơ thể lợn con sinh trưởng nhanh, tốc độ tăng trọng rất cao. Theo Trần Cừ (1972) [3], lợn con sau khi đẻ 8 ngày trọng lượng tăng gấp đôi, 10 ngày tăng gấp 3 - 4 lần. Lợn con càng lớn thì nhu cầu sữa ngày càng cao, trong khi đó lượng sữa tiết ra của lợn mẹ lại giảm dần cả về số lượng và chất lượng nên không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của lợn con. Để khắc phục hiện tượng này, trại đã tiến hành cho lợn con tập ăn sớm (7
- 10 ngày tuổi). Do mới làm quen với thức ăn được cung cấp từ ngoài vào, dễ gây rối loạn tiêu hoá, làm cho lợn con dễ mắc hội chứng tiêu chảy.
- Mặt khác trong giai đoạn này, nhu cầu sắt của lợn con cũng rất cao. Nhu cầu sắt của lợn con là 6 - 7 mg/con/ngày trong khi sắt ở sữa lại không đáng kể (1 mg/con/ngày), điều đó chứng tỏ lợn con rất thiếu sắt. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu do giảm hàm lượng Hemoglobin, hạn chế sản xuất kháng thể, hạn chế sản xuất HCl hoạt hoá men pepsin, giảm khả năng tiêu hoá protein dễ gây rối loạn tiêu hoá. Vì thế mà lợn con rất dễ bị mắc hội chứng tiêu chảy.
- Bên cạnh đó ở giai đoạn này, lợn con đã khoẻ và hoạt động mạnh, nhanh nhẹn, bắt đầu liếm láp thức ăn rơi vãi, gặm khung chuồng, bao lồng ú, đây là điều kiện thuận lợi để cho vi sinh vật từ môi trường xâm nhập vào đường tiêu hoá của lợn con, nhất là vi khuẩn E. coli luôn tồn tại trong môi trường, vì vậy mà bệnh dễ phát sinh.
- Tất cả các yếu tố trên tác động vào lợn con, làm cho sức đề kháng của lợn con giảm, hơn nữa với tác động của các yếu tố ngoại cảnh tạo điều kiện cho bệnh tái phát. Vì vậy mà tỷ lệ lợn mắc hội chứng tiêu chảy trong giai đoạn này là cao nhất (34,78%).
* Lứa tuổi từ 15 đến 21 ngày
Đây là giai đoạn có tỷ lệ lợn mắc hội chứng tiêu chảy thứ 2 (28,7%). Ở giai đoạn này, cơ thể lợn đã dần quen và có khả năng đáp ứng với những thay đổi của môi trường, sức đề kháng của cơ thể được củng cố và nâng cao. Mặt khác, trong giai đoạn này lợn con đã được cho tập ăn cám, do đó đã khắc phục được sự thiếu hụt về dinh dưỡng của cơ thể. Đồng thời hệ thần kinh cũng đã phát triển hơn, đã điều hoà được thân nhiệt và các yếu tố stress bất lợi từ môi trường, hệ tiêu hoá cũng đã phát triển hoàn thiện hơn để tiêu hoá thức ăn bên ngoài.
Ngoài ra lợn con trên 14 - 16 ngày tuổi tình trạng thiếu HCl ở dạ dày không còn là sự cần thiết cho sinh lý bình thường nữa theo Đào Trọng Đạt và cs (1986) [9]. Vì vậy, việc tập cho lợn con ăn sớm đã rút ngắn được giai đoạn thiếu HCl, giúp hoạt hóa hoạt động tiết dịch, tạo khả năng xây dựng nhanh chóng các đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Do đó đã hạn chế được nguyên nhân của bệnh vì vậy mà giai đoạn này tỷ lệ mắc hội chứng tiêu chảy ở lợn con là thấp.
Như vậy, qua theo dõi tình hình mắc hội chứng tiêu chảy ở lợn con ở 3 giai đoạn, nhận thấy: Lợn con ở các lứa tuổi khác nhau thì tỷ lệ mắc bệnh cũng khác nhau. Điều này liên quan đến biến đổi sinh lý trong cơ thể lợn con, và cũng liên quan chặt chẽ đến những tác động bên ngoài, đến công tác vệ sinh phòng bệnh. Do đó, muốn hạn chếđược tỷ lệ bệnh chúng ta phải kết hợp nhiều biện pháp nhằm hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, trong đó phải chú trọng đến khâu vệ sinh, tạo bầu tiểu khí hậu chuồng nuôi thuận lợi.